/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

LỜI NÓI ĐẦU TẬP TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM – CỘI NGUỒN & KHAI SÁNG

Mấy chục năm qua, cùng với mảng sáng tác văn học qua rất nhiều ấn phẩm đã lần lượt trình làng, “Cội nguồn & Khai sáng” một lần nữa, khẳng định sự đóng góp quý báu của Nhà văn Tô Ngọc Thạch

LỜI NÓI ĐẦU

TẬP TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM – CỘI NGUỒN & KHAI SÁNG

 

        Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1586), tên húy là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sỹ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, sinh tại ấp Trình Tuyền, trang Úm Mạt, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương, nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh bảo, thành phố Hải Phòng. Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử, được coi là bậc đại thụ, bao trùm suốt thế kỷ thứ XVI của văn hóa Việt Nam.

     Mấy trăm năm qua, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước đã viết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với nhiều góc nhìn, góc khai sáng khác nhau. Từ thân thế, sự nghiệp đến những áng văn chương đặc biệt của ông qua hai tập thơ Bạch Vân am Thi tập (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ thi tập (chữ Nôm). Rồi, Sấm ký Trạng Trình, những bài văn bia (bi ký) nổi tiếng như Trung Tân quán bi ký, Thạch khánh ký, Tam giáo tượng bi minh…, hay những giai thoại khác, khẳng định Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc hiền tài, thật hiếm và quý trong lịch sử nước nhà…

.

.

     Bên dòng chảy lớn được soi rạng ở nhiều phát hiện, từ danh phận, sự nghiệp đến tài năng, đức độ về một nhân vật lớn… Đặc biệt, có một trầm tích khá lung linh, phong lưu, hấp dẫn ở nguồn cội, nó nằm trong tầng chìm lặng, nơi góc khuất của sự kiện, thời gian nào đó, mà hậu thế còn ít người biết đến … Thì, “Cội nguồn & Khai sáng” của Tô Ngọc Thạch là tập nghiên cứu đã góp vào “Pho tư liệu quý” một hướng tìm. Đấy là “cái mỏ”. Là khoảng sáng mà nhà văn đã chuyên sâu và  dày công khơi mở.

     Tô Ngọc Thạch là Nhà văn, gốc quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Gần bốn chục năm qua, với hàng chục đầu sách đã được xuất bản, bao gồm văn xuôi, thơ, bình luận văn học và dịch thuật, “Cội nguồn & khai sáng” là “mảng tư liệu” có được cùng “Vĩnh Bảo - Những trầm tích thời gian” (Tập sách dầy hơn tám trăm trang, đang chuẩn bị ra mắt công chúng bạn đọc)Là sản phẩm của quá trình nhà văn luôn say sưa, tâm huyết, miệt mài điền dã với tình yêu Quê hương - Cội nguồn - Đất Mẹ. Đây cũng là quá trình tích lũy của nhiều năm sống, ý thức gom nhặt và suy ngẫm của Tô Ngọc Thạch, một “Nhà Hải Phòng học,” trước ngưỡng vọng về nhân vật vĩ đại của mảnh đất quê mình.

        Trong rất nhiều tư liệu về “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - có thể nói, ở “Cội nguồn & Khai sáng”  Tô Ngọc Thạch đã làm sáng dậy rất nhiều điều kỳ bí, sinh động và lý thú, mà lần đầu tiên được nhà văn công bố. Ví như: “Vĩnh Bảo - Bước chân theo dọc thời gian, Ấp Trình Tuyền, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Các nhà khoa bảng quê Vĩnh Bảo, Am thứ Mười Tám và chùa Song Mai, Gia tộc Trạng Trình, Bên ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhạc phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Am thứ Mười Bảy, Tên Nôm các làng xã Vĩnh Bảo và sự tích các làng Tạ làng Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước Trình Quốc công từ năm nào, Làng Vẻn tại Vĩnh Bảo và tại nội thành Hải Phòng không phải có từ thời Hai Bà Trưng, Dương Kinh từng là “Văn Miếu” của Đại Việt, hay Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 1586 chứ không phải năm 1585 như tất cả các văn bia, tượng đài, sách đã in từ khi Việt Nam dùng lịch dương…”

     Sự phát hiện, “lật tìm” những trầm tích lịch sử văn hóa trên, làm phong phú thêm góc nhìn của những người quan tâm tới lịch sử văn hóa, địa chính trị của con người và mảnh đất Vĩnh Bảo, một miền quê của nền văn minh lúa nước này. Đặc biệt phần cuối là sáu bài tản văn thật ấn tượng đã lột tả về nét văn hóa và con người nơi đây.

     Có được sự gom nhặt phong lưu, lấp lánh này, khó khăn lớn của quá trình nghiên cứu, tiếp cận và biên soạn về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là các tư liệu cổ hiện còn thấy rất ít. Do ý thức giữ gìn những di sản văn hóa như sắc phong, bia đá, ngọc phả, thần tích thần sắc của nhiều địa phương đã mờ xa và hầu như bị thất lạc.

     Rồi, suốt chặng dài lịch sử, chế độ phong kiến Việt Nam không chấp nhận triều Mạc, những văn bia, sử sách, di sản văn hóa bị phá hủy, mất mát, cộng thêm thời gian đã quá lâu, trải qua bao cuộc chiến tranh, hay cách mạng văn hóa… nên việc “tìm về cội nguồn” càng gặp một khoảng trống không nhỏ.

     Với gần 300 trang viết. Với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trải dài và bao trùm hơn nửa thiên niên kỷ, liên quan tới nhiều vùng đất từ Cao Bằng tới Thanh Hóa được phản ánh trong tập “Cội nguồn & Khai sáng”… Có thể, đấy mới chỉ là những tia nắng thức dậy, làm sáng thêm những khoang trời ở góc nhìn, ở sự nhận biết, sự cắt nghĩa, lý giải nào đó cho Nhân vật - Sự kiện ở quá trình người đọc cần nghiên cứu, hiểu biết.

     Điều đáng nói ở “Cội nguồn & Khai sáng” là Nhà văn, Nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thạch đã hệ thống lại toàn bộ từ tổ khảo, tổ tỷ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tới những hậu duệ của ông ngày nay, với sự hiểu thêm về mảnh đất Vĩnh Bảo, với các miền đất khác như Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình … trong liên quan, dính líu.

     Mấy chục năm qua, cùng với mảng sáng tác văn học qua rất nhiều ấn phẩm đã lần lượt trình làng, “Cội nguồn & Khai sáng” một lần nữa, khẳng định sự đóng góp quý báu của Nhà văn Tô Ngọc Thạch trong niềm quý yêu, trong uy tín ở sự thành công, sự đắp dầy công cuộc nghiên cứu, lao động và sáng tạo nghệ thuật của một người cầm bút.

     Vậy trân trọng giới thiệu cùng đông đảo công chúng bạn đọc, bạn viết.

 

BAN BIÊN TẬP XUẤT BẢN