/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

VĂN HỌC QUỐC TẾ

Bạn đồng hành

Bạn đồng hành nhí bật dậy như chiếc lò xo, lách vội qua người đàn ông đứng trước mặt và phóng ra cửa lên xuống.

Bạn đồng hành

Liuba Alexandrova (Bulgaria)



     Chú nhóc lên ngồi cạnh tôi từ lúc nào. Chuyến xe bus cuối cùng của ngày làm việc cuối tuần thật thưa thớt. Chú nhóc cỡ mười tuổi đi có một mình. Chiếc áo len cổ lọ màu cháo lòng quá khổ thò ra ngoài lớp áo khoác cáu bẩn. Bên dưới là chiếc quần jeans sờn phủ lên đôi giày thể thao chẳng rõ ra màu gì nữa.

 

Chú nhóc chủ động bắt chuyện:

- Cháu đang trên đường về nhà. Cả ngày đi đây đi đó bã cả người. Từ chín giờ sáng là cháu đã ra khỏi nhà rồi.

- Cả ngày ư? - Tôi ngạc nhiên - Cháu đi những đâu cho hết một ngày đường?

- Chẳng sót chỗ nào nữa. Khắp thành phố, qua những cao ốc mới xây, dọc các khu chợ… Cháu rất thích được ngắm nhìn những điều lạ. Thế mới là cuộc sống chứ.

- Cháu sống ở đâu, có xa lắm không? Cha mẹ có lo lắm không mỗi khi cháu về muộn? - Tôi gặng hỏi anh bạn nhỏ.

- Còn vài bến nữa thôi cô ạ - Cậu bé đáp rồi nhếch mép cười - Đâu có ai ngóng chờ gì cháu ở chốn đìu hiu ấy. Mọi người đều quen với chuyện cháu về muộn rồi.

- Mọi người nào? - Tôi lại ngạc nhiên - Chẳng bậc phụ huynh nào lại vô tâm đến thế…

- Dì và dượng ấy. Cháu sống với họ. Còn ba phải về quê chăm sóc ông bà, trong khi ông bà vẫn còn sức làm thêm. Đúng ra ba phải để mắt tới cháu như ông bà đối với ba thuở trước… Giờ đây ba chỉ ở nhà uống bia và xem đá bóng qua tivi, nhưng vẫn được tiếng là có hiếu nhất nhà. Vậy việc gì ba phải bận tâm đến cháu nữa…

Tim tôi nhói đau trước những câu trần tình của một đứa bé chưa bằng tuổi con mình.

- Thế mẹ cháu đâu?

- Mẹ đi làm xa gần nửa năm nay rồi. Dì cứ hy vọng mẹ sẽ gửi tiền về nuôi cháu, nhưng chẳng thấy đâu… Đời là thế đấy. Họ đã tuyên bố là chỉ "kham" nổi đứa cháu ruột hết tuần này, bởi lo cho con họ còn trầy trật nữa là…

Cả hai chúng tôi chìm trong im lặng hồi lâu. Chợt chú nhóc bật dậy đi dọc từ đầu đến cuối xe xem có ai quen không, hòng đi cùng họ một đoạn về nhà cho bớt sợ… Nhưng hành khách hết thảy đều lảng tránh cái nhìn của cậu bé rách rưới. Thậm chí có người còn cẩn trọng ôm chặt túi xắc tay vào bụng.

Ra chiều thất vọng, chú nhóc quay trở lại và với vẻ tin tưởng, chú thì thầm vào tai tôi:

- Cô có biết cháu vừa nảy ra một ý gì không? Cực hay!

- Nói đi! Cô thề sẽ giữ bí mật...

- Cháu sẽ… cưa bớt một chân đi, giống như dượng ấy. Trước hết nhằm loại trừ cái sở thích ham đi đây đi đó thật vô bổ; thứ nữa là dễ bề xin đồng loại rủ lòng thương hơn. Nhưng không cưa chân phải như dượng mà là chân trái, dù sao con người ta vẫn thuận bên phải hơn…

Tôi nghiêm mặt: "Cô cấm cháu làm cái trò dại dột ấy! Hãy trả lời cô đi, cháu học lớp mấy rồi? Hiện còn đi học hay không?".

- Đi học ư, thưa cô? Cháu đã từng học tới bài "Nước có mùi không?".

- Bài ấy có trong sách giáo khoa lớp 5. Tuy không phải là cô giáo dạy vật lý, nhưng cô vẫn có thể kiểm tra cháu về bài đó. Vậy nước có mùi gì?

- Không mùi, thưa cô! Tính chất vật lý của nước là không màu, không mùi và không vị. Tóm lại là trong nước lã chẳng có thứ mùi gì sất.

Rồi chú nhóc chợt phá lên cười, khoe hai hàm răng trắng bóng:

- Đúng ra bên ngoài sách vở nó có đủ mùi hết: mùi đá núi, mùi tuyết ẩm, mùi ống cống… Nhưng cháu lại hằng mong thứ nước cầm hơi ấy có mùi bánh mì, mùi thịt nướng, hay đơn giản là mùi khói bếp cũng được.

Tôi nín lặng không thốt ra lời. Hoàn cảnh oái oăm của người bạn nhỏ tuổi có nếp suy nghĩ rất người lớn đã đẩy tôi vào thế khó xử… Nội tâm tôi giằng xé. Tôi quyết định thò tay vô xắc, run run lôi hết khoản lương tháng vừa nhận hồi chiều ra dúi qua người cậu bé.

Không thấy chú bé đưa tay ra như vốn thấy ở những đứa trẻ bắt buộc phải hành nghề cái bang. Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, còn miệng không ngớt lắp bắp:

- Xin đừng… Thưa cô… Xin chớ làm vậy. Đơn giản em chỉ muốn thổ lộ tâm can cùng cô, bởi thật khó mà bắt chuyện với người lạ trên xe bus… Đừng có hiểu nhầm… Đời là thế…

Tiếng xe hãm phanh chuẩn bị dừng. Bạn đồng hành nhí bật dậy như chiếc lò xo, lách vội qua người đàn ông đứng trước mặt và phóng ra cửa lên xuống.

Tôi thẫn thờ ngồi lại vì chẳng kịp nói lời từ biệt

 

  Trần Hồng (dịch)
Theo VNCA