VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
THƠ VĂN BẠN BÈ
Thơ dâng Người (5)
Mùa thu cách đây bốn mươi tư năm trước, Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta: “…đã lên đường theo tổ tiên/ Mác- Lê nin thế giới người hiền”Thơ dâng Người (5)
ĐẠI TƯỚNG ƠI!
(Những ngày lễ tang cấp nhà nước tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Hồ Bá Thâm
Người người nghiêng mình khóc Ông
Thương tiếc vô cùng
Kính trọng vô biên
Dòng người như thác
Tiễn đưa Ông
Thật là hiếm có
Phải vì Ông vĩ đại như Đức Thánh Trần
Hay vì thương Ông cả trong oan khuất
Mà Ông cứ ngồi thiền
Quên mình!
Chỉ thương người thương dân thương nước
Bao người oan khiên…
Dù đã xa quan trường
Tuổi cao sức yếu
Vẫn luôn hỏi việc nước việc dân
Tư duy trở trăn luôn mới
Mong đột phá xoay vần
Mở lối…
Vẫn tầm nhìn xa gần thời đại
Dân là chủ phải thế nào
Ông vẫn ở tầm cao
Ở trong lòng dân mãi mãi…
Dân không bao giờ nhầm
Khi tôn vinh ai là Thánh
Khi thương ai lẳng lặng
Nuốt nước mắt vào trong….
Ôi dòng người
Dòng nước mắt
Như sông
Như suối…
Nơi người từng qua
Hay cả nơi bước chân chưa tới
Nhưng trái tim dân, Ông đã có lâu rồi
Dân là vạn đại…
Không chỉ những Cựu chiến binh
Những nông dân
Mà cả muôn vàn em nhỏ
Bao cụ già chống gậy tiễn Người đi
Lớp lớp sóng tràn nước mắt…
Dọc suốt chặng đường đất nước quê hương…
Sá gì nắng gắt
Sá gì bão lụt
Dòng người
Không bao giờ dứt…
Tiễn Ông đi
Là Ông mãi mãi ở với đời!
- Đại Tướng ơi!
12-10/13-10- 2013
NGƯỜI VỀ ĐẢO YẾN
Lê Văn Vỵ
Gối đầu vào núi Trường Sơn
tựa lưng vào đất quê hương Quảng Bình
Trường Sa đau đáu mắt nhìn
Người về đảo Yến nặng tình non sông
Ngàn thu đâu chọn giấc nồng
mà thức cùng với cháu con giữ nhà
Cháy thành một ngọn đèn pha
cho tàu cập bến biển xa, đảo gần
Người về cùng với ngư dân
ngày đêm bám biển chuyên cần sớm hôm
Đảo là máu thịt cha ông
là hài cốt của tổ tông, ông bà
Vẹn toàn cơ thể thịt da
thiêng liêng trời biển, sơn hà con ơi !
Vĩ nhân cả khi chết rồi
nguyện làm người lính canh trời, giữ quê
Hương Sơn 12/10/2013
VỊ TƯỚNG NHÂN DÂN!
Ái Nhân
Hai mốt phát đại bác…
Gầm đau xé trái tim người!
Hơn 80 triệu nhân dân mặc niệm cúi đầu!
Những dòng sông như ngừng chảy
Mây cũng ngừng trôi…tang trắng ngang trời!
Ông đã ra đi!
Về nơi vĩnh hằng thánh thiện
Hơn một thế kỷ làm người
Trọn vẹn thủy chung
Hiền từ, nhân nghĩa
Chí thép kiên trung
Trụ đồng cốt cách!
Đoàn người viếng ông
Dài như sông Hồng…
như dòng Nhật Lệ…
Những đoàn quân điệp trùng lặng lẽ
Không súng gươm…the thắt nén hương lòng!
Những người lính già, lính trẻ
Những cụ ông, cụ bà, em bé…
Xuôi ngược tìm về
Rưng rưng… tấm lòng yêu kính!
Nước mắt khóc Ông chắt từ mỗi trái tim
Không vị tiền, không vì cầu cạnh
Có hoa cúc vàng, lan, huệ …
Những tấm lòng như lụa trắng trong
Cả tiếng vĩ cầm của lão nhạc sỹ già não nuột…viếng linh Ông!
