/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

BÀI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ HÁN NÔM HOÀNG PHAN

Ngày 06 tháng 06 năm 2020 tại sân miếu Nội Tạ tổ chức long trọng Lễ khánh thành bia Thành hoàng làng Nội Tạ. Tới dự có nhiều khách từ các cơ quan TW, nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và bà con dân thôn

BÀI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ HÁN NÔM HOÀNG PHAN

 

Kính thưa các quý vị đại biểu

Kính thưa các cụ các ông bà và bà con cô bác thôn Nội Tạ, xã An Hòa, Vĩnh Bảo

 

      Theo lời mời của Ban Khánh tiết làng Nội Tạ, hôm nay rất vinh hạnh được tới dự Lễ khánh thành Bia Thành hoàng làng. Lời đầu tiên xin chúc toàn thể các quý khách và bà con dân thôn lời chúc sức khỏe, buổi lễ thành công rực rỡ. Nhân đây tôi xin có đôi lời thưa cùng quý vị đại biểu và bà con dân thôn bản địa.

1-  Trước hết nói về phong tục thờ thần Thành hoàng làng

Danh hiệu Thành Hoàng xuất hiện đầu tiên ở nước ta vào năm 822, Thời Đường Mục Tông và vị Thành Hoàng đầu tiên ở nước ta là nhân thần tên là Tô Lịch. Thái thú nhà Đường khi ấy là Lý Nguyên Gia, thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm và chọn một nơi cao ráo để dời phủ lỵ đến đó… Nhân dịp ấy,  giết trâu, mổ bò,  đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến lễ và nói  là muốn tâu vua Đường  xin phong  cho thần sông Tô Lịch làm Thành Hoàng.

Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe nói sự linh thiêng của thần lập tức sắm lễ điện tế, dâng xin phong  thần hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân.

Đến đời Lý Thái Tổ lúc dời đô ra Thăng Long (năm 1010), thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng… (Sau khi hỏi rõ lai lịch mới biết đó chính là Thành hoàng sông Tô Lịch) nhà vua liền sai quan Thái Chúc mang rượu thịt  đến tế, phong thần làm “Quốc Đô Thăng Long Thành hoàng đại vương”. Hồi đó dân cư đến cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc đều được linh ứng ngay.

Sau đó, các triều đại độc lập tiếp tục duy trì và phát triển bằng nhiều đợt sắc phong. Thời nhà Trần, Thành hoàng Tô Lịch lại được phong thêm các mỹ tự: “Bảo Quốc” vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), “Hiển linh” vào năm Trùng Hưng thứ tư (1288), “Định bang” vào năm Hưng Long thứ 21 (1334). Đời nhà Lê (1442) cho lập đàn thờ các thần ngoài trời  để cúng tế. Vào thời Nguyễn, quan niệm chính thống về Thành hoàng được duy trì và mở rộng ra các trấn, phủ, về tới các làng xã. Dân ta tin rằng: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy. Vậy phải thờ phụng để thần che chở và giúp đỡ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần ngày một tôn nghiêm và phồn thịnh.

Thành Hoàng thần là chủ tể cho một làng, về mặt tinh thần mà dân vẫn thờ, phải chịu sắc phong của vua ban tức là dưới vua,

Bộ Lễ của triều đình xét đề nghị phong sắc cho Thành hoàng theo hai tiêu chuẩn:

- Phò vua, bảo vệ Tổ quốc, khi còn sống đánh giặc giữ nước. Hoặc khi sống tuy không tham gia đánh giặc giữ nước nhưng khi chết ngầm giúp vua, quan quân đánh giặc (Âm Phù). Đó là tiêu chuẩn HỘ QUỐC.
- Giúp dân làng làm ăn phát đạt và che chở cho nhân dân qua khỏi tai họa đó là tiêu chuẩn TÝ DÂN vì vậy vào các đình miếu thường thấy bức đại tự HỘ QUỐC TÝ DÂN. Khi cúng khấn các bậc gia tiên, trước khi mời các ông bà tổ tiên phải cung thỉnh đương cảnh Thành hoàng chư vị tôn thần trước.

