/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Đức Pháp Vương Kim cương thừa Drukpa tọa đàm cùng các nhà văn Việt Nam

Sau 5 ngày trưng bày tại Hà Nội, triển lãm tiếp tục được giới thiệu tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM

Đức Pháp Vương Kim cương thừa Drukpa tọa đàm cùng các nhà văn Việt Nam

Phong Lan (thực hiện)

Sáng thứ Bảy, ngày 05/4/2014, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ Truyền thừa đã có cuộc tọa đàm cùng các nhà văn Việt Nam và tuyên bố khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề: “Yêu thương trong hành động”.

Hoan hỉ chào đón Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa có đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của thành phố Hà Nội; lãnh đạo và các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; các vị đại đức, tăng ni, phật tử phái Truyền thừa Drukpa cùng đông đảo dân chúng thủ đô đã đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngay từ sáng sớm với niềm thành kính, trân trọng.

Tăng đoàn rước Đức Pháp Vương vào Văn Miếu Quốc Tử Giám

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa làm lễ ban gia trì tại sân Thái Miếu, trao chiếc khăn quàng màu trắng tặng các đại biểu như lời chúc phúc bình an, tốt lành.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa nhận món quà của Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh trao tặng

Đánh trống, thỉnh chuông chào đón Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (người đứng, quàng khăn trắng) giới thiệu với Đức Pháp Vương về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của khu di tích Văn Miếu

Trong chương trình tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chuyển tới Đức Pháp Vương những câu hỏi của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và được Ngài giải đáp một cách thấu đáo, sâu sắc, đầy thuyết phục về những vấn đề: giá trị tâm linh trong đời sống hiện đại, quyền năng của nhà văn trong việc thức tỉnh lòng nhân ái, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ...

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cảm nhận khi quay trở lại Việt Nam trong lần thứ 5 này, đó là người Việt Nam đã có phương cách tâm linh hướng cuộc đời mình đi cho có ý nghĩa hơn, Ngài đã nhìn thấy niềm hạnh phúc của người dân qua những nụ cười hoan hỉ khi được lắng nghe giáo pháp, những ánh mắt khát khao phát triển tâm linh. Với cuộc sống bên ngoài, Ngài nhận thấy sự phát triển xã hội đang diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, ấm áp, thân thiện hơn. Theo Đức Pháp Vương, Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam hơn 2000 năm. Đến với Phật giáo chính là cách người Việt Nam quay trở lại tìm cội nguồn của chính mình.

 

Những bức ảnh được trưng bày trong triển lãm

Sau cuộc tọa đàm là lễ khai mạc triển lãm ảnh "Yêu thương trong hành động". Trong khu vực sân Thái Miếu, 137 tác phẩm ảnh về cuộc đời, các hoạt động thiện hạnh, các khoảnh khắc cảm động trên hành trình chia sẻ Phật pháp của Đức Pháp Vương, cùng bức tranh đá quý. Ảnh trưng bày trong triển lãm do nhiếp ảnh gia quốc tế và Việt Nam thực hiện khi đồng hành cùng Pháp Vương và Tăng đoàn Truyền thừa trong các hoạt động vì lợi ích nhân sinh trải dài rộng khắp các quốc gia vùng Himalaya như Ấn Độ, Nepal, Bhutan…, qua các châu lục khác nhau và tới Việt Nam.  Nhiều tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng khi Đức Pháp Vương dẫn đầu Tăng đoàn hành hương vì môi trường xuyên qua núi tuyết hùng vĩ tại Ladakh (2009), Sikkim (2010), các thánh địa Phật giáo tại Nam Ấn (2012), Srilanka (2013)… Sau 5 ngày trưng bày tại Hà Nội, triển lãm tiếp tục được giới thiệu tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM vào ngày 16 đến 20/4/2014.

(Ảnh trong bài: Trần Vũ Long và một số ảnh tư liệu)
Theo hoinhavanvn