/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Thi sĩ Thanh Tùng

Thanh Tùng cứ thi sĩ như thế, quên hết mình đã qua tuổi “Nhân sinh thất thập” tự bao giờ.

Thi sĩ Thanh Tùng

 

Đầu năm 1990, ở bên tường trường Ngô Quyền (tức Bonnan cũ) phía nhà Triển Lãm, mở ra một quán ăn- giải khát. Quán mang tên hơi lạ- quán Văn. Quán cấu trúc nội thất giản dị. Nhưng bên tường phía trái nhìn từ cửa vào có treo chân dung nhà văn Nguyên Hồng. Người đến quán phần lớn là học sinh cũ của trường Ngô Quyền. Lạ nữa là những người đến quán Văn ít thấy hay thảng hoặc mói có người bàn chuyện mánh mung làm ăn kinh tế. Cũng không mấy ai bàn nhiều đến những biến động chính trị vừa xảy ra. Cái mà khách ở quán này tự nhiên chọn lọc để trao đổi là nghệ thuật. Nghệ thuật được bàn thủ thỉ như mạch nước chảy ngầm trong đất. Có lúc nó chợt vọt lên rì rầm như nguồn suối. Có lúc nó chợt trào, chợt lắng như biển của Hải Phòng. Đôi bài thơ mới làm được đọc ra rụt rè. Một giai điệu mới xong được hát vang vỡ vạc- cứ thế, cái tổng phổ âm thanh của quán Văn cứ âm âm, dìu dặt, cuốn hút, đưa đẩy.

Chủ quán là một giáo viên Văn của trường Ngô Quyền, thày giáo Lê Hùng. Hùng là thày dạy Văn có tiếng của trường. Nhưng tài kinh doanh của anh đã được nhận ra giữa ngọn gió đổi mới của đất nước. Hùng đảm lãnh trách nhiệm lo một khâu kinh tế giúp nhà trường có thêm cơ sở vật chất làm hậu thuẫn cho công cuộc giảng dạy. Làm kinh tế nhưng tình yêu với nghệ thuật vẫn nguyên vẹn. Chắc vì lẽ đó mà Hùng lập ra quán Văn. Đó còn là nơi dung hòa giữa hạ tầng và thượng tầng, nơi gặp gỡ giữa đời và đạo, nơi tiếp giáp đất và trời.

Ngoài chủ quán Lê Hùng, quán Văn còn có mấy cô bé phục vụ. Nhưng đặc biệt, còn có một người đàn ông cỡ tuổi đã ngoài ngũ tuần. Người đàn ông có vóc người to thô, trán hói, tóc dài xoăn bạc lưa thưa như tóc giả đàn ông thời phục hưng. Anh có nhiệm vụ duy nhất là ngồi bàn nghệ thuật với các khách hàng ở các bàn nếu cần thiết. Có lúc, anh ứng tác thơ. Ngoài nhiệm vụ ấy, anh còn nhiệm vụ pha rượu thuốc với rượu ngang và rót vào từng vỏ chai bia Trung Quốc mỗi buổi sáng. Người đàn ông đó là Thanh Tùng- thi sĩ. Anh vốn là công nhân ở Hải Phòng- Hà Nội. Anh xin về hưu giữa lúc quán Văn ra đời. Và anh trở thành linh hồn của quán. Khi ấy anh đã 55 tuổi. Anh sinh năm 1935 Ất Hợi cơ mà.


Không phải bạn bè thân thiết, khó ai có thể tin người đang rót rượu cho mình là một thi sĩ lớn của Hải Phòng từ những năm chống Mỹ cho đến nay. Và chắc chắn là cho tới tận cùng kiếp sống. Kìa, anh vẫn rót đấy…