Đám tang Ông dài hơn những dòng sông
Dài như đất nước
Chưa dài bắng một phần chinh chiến bước chân Ông!
Tiễn đưa Ông
Là muôn điều tốt đẹp
Những lời ngợi ca nhân đức một con người
Thanh cao vị tướng giữa đời
Dệt những lời hoa kết Vòng Nguyệt Quế
Thống thiết yêu thương
Những giọt nước mắt khóc Ông
Khóc hồn tử sĩ
Khóc những người lính kiên trung
Khóc hồn người cộng sản chân chính
Khóc thế kỷ hai mươi vinh quang Tổ quốc
Khóc cho cha, cho mẹ, cho mình…
Cho niềm kiêu hãnh ra đi!
Tiếc thương ông!
Thương xương trắng chất chồng
Máu liệt sĩ chói chang màu cờ đỏ
Cho hòa bình dân tộc hôm nay!
Khóc cả cho những đắng cay…âm thầm chua xót!
Cốt cách Ông tạc vào núi sông huyền thoại
tan vào máu đỏ nhân dân!
Ông đã chết?
Không!
Ông muôn đời bất tử!
Trong lòng dân vĩnh viễn Anh Hùng!
Người Anh Cả Võ Văn Liêm Chính
Nhân từ, Hồn hậu Trung trinh!
Người học trò xuất sắc của Hồ Chí minh!
Mãi mãi muôn đời là Vị Tướng của nhân dân!
Hà nội 10-2013
DANH TƯỚNG CỦA DÂN
Phạm Bá Dực
Kính viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
Hai cuộc trường chinh trọn tấm lòng
Vì Dân vì Nước tấm gương trong
Song toàn Văn- Võ một danh Tướng
Lừng lẫy năm châu những chiến công
Anh Cả toàn Quân lòng bác ái
Học trò của Bác dạ kiên trung
Người về Đảo Yến chiều thu nắng
Để nỗi thương đau đến não nùng !
Ngày 9.10.2013
An Bình - Bạch Hạ - Phú Xuyên - Hà Nội
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Văn Cường
Trăm năm khai quốc vị công thần
Cốt cách hiền tài đại tướng quân
Thuở kháng Nguyên Mông - Trần hiển Thánh
Thời bài Pháp Mỹ - Võ thành Văn
Trời Nam kính trọng trang hào kiệt
Thế giới suy tôn bậc vĩ nhân
Chiến tích Điện Biên ngời sử sách
Anh hùng nước Việt sáng lòng dân !
Ngày Đại tướng từ trần
4-10-2013
ĐẠI TƯỚNG BẤT DIỆT
Từ Đức Khoát
KÍNH tâm! Cả nước tiếc thương cha
VIẾNG một cao nhân mãi mãi xa!
ĐẠI thụ hóa thần về đất mẹ
TƯỚNG tài thành Phật tới quê nhà
VÕ văn minh mẫn lo dân sự
NGUYÊN khí anh hùng giúp quốc gia
GIÁP trận, đánh tan quân Pháp Mỹ
CHÚC NGƯỜI AN GIẤC NGỰ ĐÀI HOA
CÂU ĐỐI
Thánh Trần giệt giặc Nguyên Mông một thế lực lẫy lừng thế giới
Thần Võ phá quân Pháp Mỹ hai kẻ thù nổi tiếng năm châu
THEO PHẬT
Nguyễn Thị Đằng
Phật thiền ở gốc Bồ Đề
Bác Giáp tuyên thề ở gốc cây đa
Con xin niệm Phật Di Đà
Bố con - theo Bác rời nhà ra đi
Đói no nào có quản gì
Những năm kháng chiến trường kỳ gian nan
Hôm nay đất nước bình an
Bác về cõi Phật vẹn toàn chữ TÂM!
Nguyễn Thị Đằng
Khu 8 Thạch Đồng - Thanh Thủy - Phú Thọ
THƯA ĐẠI TƯỚNG!
Nguyễn Bá Cự
Kính tặng hương hồn đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Thưa đại tướng!
