/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Xuân Diệu với phong trào sáng tác thơ ca của bộ đội

Tác phẩm của ông có đóng góp lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam.

Xuân Diệu với phong trào sáng tác thơ ca của bộ đội

 VŨ THỊ THU HƯƠNG



Xuân Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất, là đại biểu đầy đủ nhất cho phong trào Thơ mới, bởi cá tính rất riêng, một phong cách thơ rất Xuân Diệu. “Với những vần thơ ít lời mà nhiều ý, súc tích nhưng đọng lại bao nhiêu tinh hoa, Xuân Diệu là một tay thợ biết làm cho ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dai và cần mẫn” (Thế Lữ). Xuân Diệu tuy xuất hiện trên thi đàn Thơ mới muộn hơn so với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông… nhưng thơ Xuân Diệu trong thời kì này đã tạo được một tiếng vang lớn có sức lay động nhận thức và tình cảm của người đọc cũng như người sáng tác lúc bấy giờ.

Nhà thơ của “lòng khát khao giao cảm với đời” đi vào cách mạng (từ 1943) một cách say sưa, hào hứng vì cách mạng là “sự giao cảm của hàng vạn, hàng triệu người”. Ông “dấn thân” như bao nhà thơ khác vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ, sống cuộc đời gian lao, vất vả và oanh liệt của nhân dân khắp các nẻo đường đất nước, với hàng loạt tập thơ chan chứa tình đời, ấm hơi thở của cuộc sống, lắng sâu tâm hồn: Dưới sao vàng, Sáng, Mẹ con, Ngôi sao, Riêng Chung, Mũi Cà Mau, Cầm tay, Một khối hồng, Hai đợt sóng, Tôi giàu đôi mắt, Hồn tôi đôi cánh, Thanh ca…

Nhưng Xuân Diệu không chỉ là “ông hoàng thi ca” mà còn là một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà phê bình tinh tế, một nhà lý luận văn học độc đáo. Có người nhận xét: “Một mình Xuân Diệu là cả một viện văn học”. 

Nền văn học nước ta là một nền văn học có tính nhân dân. Nhân dân có quyền nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Thơ ca, tiếng nói tâm tình của họ, là tiêu biểu hơn cả cho tâm hồn dân tộc, một phần tinh túy của nền thơ ca hiện đại. Xuân Diệu nâng niu cái phần tinh túy ấy và muốn góp phần gọt giũa cho thêm hay, thêm đẹp. Ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã tiến hành một công việc rất có ý nghĩa. Ông nhiệt tình và trân trọng giới thiệu Thơ bộ đội, Thơ trong chiến dịch sông Thao, Thơ trong kháng chiến của công nhân; ông nói về Vè kháng chiến Bình Trị Thiên; ông nghiên cứu Thơ với đấu tranh thống nhất, Mười lăm năm thơ Việt Nam dân chủ cộng hòa,… Những sáng tác thơ được tuyển chọn, giới thiệu đã góp phần chứng minh cho sức sống và tinh thần sáng tạo thơ ca của quần chúng. Công việc này cũng nói lên sự đổi thay rõ rệt trong quan điểm nghệ thuật của một nhà thơ lãng mạn vốn xa rời quần chúng, nay lại chân thành trở về và nhiệt tình tìm tòi, ca ngợi những giá trị tinh thần của quần chúng. Cùng với những bài viết có giá trị của Hoài Thanh về thơ ca kháng chiến, Xuân Diệu là cây bút quen thuộc và tin cậy trong việc phê bình và giới thiệu những tác phẩm có giá trị của thơ ca kháng chiến.