Có hôm Thanh Tùng không muốn tiếp xúc. Nỗi cô đơn từ thẳm sâu chợt chiếm lại anh. Anh lững thững đi mà không cần biết đi đâu trên những đường phố đã quá quen thuộc của miền cửa biển mà anh đã gắn bó từ buổi sinh thành. Ôi! Nỗi cô đơn độc nhất đến gần đây Thanh Tùng mới thực sự niếm mùi vị của nó. Đó là khi người vợ mới bỏ vào vào Sài Gòn. Còn người vợ cũ thì đột ngột lìa đời ở bên bờ Bãi Cháy. Hai vùng biển Bắc, Nam cướp đi của chàng thi sĩ vùng cửa biển này hai người đàn bà mà anh từng gắn bó trong từng khoảnh khắc đắng cay, ngọt bùi. Anh đã bước từ bi kịch của mình đến quán Văn vào thời điểm đó. Nhưng sao nỗi cô đơn lại chầm chậm trở về. Tận nơi bản thể, nỗi cô đơn sao lớn lao và nặng trĩu. Con người ai mà chả từng trải qua những giờ giấc mà mình phải sẵn sàng đổi chác để lấy cho được một cuộc giao du nào đó, dù đó là cuộc giao du tầm thường nông cạn, dù đổi bằng một sự giả vờ có vẻ tương thuận hời hợt với bất cứ kẻ nào chợt đến, dù kẻ đó chẳng xứng đáng gì với mình. Song có lẽ vì thế mà con người có chỗ để so sánh, để thấm thía nỗi cô đơn cứ tăng dần, cứ lớn dần từng khoảnh khắc. Nó thực đau đớn như tuổi lớn của trẻ con và trầm buồn như trời sắp lập xuân.

Thanh Tùng vẫn đi, đi giữa hai mất mát, đi vào sâu nỗi cô đơn. Anh rẽ sang một phố vắng. Đừng phải gặp ai, trong những giờ đằng đẵng, lê thê này, đó là điều anh phải được hưởng trọn. Phải cô đơn như thời trẻ con trơ trọi một mình lúc những người lớn lao đao, lận đận, bận bịu, líu ríu với những sự việc dường như to lớn đối với trẻ con. Và dường như quan trọng chỉ vì những người lớn hơn chộn rộn, còn trẻ con thì không hiểu nổi những sự việc bề bộn kia của người lớn. Rồi có một ngày khi mình chợt lớn lên, chợt thấy rằng những lo âu chộn rộn của người lớn quả là xót xa cơ cực, công ăn việc làm của cha mẹ trong vùng tạm chiếm thật nguội lạnh. Từ thẳm sâu của một đứa trẻ mười lăm tuổi, bằng cái nhìn từ tận lòng thế giới riêng biệt, tận nỗi cô đơn bao la như thiên chức trao cho chính mình, Thanh Tùng đã không chịu nổi cái vô tri khôn ngoan của trẻ thơ lấy cái cạnh tranh, rẻ rúng của những người lớn. Có lẽ vì thế, Thanh Tùng đã viết ra nhưng câu thơ của tuổi ấy. Anh còn nhớ nguyên ngày xa xưa ở trường Ngô Quyền, anh đã nhút nhát, run run nhận lấy giải thưởng của nhà trường cho bài thơ đầu tiên của mình. Bài thơ bây giờ chỉ còn giá trị duy nhất là giá trị kỷ niệm, cũng như quãng đời đi học của anh ở trường Ngô Quyền. Đó là những năm tháng yên ấm cuối cùng trước khi anh nhập mình vào cuộc đời cần lao ồn ã. Bỗng Thanh Tùng cảm thấy như mình đang đứng giữa sân trường im ắng. Im đến nỗi có thể nghe được cả tiếng của ngày xưa. Đâu đây, tiếng thước gõ trên bảng đen lách cách, tiếng vỏ cây bàng nẻ nứt giữa sân. Cây bàng đứng như ngủ trong mênh mang nắng gió. Và anh tưởng như lại đang đến ngồi vào chỗ ngày xưa cậu bé Thanh Tùng ngày xưa vụng dại, đối diện với chiếc bảng đen bí hiểm, với bao câu hỏi rắc rối. Thế mà bây giờ mình đã hai đứa con, đã qua hai đời vợ với những đằm thắm khác nhau, ngang trái khác nhau.

