/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

HỘI NHÀ VĂN VN VÀ BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH&XÃ HỘI TRAO GIẢI CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC VĂN HỌC VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

Hải Phòng có nhà thơ Kim Chuông được giải 3 với tác phẩm: Về một người mẹ, về một người con và dòng sông Trà Lý

HỘI NHÀ VĂN VN VÀ BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH&XÃ HỘI TRAO GIẢI CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC VĂN HỌC VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

.
Chiều 17/7, tại Hà Nội, Ban chấp hành Hội Nhà văn VN và Bộ Lao động, Thương binh& Xã hội đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng cho 42 tác phẩm tham gia “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017)”.


Tới dự Lễ trao giải có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội; nhà thơ Hữu Thỉnh – Bí thư Đảng đoàn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Trung tướng Đỗ Căn – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng - tiến sĩ Nguyễn Xuân Mười – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an; đồng chí Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội; đồng chí Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục người có công, các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ đoạt giải trong Cuộc vận động này. Đây là nghĩa cử tốt đẹp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam nhằm tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ, Thương bệnh binh và Người có công trong các cuộc kháng chiến, cứu nước. Thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Tại lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN đã đọc báo cáo tổng kết nêu rõ:

“ Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công của Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017) đã kết thúc tốt đẹp. Đó là một việc làm thiết thực tri ân những người đã không tiếc xương máu hy sinh vì nền độc lập tư do của dân tộc và cuộc sống bình yên của mỗi chúng ta hôm nay.

Có lẽ không ở đâu như ở Việt Nam. Đi đâu ta cũng gặp nghĩa trang liệt sĩ. Làng nào, xã nào cũng có nghĩa trang. Chúng ta còn có hai nghĩa trang lớn mang tầm Quốc gia là NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN và NGHĨA TRANG ĐƯỜNG 9, nơi yên nghỉ của hàng vạn anh hùng liệt sĩ. Và trong mỗi gia đình Việt Nam, hầu như nhà nào, dòng họ nào cũng có người hy sinh. Có bà mẹ 11 người con, bao gồm cả con trai, con gái, con rể, đều là liêt sĩ. Có bà mẹ chỉ có một người con thì giọt máu duy nhất ấy cũng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Sự hy sinh ấy lớn biết chừng nào. Nếu trên mộ mỗi liệt sĩ chỉ cần thắp một ngọn nến, thì đêm nào trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta cũng sáng rực lên như một dải Ngân hà. Đó là dải Ngân hà cháy buốt trên mặt đất. Vậy mà hiện nay, theo con số của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chúng ta vẫn còn trên 300.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Đó là nỗi day dứt khôn nguôi trong mỗi người Việt Nam chúng ta.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Viết về  liệt sĩ, thương binh và những người có công luôn là đề tài lớn. Rất lớn. Hầu hết các tác giả, tác phẩm được trao các giải thưởng cao quý nhất, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đều ít nhiều đề cập đến mảng đề tài này. Đó cũng là nỗi trắc ẩn, là niềm thao thức khôn nguôi trong mỗi nhà thơ nhà văn Việt Nam. Có lẽ cũng chính vì thế chăng, mà khi Hội Nhà văn và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa mới phát động cuộc thi viết về thương binh, liệt sĩ và những người có công thì chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, đã có gần một ngàn tác phẩm, đủ các thể loại, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ký sự, thơ, trường ca, và cả biên khảo gửi về tham dự cuộc vận động sáng tác này. 42 tác giả, tác phẩm trong đó có 18 tập thơ và 22  tập văn xuôi đã được trao Giải thưởng.

Ban Sơ khảo và Chung khảo đã làm việc hết sức mình, thẩm định một cách khách quan và công tâm, cùng thảo luận và cân nhắc tập thể, cố gắng không để lọt những cuốn sách hay. Kết quả thật đáng mừng. Nhiều tấm gương cao đẹp ở khắp mọi vùng miền Tổ quốc, qua tất cả các thời kỳ, từ buổi đầu thành lập nước, đến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và cả cuộc chiến đấu bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ, biên cương và biển đảo đã được Ban giám khảo nhất trí cao tôn vinh và khen thưởng.