Giữa rừng núi Cao Bằng năm một chin bốn tư
Người trí thức ba mươi tư tuổi
Đứng trước đội quân chỉ bốn bốn người
Với tên gọi – Đội tuyên truyền giải phóng quân Việt Nam.
Đội quân đó đã đi vào lịch sử
Đã trở thành trùng điệp những đoàn quân
Là trí thức- công –nông một lòng đi cứu nước
Cả toàn dân bước vào cuộc trường chinh
Những giọt máu nhuộm nền cờ Tổ Quốc!
Việt Nam Hồ Chí Minh với đội quân tướng Giáp
Một chiến thắng Điện Biên chói lọi địa cầu
Lại viết tiếp từng trang lịch sử
Hai mươi mốt năm đánh Mỹ trường kỳ
Đất Nước Có ngày ba mươi tháng tư.
Thưa đại tướng
Khi kẻ thù từng dày những uy danh
Vũ khí tối tân giết người hàng loạt
Đại tướng chỉ có trong tay
Những người lính “ từ nhân dân mà ra”
Điều mà kẻ thù không có
Những người lính sẵn sàng chết vì Tổ Quốc -vì dân
Kẻ thù không thể có
Vị tướng như tướng Giáp
Biết xót từng giọt máu của người lính trận
Thương lính như con, em dứt ruột sinh thành.
Tên ông thành điệp khúc âm vang
Khi thế giới gọi HỒ CHÍ MINH…Giáp…Giáp
Một vị tướng đi vào huyền thoại
Làm kẻ đớn hèn ngỡ tên ông khuất lấp tên mình.
Như ngọc vùi trong cát bỏng quê hương
Thế giới không ngại ngần khi ghi danh tướng Giáp
Vị tướng tài danh của thế kỷ hai mươi .
TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG
Tám mươi năm sau
Đại tướng mới trở về
Đất quê mẹ chôn nhau cắt rốn
Quảng Bình nẳng trảng, mưa chan.
Vị tướng đi vào lòng dân như một người thân
Là con,em là cha, anh đồng chí
Người không hề biết gặm nhấm hào quang
Nước mắt ông chỉ rơi sau chiến thắng
Mặn chát thương những người lính hy sinh.
Minh triết một đời để phục vụ nhân dân
Ngời phẩm giá của lòng yêu nước
Lòng nhân hậu với ông là lẽ sống
Thắp tự lòng mình ánh sáng ngọn đèn quê
Phát sáng thiên tài quân sự.
Không màng hư danh
Ông trở về với lòng đất mẹ
Để lại những lời kính cẩn
Của nhân dân, thế giới ngợi ca
Cùng tiếc thương vị tướng tài danh
Nơi ông về
Quảng Bình quê mẹ yêu thương !
DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI
Phạm Trung Dũng
(Kính tặng Hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp -
Người anh hùng dân tộc ).
Dòng sông ấy hình thành không định trước
Trời không mưa, không nước vẫn thành sông
Dòng người đi lặng lẽ sóng trong lòng
Đường Hoàng Diệu cây nghiêng bóng lặng.
Hoa tang trắng. Ngập trời hoa tang trắng!
Cả hoa vàng, hoa đỏ, với cờ sao . . .
Tiễn đưa ông - gìm nước mắt trào
Kiêu hãnh - tự hào nâng ta đứng dậy.
Đi cho năm Châu nhìn thấy
Lòng dân nước Việt ơn ông
Một tài năng lỗi lạc vô song
Một nhân cách sáng ngời không tì vết.
Đi để hồi sinh cái chết
Ngàn năm bất diệt tấm gương trong
Cho những ai ăn ở hai lòng
Nhìn mà ngẫm: Luật đời nhân quả.
Tài năng lớn, tầm nhìn khác lạ
Ông trở về như Lá giữa quê hương
Đất Quảng Bình cát trắng, hàng dương
Sóng biển, chim ca, lòng dân . . . ru ông ngủ.
Trong dòng người tiễn Ông con nhìn thấy đủ:
Cụ già, em bé, bà mẹ, bác công nhân . . .
Nhiều người đi bằng xe lăn
Nhiều người Huân chương ngực đỏ
Cho con gọi Dòng sông người đó:
DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI !
BÀI BÌNH CỦA BÙI THỊ SƠN
“ DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI” THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT NGƯỜI…
Mùa thu cách đây bốn mươi tư năm trước, Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta: “…đã lên đường theo tổ tiên/ Mác- Lê nin thế giới người hiền” trong nỗi tiếc thương vô hạn của nhân loại “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa “ (Tố Hữu).Và mùa thu năm nay- ngay sau những ngày bão lũ bịt bùng vây bủa, gây bao đau thương tang tóc cho đồng bào Miền Trung, Người học trò xuất sắc của Bác Hồ- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh viễn ra đi để lại trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới niềm đớn đau, nhớ tiếc khôn nguôi…Dẫu biết rằng ai rồi cũng sẽ đi về phương ấy, dẫu biết rằng Đại tướng đã bước qua cái tuổi “ Xưa nay hiếm” hơn ba chục năm như thế là trường thọ lắm rồi, mà sao khi được tin Người mất, ai cũng cảm thấy đường đột, bàng hoàng, hẫng hụt đớn đau như không tin nổi vào tai mắt mình nữa? Ròng rã gần tuần lễ, dòng người nườm nượp đổ về số nhà 30 Hoàng Diệu viếng Người ….Hòa mình trong người kéo dài tưởng như vô tận đó có Cựụ trí thức Phạm Trung Dũng- một bloggerquen thuộc của làng blogtiengviet.net.
Ngay khi hay tin Đại tướng mất, anh đã xúc động thốt lên:
“Ngôi sao ấy đã băng rồi
Mà sao tôi thấy mặt trời giữa đêm”
Câu lục bát hàm ngôn giàu hình tượng ấy có sức lay động con tim khối óc của bao người đọc về !
về một vầng “Mặt Trời” không bao giờ tắt trong lòng nhân loại. Ba lần đến viếng Người là ba lần anh hòa dòng nước mắt của mình trong dòng nước mắt của hàng chục ngàn người khóc thương Bác. Đọc “ dòng sông lương tri”, ta nghe như có tiếng nấc nghẹn ngào, nức nở của muôn triệu con người trước sự ra đi của một vị tướng đã trở thành huyền thoại và niềm kiêu hãnh vô bờ của con dân đất Việt.
Nhan đề bài thơ giản dị mà rất hình tượng, độc đáo. Hòa mình trong dòng người từ muôn nẻo đến viếng Đại tướng, anh tưởng tượng đó là “dòng sông lương tri”- dòng sông của những con người có khả năng hiểu biết đúng đắn điều phải trái, đúng sai trong thực tiễn cuộc sống- dòng sông của những con người yêu kính, cảm phục ,tự hào, tiếc thương Bác Võ Nguyên Giáp vô bờ…
“ Dòng sông ấy hình thành không định trước
Trời không mưa, không nước vẫn thành sông
Dòng người đi lặng lẽ sóng trong lòng
Đường Hoàng Diệu cây nghiêng bóng lặng”
Vâng ! Ngày Bác Giáp mất là một ngày nắng đẹp ! Và dòng sông ấy là sự thôi thúc tự trong tâm, là tiếng gọi của trái tim tìm đến với trái tim.Phải chăng nơi dòng sông lặng nhất chính là nơi nước sâu lắng nhất , trong veo nhất? Không khoa trương, ồn ào, náo nhiệt, từ con người đến cảnh vật cứ âm thầm lặng lẽ tiễn đưa Bác Giáp…Ở xa không về viếng Đại tướng được, đọc đến đây, tôi cảm thấy mình như được hòa mình trong” dòng sông lương tri “ ấy với nỗi đau chung lớn lao ấy, được “ mặt trời giữa đêm” ấy sưởi ấm, soi dọi…để mình không trở thành người lạc lõng, thờ ơ trước nỗi đau nhân tình thế thái…
Tác giả đã nhìn thấy những gì trong “ dòng sông lương tri” ấy?
“Hoa tang trắng. Ngập trời hoa tang trắng!
Cả hoa vàng, hoa đỏ, với cờ sao . . .
Tiễn đưa ông - gìm nước mắt trào
Kiêu hãnh - tự hào nâng ta đứng dậy.”