Trong phong trào thơ quần chúng, mảng thơ bộ đội được Xuân Diệu quan tâm đặc biệt. Đó là các bài viết: Thơ bộ đội, Vệ quốc làm thơ (Tiếng Thơ); Thơ bộ đội hành quân, Thơ bộ đội công binh mở đường thống nhất (Và cây đời mãi mãi xanh tươi); Ca dao kháng chiến của bộ đội, Thơ công binh “mở đường thắng lợi” (Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy). Xuân Diệu dành nhiều thiện cảm với những sáng tác của con người mới trong gia đình văn chương nghệ thuật: anh thanh niên văn nghệ quân đội. Khi đánh giá, tìm hiểu một vấn đề, Xuân Diệu luôn đi tìm nguyên nhân sâu xa. Ở đây ông đã chỉ ra mấy lẽ khiến thơ phát triển trong bộ đội, đó là: “Thơ muốn nói cái gì thì nói thẳng; nếu chẳng dụng tình làm cho bí hiểm, thì thơ chóng cảm, chóng ưa. Với lại làm những bài thơ dường như chóng hơn viết những bài văn, nếu có một chút khiếu. Thơ theo tình cảm mà vọt ra, ít phải đụng chạm đến sự vật tỉ mỉ. Rồi đến lúc mà thơ hay, thì nó hay vô tận, vô cùng”(1).

Giữa dàn hợp xướng thơ bộ đội, Xuân Diệu có nhận xét thật tỉ mỉ về tính chất khác hẳn của thơ lính so với thơ cán bộ của lính: “Thơ lính chắc thiệt, tự nhiên, có cái hướng lành mạnh của bản năng, nhiều khi loé lên những ánh đột ngột”; còn thơ cán bộ của lính “đã đến một cái đẹp mới, dòn”. Có lẽ Xuân Diệu hiểu nhà thơ, Xuân Diệu có khả năng thẩm định giá trị thơ ca bởi ông có sẵn tâm hồn thi sĩ. Thơ là điệu của tâm hồn. Những lúc anh bộ đội để tâm hồn trong thơ, thơ anh có một thần thái đặc biệt. Và Xuân Diệu đã chớp được những khoảnh khắc ấy để có những lời bình thấm thía, thể hiện năng lực cảm thụ hiếm thấy chỉ có thể có được ở một tâm hồn nghệ sĩ. Đây là bài Đợi thù của Hồ Phương: Gió đã lạnh, cây rừng thêm trút lá/ Đêm khuya, sương đã buốt cả làn da/ Mảnh trăng treo úa rụng lúc canh tà/ Ta thấy cả một mùa đông đang tới/ Một mùa vàng rượi/ Một mùa gắt gao…/ Đường hanh khô nứt nẻ đón chân đi/ Suối trong giòng, nước cạn chảy lầm lì/ Rừng rét mướt xoã tóc chờ đợi mãi…

“Hồ Phương gợi được rừng và trăng, và lạnh, cái quang cảnh đợi chờ trận thu đông để đánh giặc mà sao khung cảnh quanh mình lại có thi vị, mấy câu thơ văng vẳng tiếng thu đông… Anh chiến sĩ thầm lặng giết giặc nhưng đi qua giữa tạo vật, chẳng lẽ lại không cảm, không nhìn như một nhà thơ… Ba câu sau cùng khêu gợi lắm”(2).

Còn đây là một khám phá bất ngờ, hóm hỉnh của nhà phê bình, thể hiện đúng “chất lính”: “Con nhà võ, các anh Vệ quốc thích cho tiếng súng vào thơ, nó nổ đến giật mình! Tiết thu đông vừa qua, cả nhà Vệ Túm, vợ chồng con cái nghĩa là anh đội viên, súng và đạn đều “xôn xao chuẩn bị om xòm, đợi ngày ra trận đòm đòm xung phong”(3)#: Tối qua lội ruộng đầm sâu/ Lần vào trại giặc, lấy đầu đứa canh/ Đốt luôn một dãy nhà tranh/ Ném vài lựu đạn đùng đoành giỡn chơi/ Ung dung tôi lại rút lui/ Kinh hồn mất vía giặc chui xuống hầm/ Phóng ra moóc-chê ầm ầm/ Suốt đêm bắn phá chẳng nhằm vào đâu.