Có thể nói 42 tác phẩm được giải ( 22 VĂN, 18 THƠ) là một bức tranh thu nhỏ của Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Nhiều sự kiện lịch sử, như các vụ thảm sát đầu độc của Mỹ Diệm từ năm 1959 đến năm 1964, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân 1968 trên các chiến trường Miền Nam, 12 ngày đêm trong trận Điện Biên Phủ trên không chống lại cuộc chiến tranh xâm lược bằng B52 của Mỹ ở Thủ Đô Hà Nội năm 1972, hay cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở các nhà tù của Pháp và Mỹ và điều đặc biệt, những chiến sĩ Cách mạng kiên cường ấy lại là các nhà văn nhà thơ đã từng ở trong lao tù. Và như thế, họ không chỉ viết về cuộc kháng chiến mà còn trực tiếp cầm súng, cùng vào sinh ra tử, cùng chiến đấu bất khuất như những người anh hùng, dù họ không có tên trong danh sách những người anh hùng. Cuộc vận động sáng tác này, đã đóng góp thêm cho nền văn học cách mạng và kháng chiến những tác phẩm sinh động giàu tính sử thi trong đó có không ít những tư liệu cực kỳ quý hiếm. Đặc biệt có tác phẩm mà một trong những tác giả là thân nhân của các liệt sĩ. Các anh viết cho người thân mình trước khi vào trận đánh. Có người dặn người yêu hãy lưu ý đến ngày 30 tháng Tư. Có thể bằng linh cảm đặc biệt của một người lính trận, họ đã biết trước ngày 30 tháng Tư là ngày Giải phóng Miền Nam, ngày thống nhất đất nước, ngày mà mọi lứa đôi xa cách sẽ được đoàn tụ. Nhưng lứa đôi họ sẽ không bao giờ còn có ngày 30 tháng Tư. Sự đoàn tụ hạnh phúc chỉ còn trong những giấc mơ đứt nối của nàng Vọng phu, dù nàng không hóa đá. Ta còn gặp trong tác phẩm đoạt giải người lính dặn vợ mình, sau chiến tranh hãy tìm anh ở ven bờ sông Thạch Hãn. Anh còn lưu ý chị cụ thể từ đoạn nào đến đoạn nào. Và rồi thực tế, chị đã tìm được hài cốt anh, đúng như anh đã chỉ dẫn khi vẫn còn đang sống. Lòng dũng cảm,  kiên cường dành chiến thắng và sự bình tĩnh đón nhận sự hy sinh thật quả cảm biết bao!

Về mặt nghệ thuật, 42 tác phẩm đoạt giải là 42 cách tiếp cận hiện thực với giọng điệu và phong cách khác nhau. Có tác phẩm là những áng văn được chau chuốt kỹ lưỡng đến từng con chữ. Lại có những tác phẩm để mộc, như một dạng nhật ký hay những ghi chép, nhưng lại xúc động đến mức ám ảnh. Như cuốn sách viết về Truông Bồn. 13 ghi chép là 13 chuyện kể về 13 liệt sĩ của cao điểm khốc liệt này. Có người đã nhận quyết định đi học. Họ ở lại Truông Bồn một đêm với đồng đội và đã hy sinh. Đọc cuốn sách được giải này, ta mới thực sự hiểu Truông Bồn là như thế nào, và ta sẽ nhìn Truông Bồn bằng một con mắt khác. Nhiều vùng đất lịch sử khác đã thành danh thắng của đất nước mà các tác phẩm được giải đề cập cũng như vậy.

Tiếc rằng chúng tôi không thể nói kỹ hơn, cụ thể hơn về từng tác phẩm đoạt giải. Vì tác phẩm được giải rất nhiều mà thời gian trong buổi lễ linh thiêng này lại rất ít, nếu điểm được tác phẩm này, lại thấy thiếu vì không đề cập được tới tác phẩm kia nên chỉ bàn những nét mang tính tổng quan nhất. Chúng tôi hy vọng rằng, những tác phẩm được tôn vinh và trao giải thưởng lần này sẽ đến tay bạn đọc đông đảo trong cả nước, nhắc nhở chúng ta sống và  làm việc xứng đáng hơn với quá khứ.

Xin chúc mừng những nhà văn nhà thơ được trao giải trong đợt vận động sáng tác này. Và chúng tôi tin, rất tin, nhiều tác phẩm được tôn vinh trong lễ trao giải hôm nay sẽ còn sống mãi với thời gian.

Cũng xin cảm ơn và chúc mừng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã có sáng kiến cùng Hội Nhà văn hợp tác tiến hành cuộc vận động sáng tác này. Và việc làm tốt đẹp này, chúng ta nên duy trì thường xuyên để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập tự do của nước nhà. Chúng ta luôn biết ơn họ thì họ còn sống mãi. Và cũng nhân dịp này, chúng tôi thiết tha đề nghị các địa phương làm tốt hơn nữa chính sách đền ơn đáp nghĩa những gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đó là những việc làm cụ thể thiết thực thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của nhân dân ta. Xin cảm ơn các quý vị và các bạn!”.

 

DANH SÁCH TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI SÁNG TÁC VĂN HỌC VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG

 

( Tổng cộng 42 giải thưởng )

 

A. GIẢI TÔN VINH: (03 giải)

  

  1. Tác giả: Lê Văn Ba

         - Tên tác phẩm: Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược.

     2. Tác giả: Đặng Vương Hưng (biên soạn).

         - Tên tác phẩm: Mãi mãi tuổi 20.

     3. Tác giả: Minh Chuyên

         - Tên tác phẩm: Người không cô đơn.

   4. Tác giả: Lương Hiền Vui

         - Tên tác phẩm: Khám Chí Hòa

 

 

B. GIẢI CHÍNH THỨC:

 

PHẦN VĂN XUÔI:

 

I. GIẢI NHẤT: (03 giải)

1.Tác giả: Hoàng Đình Quang.

