/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Nhà thơ Mai Văn Hoan trao đổi với nhà thơ Vương Trọng về chuyện Thúy Kiều nhớ ai

Câu chuyện muốn nói với người đời rằng phải tùy theo từng trường hợp cụ thể để đánh giá sự vật, không nên dập khuôn một cách máy móc.

Nhà thơ Mai Văn Hoan trao đổi với nhà thơ Vương Trọng về chuyện Thúy Kiều nhớ ai

Mai Văn Hoan
 

Anh Vương Trọng kính mến!

 

Tôi hết sức biết ơn khi đọc bài Thúy Kiều nhớ ai? của anh. Được một nhà một nhà Kiều học như anh quan tâm đến bài viết của mình là một vinh hạnh đối với tôi. Đúng như lời đề dẫn của Tạp chí Cửa Biển (tháng 4- 2014): “Hiểu cặn kẽ kiệt tác Truyện Kiều là điều không dễ. Hai trăm năm qua đã có biết bao cuộc tranh cãi, trao đổi… và xem ra việc đó chưa dừng ở hiện tại và tương lai”. Vì thế, việc anh và tôi trao đổi về chuyện Thúy Kiều nhớ ai ? cũng là chuyện bình thường. Giá có thêm một vài người cùng tham gia bàn luận, trao đổi thì hay biết mấy. Vì phải qua trao đổi, bàn luận mới sáng tỏ vấn đề, mới giúp độc giả hiểu đúng, hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về kiệt tác Truyện Kiều.

Thực lòng, khi bài viết Phải chăng cụ Đào Duy Anh có sự nhầm lẫn? của tôi được đăng tải, tôi rất nóng lòng đón chờ những ý kiến phản hồi. Đây là dạng bài nêu vấn đề chứ tôi không dám khẳng định. Hai chữ “phải chăng” toát lên điều đó. Vì đụng đến một chuyên gia về Truyện Kiều như cụ Đào Duy Anh, buộc tôi phải hết sức thận trọng. Nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám bày tỏ những ý kiến riêng của mình, tôi đã mạnh dạn đề xuất một cách hiểu khác trong đoạn thơ Nguyễn Du diễn tả tâm trạng Thúy Kiều khi chờ đợi Thúc Sinh. Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết của mình, đã đắn đo, cân nhắc từng từ, từng chữ và cuối cùng quyết định công bố để mọi người cùng tham gia trao đổi, bàn luận.

Tôi hoàn toàn nhất trí với anh: “nói chung, ngôn ngữ Truyện Kiều khá trong sáng”. Nhưng anh nói rằng tôi tỏ ra đồng tình với Đoàn Phú Tứ khi nhận định “cách viết thiếu minh xác” của Nguyễn Du trong Truyện Kiều dẫn đến khó hiểu, làm như “thiếu minh xác” “là một đặc điểm của ngôn ngữ Truyện Kiều” thì thật oan cho nhà thơ họ Đoàn và tôi. Theo nhà thơ Đoàn Phú Tứ: Trong Truyện Kiều có một số câu, số đoạn thiếu “chủ từ”, nếu không “minh xác” được “chủ từ” sẽ dẫn đến sự hiểu nhầm đáng tiếc. Và nhà thơ họ Đoàn đã dồn nhiều tâm sức đi tìm “chủ từ” cho những câu thơ, đoạn thơ đó. Đâu có chuyện “làm như thiếu minh xác” “là một đặc điểm của ngôn ngữ Truyện Kiều”? Hai đoạn thơ Nguyễn Du diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều chờ đợi Thúc Sinh và chờ đợi Từ Hải nằm trong số ít những câu những đoạn thiếu “chủ từ” như thế. “Chủ từ” mà Đoàn Phú Tứ gọi ở đây không phải là chủ ngữ mà là đối tượng được chủ ngữ hoặc tác giả đề cập tới, buộc người đọc phải suy đoán. Mỗi người tùy theo cách suy đoán của mình mà có những cách hiểu khác nhau. Có những cách hiểu đúng, có những cách hiểu sai dụng ý tác giả, cũng có những suy đoán mà ngay cả tác giả cũng khá bất ngờ. Chẳng hạn như ở đoạn Nguyễn Du diễn tả tâm trạng nàng Kiều khi đợi chờ Từ Hải, đọc đến câu: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, cả anh và tôi đều cho là Thúy Kiều đang nhớ và nghĩ về Thúc Sinh, nhưng do cách nói không có “chủ từ” mà nhà văn Vũ Hạnh lại cho hai câu đó là Thúy Kiều nhớ và nghĩ đến Kim Trọng (tôi đã có bài viết về sự suy đoán nhầm lẫn này). Trở lại với đoạn Nguyễn Du diễn tả tâm trạng nàng Kiều khi chờ đợi Thúc Sinh, cũng do cách nói không có “chủ từ” mà tôi và anh có hai cách suy đoán khác nhau, hai cách hiểu khác nhau. Đó là điều hết sức thú vị, cho chúng ta có cái để trao đổi, bàn luận. Còn như các câu đã có “chủ từ” hoặc có một số căn cứ “minh xác” đối tượng mà chủ ngữ hoặc tác giả hướng tới, đại loại như các câu sau đây:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu

