/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Thơ Tân hình thức có đến được với đại chúng?

Đây có lẽ là sự tụ hội đông đảo và nghiêm túc nhất cùng bàn luận về thơ Tân hình thức Việt từ trước đến nay.

Thơ Tân hình thức có đến được với đại chúng?

(Sông Gianh)       

     Thơ tân hình thức xuất hiện tại Mĩ từ giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước và du nhập vào Việt Nam khoảng 15 năm nay. Một sinh hoạt văn chương về thể thơ này vừa diễn ra tại Hà Nội do Tạp chí Sông Hương kết hợp với Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện. 

Buổi sinh hoạt có sự gặp gỡ, quy tụ thú vị của các khách văn chương Bắc – Trung – Nam. Đến từ Hà Nội có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình: Vũ Quần Phương, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Văn Giá, Đặng Thân, Võ Thị Xuân Hà, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Mạnh Tiến, Mai Anh Tuấn, Hoàng Đăng Khoa… Đến từ Huế có nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, nhà văn – họa sĩ Lê Minh Phong. Đến từ thành phố Hồ Chí Minh có nhà thơ Ngô Thị Hạnh.


Thơ Tân hình thức (new formalism poetry) xuất hiện tại Mĩ từ giữa thập niên 80 và thịnh hành nhất vào giữa thập niên 90 của thế kỉ trước. Đặc điểm nhận diện của thể loại thơ này là sử dụng ngôn ngữ đời thường, có tính truyện, dùng kĩ thuật vắt dòng và kĩ thuật lặp lại.
Loại hình thơ Tân hình thức diễn ra ở Việt Nam khoảng 15 năm nay trên hai phương diện: lí thuyết và thực hành. Trong quá trình hình thành và phát triển, như những tìm tòi thể nghiệm khác, thơ Tân hình thức vừa được đón nhận, vừa bị từ chối với nhiều lí do khác nhau. 
Thời gian qua, báo chí trong nước đã bước đầu tham gia giới thiệu thơ Tân hình thức và thơ Tân hình thức Việt đến với công chúng. Nhìn nhận thơ Tân hình thức với tư cách là một hệ hình mới, Tạp chí Sông Hương có thể nói là cơ quan chính thức đầu tiên ở Việt Nam tổ chức chuyên đề, giới thiệu, quảng bá thơ này trên cả hai phương diện lí thuyết và thực hành.
Tại buổi sinh hoạt, các đại biểu tham dự đã bàn thảo nhiều vấn đề, góc cạnh liên quan đến câu chuyện thơ Tân hình thức và thơ Tân hình thức Việt. 


Mượn ý Hegel, nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thúy khẳng quyết rằng, cái gì tồn tại cũng đều có tính hợp lí của nó. Ông nói: Thơ hiện đại từ chỗ của quần chúng dần trở thành thứ đặc tuyển, chỉ dành cho một bộ phận người đọc và đến lúc này lại phát sinh nhu cầu ngược lại: được trở về với quần chúng, với số đông, đây là lúc Thơ Tân hình thức hình thành và phát triển. Tính hiện đại của thơ Tân hình thức nằm ở ý tưởng độc sáng, chỉ đến một lần, ở tâm thức, tinh thần thời đại, ở ngôn ngữ đời thường sống động… Tuy nhiên, đến thời điểm này, thơ Tân hình thức Việt vẫn đang có khoảng cách so với số đông.

  
Nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu: Cảm xúc của con người thì muôn đời vẫn thế, cho nên con đường đổi mới thơ khả dĩ là làm mới hình thức. Thơ Tân hình thức có thể không bén rễ, không sống lâu ở thổ nhưỡng Việt, nhưng tinh thần thơ Tân hình thức thì hoàn toàn đủ sức kết đọng, tạo trường ảnh hưởng. Thơ Tân hình thức là một chi lưu của thơ thị giác nên không nên nghe bằng tai mà phải được đọc bằng tất cả trực quan sinh động với sự sắp đặt, bài trí câu chữ của văn bản thơ.

 

Nhà thơ Đặng Thân, người đã và đang nhiệt tình thực hành thơ Tân hình thức, lại cho rằng: Đồng ý là đọc thơ Tân hình thức hay nhất là đọc bằng mắt, tuy nhiên, cứ tự nhiên tận hưởng nó, không nên mặc định nó là thơ thị giác; cũng vậy, đọc nó ở đâu là tùy thích chứ không nhất thiết phải mang nó ra đọc ở quảng trường.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ rằng, thường ban đầu đọc thứ gì “khó” thì ông luôn nỗ lực nâng tầm đón nhận của mình lên để hiểu. Và càng ngày, thơ Tân hình thức càng mang đến cho ông nhiều thú vị. Đằng sau những câu chuyện có vẻ bằng chằn chặn mà bài thơ kể lại là nhiều câu chuyện khác. Tân hình thức là một trong nhiều hình thức biểu đạt, tồn tại của thơ. Hãy tôn trọng nó. 

 

Nghi ngại câu chuyện duy hình thức của thơ Tân hình thức, nhà thơ Trần Hưng phát biểu: Cái quyết định vẫn là hồn cốt của thơ, vẫn là tinh thần, cảm quan thời đại mà người làm thơ chuyển tải chứ không phải là vỏ hình thức. Về quan điểm này, nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thúy không tán thành. Ông cho rằng, khi sáng tác thì tư tưởng của người viết nằm trong chính ngôn ngữ nghệ thuật của họ. Thơ Tân hình thức, bằng một hình thức mới để chuyển tải một hệ thống tư tưởng mới.
 

Cũng tại buổi sinh hoạt văn chương này, tập tiểu luận “Thơ Tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo” do Tạp chí Sông Hương phối hợp với Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành quý 2 năm 2014 đã được giới thiệu với công chúng phía Bắc. Theo nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, thì “Cuốn sách này có thể nói đã mang trong mình tâm huyết của những trái tim vì sự phát triển văn học nghệ thuật, sự ưu tư của nhiều sáng tạo, sự đa chiều thẳng thắn của các góc nhìn khoa học thấu triệt… Đây có lẽ là sự tụ hội đông đảo và nghiêm túc nhất cùng bàn luận về thơ Tân hình thức Việt từ trước đến nay.”

 Theo DHVH