- Tên tác phẩm: Những ngôi sao của mẹ

              2.   Tác giả: Hồ Duy Lệ

                   - Tên tác phẩm: Dặm trường gian truân

              3.   Tác giả: Nguyễn Tam Mỹ

                   - Tên tác phẩm: Máu và tội ác

         

II. GIẢI NHÌ: (06 giải)

1.   Tác giả: Trần Huy Quang

- Tên tác phẩm: Thánh ca Truông Bồn

              2.   Tác giả: Nguyễn Văn Tàu

                   - Tên tác phẩm: Sài Gòn, xuân Mậu Thân 1968

              3.   Tác giả: Nguyễn Phương Diện

                   - Tên tác phẩm: Điện Biên Phủ trên không – Bản hùng ca bất tử.

              4.   Tác giả: Triệu Bôn

                   - Tên tác phẩm: Nhật ký đi B.

              5.   Tác giả: Nguyễn Trọng Tân

                   - Tên tác phẩm: Thư về quá khứ.

              6.   Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hải

                   - Tên tác phẩm: Trần Quốc Hương- Người chỉ huy tình báo

          III. GIẢI BA: (05 giải)

1.   Tác giả: Văn Phan

- Tên tác phẩm: Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'Inville

              2.   Tác giả: Võ Bá Cường

                   - Tên tác phẩm: Thượng tướng Lê Thế Tiệm – Dấu ấn thời gian.

              3.   Tác giả: Diệp Hồng Phương

                   - Tên tác phẩm: Lá chắn thép

              4.   Tác giả: Lê Hà Ngân

                   - Tên tác phẩm: Rượu Son.

              5.   Tác giả: Đỗ Kim Cuông

                   - Tên tác phẩm: Những chiếc mặt nạ.

          V. GIẢI TƯ: (06 giải)

1.   Tác giả: Phạm Việt Long

- Tên tác phẩm: B trọc 

              2.   Tác giả: Phạm Minh Hằng

                   - Tên tác phẩm: Đêm sông Hồng lộng gió

              3.   Tác giả: Mỹ Hồng

                   - Tên tác phẩm: Đường dài thấm máu.

              4.   Tác giả: Bùi Như Lan

                   - Tên tác phẩm: Hương trầm

              5.   Tác giả: Phạm Thị Toán

                   - Tên tác phẩm: Sống mãi với thời gian.

              6.   Tác giả: Nguyễn Đình Chính

                   - Tên tác phẩm: Khoảng đời không cách biệt.

 

 

PHẦN THƠ:

 

I. GIẢI NHẤT: KHÔNG CÓ

         

II. GIẢI NHÌ: (02 giải)

1.   Tác giả: Nguyễn Hữu Quý.

- Tên tác phẩm: Những hồi chuông màu đỏ ( Thơ và Trường ca).

              2.   Tác giả: Dương Tam Kha.

                   - Tên tác phẩm: Anh hùng Lò Văn Giá ( Trường ca).

          III. GIẢI BA: (11 giải)

1.   Tác giả: Trúc Phương

- Tên tác phẩm: Mẹ, Đất nước, và lưu dân ( Trường ca ).

              2.   Tác giả: Lê Đình Cánh

                   - Tên tác phẩm: Đất thiêng

              3.   Tác giả: Kim Chuông

                   - Tên tác phẩm: Về một người mẹ, về một người con và dòng sông Trà Lý

              4.   Tác giả: Đặng Hiển

                   - Tên tác phẩm: Đất thiêng ( Trường ca).

              5.   Tác giả: Phạm Thái Quỳnh

                   - Tên tác phẩm: Huyền thoại thanh tân.

6.   Tác giả: Nguyễn Hoa

- Tên tác phẩm: Trở về 

              7.   Tác giả: Phạm Hồ Thu

                   - Tên tác phẩm: Chiến tranh trên gương mặt đàn bà ( Trường ca ).

              8.   Tác giả: Vương Trọng

                   - Tên tác phẩm: Chùm thơ viết về liệt sỹ.

              9.   Tác giả: Bùi Kim Anh

                   - Tên tác phẩm: Chùm thơ viết về Thương binh- liệt sỹ.

              10.   Tác giả: Nguyễn Hưng Hải

                   - Tên tác phẩm: Trở lại Trường Sơn.

              11.   Tác giả: Phạm Vân Anh

                   - Tên tác phẩm: Sa Mộc ( Trường ca).

 

          IV. GIẢI TƯ: (05 giải)

1.   Tác giả: Phạm Trọng Thanh                                                          

- Tên tác phẩm: Đêm gọi dậy sao trời

              2.   Tác giả: Nguyễn Thanh Kim

                   - Tên tác phẩm: Chùm thơ viết về Thương binh- liệt sỹ.

              3.   Tác giả: Trần Danh Tu

                   - Tên tác phẩm: Thỉnh chuông nơi thành cổ.

              4.   Tác giả: Vũ Tuấn Anh

                   - Tên tác phẩm: Chùm thơ viết về Thương binh- liệt sỹ.

              5.   Tác giả: Lệ Thu

                   - Tên tác phẩm: Chùm thơ viết về Thương binh- liệt sỹ.

 Theo hoinhavanvn