Mỗi ngày một ngả bóng dâu tà tà

Dặm ngàn nước thẳm non xa

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này

chẳng cần phải giải thích, phân tích gì thêm thì xưa nay mọi người đều biết là Kiều đang nghĩ về đối tượng nào rồi. Cũng cái “bóng dâu” ấy ở trong câu Bóng dâu đã xế ngang đầu vì không có “chủ từ” và chẳng có gì làm căn cứ để “minh xác” “chủ từ” buộc người đọc phải suy đoán. Ở đây, rõ ràng là Nguyễn Du có “định lượng” hẳn hoi chứ không phải như anh nói rằng: “Sự thật, bóng dâu tà tà hay bóng dâu đã xế ngang đầu chỉ cùng một ý, cùng nói rằng cha mẹ đã “xế bóng”, đã già rồi chứ không hề định lượng sự hơn kém về độ già giữa hai hình ảnh ấy”. Nói như thế là anh đã quên (hay cố tình quên) hai chữ “ngang đầu”. Tôi đã phân tích khá kĩ sự khác nhau giữa “bóng  dâu tà tà” và “bóng dâu đã xế ngang đầu” rồi nên không nhắc lại nữa. Chính cụ Nguyễn Du “định lượng” chứ tôi đâu tự ý “định lượng”. Trong câu Bóng dâu đã xế ngang đầu, Nguyễn Du không “định lượng” tuổi của cha mẹ Kiều, mà nhà thơ “định lượng” cái “bóng dâu” trong đời mỗi con người (ở đây là nàng Kiều). Đó là cách vận dụng sáng tạo, linh hoạt của tác giả khi sử dụng các hình ảnh có tính ước lệ.  Là nhà Kiều học, tất nhiên anh biết rõ hơn tôi việc thay, thêm hoặc bớt một từ, một chữ của Nguyễn Du là ảnh hưởng như thế nào. Chẳng hạn, cũng là “nghĩa cũ” nhưng khỉ tác giả thêm vào  “chút nghĩa cũ càng” là  ý nghĩa và sắc thái biểu cảm đã hoàn toàn thay đổi (thế mà có người đã tùy tiện sửa hàng trăm chữ trongTruyện Kiều, lại được cả vị giáo sư có uy tín  khích lệ). Chính hai chữ “ngang đầu” đã giúp tôi suy đoán câu Bóng dâu đã xế ngang đầu nói về tuổi đời của Thúy Kiều lúc này phù hợp hơn là nói về tuổi già của cha mẹ nàng. Về thời gian, tôi đồng ý với anh là rất khó xác định. Anh nói từ khi ở lầu xanh của mụ Tú Bà đến khi chờ đợi Thúc Sinh là hơn 2 năm, tôi nói khoảng 5, 6 năm đều là phỏng đoán. Ở đây, còn có thời gian tâm lý “ba thu dọn lại một ngày dài ghê” nữa. Cứ cho là hơn hai năm như anh phỏng đoán thì cũng không thể quay ngược “bóng dâu tà tà” thành “bóng dâu đã xế ngang đầu” được.

