VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
LÝ LUẬN PHÊ BÌNH
NHÃ CA, NGƯỜI ĐÀN BÀ NÀO CŨNG ĐẸP
Thơ được viết trong cô độc, nhưng ngôn ngữ của nó có khả năng vươn tới người khác, vượt qua những khoảng cách, làm cho nó trở thành các hành động xã hội.NHÃ CA, NGƯỜI ĐÀN BÀ NÀO CŨNG ĐẸP
Nguyễn Đức Tùng
Thơ được viết trong cô độc, nhưng ngôn ngữ của nó có khả năng vươn tới người khác, vượt qua những khoảng cách, làm cho nó trở thành các hành động xã hội. Khoảng cách có thể là không gian giữa các xứ sở, có thể là thời gian giữa các thời đại. Chúng ta đang sống trong một thời đại khó khăn. Vì vậy, tôi nghĩ, sự đọc lại là cần thiết trong thời buổi hôm nay. Đọc lại không phải là hoài niệm, hay chỉ là hoài niệm, đọc lại là vươn tới, là chia sẻ xúc cảm và gánh vác, làm sâu sắc hơn đời sống hôm nay của chúng ta, một đời sống đang cạn kiệt mỗi ngày.
Nàng đã đứng dậy, nàng đã đi
Đi hung hãn, đi khôn ngoan, đi tan vỡ
Đi nhẫn nhục, đi khóc lóc
Đi trên con đường trôi ra biển
Nàng đi một mình, người phụ nữ đi một mình tìm kiếm lại bản ngã của mình. Ngay cả những bài thơ buồn nhất, làm chúng ta bối rối, cũng gieo xuống hy vọng rằng chúng ta không đơn độc và đem lại ý tưởng nối kết với người khác.
Tập thơ đầu tay của Nhã Ca, tên Nhã Ca Mới, ra đời năm 1964. Đó là một ra đời lừng lẫy, với Nguyên Sa đề tựa, Dương Nghiễm Mậu viết bạt, Nghiêu Đề vẽ bìa, Duy Thanh, Nguyễn Trung vẽ chân dung, Đằng Giao, Cù Nguyễn, Viên Linh phụ bản. Tập thơ được trao giải Thi ca toàn quốc, một năm sau đó, năm 1965. Nhã Ca Mới là giọng nói nội tâm, của tình yêu và của đời sống đương đại, tiếng nói của một người phụ nữ. Ngôn ngữ: phóng túng, quả quyết, bất ngờ. Tiếng nói của một người phụ nữ thành thị, riêng tư mà vẫn có sức báo động.
Ôi ngọn nến suốt đời ta chưa bao giờ thấy
ngọn nến, tia lửa ngày thôi nôi
của buổi chiều sinh nhật
mang tới cho ta khuôn mặt ngoài hư vô
khuôn mặt tình nhân lạnh lùng như tinh tú
Chất trữ tình hòa quyện với hài hước đen, sự mô tả chân thực và sự tưởng tượng siêu thực. Tiếng nói của chị là niềm ước vọng của một người đàn bà, được diễn tả thẳng thắn và cố gắng loại bỏ tính xúc cảm, vốn thường gặp ở văn chương thời đó. Đằng sau tất cả những thay đổi về nghệ thuật, về cách dùng chữ, về giọng điệu, là một tình yêu mới. Tình yêu ấy chân thực mà vẫn mới mẻ, táo bạo. Đó vừa là sự chia sẻ vừa là sự cô độc được chọn lựa.
Ở Nhã Ca, cam kết tình yêu đi sánh đôi với cảm giác tự do.
Trong 46 nhà thơ của “Thi nhân của Việt Nam” của Hoài Thanh năm 1941, chỉ có năm người nữ: T. T. Kh, Thu Hồng, Vân Đài, Anh Thơ, Mộng Tuyết, Hằng Phương. Thơ của các nhà thơ ấy nữ hầu hết là thơ tình. Từ năm 1941 đến năm 1964, khi tập thơ của Nhã Ca ra đời, là 23 năm, trải qua chiến tranh tao loạn, qua chia cắt. Trong tập thơ đầu tay này, chị cũng có những bài thơ cũ, mang dấu vết của thơ lãng mạn trước 1945:
Thôi nhắc làm chi những chuyện sầu
Khi lòng chua xót trắng thương đau
Bao nhiêu miền cũ vời xa ấy
Buồn lắm tôi nào quên nổi đâu
Nhưng chị mau chóng tránh được chúng, và vượt qua, ngay cả trong lục bát, là thể thơ khó làm mới nhất:
Xác tôi còn đủ tay chân
Có ôm nổi mẹ có cầm nổi em
Nuốt cơn máu chảy ruột mềm
Trong muôn chiến sự những phiền con hư
Tuổi tôi bom đạn nát nhừ
Đêm đêm tiếng mẹ sa mù bóng ai.