Bờ sông Cấm hiện ra trước mặt. Một chuyến phà vừa sang ngang. Vài cánh hải âu chao về. Một điều làm Thanh Tùng khẽ rùng mình là khi anh thoáng nhớ đến bài thơ Bến cũ của anh. Bài thơ làm từ năm 1975 như một lời tiên đoán cho số phận anh sau 15 năm nổi trôi, lênh đênh như kiếp nàng Kiều qua các tình duyên. Và bây giờ, chính anh là bến cũ- cái bến Bính xưa kia hoang lặng, lủi thủi trong mưa gió. Mà lạ, sao từ hồi đó, hồi anh với Nhàn còn biết bao đằm thắm, anh đã viết được:

Ngày ấy em đi

Lòng anh như trái non

Bão dập vào đá sắc

Như mảnh thuyền tan

Sóng dìm xuống đáy

 

Bữa ấy em đi

Ngôi sao vụt tắt

Đêm tuột lưng kè nhép

Chỉ có tiếng nước kêu

Nơi hốc mòn khắc khoải

Chỉ có cành su nhỏ

Năn nỉ hoài trong đêm…

Bây giờ thì Nhàn chỉ còn là một nấm mộ xa lạ giữa vùng Cái Đăm heo hắt. Người đàn bà lãng mạn ấy đã đến với anh sau khi phải vượt qua những chung sống cũ, đã có con riêng. Nhưng với anh, Nhà vẫn là một người yêu thật mới. Sự cuồng nhiệt vô tận ở trong cái vóc hình nhỏ nhắn dịu dàng ấy dường như lúc nào cũng muốn bung vỡ. Có lẽ sự trái ngược đó đã dẫn đến chứng đau tim. Đã dẫn đến những bi kịch khác. Nhưng trong anh, tình yêu với Nhàn là nguyên vẹn. Nguyên vẹn cả những thô bạo, những giông gió, những uất ức rớm máu.

Thanh Tùng lại nhớ nữa đến một “thời hoa đỏ”. Thực ra anh không định bắt đầu đời mình bằng thơ tình. Thi bá người Đức Rai-nơ Maria Riu-lec đã dạy: “Hãy cố gắng nói lên những gì mình thấy, mình sống, mình yêu, mình mất. Nói lên mình như con người đầu tiên được tạo ra trên đời này. Đừng viết những bài thơ tình ái. Đó là những đề tài quá dễ dãi thông thường…”. Đúng! Ai khi yêu mà chả có một lần ngồi chắp vần, chắp điệu cho nỗi yêu của mình. Nhưng còn lại bao nhiêu thi sĩ? Thanh Tùng đã tránh được điều đó. Bài thơ đầu tiên anh được dư luận chú ý là bài Phố cửa biển. Dù cho đoạn cuối bài là cảm xúc giả: “…Hôm nay lưng đèo hành quân- Bỗng nghe tin quê hương giặc bắn…” nhưng người ta vẫn nhớ đến anh như một thi sĩ có nhiều chi tiết một vùng công nghiệp: “Nơi dòng sông chảy ra ôm choàng lấy biển- nơi con tàu rúc còi chào bến cảng…”. Và từ đấy, anh mang một tên gọi là “nhà thơ công nhân”, ở bên cạnh nhiều “nhà thơ quân đội” và “nhà thơ nông dân”… khác. Nhưng mỗi lần nghĩ đến Nhàn, lòng yêu của anh lại trào lên nhiều xót xa mặn sóng. Tháng ba xa xôi ấy, anh không ngờ mình đã bật ra được tiếng nức nở này:

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho chưa hè yên tĩnh

Chẳng cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê của một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa của một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn vào tận sâu trong mắt nhau…

Đã biết bao lần anh nhìn vào cặp mắt long lanh ấy. Để rồi bất lực- Thanh Tùng bật khóc. Tiếng nức nở bây giờ đã đi qua thơ để trở về cùng kiệt nỗi bất hạnh. Anh chỉ là một cái mốc không bị khuất lấp trong thời gian của Nhàn. Nhàn vẫn phải tiếp tục độc hành dọc lối mòn số phận mình và đi tới cái chết bằng nỗi cô đơn tuyệt vọng của một người đối diện đại dương. Thanh Tùng khóc òa lên, khóc như mặc ai nghe thấy.

Ngày bất hạnh ấy đã xảy ra vào đúng kỳ anh đi dự Đại hội Nhà văn lần thứ tư. Đang ngồi giữa những tranh luận bỏng rát, cái chết của Nhàn như gáo nước lạnh bất ngờ dội xuống anh. Anh tỉnh ngộ. Vớ vẩn hết những quan điểm, những mâu thuẫn. Chỉ có con người với số phận nặng trĩu mà vũ trụ gán cho nó. Anh bỏ về khóc trước người đã khuất- dù rằng về luật pháp, giữa anh với Nhàn không còn là chồng vợ. Nhưng tình yêu thì luật pháp nào chịu nổi, xóa nổi. Quay về căn nhà cũ, Thanh Tùng lập bàn thờ Nhàn, đứng như chịu tội bên cạnh hai đứa con sớm mất mát, sớm có cảnh ngộ. Anh xếp lại những di vật của Nhàn mà anh còn giữ được. Có một bài thơ Nhàn làm khi Đào Cảng mất, ý bài thơ thương xót một thi sĩ sao mất sớm. Giá như mình có thể chết thay được thì nên chết ngay để đổi lấy cuộc sống ấy. Còn bây giờ Nhàn chết là không thể đổi cho ai, mà còn trao tiếp nỗi cô đơn cho những người ở lại.

Thanh Tùng lại thất thểu quay về. Sau lưng anh, gió từ sông Cấm lên như tiễn biệt. Thực ra anh lang thang hôm nay còn mang thêm một nỗi buồn của một đêm không ngủ. Đêm qua, khi rượu đã ngà say, Thanh Tùng về nhà. Một thèm khát đàn ông nổi lên cuồng dữ. Những lần như thế này của ngày xưa, người sẽ rên rỉ với anh trong ân ái là Nhàn. Nhàn bỏ anh đi, chống chếnh một thời gian. Giữa lúc đó, anh tìm được Dung. Nói là tìm cũng đúng mà nhặt về như Kim Lân từng viết cũng đúng. Nhặt thì cũng là vợ- vợ nhặt. Bằng lòng thành thực của thi sĩ, Thanh Tùng đã đưa Dung từ vỉa hè vào gia đình, đã cướp lại Dung từ bụi bặm, trả về cho sạch sẽ. Và người đàn bà ấy đã thành kính biết ơn. Thanh TÙng đã từng ứa nước mắt khóc thầm khi bưng bát cháo cho Dung khi Dung ốm, Dung đã nói: “Anh ơi, đời em chưa bao giờ được ai chăm sóc như anh”. Chỉ cần có thế, những tưởng là có thể hàn gắn nổi mất mát, có thể nương tựa mà chung sống. Nhưng cơn bão kinh tế đã cướp Dung đi, đã xô dạt em vào bến cảng Sài Gòn. Dung làm ăn vỡ nợ và chạy trốn khỏi nợ nần. Tang thương xiết bao. Thanh Tùng đã phải một phen vào tìm vợ và hai bàn tay trắng bất lực không thể đưa nổi vợ về nhà. Chỉ tìm ra được ở Đà Lạt “Cỏ xanh ngùn ngụt nỗi buồn”. Chỉ tìm được một nỗi đắng cay mới.

Từ khi chia tay Nhàn, ở với Dung, thơ Thanh Tùng có những cựa quậy khác trước. Với Nhàn, anh đã có được sức mạnh bẻ vụn những lãng mạn dài dòng, lê thê. Anh đã thổi vào những lãng mạn ấy cái hầm hập, góc cạnh, gấp khúc của thi điệu hôm nay. Anh đã “cốc-tai” được vị chanh Việt Nam với Whisky Scoland. Và đặt vào giữa thứ rượu cocktail ấy một mảnh đá lạnh lùng thâm trầm của Phương Đông lòi ra từ tủ lạnh phương Tây. Nhưng với Dung, anh đã biết kiềm chế, không bức bách, hối thúc. Anh đã biết chờ đợi cảm xúc chín thơm trong hồn, trong bóng tối, trong vô ngôn, trong vô thức, những cõi vùng đóng kín mà tri thức không thể đi vào được. Nhịp ân ái của Dung đã làm thay đổi nhịp cũ trong thơ anh. Một ai đó đã nói: “Sống và sáng tạo trong tâm thái động tình”. Đúng! Đời sống sáng tạo rất gần gũi với đời sống tình dục, gần gũi với những nỗi đau đớn, những cơn khoái lạc. Và phải nhận thức rằng cả hai hình thức đều cùng một nhu cầu duy nhất, một mê cảm khát khao duy nhất. Nếu hiểu chữ “tình dục” trong ý nghĩa thuần khiết, trong sạch, cao đẹp, rộng rãi, thoát khỏi những tỵ hiềm của xã hội, sẽ thấy nghệ thuật cao siêu và nguyên thủy hơn, sức mạnh thi ca mãnh liệt như bản năng, nó mang những nhịp điệu riêng biệt cuồng dại. Nó bắn nước như phun vọt lên từ những tảng núi nào đó.

Với Dung, Thanh Tùng đã có được một ân ái thực hơn, đời hơn. Anh đã gạt bỏ được những đỏm dáng để nhận thức giống đực của mình bằng một số mệnh thực thụ của một kiếp người. Những nồng nàn bỗng rực như mùa hạ đã đẩy anh thốt lên:

Tôi phóng theo em chạy dọc mùa hè

Đạp lên bao sóng nắng

Tôi trở lại nhẹ nhàng, thanh thản

Như thời xưa lắm, một thời xưa

 

Khuôn mặt em lấp lánh trong trưa

Nơi đáy hồ sâu ướt đầm tia nắng

Nơi giọt mồ hôi đi về tất bật

Trên thành cầu thanh mảnh vắt ngang sông

Nơi những chùm hoa đỏ nở đầu tiên

Bỡ ngỡ bầy chim sông nhỏ

Em tỏa vào tôi mùi đất mặn

Mùa quả ngọt và hương hoa cháy nắng

Bừng lên nhịp điệu mùa hè…

Cho tôi bay lên từ thềm đá ướt

Tôi mới dần qua từng vạt nắng

Qua từng tiếng sóng đổ nôn nao

Và trút lại dưới chân bao già cỗi

Những cồng kềnh cũ kỹ của ngày qua

Thế mà nhịp điệu ấy đâu còn. Đêm qua, dường như anh phát khóc vì nỗi niềm một mình chòng chọc. Những thèm khát thì cứ gào thét trong người như lửa đốt. Thanh Tùng muốn điên lên, tìm một chỗ nào đó để có một phút giây bấu víu, những hình ảnh cũ dần dật trong ý nghĩ. Ôi! Đêm không âm dương cũng chẳng ngũ hành…