Đọc Ca dao kháng chiến của bộ đội, Xuân Diệu cảm nhận được chất lãng mạn cách mạng tràn đầy trong tâm hồn người chiến sĩ, cái không khí lãng mạn cách mạng bao trùm những bài ca dao. Dù còn bao vất vả gian lao, anh bộ đội vẫn hiên ngang, và “thơ anh cứ tươi, cứ ngọt như không”. Lãng mạn cách mạng là cái hồn toát ra của thơ, hiện thực là thịt da, xương máu của thơ – yếu tố hấp dẫn của ca dao kháng chiến chính là chất lãng mạn dạt dào ấy. Theo Xuân Diệu, ca dao kháng chiến của bộ đội được làm ra ở trong cuộc chiến đấu gian khổ, mang rất sống những cảnh đời của người chiến sĩ, khiến người đọc cảm kích, kính mến; bởi lẽ “đó là dòng suối ào ạt nhưng bao giờ cũng rất trong, trong vắt bởi tâm tình anh bộ đội. Suối thơ đó mỗi khi tâm hồn ta tắm vào lại bồi dưỡng cho ta sức khỏe, lòng yêu thương, một lòng yêu đời, yêu đời đến mức hy sinh cao khiết”(4).

Xuân Diệu từng phát biểu, ông đến với ca dao kháng chiến của bộ đội chưa phải như một người phê bình văn học để cân nhắc, đánh giá, mà như một con người yêu mến, cảm thông, không phải đọc mà là sống, hấp thụ, giao hòa, để nó trở thành một mảng kỷ niệm, một mảnh của đời mình. Điều đó thể hiện một thái độ sống chân thành của nhà phê bình: sự cảm nhận văn chương không chỉ ở cái hay của câu chữ, mà có lúc phải xuất phát từ chính cảm xúc và tâm hồn mình. Cũng vì lẽ ấy, ông không đòi hỏi những bài thơ hay theo tiêu chuẩn của thơ hay Đông Tây kim cổ, bởi vì đây là loại văn thơ từ chất liệu cuộc sống chuyển thẳng thành tác phẩm nghệ thuật, nhưng “ta yêu cái sần sùi chưa chải chuốt, ta yêu cái sức lực sắt đồng trong giọng nói nhiều khi dùi đục”, ta thích những tảng đá to, lăn ra là cả một ngọn núi bước đi”; và “đọc những bài thơ mộc mạc, gồ ghề, ta biết đó là những bản giáp cường tráng của những bài thơ lộng lẫy mai sau”.

Hình tượng anh bộ đội là một trong những hình tượng trung tâm, là nhân vật số một trong văn học nghệ thuật thời kỳ 1945 - 1975. Hình ảnh ấy cũng đi vào trang viết của các nhà phê bình với tất cả những nét đẹp hào hùng. Anh chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân ta trong thơ qua ngòi bút của Hoài Thanh cho chúng ta một cảm nhận sâu sắc hơn về phẩm chất tuyệt vời của người lính. Còn Xuân Diệu đã dành tình cảm trân trọng của mình cho Những bài thơ viết về bộ đội 1944 - 1974. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ hình ảnh Bác Hồ - người lính già đến anh Vệ quốc quân, em thiếu sinh quân, anh giải phóng quân, đều biểu hiện một sức ống, một thần thái đặc biệt, một tầm vóc lớn lao. Xuân Diệu đã tái hiện sống họ như là những tinh chất của sự sống, cao cả mà bình dị xiết bao: “Ba chục năm nay, anh bộ đội là hình ảnh trung tâm của hai cuộc kháng chiến; sự nghiệp này là chung của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân; nhưng hình ảnh tập trung sự yêu mến cũng như sự ngợi ca là đồng chí bộ đội. Đối với nhân dân, hình ảnh bộ đội là bao trùm, vì mỗi làng xóm, mỗi gia đình, mỗi tỉnh thành đều có con em đi bộ đội; có thể nói: hình tượng Đảng, Bác và bộ đội là gắn liền nhau”(5).#