Bài thơ như thể được viết cho một người có mặt ở đó, vào giây phút đó, không gian đó, và nó từ chối trở nên phổ quát hóa. Sự mất mát chính là khuôn mặt khác của, và suy tưởng về, tình yêu xứ sở. Chắc chắn là một ý tưởng thú vị khi bạn đọc một bài thơ mà không cần phải biết thời điểm của nó, hoàn cảnh của nó, nhưng điều đó là không thể được. Chúng ta không từ bỏ lịch sử nhưng cũng không lệ thuộc vào lịch sử. Thơ là sự mang trả lại cho chúng ta những điều đã mất, là lòng ao ước.
Thơ miền Nam trong những năm một chín sáu mươi thay đổi mau lẹ: Nhã Ca góp phần vào sự thay đổi ấy. Bài thơ của chị là kết hợp giữa trữ tình và tính tự sự. Tự sự trong thơ tựa như một hành trình dẫn bạn đi qua các hành động từ khởi đầu đến cuối, như tìm kiếm một điều gì, và một bài thơ thành công sẽ tìm được điều ấy. Trong khi đó, bài thơ trữ tình không mang một động lực như vậy, nó là một tập hợp xung quanh một hình ảnh trung tâm, sự trộn lẫn của các xúc cảm hơn là một hành trình. Thơ trữ tình được xem là sự tăng cường chú ý, tập trung vào các tình huống. Khi viết những câu mới, chị rõ ràng bước vào tâm thức của chủ nghĩa hiện đại:
Thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Lịch sử nào đây? Mọi thứ mà chúng ta tưởng vĩnh viễn hôm qua, nay không còn nữa. Trong một thời đại buồn rầu, thì bạn hát những bài hát buồn rầu. Dù chúng ta chưa thể phá vỡ các vòng vây, chúng ta sẽ không còn sợ hãi chúng. Thơ Nhã Ca là nhịp cầu nối giữa thơ tiền chiến và một nền thơ mới, mở đầu khai phóng mới. Thơ chị sinh ra từ sự ngạc nhiên hơn là từ sự hiểu biết. Thơ những năm sáu mươi, khi tác giả mới ngoài hai mươi tuổi, là sự ngạc nhiên trước đời sống và trước tình yêu.
anh đã không quên em
chuyến xe đêm những bầy sao tình tự
trời mưa trời mưa vẫn trời mưa
má ơi má ơi
con còn sống
Nhưng ngạc nhiên chỉ là khởi đầu của thơ, không phải là tất cả. Đặc điểm quan trọng bậc nhất của thơ Nhã Ca là mối liên hệ trực tiếp giữa ngôn ngữ và đời sống. Mối liên hệ ấy sinh ra từ trách nhiệm của những người tự do. Chúng ta chịu trách nhiệm về cảm xúc của chúng ta, về tổn thương, về hồi phục. Vết thương của con người chỉ có thể được chữa lành bởi chính họ. Thơ Nhã Ca đầy vết tích lịch sử, các chấn thương, nhưng bài thơ của chị như một toàn thể lại không gây cảm giác u ám, bi lụy, mà hướng về phía mở ra, nhẫn nại, đứng lên. Thơ chị từ chối sự bỏ cuộc. Thơ chị không có hận thù, cay đắng, dù có châm biếm và hài hước. Thơ chị cho phép mở ra, đi tới, ca tụng thân xác. Sự thật của chị được buông thả, câu chuyện được kể lại từ nhiều chi tiết, như thể người đọc phải tiếp nhận một cách đột ngột các sự thật mà họ có thể không chịu nổi. Nhã Ca bỏ qua sự lễ phép văn chương, các bước tập tành mẫu giáo trong cảm thụ thơ ca.