“Hoa tang trắng” điệp ngữ ấy được nhắc đi nhắc lại hai lần trong một câu thơ khiến độc giả không chỉ hình dung ra số lượng, màu sắc chủ đạo của dòng người đến viếng Bác mà còn nhấn mạnh tình cảm vô tư trong sáng của lương tri nhân loại trước một con Người suốt đời sống thanh bạch, xứng đáng với chữ “ Người” viết hoa.
Hai sắc hoa vàng, đỏ hòa trong” ngập trời” sắc trắng kia, ngoài nghĩa đen ra, còn mang nghĩa bóng là màu của lá cờ đỏ sao vàng cách mạng, là máu đào của biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập tự do của dân tộc. Chính vì mục tiêu thiêng liêng cao cả ấy mà Bác Võ Nguyên Giaps đã trọn đời quên mình cho Tổ quốc. Trước nghĩa cả cao đẹp của Người, mọi nỗi đau thương mất mát dường như được mọi người ghìm nén lại, nhường chỗ cho niềm” kiêu hãnh, tự hào nâng ta đứng dậy”. Sự vĩ đại của Bác Võ Nguyên Giaps chính là ở chỗ vẻ đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân cách của Người đã trở thành bất tử, có sức lan tỏa rộng lớn trong lòng muôn dân, khiến mọi người xích lại gần nhau hơn trong “dòng sông lương tri” đang trải dài vô tận…Suốt từ đêm 4/10 đến nay, bao người quên ăn, quên ngủ , lặng lẽ hòa vào” dòng sông lương tri” đến vĩnh biệt Người.Dọc đường Hoàng Diệu, có bao người tình nguyện đem cơm hộp, đem sữa đến cho đồng bào dùng tạm qua cơn đói khát, lấy sức cùng nhau thức trắng đêm để lần cuối được chiêm ngưỡng , tri ân vị tướng huyền thoại có lòng nhân ái bao la…
Nếu ở khổ thơ đầu, “dòng sông” người ấy “hình thành không định trước” mà chỉ là sự thôi thúc tự tình cảm kính yêu, thương tiếc Bác Giáp vô sbờ thì đến khổ thơ thứ ba, thứ tư sự hòa mình trong “ dòng sông lương tri” ấy đã có sự suy ngẫm sâu sắc của lí trí:
“Đi cho năm Châu nhìn thấy
Lòng dân nước Việt ơn ông
Một tài năng lỗi lạc vô song
Một nhân cách sáng ngời không tì vết.
Đi để hồi sinh cái chết
Ngàn năm bất diệt tấm gương trong
Cho những ai ăn ở hai lòng
Nhìn mà ngẫm: Luật đời nhân quả”
Đọc đến câu “ Cho những ai ăn ở hai lòng…” tim tôi như quặn thắt,! Dẫu “ những ai” ấy chỉ là số ít, nhưng vẫn đau lòng lắm ! Liệu “ những ai” đó có thời gian lắng nghe tâm nguyện của muôn dân mà thức tỉnh lương tri? Với tầm vóc của một nhân cách lớn, Bác Võ Nguyên Giáp giành thời gian, trí tuệ, tình cảm đau nỗi đau lớn lao của dân tộc: chiến tranh kết thúc lâu rồi nhưng nhân dân ta vẫn còn nhiều người đói khổ lắm…
Chợt nhớ lại cách đây 3 năm, trong bài thơ “ Mùa Vu Lan mừng tướng Giáp vừa tròn trăm tuổi” (in trong tập thơ “ Trai rừng- NXB Văn Hóa, 2011), Bùi Thị Sơn viết:
“Trở về sau hai cuộc chiến tranh
Người vẫn luôn trọn nghĩa, vẹn tình
Bình dị quên mình cho Tổ quốc
Cho nhân dân- một Đại gia đình.
Người chọn cho mình khoảng lặng im
Như cây cổ thụ giữa đại ngàn
Lặng lẽ dâng cho đời bóng mát
Nhận về mình: Bỏng rát, chói chang...”
Càng cảm phục chữ “ Tâm”. Chữ“ Nhẫn”trong cốt cách của một vị Thánh hiền, bao dung, cao cả mà gần gũi, thân thương giản dị xiết bao!
