/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

NHỮNG “HẠT SẠN” TRONG CUỐN “TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA ĐỊA DANH HẢI PHÒNG”

Ngoài ra cuốn sách “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” còn khá nhiều lỗi sơ đẳng khác mà chúng ta có thể tìm ra ở các huyện khác,

 NHỮNG “HẠT SẠN” TRONG “TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA ĐỊA DANH HẢI PHÒNG”

 

          Thật lòng mà nói thành phố Hải Phòng cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” là đáng trân quý. Các nhà nghiên cứu, các nhà viết sách về lịch sử địa phương đều dựa vào cuốn sách này để làm tư liệu chính. Đặc biệt các di tích lịch sử, di tích văn hóa, lịch sử làng xã, phường quận… cũng lấy tư liệu từ cuốn sách này. Nhưng do sự vội vàng hoặc do nguyên nhân chủ quan nào đó, mà còn một số “hạt sạn” vẫn tồn tại, cần được lược bỏ. Năm trước tôi có hỏi lại một cán bộ Nhà xuất bản Hải Phòng đã về hưu xem hơn hai chục năm qua có ai khen chê cuốn sách này không và nhận được câu trả lời: Khen thì có, chứ chê thì chưa? Rồi lúc viết tập sách về Vĩnh Bảo “Những trầm tích thời gian”, tôi có xem qua một số làng xã liên quan tới những địa danh tôi cần tìm hiểu, nay mạnh dạn trình bày quan điểm của mình để những người làm sách và bạn đọc tham khảo.

     Cuối thế kỷ XX, tôi có viết về mảnh đất Nội Tạ ven triền Tả sông Hóa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Trong đó đình Nội Tạ, tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Bảo thờ hai vị thành hoàng là Thiện Thông Hưng Sỹ (dương thần), tên húy là Sỹ và công chúa Ngọc Ngân, tên húy là Ngọc (âm thần). Trước năm 1938, Nội Tạ còn lưu giữ được bảy sắc phong thuộc các đời: Tự Đức 6 (1853) và 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909, 2 đạo), Khải Định 9 (1924, 2 đạo). Sau đó chúng tôi được tiếp xúc với một già làng, nguyên là giáo viên phổ thông trung học cơ sở. Hai bên đã xảy ra tranh luận khá gay gắt. Ông giáo già kia liền mang “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” xuất bản năm 1998 mở trang 330 cho chúng tôi xem. Đây các ông xem đi:Đình Nội Tạ, tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Bảo thờ hai vị thành hoàng là Thiện Thông Hưng Sỹ, tên húy là Sỹ và Ngọc Hân công chúa, tên húy là Ngọc. Cả hai chưa rõ thần tích. Theo tài liệu khác Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển Tông, lấy Quang Trung. Khi Quang Trung mất, Ngọc Hân viết bài “Ai tư vãn” để khóc chồng...

     Bằng hết tâm huyết chúng tôi cố gắng giải thích:

+ Từ điển của địa phương Hải Phòng ghi chưa đúng tên về vị thần thứ hai bác ạ, tên húy của bà là Ngọc chứ có phải là Hân và không bao giờ có chuyện vua nhà Nguyễn lại phong thần cho vợ vua nhà Tây Sơn?

+ Các anh đúng hay những “cây đa, cây đề” làm “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” đúng? 

       Từ lúc nhìn thấy tên các tác gia trên, tôi thật “choáng ngợp” vì toàn là “cây đa, cây đề” của làng sử và làng từ điển quốc gia,… Lấy lại bình tĩnh tôi liền giải thích với ông và khảng định chắc chắn sách in sai. Tôi lấy ví dụ như có bao giờ Chủ tịch nước Việt Nam ngày nay lại tặng Huân chương hay phong “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không? Hay trước đây Tổng thống Ngô Đình Diệm có bao giờ phong “Mề đay” cho phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam không? Vì nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn là “kẻ thù không đợi trời chung” với nhau. Nhưng cuối cùng chúng tôi không thể thắng được già làng này và bị ăn chửi, bị nguyền rủa thậm tệ từ đó tới tận nay.

          Sau đó tôi phải lọ mọ vào Nam ra Bắc, kể cả tới cố đô Huế… để tìm bằng được vị thần thứ hai kia là ai. Tháng 06 năm 2020 chúng tôi làm từ thiện bốn tấm bia thành hoàng làng Nội Tạ và tin rằng câu hỏi kia đã có lời giải đáp là công chúa Ngọc Ngân (Âm thần), con gái vua Hùng, song nhiều thôn dân Nội Tạ vẫn tin vào “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng”.

          Trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi khá nhiều các Phúc thần là Thượng đẳng thần từ thời Trần, thời Hậu Lê hay thời Mạc là chưa chính xác (trang 97,…) vì trước đây triều đình phong kiến chỉ phong tôn thần, đến thời nhà Nguyễn mới phân làm 3 loại là: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và tôn thần. Cũng từ việc có cầu thì ắt có cung, nên khá nhiều di tích văn hóa được xếp hạng cấp thành phố hay cấp quốc gia có nhiều sắc phong “dởm” về nội dung, quê quán, mỹ tự của từng triều vua,… mà chỉ những người chuyên môn đọc là biết liền.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA ĐIA DANH HẢI PHÒNG H NHÀ XUẤT BÀN HÀI PHONG 1998'

 

          Rồi một chuyện nữa là năm Minh Mạng thứ 19 (1838) huyện Vĩnh Bảo được thành lập, mấy chục năm đầu huyện lỵ Vĩnh Bảo ở tổng An Bồ (khu vực triền Hữu sông Luộc), đến năm 1891 vẫn còn nằm ở tổng An Bồ, sau đó mới di dời về Đông Tạ. Nhưng trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi huyện lỵ chỉ ở một nơi duy nhất là Đông Tạ. Hay huyện lỵ Vĩnh Bảo dù ở tổng An Bồ, hay sau này di dời về tổng Đông Tạ thì hai nơi này đều thuộc đất của huyện Tứ Kỳ, nên theo luật thì huyện Vĩnh Bảo là từ huyện Tứ Kỳ mà ra chứ không phải từ huyện Vĩnh Lại như trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi. Cũng như nước Nga có ba phần tư diện tích nằm ở châu Á, nhưng quốc gia Nga vẫn thuộc châu Âu vì thủ đô Nga nằm ở châu Âu.

          Hay hai từ Vĩnh Bảo (永保) theo tiếng Hán là “bảo vệ vĩnh viễn”, chứ không phải là “báu vật trường tồn” (永宝) như trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi. Nhiều người hỏi lấy căn cứ từ đâu để chúng tôi khảng định điều này? Tôi dựa vào các sắc phong triều Nguyễn cho các làng xã Vĩnh Bảo, các văn bia đá cổ thời Nguyễn và bản đồ thời Nguyễn của huyện Vĩnh Bảo…

          Hay rất nhiều các nhà khoa bảng quê ở tỉnh Hải Dương thì ghi nhầm trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” là của huyện Vĩnh Bảo. Ví dụ: Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Văn Thái…, người xã Tiền Liệt hoặc Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Bích…, người xã Ứng Mộ… đều ghi là nay thuộc Vĩnh Bảo, nhưng thực tế thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Thế nên Hội Sử học Hải Phòng tư vấn làm cuốn Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo ghi nhầm cũng khơ khớ các nhà khoa bảng (năm 1998 và năm 2018) và nhiều danh nhân khác chưa chính xác.

     Hoặc trang 166 ghi Nguyễn Duy Minh là nhà khoa bảng quê xã Hà Dương, tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại. Chúng tôi tìm đủ các loại sách từ cổ chí kim từ thời phong kiến tới nay của trung ương và tỉnh Hải Dương đều không nhắc tới cái tên này thuộc xã Hà Dương, huyện Vĩnh Lại.

     Đặc biệt là hai nhà khoa bảng Lê Tử Khanh đỗ Tiến sỹ năm 1523 và Phí Vạn Toàn đỗ Tiến sỹ năm 1535 người quê xã Xuân Trì huyện Vĩnh Lại. Trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” lại “mọc” ra xã Xuân Trì thuộc huyện Vĩnh Bảo, nay thuộc xã Hùng Tiến. Xã Xuân Trì là tên ghép hai thôn Phương Trì và Xuân Hùng, thực tế tại xã Hùng Tiến chưa có làng Xuân Trì bao giờ. Làng Xuân Cốc xưa kia của xã An Hòa, sau năm cải cách ruộng đất (1956) mới cắt về Hùng Tiến. Còn cái tên Xuân Hùng do ghép từ hai thôn Xuân Cốc và xóm Trại thôn Đại Nỗ mới có từ cuối thế kỷ XX (1989 - 1900). Làng Xuân Trì huyện Vĩnh Lại là có thật và hai Tiến sỹ kia cũng chính xác, nhưng từ năm 1838 nó đã ở huyện khác, tỉnh khác rồi?

      Trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” có ghi: “…Đến đời Đồng Khánh (1886) thì thôn Phương Đường đổi thành Phương Trì, sau ghép với Xuân Hùng thành Xuân Trì”. Nếu theo từ điển này thì làng Xuân Trì mới có tuổi đời vài chục năm và xưa kia (trước 1838) hai mảnh đất này đều thuộc huyện Tứ Kỳ, chứ chưa bao giờ thuộc huyện Vĩnh Lại, vì nó nằm sâu trong biên giới huyện Tứ Kỳ. Như vậy tuổi đời của làng Xuân Trì có vài chục năm, mà hai Tiến sỹ kia đã có tuổi đời trên 500 năm?

     Trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng”, (trang 324 có ghi: “Miếu Nhân Giả, xã Vinh Quang được biết thần tích hai vị thần này là Cương Nghị đại vương và Bảo An đại vương, đây là hai anh em sinh đôi, biết nói từ khi mới lọt lòng, đều không rõ tên húy, sinh cùng ngày 10/08, hóa ngày 10/10, văn võ toàn tài, được vua Lý sai đem quân đi đánh Chiêm Thành, có công được phong tước. Hai vị Cương Nghị và Bảo An còn được thờ ở đình Hà Phương (xã Thắng Thủy), đình An Ninh (xã Vĩnh An),...”

          Còn theo thần tích của làng Hà Phương (trang 168) là một “vị thần họ Nguyễn, hiệu Bảo An là con của vị huyện lệnh Tứ Kỳ về dạy học ở làng Hà Hương (từ đầu thế kỷ XIX tới nay đổi là Hà Phương). Mẹ của Bảo An mộng thấy rồng trắng từ trên trời hạ xuống, quấn quanh người bà ba vòng rồi biến mất, để lại hai sợi râu. Sau bà sinh hai con trai, mới lọt lòng đã biết nói. Hai anh em được ban quốc thích theo họ Hùng. Anh tên Nghị, mới mười bốn tuổi đã được vua Hùng ban chức Tham tán đại tướng quân, em tên là Bảo giữ chức Thái bảo nguyên súy đại tướng quân”.

     Hay một minh chứng nữa là tấm bia đá thần phả với kích cỡ chiều cao một mét hai lăm, chiều rộng bảy mươi lăm xăng-ty-mét, bề dày mười sáu xăng-ty-mét, được tạo dựng năm Tự Đức thứ 28 (1875) của đình Bến (thôn Hà Phương, xã Thắng Thủy) ghi lại hai anh em vị thần là Cương Nghị và Bảo An có thần tích từ thời Hùng Vương.

     Qua nghiên cứu chúng tôi thấy hai vị thần là anh em sinh đôi Cương Nghị và Bảo An được thờ ở miếu Nhân Giả (xã Vinh Quang) cũng như ở đình Bến thôn Hà Phương (xã Thắng Thủy) hay tại đình An Ninh (xã Vĩnh An) và một số nơi khác nữa chỉ là một và được vua nhà Nguyễn phong sắc với mỹ tự Đoan Túc. Song do sự bất cẩn của một số người làm sách đã chép nhầm dẫn đến hai vị thần này được thờ ở Nhân Giả thì là tướng quân họ Lý đời nhà Lý, còn ở các nơi khác thì là tướng quân gốc họ Nguyễn thời Hùng Vương?

Một thần thờ ở nhiều nơi

Nơi tướng nhà Lý, nơi đời Hùng Vương

Thôn này họ Lý dị thường

Làng kia họ Nguyễn biết phương nào tìm

Buồn kia phủ kín màn đêm

Nỗi đau nhoi nhói con tim cuối mùa?

          Còn về địa danh trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” trang 324 thì thôn Nhân Lễ thuộc xã Vĩnh Long lại nhầm sang xã Vinh Quang, mà hai xã này rất xa nhau, trước đây hai địa danh này thuộc hai huyện khác nhau là Tứ Kỳ và Vĩnh Lại. Hay thôn Thượng Am thuộc xã Liên Am thì ghi thuộc xã Cao Minh, thôn Ngọc Đòng thì ghi Ngọc Đồng lại thuộc xã Đồng Minh, mà thực tế thuộc xã Liên Am. Năm 2015 khi viết cuốn “Nguyễn Văn Ngọ - Bình minh của mảnh đất quê hương”, tôi có ghi quê ông theo Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng là làng Hạ Đồng, tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Lại, rồi hơn hai năm sau khi nghiên cứu về mảnh đất, con người nơi đây tôi mới thấy làng Hạ Đồng thuộc sở Tây Tạ, tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, chứ không như từ điển ghi…

          Hay làng An Biên (tên Nôm là Vẻn) tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại (trang 14) đã có người tới ở từ thời Trần, thì trong “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” trang 14 ghi: Vào thế kỷ XV – XVIII một chi họ Nguyễn ở làng An Biên (nay thuộc nội thành Hải Phòng) di cư tới miền đất này lấy tên là Cấm Vẻn. Thực tế thì làng Vẻn ở Vĩnh Bảo có trước làng Vẻn ở quận Lê Chân, Hải Phòng khoảng hai thế kỷ…
      Hay trang 45 xã Bạch Mai... Tên gọi có từ đầu thế kỷ XX, có thể tách ra từ làng Hoàng Mai, nhưng thực tế làng này có từ xưa mang tên Song Mai. Thực tế từ 
năm 1901 thì tổng Song Mai gồm các xã Song Mai, Miêu Nha (Do Nha), Mai Thự, Hà Liễn của huyện Thủy Nguyên được cắt chuyển về huyện An Dương, nay là xã An Hồng. Và xã Song Mai thuộc tổng An Dương cũ đổi thành Bạch Mai vì trong một huyện không thể có hai địa danh trùng tên nhau.

          Hay làng An Biên, tổng An Dương, huyện An Dương xưa (trang 15). Phần đất tương ứng với ngày nay là quận Ngô Quyền, quận Lê Chân, nhưng chúng tôi có bản đồ cổ thời Lê mạt, Nguyễn. Phần đất làng Vẻn chỉ từ ngõ Hàng Gà tới hết khu vực Nhà hát Lớn và vòng hết phường Trại Cau ngày nay. Phần cuối trang sách còn khảng định: “Tên gọi do Lê Chân đặt tên… Căn cứ An Biên do Lê Chân thành lập và chỉ huy… (cũng từ đó xuất hiện cụm từ “hải tần phòng thủ”). Có ý kiến cho đây là nguồn gốc của địa danh Hải Phòng, nhưng không đúng…”

          Thực tế từ năm 1695 thì phía trước Nhà hát Lớn thành phố ngày nay còn là biển, bia đá chùa Vẻn ghi: “ngày ngày nước triều lên xuống, cảnh trí thật nên thơ” (trang 15 ghi)… Chúng tôi đã xem toàn bộ thần tích của những nơi có liên quan tới Lê Chân như làng An Biên (quận Lê Chân), làng An Biên (Đông Triều), làng An Biên (Vĩnh Bảo) và tương truyền nơi bà mất tại xã Thanh Sơn huyện Kim Bảng… Tất cả chỉ là tương truyền, ngay Đại Việt sử ký toàn thư cũng không nhắc tới hai chữ Lê Chân.

     Hay quê bà tại thôn An Biên, xã Thủy An, Đông Triều cũng chỉ là tương truyền mà thôi. Điều minh chứng cho quê bà là đền thờ xây vào thế kỷ XX, theo thôn dân An Biên nơi đây nói lại thì đền có từ thời Lê mạt, tức sau khi bà mất gần 1600 năm? Còn tại Hải Phòng đền Lê Chân, mà “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi là đền Nghè (trong khi đó bà không là Tiến sỹ) còn giữ được năm bia đá Hầu Thần, trong đó có bia trong đền lưu công đức lập năm Khải Định thứ 7 (1922) và ba bia để ngoài trời lập vào các năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Tự Đức nguyên niên (1849), Tự Đức thứ 19 (1866) cùng một Thiên đài trụ dựng gần đó được lập vào tháng chín năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thịnh 6 thời Tây Sơn (1798).

          Nữ tướng Lê Chân được nhân dân ba làng (ở quận Lê Chân – Hải Phòng, ở xã Thủy An - Đông Triều – Quảng Ninh, ở xã Thanh Sơn - Kim Bảng – Hà Nam) vinh danh là thành hoàng làng, nhưng chưa được nhà vua thời phong kiến phong Phúc thần (chúng tôi đã xem toàn bộ Thần tích Thần sắc của các làng trên do hương Lý – Kỳ mục viết năm 1938.

          Ngoài ra cuốn sách “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” còn khá nhiều lỗi sơ đẳng khác mà chúng ta có thể tìm ra ở các phần huyện khác, kể cả trong phần huyện Vĩnh Bảo nữa. Mong rằng chính quyền thành phố Hải Phòng nếu có tái bản thì Ban Biên tập sẽ quan tâm hơn nữa để bớt các “hạt sạn” trong tập sách để đúng với tên từ điển bách khoa địa danh?

NHƯ NGỌC