Nỗi cô đơn như một người vô hình, nhìn thấy được trong giây phút năng lượng bức xúc mang trạng thái ngoại cảm. Bây giờ người vô hình ấy đã biến mất. Chỉ còn một không gian ồn ào của quán xá. Thanh Tùng cười chua xót. Đời thằng thi sĩ như mình cũng lạ. Để gắn bó cho đến cuối đời với vùng cửa biển này, anh đã phải trả giá bao nhiêu. Đất này đâu hiếm người tài. Nhưng đến lúc phải bật khỏi Hải Phòng. Mà hầu hết là lên Hà Nội. Nào từ Thế Lữ, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Lam Sơn, Trần Chung, Đoàn Chuẩn… cho đến những thằng trẻ. Ở Hà Nội vẫn có một “Hải Phòng từ xa”. Nhưng có lẽ đấy là cảnh ngộ chung của cái nhỏ bé, cái hữu hạn. Cứ thế, những người tài, những cá tính mạnh nói chung vẫn cứ phải chạy trốn trong Tổ quốc. Thậm chí có người phải vượt ra ngoài Tổ quốc. Người như anh ở Hải Phòng không có nổi một biên chế ở hội văn nghệ. Vẫn cứ lẽo đẽo đi áp tải từng chuyến xe hàng hóa, vật tư tuyến Hải Phòng- Hà Nội. Trần Nhuận Minh đã đùa với mình là nhà thơ “áp tải”, “dốc ngược chai rượu ngang”. Mà áp tải cũng không xong. Làm thơ thì chỉ để chết, làm thơ mà chỉ để sống thì thơ ấy chết. Giữa tuổi 55 này, về hưu mà không kiếm ra việc làm thêm thì chỉ có một nước là đừng sống. Mà bao nhiêu năm, mình không biết một việc gì có thể kiếm ra tiền ngoài đồng lương. Khi còn ở với Nhàn, đã tưởng là dựa nổi vào quán sách của Nhàn. Nào ngờ đó chính là bi kịch của số phận. Đến khi ở với Dung thì cũng tưởng là dựa nổi vào buôn bán của Dung. Nhưng Dung vỡ nợ. Lại một bi kịch nữa. Bây giờ một nách gà trống hai đứa con chưa lớn hẳn mà cũng không còn nhỏ nữa. Thế mới gay. May mà có quán Văn cưu mang. Nhưng ở đây, có được một đời sống thì cái trả giá cho nó là mất một đời sống khác lang thang hơn, phóng túng hơn. Đời sống của một thi sĩ thuần khiết. Nhiều khi ngồi ở quán mà lòng anh như lửa đốt, thèm bay tới vùng đất khác, những chân trời khác. Nhưng biết làm sao khi đã chép miệng với số phận. Đời anh được quy định là phải gắn bó bên sông Lấp thì sao đi thoát khỏi. Và đất lấp dần sông, đêm lấp dần ngày. Và em lấp dần anh tình lấp dần tài.

Thanh Tùng lại trộn rượu ngâm thuốc vào rượu ngang. Một thứ “Cốc- tai mới”. Thứ “Cốc-tai” này chan chát như cuộc đời, nồng bốc như diễn ca và say nghẹn như tuổi già. Đó là thơ mang tính “thông tin đại chúng” là một chất men dễ lừa những người “giàu trí tưởng bở”. Nếu chỉ uống rượu mà làm được thơ thì chắc nhà thơ Việt Nam sẽ đông gấp ngàn lần nữa. Dù đã quá đông. Nhưng nếu làm thơ mà không uống rượu thì cũng coi chừng. Ai đó thường gọi một loại thơ là thơ “vô sinh”, một thứ nghệ thuật vô sinh. Riêng đối với anh, và chắc là đối với nhiều thi sĩ, thơ và rượu gắn với nhau như âm dương. Không có một trong hai thứ đó, anh cảm thấy mình u tối, không phát sáng được.

Không biết giữa hai mất mát này, giữa cô đơn và ồn ào này, anh sẽ có những nhịp thơ gì mới mẻ. Càng làm thơ càng thấy thơ khó khăn đến nghẹt thở. Nhưng sự nghiêm khắc ấy mới có thể tạo ra thơ đích thực được. Những ứng tác của anh chỉ là những bài luyện tập cho những bước nhảy cao, nhảy xa trong nắm bắt ý, tứ, cảm xúc. Nó không bao giờ hoàn chỉnh được là một tác phẩm. Nhưng chỉ chừng nấy yêu cầu thôi, không phải là ai cũng ứng tác được.

Một khuôn mặt đẹp hiện trước cửa quán. Cô gái tươi cười nhìn anh, gật đầu chào rồi bước vào nhà. Dù đã quá quen mà vẻ đẹp ấy vẫn làm Thanh Tùng sững sờ. Anh chầm chậm bước vào ngồi cùng bàn. Cô gái chính là người gây ra một tập thơ của một thi sĩ bạn anh. Hóa ra cô đến là vì đã có lời mời tới dự cuộc vui của mấy nhà thơ khác. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với nhà văn người Úc đã xảy ra ngay ở quán Văn, ngay sau đó. Giữa bàn tiệc chừng hai mươi người làm văn nghệ, yêu văn nghệ của đất nước hơi thái quá này. Nhưng mà vui. Giữa bia lon Heiniken là những khoảng va chạm cô đơn. Giữa những món ăn đậm đà vị biển là những nhạt nhẽo vần điệu. Giữa tiếng Việt là những tiếng Anh. Giữa tiếng cười là những im lặng. Không gian chừng như được xáo lộn, được cô đặc đến chừng không thể tách ra được. Nhưng mà vui.