Anh khái quát: “Ngẫm lại những “nỗi nhớ” của Thúy Kiều trong mười năm lăm lưu lạc, ta thấy nàng là người tình nặng, nghĩa dày, không những có Tình không bao giờ quên Hiếu, mà mối tình nào cũng sâu nặng, không hề lãng quên mối tình trước khi hoàn cảnh đã dun dủi nàng tới mối tình sau”. Mặc dù không phải là nhà Kiều học, nhưng tôi tin những ai đã từng nghiền ngẫm Truyện Kiều đều thấu hiểu điều này. Anh hoài nghi: “Hình như nhà thơ Mai Văn Hoan đã không lưu ý điều này nên đã hiểu lệch nỗi nhớ của nàng khi xa Thúc Sinh ở Lâm Tri”. Trong bài viết của mình, tôi  đã nói rằng trước đây tôi cũng hiểu như cụ Đào Duy Anh. Không phải tôi “không lưu ý” như anh hoài nghi, mà ngược lại, trước khi phân tích tâm trạng nàng Kiều chờ đợi Thúc Sinh, tôi đã tìm hiểu khá kĩ 4 đoạn anh  trích dẫn, để so sánh những điểm giống nhau và khác nhau của từng đoạn. Bởi  tác giả Truyện Kiều không bao giờ lặp lại một cách đơn giản, máy móc, rập khuôn. Cụ Đào Duy Anh viết: “Sau khi Thúc Sinh về thăm quê, Thúy Kiều ở lại Lâm Tri một mình, nàng cũng nhớ cha mẹ trước rồi mới nhớ đến tình nhân” là hơi sơ suất. Thực tế như ta biết, Nguyễn Du tính toán khá kĩ lưỡng: hoàn cảnh nào thì cho Thúy Kiều nhớ cha mẹ trước, nhớ tình nhân sau; hoàn cảnh nào thì cho Thúy Kiều nhớ tình nhân trước, nhớ cha mẹ sau. Ngay trong nỗi nhớ cha mẹ, nhớ tình nhân thì không có lần nào giống lần nào. Tôi căn cứ vào hoàn cảnh nàng Kiều chờ đợi Thúc Sinh và cách thể hiện của Nguyễn Du để đề xuất một cách hiểu mới, khác với cách hiểu xưa nay. Bởi tôi nhận thấy không có đoạn nào mà bao nhiêu câu hỏi được đặt ra dồn dập, bức thiết, riết róng như ở đoạn này: Biết đâu, biết đâu? Nào lời, nào lời? Biết có… cho chăng? Đặc biệt là điệp từ “đã” được láy đi, láy lại: Bóng dâu đã xế ngang đầu; Tóc thề đã chấm ngang vai… chứng tỏ Kiều vô cùng sốt ruột, bởi ngày Thúc Sinh hẹn trở lại Lâm Tri đã cận kề mà chàng vẫn bặt vô âm tín. Trong hoàn cảnh “dầu sôi, lửa bỏng” như vậy, việc nàng Kiều không nhắc đến cha mẹ và Kim Trọng, chúng ta cũng thể tất cho nàng (trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng phải tập trung ý nghĩ dồn về một hướng như vậy). Không phải vì thế mà cho rằng nàng lãng quên cha mẹ hay Kim Trọng. Nguyễn Du đã phá cái lệ do chính ông tạo ra để diễn tả cho phù hợp với tâm trạng nhân vật trong từng thời điểm cụ thể. Sự sáng tạo, linh hoạt của cây bút bậc thầy là ở chỗ đó. Dập khuôn một cách máy móc là điều tối kị trong sáng tác và tiếp nhận văn chương.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ giai thoại về ông Tôn Dương (thời Chiến Quốc). Ông Tôn Dương là một người rất giỏi xem ngựa, chỉ nhìn vóc dạng, thần thái của ngựa là ông biết con nào tốt, con nào xấu. Một hôm, tình cờ ông gặp một con ngựa già kéo xe muối. Thoáng nhìn, ông nhận ra ngay đó là  thiên lý mã. Ông rất thương chú ngựa già vì không ai phát hiện chú chính là thiên lý mã nên đành thủ phận làm cái công việc kéo xe muối. Để giúp người đời không bỏ phí những thiên lý mã, ông Tôn Dương soạn cuốn sách nói về thuật xem ngựa, có kèm theo hình vẽ minh họa. Người con trai của ông bèn mang sách cha soạn đi tìm thiên lý mã. Anh ta cứ đối chiếu hình vẽ mà chọn. Khi dắt chú ngựa mà anh ta tin chắc là thiên lý mã về khoe với cha, ông Tôn Dương nhìn chú ngựa, lắc đầu ngao ngán. Về vóc dáng, nó giống hệt con ngựa ông vẽ minh họa, nhưng thần thái thì chẳng có gì chứng tỏ nó là thiên lý mã cả. Lỗi này cũng tại ông một phần. Vì ông không phải là họa sĩ thực thụ nên không thể hiện được thần thái của thiên lý mã trong các bức vẽ. Câu chuyện muốn nói với người đời rằng phải tùy theo từng trường hợp cụ thể để đánh giá sự vật, không nên dập khuôn một cách máy móc. 

Đôi dòng trao đổi với anh như vậy. Có gì không phải, mong anh lượng thứ cho!

 

Huế, tháng  5 - 2014
Theo hoinhavanvn