Anh đã tự do vào đời tôi đập phá
Tôi cũng tự do xài phí hết đời tôi
Không một thời đại nào mà con người cần nhận ra sự thật hơn chúng ta, một thời đại của thông tin. Thơ Nhã Ca trở thành một thứ diễn ngôn mới của sự thật, chạm vào thi pháp truyện và thi pháp tiểu luận, sử dụng chúng, biến đổi chúng. Đọc chị, bạn tìm thấy ở đó vừa là sự tươi mới, đôi khi táo tợn, vừa là nữ tính chân thật. Thơ hiện đại không cần phải đẹp nữa, phải ngắn nữa, phải khôn khéo nữa, nó sẵn sàng dung nạp văn xuôi, xã luận, báo chí, tùy bút, truyện. Một khi rời bỏ tính chất có thể diễn ngâm, đi gần tới văn xuôi, thơ từ bỏ sự diễn đạt ngắn, dễ nhớ, gọn và đẹp. Nó từ bỏ ký ức. Vì thể thơ tự do khó nhớ, một bài thơ chỉ có thể thưởng thức vào lúc bạn đọc nó. Muốn thưởng thức trở lại, bạn phải đọc trở lại. Thơ là một bản thảo thường xuyên được viết lại. Nhã Ca đánh thức chúng ta, không để cho người đọc ngủ quên trong các thói quen.
Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen
Mặt trời đã nạm cháy tôi
Bút hiệu Nhã Ca có thể có liên hệ với những vần thơ bay bổng của Thánh Thi trong Kinh cựu ước, nhưng chị sớm vượt ra khỏi ảnh hưởng của chúng, tạo nên bút pháp riêng. Thơ chị sử dụng hình ảnh khá gần với siêu thực. Đặc biệt trong những năm đầu sau hiệp định Genève, trong khi thơ tự do của Nhã Ca vừa là một thay đổi, thì nó cũng vừa là một chuyển tiếp từ tiền chiến dễ được chấp nhận hơn, ví dụ Thanh Tâm Tuyền trong Nam, Trần Dần ngoài Bắc, vì những lý do khác nhau. Thơ chị là vẻ đẹp của cô độc, là phản kháng của người nữ, tiêu biểu cho thế hệ mình, trong hoà bình và chiến tranh.
Chính là trong sự vận động căng thẳng của thế giới, dưới áp lực, mà cái đẹp của thơ Nhã Ca hình thành. Thơ là một hình thức tổ chức của các ý tưởng thông qua âm nhạc: thơ chị đầy những ý tưởng mới được trình bày trong những câu thơ mượt mà, đôi khi cũng quá mượt mà mà thành ra hơi cũ, nhưng càng về sau thì càng ra khỏi chất tiền chiến ấy, và ngôn ngữ của chị trở nên rắn rỏi hơn, trực tiếp hơn, trong khi vẫn đẹp. Như trong bài “Đàn bà là mặt trời”.
Đàn Bà Là Mặt Trời
Vườn hoa nào cũng ở trước mặt chúng ta
Mùa xuân nào cũng nở cho ta những bông hồng
Hỡi các chị, chúng ta đều sáng như mặt trời
tinh khiết như bình minh
vì chúng ta làm ra ái tình
ra hoa lá và sự sống trên trái đất
Những người nam đã tán tỉnh chúng ta
và mỗi chúng ta
đã chọn cho lòng mình
một ông vua
trong những người nam đã gặp
Hỡi các chị đến gần tôi coi
Đến gần tôi và cùng rực rỡ
Chúng ta đã tạo nhiều thiên đường
đã tạo nhiều vị vua
Bởi chúng ta đẹp đẽ và xinh tươi
Vì những ham muốn đã tắm rửa chúng ta
Xui chúng ta nóng bỏng như lửa
Và lửa từ mặt trời
thúc dục ta rực rỡ
Chị có đôi mắt sâu như giếng nước phương Nam
Chị có tóc mun đen như giòng sông đêm Ai Cập
Chị có lòng nồng nàn, dữ dội như biển đông
Chị có ái tình ngọt như mật ong
Tôi sẽ tới van xin các chị
nài nỉ cho tôi mượn tất cả
để tôi khoe với chàng
đem tới cho chàng
dâng hiến chàng
để chàng nâng niu
coi tôi như công chúa
Người đàn bà nào cũng đẹp
Mùa xuân và hoa hồng đều nở vì chúng ta
Chúng ta ban phát ái tình
Cho thiên đàng của chúng ta tươi tốt mãi
Chúng ta mua từ núi cao
những màu xanh rất non
mua từ rừng
những lá cây rất vàng
mua từ đất
những giếng nước rất ngọt
và từ biển
trân châu cùng ngọc bích
để trang điểm cho chúng ta đẹp đẽ
Chúng ta góp sông biển núi đồi trên thân thể
và rừng trong tóc
Tôi sẽ hỏi mượn các chị
mọi thứ xinh đẹp và nóng bỏng
