/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

THĂM MẢ NGHÈ THƯỢNG THƯ BỘ HỘ NHỮ VĂN LAN

Cuộc vui nào rồi cũng có hồi kết, xin phép mấy nhà văn Tiên Lãng chúng tôi còn đi có việc khác, hẹn một ngày không xa gặp lại.

THĂM MẢ NGHÈ THƯỢNG THƯ BỘ HỘ NHỮ VĂN LAN

.

     Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Đinh Dậu), Kim Chuông có phôn cho tôi đi Tiên Lãng chơi. Tôi đồng ý liền và hai anh em vi vu đến 10 giờ thì tới nhà Nguyễn Hữu Kiên. Hỏi ra mới biết Kiên là cháu gọi nhà văn Nguyễn Trọng Phịu (Thạch Lựu) là bác. Được một lúc thì ba anh em tới nhà Nguyễn Siêu Phàm ở gần đó. Đã lâu không tới nhà anh nên chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng: Nhà mới, vợ mới, thơ mới và cái gì cũng mới. Uống xong chén trà, mấy anh em rủ nhau đi Mả Nghè. Kim Chuông có hỏi: Mả Tiến sỹ nào? Tôi nhanh nhảu trả lời:  Cụ Nhữ Văn Lan và con gái Nhữ Thị Thục (Thân mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm).

      Ba anh em đi tới An Tử Hạ và tới nhà nhà văn Nguyễn Trọng Phịu, nhưng chẳng thấy bác đâu cả. Cuối cùng ba anh em thẳng ra Mả Nghè Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan. KC có hỏi: Thượng thư Bộ Hộ tương đương với chức nào thời bây giờ. Tôi nói: Tương đương với Bộ trưởng Bộ Tài chính thời nay, nhưng ngày trước chỉ có 6 bộ thôi và phải qua các kỳ sát hạch rất nghiêm túc.

      Thấy cổng vào khu Mả Nghè khóa, mấy anh em đang định về thì thấy trong cánh cửa gỗ có ghi số mob (điện thoại) của người cháu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trông coi khu lăng mộ này. Đang lúc đợi cửa mở, tôi có kể một câu chuyện vui đã xảy ra tròn 38 năm về trước.
.
 
4 nhà thơ, văn họ Nguyễn từ trái qua: Siêu Phàm, Thạch Lựu, Hữu Kiên và Kim Chuông
.

Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Siêu Phàm 

       Hồi ấy đất nước ta còn quá nghèo, tôi đã tới đây viếng mộ các Cụ, trông cũng bình dị như các ngôi mộ khác của dân làng. Lúc tới trường học của xã ở bên kia đường thấy quá tuềnh toàng, cửa sổ buộc bằng rạ, bàn ghế như răng ông lão 70. Tôi liền gặp chủ tịch xã, rồi hiệu trưởng nhà trường và đề nghị: Quê hương các anh là đất học, có gia đình TS. Thượng thư Nhữ Văn Lan nổi tiếng cả nước, nếu các anh không quan tâm tới việc học hành của các cháu thì bao giờ quê mình mới có người nối tiếp Cụ về đường khoa bảng. Nếu tháng sau tôi về qua đây mà các anh không tu bổ lại thì tôi sẽ báo cáo lên huyện và thành phố. Thế rồi một thời gian sau thì họ thay cửa sổ rạ buộc bằng gỗ đóng hòm... Tôi có hỏi Nguyễn Hữu Kiên: Thế từ trước tới nay xã mình có ai đỗ đạt cao không? Kiên trả lời: Không bác ạ!
.

3 nhà thơ họ Nguyễn và người quản trang trước mộ cụ Vương Thị Nhuận

      Chưa hết câu chuyện thì người quản trang Nguyễn Văn Dũng tới với một thái độ cởi mở và nhiệt thành. Anh tự xưng là cháu đời thứ 11 của Cụ Trạng Trình, nhưng tôi nói ngay là thứ 17 của Cụ, chứ không phải là đời thứ 11 vì Cụ mất đã 432 năm. Mấy anh em vào thắp hương tại mộ cụ Nhữ Văn Lan, cụ bà Vương Thị Nhuận và người con gái là Nhữ Thị Thục (Thân mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm). Diện tích khu nghĩa trang này vào khoảng 1 mẫu (3600m2), nhưng có điều đặc biệt là đã 500 năm nay nhưng chỉ có duy nhất tồn tại 3 ngôi mộ mà thôi.
.

Nhà văn Ngọc Tô trước lăng mộ TS. Thượng thư Bộ Hộ: Nhữ Văn Lan 

      Sau đó chúng tôi quay về và có gọi cho Nguyễn Trọng Phịu (điện thoại bàn) thì ông Phịu đã có mặt ở nhà. Mấy anh em liền ghé thăm và mời bác cùng tới nhà bác Phàm hàn huyên văn chương. Đến nhà Nguyễn Siêu Phàm, Kim Chuông liền nói: Anh nên đề trước cổng với cái tên thật nổi “Siêu Phàm”, vì anh có nhiều cái “siêu” thật.

      Cuộc vui nào rồi cũng có hồi kết, xin phép mấy nhà văn Tiên Lãng chúng tôi còn đi có việc khác, hẹn một ngày không xa gặp lại.

 Ngọc Tô