Trong các nhà thơ Việt Nam, Xuân Diệu là người  có công, người đi đầu trong việc phát hiện, đề cao, tôn vinh giá trị thơ bộ đội. Là một hồn thơ đa dạng, phong phú, hồn thơ ông nhập vào thơ ca quần chúng, thơ binh nhất, binh nhì để lắng nghe, cảm nhận. Xuân Diệu luôn có cách nhìn trân trọng, nâng đỡ đối với những tác phẩm thơ ca quần chúng nói chung, thơ bộ đội nói riêng. Những bài thơ ấy có thể chất lượng nghệ thuật chưa cao, chưa hoàn bích nhưng đã thể hiện phẩm chất tâm hồn lính, thể hiện tấm lòng của nhà thơ. Dường như Xuân Diệu bỏ qua những hạn chế, nhược điểm, không có sự đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật nghề nghiệp, bếp núc của thơ. Quan điểm của ông là: “đối với những sáng tác của quần chúng, chúng ta chưa có thể đòi hỏi một trình độ kỹ thuật và tập trung như đối với các nhà thơ chuyên nghiệp. Chúng ta phải lắng nghe và nhìn sâu cái chân chất của tình cảm… Tình cảm đó xuyên qua những chữ, những lời và ta thấy dồi dào thắm thiết lắm”#(6).

Xuân Diệu không đi vào phân tích tỉ mỉ nghệ thuật thơ bộ đội, mà tập trung làm nổi bật cái hồn nhiên, chân thành của những con người bình thường, chân chất, những người lao động yêu nước đi kháng chiến, tin tưởng vào kháng chiến, vào sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, chiến đấu bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Qua đó, chúng ta cũng nhận thấy Xuân Diệu có nhiều biến chuyển trong tâm hồn và thơ ca, với ý thức của cái tôi công dân, của một nghệ sĩ, một trí thức yêu nước trước thực tế cuộc sống. Hơn năm mươi năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ một nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng. Đó là bước chuyển tất yếu của một trí thức yêu nước, một tài năng nghệ sĩ. Từ một nhà thơ tự cho mình “là một, là riêng, là thứ nhất”, ông đã nhìn nhận, trân trọng cái đẹp của những con người bình dị, những tâm hồn bình dị: người nông dân mặc áo lính, tâm hồn trong sáng, tình cảm đơn giản mà đẹp đẽ. Vẻ đẹp tâm hồn họ cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn dân tộc.

Có thể nhận thấy, ở phương diện nào, Xuân Diệu cũng có đóng góp rất  lớn với sự nghiệp văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét “Xuân Diệu là người đem nhiều cái mới nhất cho thơ ca hiện đại Việt Nam”. Sự đóng góp của ông diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chính vì thế Xuân Diệu xứng đáng là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn.

Bài học Xuân Diệu để lại cho đời là tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, là niềm tin yêu tha thiết đối với con người, là ý thức chân thành đối với văn chương. Ông - một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác thật lớn lao và rất có giá trị. Tác phẩm của ông có đóng góp lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam.

V.T.T.H

 

---------         

1 Tiếng thơ. Nxb Văn nghệ, 1954. Tr 39.

2 Tiếng thơ. Nxb Văn nghệ, 1954. Tr 41-42.

3 Tiếng thơ. Nxb Văn nghệ, 1954. Tr 55.

4 Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy. Nxb Tác phẩm mới, 1978. Tr 81.

5 Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy. Nxb Tác phẩm mới, 1978. Tr 83.

6 Xuân Diệu. Phê bình giới thiệu thơ. Nxb Văn học, 1960. Tr 40.

 

Nguồn: Văn nghệ quân đội