Các đời vua từ thời Lê Trung Hưng và đặc biệt từ nhà Nguyễn hết sức quan tâm đến thần Thành Hoàng. Mỗi vị Vua  khi đăng quang đều ban cấp sắc phong cho các thần Thành Hoàng, khi đạt được 40 tuổi hoặc 50 tuổi (tuổi thọ trung bình ngày xưa thấp) thường tổ chức đại lễ quốc khánh mừng thọ vua và ban cấp sắc phong cho các thần Thành Hoàng, là những sắc phong bằng giấy dó đặc biệt (giấy vân đằng) có in hoa văn rồng mây với màu sắc sặc sỡ khác nhau tùy theo các thời vua, các triều đại, trên các sắc thường đóng dấu SẮC MỆNH CHI BẢO, kích thước các đạo sắc cao khoảng 60 cm, rộng khoảng 110 cm, được đựng trong một ống quyển, ống quyển lại đựng trong một hộp gỗ đục chạm nghệ thuật khá tinh xảo. Mỗi khi được vua ban sắc phong, dân làng rất vui mừng làm lễ đón rước rất trang nghiêm và mở hội linh đình. Đặc biệt vào năm 1938 vua Bảo Đại cho tổng kiểm kê các sắc phong còn giữ được trên toàn quốc, khi đó Nội Tạ còn giữ được 7 sắc phong trong đó có 5 sắc phong của thần Thiện thông Hưng Sỹ và 02 sắc phong của công chúa Ngọc Ngân, sau này các sắc phong trên bị thất lạc. Làng Nghĩa Lý năm 1938 còn giữ được 9 sắc phong, đến nay chỉ còn 6 đạo nguyên vẹn, 3 đạo thất lạc.

2-   Thần Thành Hoàng là những ai

Thần Thành Hoàng là những vị có công lao khai quốc công thần có thể khi còn sống, có thể khi đã mất nhưng rất linh ứng. Thành Hoàng làng đôi  khi là những vị có công khai phá lập ấp, lập làng được dân làng suy tôn đề nghị lên triều đình, được nhà vua duyệt và chuẩn cấp sắc phong.

Thành Hoàng làng có thể là Thiên thần như Sơn Tinh, Chử đồng tử, Công Chúa Liễu Hạnh…, nhân thần như Hưng Đạo Đại Vương, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Diệu Ứng Mỹ Âm... Thành hoàng có thể là Dương thần hoặc Âm thần, miền núi có Sơn thần, miền biển có Thủy thần….

Sắc phong là  loại hình di sản tư liệu đặc thù, tước hiệu cao quý mà nhà Vua ban tặng, xưa nay được xem như báu vật của các làng xã. Các đoạn cuối sắc phong bao giờ cũng nhắc lại lời Vua gửi tới thần phải “bảo ngã lê dân” (bảo vệ, che chở cho dân) và ra lệnh “khâm tai” (hãy tuân thủ theo sắc lệnh này) để nhắc nhở thần và muôn dân phải thực hiện nghiêm minh.

Sắc phong thần còn là cơ sở xác nhận danh chức, danh tước, công trạng của các danh nhân lịch sử được làng xã tôn thờ.

Các văn bản này, với tính độc đáo, độc bản, đặc trưng và quý hiếm, thể hiện truyền thống đáng tự hào của làng xã, gia tộc ở mỗi địa phương nên được xem là nguồn văn bản quan trọng, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về nhiều phương diện liên quan đến lịch sử văn hóa nước nhà, cũng như các yếu tố chuyên môn trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội.

Quy trình phong sắc được tổ chức rất nghiêm ngặt và chính xác. Phúc thần có ba hạng: HẠ ĐẲNG THẦN (TÔN THẦN), TRUNG ĐẲNG THẦN VÀ THƯỢNG ĐẲNG THẦN.

Thông thường, các thứ hạng như trung đẳng thần, thượng đẳng thần chỉ nhắc tới khi thần được phong, còn các lần sau không được nhắc lại, tuy nhiên , căn cứ vào các mỹ tự kèm theo có thể biết được các thứ hạng của các thần.

Thứ nữa là các vị nhân thần có đại công lao với dân với nước. Lúc mất đi, hoặc bởi nhà Vua biểu dương công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bậc ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng Đẳng Thần. Cũng có vị là nhân thần nhưng lại không được nhắc tới nhiều trong chính sử mà được nhắc tới nhiều trong dã sử và truyền thuyết.