tôi sẽ gõ các cánh cửa im lặng thật nhẹ
để chàng kinh hoàng nhận ra tôi
Tôi sẽ làm rụng những giọt sương
đang lóng lánh trong hồn chàng
những giọt sương sẽ rụng và làm nên hài nhi
cùng sự sống
cho thiên đàng của chúng ta đông đúc và vui tươi
Tôi sẽ là mặt trời trong lòng chàng
Buổi mai nào cũng lộng lẫy rực rỡ
Tôi sẽ mát như trăng nhưng cũng nóng hơn lửa
hơn cát ở sa mạc
hơn cả cơn giận của trận hồng thủy trong thánh kinh
Bởi tôi là đàn bà
người đàn bà nào cũng xinh đẹp
cũng làm ra sự sống
Hỡi các chị chúng ta nối tiếp nhau đẹp mãi
Để những bóng hoa của mùa xuân
phải quanh quẩn chiêm ngưỡng
Hỡi các chị hãy đến đây và làm điên đảo
sự quay cuồng vui thú của trái đất
Chúng ta luôn luôn xinh đẹp và ở trên cao
Các chị có đôi vú ngọc bích
Có da sữa, tóc dài
Có má hiền, môi mật
Đừng để những kẻ đi săn lạc đường
Hãy dẫn dắt và tội nghiệp họ
Hãy hung dữ với họ như sư tử
Hãy dịu dàng với họ như nai
Để họ quay như trái đất quanh mặt trời
là chúng ta, mãi mãi
Và chúng ta cho họ đủ ngày đêm sáng tối
Tôi sẽ lùa bóng tối thật đầy vào đêm của chàng
nhũng ánh sáng nóng bỏng cho ngày của chàng
Chúng ta là những người nữ xinh đẹp
Xinh đẹp hơn mọi loài trên trái đất
Chúng ta có lòng ghen mạnh như bão
Chúng ta có sự tinh khiết trong như trăng
Chúng ta có thịt da, có núi, có rừng
Chúng ta đỏ như mặt trời
đen như đêm
và vàng như lửa
Tôi cũng có một ông vua cho ái tình tôi
Tôi đã chọn chàng
để sự sống tràn trên trái đất
Tôi sẽ đi góp nhặt từ mặt trời
từ phương đông, phương tây,
từ những buổi sớm mai
những sữa, kem và mật để làm nên rượu ngọt
để pha hương thơm lên thân thể mãi mãi
trên da thịt tôi mà chàng yêu dấu
Cám ơn Thương Đế đã cho tôi đôi vú
cho tôi da mịn và tóc dài
cho tôi rực rỡ như mặt trời
Để tôi làm ra ái tình và rượu ngọt
tràn trên trái đất
Hỡi các chị hãy đến nhìn tôi coi
Hỡi các chị vô cùng khả ái và xinh tươi
Hãy đến nhìn tôi coi
Tôi đang đỏ, đang đen
đang làm ra nước làm ra lửa.
Một “tuyên ngôn” về nữ tính và nữ quyền.
Trong sáng, các ẩn dụ đẹp, các liên tưởng tuyến tính và phi tuyến tính, làm cho bài thơ trên đây của chị trở nên đương thời (contemporary). Thơ Nhã Ca là tiếng nói công khai trước công chúng về những bí ẩn riêng tư, được giấu kín sâu xa nhất. Thơ chị là một trong những tiếng nói có tính chất nữ quyền đầu tiên trong thơ Việt Nam. Chị không phải là nhà nữ quyền luận, chị không có các tuyên bố. Chị lên tiếng về quyền của người phụ nữ một cách tự nhiên, như là từ trong trái tim. Khác với những nhà thơ nữ quyền phương Tây, chị nhấn mạnh đến bổn phận tự nguyện của người nữ, như một người mẹ, một người vợ, một người yêu. Tôi thiết nghĩ, nữ quyền phương Đông khác với nữ quyền phương Tây, nữ quyền phương Đông vị tha, nữ quyền phương Tây vị kỷ. Cần nhớ, vị kỷ không phải là xấu, không phải là một khái niệm đạo đức, mà là khuynh hướng nhận thức, về cái tôi- trung tâm, me first.
Không phải chỉ những điều lớn lao mà cả những chi tiết nhỏ bé cũng làm chị quan tâm.
Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng
Những câu thơ như thế sẽ còn ở lại mãi trong tâm hồn người đọc như một tuổi trẻ đã mất, như tự do của mỗi người, thuở ấy. Thơ ấy đi xuyên qua thời gian. Khi đọc một bài thơ, chính là nhịp điệu của nó đưa chúng ta qua các hình ảnh, qua các khoảnh khắc của đời sống. Vì chúng ta sống trong những khoảnh khắc, của nhận thức, của cảm giác, mơ ước. Thơ tự do không thể có vần điệu như thơ cổ điển nhưng tính âm nhạc của nó vẫn là một đòi hