/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Ông giám đốc “chân đất” và chuyện văn chương

Còn viết văn được là phải đọc cho đứa cháu ngồi bên cạnh đánh máy hộ…” - nhà văn Lê Lựu cho hay.

Ông giám đốc “chân đất” và chuyện văn chương 


Nhà văn Lê Lựu nói từng có lúc muốn bỏ nghề viết. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ngồi đếm lại, cuộc đời toàn những cặp phạm trù vô lý, thậm chí đối nghịch với nhau

 Nói đến Lê Lựu phải kể đến những tác phẩm mà ông đã cho ra đời. Đối với một nhà văn, có được hàng chục cuốn tiểu thuyết như ông quả là gia sản khiến đồng nghiệp thèm thuồng. Ấn tượng về các nhân vật của ông cũng quá sâu đậm với bạn đọc, đến nỗi quanh cái tên Lê Lựu không biết bao nhiêu là giai thoại.

Giàu và nghèo

Ai cũng bảo ông có duyên đem chuyện mình ra kể, cho nên tình yêu của chàng trai quê mùa trong Thời xa vắng (năm 1986) bỗng chốc nổi như cồn, trở thành dấu ấn không phai trong lòng độc giả. Tác phẩm Sóng ở đáy sông (1994) cũng là một trường hợp tương tự, tưởng phải là những luồng lạch chết người cuốn chìm dưới đáy sâu nhưng tất cả đã nổi lên mặt nước dữ dội và khốc liệt về một giai đoạn của đất nước khiến bạn đọc khó quên lão Đại khét tiếng cổ hủ, thủ cựu; thằng Núi ba chìm, bảy nổi, tám lênh đênh cùng thời đại của hắn.

Nhà văn Lê Lựu Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà văn Lê Lựu Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ngoài tác phẩm, nhà văn Lê Lựu đã từng có một gia tài là tiền của, nhà đất hẳn hoi. Nhà văn thì thường “nghèo rớt mùng tơi” nhưng riêng Lê Lựu từ lâu đã ở trong hàng ngũ những nhà văn giàu. Nhưng chính vào thời điểm ra mắt cuốn Thời loạn, cũng là giai đoạn bi đát nhất trong đời Lê Lựu, mất hết cả nhà cửa lẫn bạc tiền…

Ông nhà văn chân quê nhất “làng văn” đã là nhân vật trong không biết bao nhiêu bài báo kể chuyện ông sang tận nước ngoài chỉ thích mang theo ngô luộc, ăn thì khoái mắm tép, hút thì chỉ điếu cày… trong một ngày đẹp trời bỗng trở thành Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. Đó là nơi gắn bó, giao lưu, gặp gỡ các giám đốc và người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức những chương trình hội thảo, hội nghị cấp quốc gia, quốc tế… Vậy nhưng Lê Lựu làm được thật. Suốt hơn chục năm, ông lãnh đạo cái trung tâm đó, kể cả sau khi lâm trọng bệnh, ông vẫn gắng sức gượng dậy để điều hành tiếp.

Cũng từ hồi làm giám đốc, chuyện văn chương có vẻ ít cơ hội tỏa sáng hơn. Ông tự sự hồi trước, hầu như năm nào cũng có một cuốn sách, còn suốt quá trình làm giám đốc, ông chỉ giới thiệu có 1 cuốn tiểu thuyết Thời loạn. Phải chăng đấy là một nghịch lý hay vì đã bước vào cuộc chơi thì phải chấp nhận những luật lệ khắt khe của nó?

“Bận là một phần nhưng thêm nữa cũng già rồi, hiểu biết nhiều hơn nhưng sức lực lại có hạn, không phải thích làm gì là làm được ngay như hồi trẻ” - nhà văn ngậm ngùi - “Cũng còn một nguyên nhân nữa là các vấn đề xã hội bây giờ đều gai góc quá, viết cuốn nào cũng nhiều chuyện xảy ra, thành ra có lúc 3-4 năm tôi không muốn viết; thậm chí có lúc định bỏ hẳn nghề văn”.