Từ cảm xúc mãnh liệt của con tim đến ngẫm suy biện chứng của lí trí, Phạm Trung Dũng đã truyền đến độc giả thông điệp về một vị tướng vĩ đại khi “trở về như Lá giữa quê hương”. Cuộc đời sắc sắc không không, Người đi vào cõi vĩnh hằng nhẹ nhàng thanh thản như một Tiên Ông trong thần thoại:
“Đất Quảng Bình cát trắng, hàng dương
Sóng biển, chim ca, lòng dân . . . ru ông ngủ”
Câu thơ thiền đẹp và ung dung, tự tại như phong thái tự tin, không vướng bận bụi trần của một Vị Thánh làm tôi rưng rưng liên tưởng đến hình ảnh vua Trần Nhân Tông- vị vua anh minh, quyết đoán, giàu lòng nhân ái đời Trần qua những câu thơ của Nhà báo- Nhà thơ- Đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn:
“ Như có hẹn tự bao kiếp bao đời
Người bôn ba chốn thị phi, nơi trận mạc
Rồi trở về với bóng trăng cô tịch
Để ngàn năm lưu lại một rừng thương…”
(Trích trong bài thơ “Về Yên Tử nhớ vua Phật”)
Ghìm nén niềm xúc động trào dâng, với trái tim nhạy cảm được chiếu sáng bằng lương tri người cầm bút, Phạm Trung Dũng giành những giây phút thiêng liêng hiếm hoi bên Người để quan sát, miêu tả , lắng trong cảm xúc của muôn người đủ mọi thành phần , lứa tuổi đến viếng Bác: từ cụ già , em bé đến bà mẹ, bác công nhân…;có “ nhiều người đi bằng xe lăn”; có “ nhiều người Huân chương ngực đỏ”…Tác giả thốt lên nh ững lời tự trong tim như muốn nói cùng Bác ước nguyện của mình:
“Cho con gọi Dòng sông người đó:
DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI”
“Dòng sông lương tri” ! Tứ thơ mở màn và khép lại thật Đẹp mà ngân vọng mãi dư ba…
Tâm nguyện của Phạm Trung Dũng, anh linh Bác chắc nghe thấú…Cám ơn tác giả đã nói hộ niềm tiếc thương và nhớ ơn vô hạn của muôn người đối với vị tướng tài ba lỗi lạc của thế giới và vô cùng yêu nước, thương dân.
“ Dòng sông lương tri” là một trong những bài thơ đặc sắc của cộng đồng dân cư mạng viết về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giap mà tôi được đọc trong những ngày tang lễ đau thương của cả dân tộc và toàn nhân loại .
Bài thơ viết theo thể tự do nên dễ dàng chuyển tải các cung bậc tình cảm của tác giả đến độc giả. Đó là tấm lòng của muôn triệu con tim hướng về nơi một trong những “con Người đẹp nhất” đã bay về với” Mác Lênin- thế giới người hiền”.
Bằng biện pháp tu từ ẩn dụ xuyên suốt bài thơ, với nhịp điệu thơ mang nhạc tính cao,lúc trải dài êm ả, lúc trùng điệp cuộn dâng như sóng… “ dòng sông lương tri” là một hình tượng thơ độc đáo, sáng tạo rất riêng của Phạm Trung Dũng. Hòa nhịp đập chung của muôn triệu trái tim, anh đã dâng tặng Người một đóa thơ Đẹp. Tôi rất tâm đắc với cảm nhận của Nguyễn Duệ Mai- một blogger trên cộng đồng blogtiengviet.net:
“Dòng sông cuộn chảy âm thầm
Có chung nguồn cội từ TÂM mỗi người”
Tôi xin mượn lời nhà thơ Chử Thu Hằng để kết thúc bài viết này:
“ DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI” mấy chục vạn người là chữ dùng” đắt” và sáng tạo của anh ( Phạm Trung Dũng). Cuộc đời Đại tướng là minh chứng cho câu “ Lửa thử Vàng”. Sự ra đi của Đại tướng và lòng yêu kính, tiếc thương vô hạn của nhân dân đã khẳng định niềm tin của chúng ta vào những giá trị đích thực, vĩnh hằng của cuộc sống.
Lai Châu, ngày 12/10/2013.
Bùi Thị Sơn
Nguon theo trannhuong