3-  Giải thích về sự nhầm lẫn của thần Thành Hoàng làng Nội Tạ

Nhân đây cũng xin nói thêm, tại một cuốn sách "Dư địa chí" có đề: Thành hoàng xã Nội Tạ thứ 2 là Ngọc Hân công chúa (tên húy là Ngọc, nên dân Nội Tạ gọi chệch là Châu). Do việc ghi sai danh tính của Ngọc Ngân công chúa tôn thần thành Ngọc Hân Công chúa đã gây ra khá nhiều thắc mắc cho những nhà nghiên cứu cũng như người dân Nội Tạ.

Chúng ta đều biết công chúa Ngọc Hân là con vua Lê Hiển Tông nhưng là phu nhân của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, mẹ kế của vua Quang Toản. Giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn có mối thù không đội trời chung, lịch sử ghi lại cả hai bên đều đào mồ cuốc mả của nhau, sao nhà Nguyễn sau này có thể phong cho công chúa Ngọc Hân làm thần Thành hoàng được, một sự nhầm lẫn tai hại.

Nhà văn Tô Ngọc Thạch phải vào Nam ra Bắc để tìm được tài liệu về thần Ngọc Ngân công chúa cũng như nội dung của các sắc phong trước đây bị thất lạc. Căn cứ vào tài liệu của cơ quản lý các sắc phong, chúng tôi đã chép lại nội dung các sắc phong cho Thành hoàng làng của các đời vua trước gồm sắc phong cho thần Thiện Thông Hưng sỹ (5 sắc phong), sắc phong cho thần công chúa Ngọc Ngân (2 sắc phong).

Với tấm lòng yêu mến quê hương, kính trọng các vị thần linh từng che chở cho dân làng, nhà văn Tô Ngọc Thạch đã làm 4 tấm bia đá ở mãi tận Thanh Hóa ghi lại các sắc phong cuối cùng của vua Khải Định cho 4 vị Thành Hoàng là: Thiện Thông Hưng Sỹ, Ngọc Ngân Công Chúa cho Nội Tạ và cho Nghĩa Lý là Diệu ứng Mỹ Âm cùng Anh Linh Thổ Kỳ mà theo lịch sử của dòng họ Tô, hai vị này có mối liên quan thủa trước.

       Chúng ta phải trân trọng tấm lòng chân tình của Tiến sỹ Tô Ngọc Thạch, một nhà văn, một nhà khoa học, đã bỏ nhiều thời gian, công sức tìm kiếm và thành công trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. 

       Xin chúc mừng các vị chức sắc cùng nhân dân thôn Nội Tạ. Cầu mong các vị thần Thành Hoàng phù hộ độ trì cho toàn dân có được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ấm no hạnh phúc, cháu con thành đạt.

Xin cảm ơn!

                                Nhà Nghiên cứu Hán Nôm

                                            Hoàng Phan

 

 

 

 CHÚ THÍCH

Cũng theo Hội điển thì: “Tự Đức năm thứ 3, chuẩn lời nghị: cứ lần lượt đem những thần hiệu đã được sắc chỉ tặng sắc ở thuộc hạt danh sách các địa phương, nghị định gia tăng mỹ tự:

 

Thượng đẳng thần

 

Thiên  thần

TÚY MỤC

 

Âm thần

TRANG HUY

 

Thổ thần

HÀM QUAN

 

Sơn thần

TRÁC VĨ

 

 

 

Trung đẳng thần

 

Thiên  thần

LINH THÚY

 

Âm thần

TRAI THỤC

 

Dương thần

QUANG Ý

 

Thổ thần

TĨNH HẬU

 

Thủy thần

NÔNG NHUẬN

 

Sơn thần

CỦNG BẠT

Hạ đẳng thần

 

Thiên  thần

THUẦN CHÍNH

 

Âm thần

NHAN UYỂN, TRINH UYỂN

 

Dương thần

ĐOAN TÚC

 

Thổ thần

ĐÔN NGƯNG

 

Thủy thần

TRỪNG TRẠM

 

Sơn thần

TỨ NGỤC