Con người “thời loạn”

Thời loạn (xuất bản năm 2010), nghe tên thì thấy hừng hực khí thế nhưng đọc văn thấy dường như câu chuyện lại… chìm nghỉm đi đâu. “Do lâm trọng bệnh và bị nằm liệt giường, liệt chiếu suốt mấy năm liền nên tôi không để ý phản ứng của bạn đọc và bạn văn” - nhà văn Lê Lựu tâm sự. Thời loạn kể về một cô có cái tên rất “ác chiến” - Xanh Dương Lẫm Liệt. Hình ảnh cô vừa xinh đẹp vừa xấu xa, vừa dịu dàng vừa sắc sảo, vừa nghiêm cẩn vừa đĩ thõa, y như “cái thời đại nhố nhăng” mà tác giả cảm thấy và phản ánh trong những lời văn cay độc.

Thế nhưng, hình ảnh cô Lẫm Liệt vẫn cứ mờ mờ nhàn nhạt thế nào, nó không nổi lên như cồn được trong lòng độc giả. Và nữa, dường như “nó” (không chỉ là cô Lẫm Liệt mà còn là hình tượng thời đại truyện đã xây dựng) vẫn còn lấn cấn pha trộn giữa cái đầu xù xì mang tinh thần hiện đại với phần đuôi gai góc rơi rớt lại của “con khủng long” có hình dáng thời bao cấp. Thế nên, nó lỡ cỡ, khó vừa vặn với tâm lý đọc của bất cứ loại độc giả nào: mới hay cũ, cách tân hay cổ điển, già hay trẻ, tuổi trung niên hay lứa xì-tin...

Không biết Thời loạn có bao nhiêu phần trăm dấu ấn đời sống của tác giả trong đó? Không biết những năm làm giám đốc, phải vật vã với cái nóng bỏng, lạnh lùng, tàn nhẫn, đua chen… của thương trường có ảnh hưởng đến nhân vật và tác phẩm của ông tới đâu? Như nhân vật cô Lẫm Liệt của ông, mặc dù thuộc thành phần trí thức nhưng lại đậm chất “con buôn”, với lối nghĩ, cách ăn nói, thói quen hành xử “chợ búa”; không học hành bằng đầu óc mà bằng thân xác; không kiếm tiền bằng tài hoa mà bằng “vốn tự có”...

Nhà văn Lê Lựu thừa nhận: “Tất nhiên, ai viết văn đều có ghi chép lại sự thật từ cuộc đời mới viết được. Mình hiểu mình nhất nên phải khai thác mình. Tuy không phải mình là nhân vật nhưng tính cách, tâm tư, tình cảm của mình trong nhân vật là nhiều nhất. Thế nên, người ta cứ gán tôi vào… thằng nọ thằng kia... Nhưng điều đó không quan trọng, miễn là nhân vật thành công và bạn đọc nhớ tới nhân vật đó”.

Không kể hết bệnh

Ở tuổi đã “thất thập cổ lai hy”, nhà văn bị đủ thứ bệnh mà hễ nhắc đến là người nghe phải rùng mình, nổi hết da gà. “Tôi bị nhũn não, bị gút, gan, phổi, tim, thận, tụy, đốt sống cổ, mất ngủ hàng mấy năm trời… xòe hai tay hai chân đếm mãi không hết bệnh... Có thời gian, tôi bị xuất huyết não đến mấy lần liền, cứ vào viện, ra viện rồi lại vào viện, nằm liệt giường liệt chiếu, mỗi ngày hàng chục vốc thuốc uống vào người. Còn viết văn được là phải đọc cho đứa cháu ngồi bên cạnh đánh máy hộ…” - nhà văn Lê Lựu cho hay.

 Hòa Bình 

Nguồn: Người lao động