Vị khách quý mừng rỡ ra mặt. Anh là khách với xứ sở này. Nhưng lại là “chủ xị” cuộc nhậu này. Tất cả những người khách nghèo của quán này- những người chủ đang tiếp anh đều không có khả năng gì tạo ra một cuộc như thế. Nhưng lòng họ tốt lành, tâm hồn họ bay bổng.

Cô gái phiên dịch phải liên tục làm việc. Làm việc đến nỗi không có cách gì có thể cho miếng tôm tẩm bột đã gắp vào bát, để đưa lên miệng. Nhưng cô cũng vui. Cuộc gặp gỡ này được tạo ra từ bất ngờ. Nó sẽ rất đáng quý vì không được chuẩn bị.

Men lên, Thanh Tùng ứng tác. Có lẽ vì cô gái phiên dịch rất sát nghĩa. Nhà văn người Úc cười rất sảng khoái. Đại ý bài thơ là: Tôi bắt tay anh tự do- Tôi cười nói với anh tự do- … nhưng khi chúng ta xa nhau- cũng là khi tự do biến mất.

Trên đường về khách sạn, nhà văn người Úc nói với tôi: “Hôm nay tôi đã được gặp bạn ông- ông Thanh Tùng- một thi sĩ chính cống của cuộc gặp gỡ vui vẻ này”.

Không biết có phải do uống quá nhiều rượu không tinh chất hay không mà chủ “Quán Văn” Lê Hùng đột nhiên qua đời. “Quán Văn” đóng cửa. Thế là Thanh TÙng lại bật ra ngoài vỉa hè. Lại bắt đầu một cuộc lang thang mới. Nhưng chính lúc ấy, thần Hộ Mệnh đã giang tay đón anh. Qua một gặp gỡ tình cờ, một cô gái Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp từ lâu đã phải lòng anh. Và thế là cuộc đời lại ngoặt Thanh Tùng sang một trang mới khi chàng thi sĩ cầm tinh con Hợi lên đường hành phương Nam. Cứ ngỡ cuộc đời anh không thể nào rời thoát được bờ sông Lấp. Vậy mà sức mạnh kỳ diệu của số phận đã đưa anh lên chuyến bay của tình yêu vào xứ sở đầy nắng gió cởi mở. Báo “Tài hoa trẻ” của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã dang rộng cánh tay đón anh làm biên tập thơ. Mãi tới lục tuần, thi sĩ đích thực của thời đại mới được làm đúng công việc mà Thượng Đế đã sắp xếp cho anh- công việc với tòa lâu đài chữ nghĩa. Lại những cuộc nhậu lai rai ở “thành phố báo chí- thành phố của sự kỳ diệu”. Có lúc, tôi bay vào trong đó. Có lúc Thanh Tùng xuất hiện đột ngột ở Hà Nội mùa đông, hai tay xoa xoa vào nhau và kêu lên: “Nhớ rét quá! Nhớ miền Bắc quá!”. Những lúc ấy rượu lại rót tràn trề trong bao nỗi niềm, trong những buồn vui. Và Thanh Tùng lại đọc những câu thơ thật thi sĩ, thật gan ruột đầy nuối tiếc xa xưa:

Ta lại về, bờ gió thổi sang nhau

Gió vẫn vẽ những đường dại dột

Cho bây giờ em vẫn của anh xưa

Em hôn anh thoe cách hôn dài của gió

Rồi ngã vào anh theo cách ngã mùa thu

Nhưng vọt ra từ nuối tiếc ấy là một Thanh Tùng lột xác đầy sinh lực mới mẻ với những câu thơ về Sài Gòn:

Ta vận động cả miền đất chết

Cho bông hoa nở hết thơ ngây

Tình yêu dâng xóa hết tàn của máu

Trời lại cho ngọn gió mùa đầu…

Thanh Tùng cứ thi sĩ như thế, quên hết mình đã qua tuổi “Nhân sinh thất thập” tự bao giờ.

Nguyễn Thụy Kha

(TC Nhà văn)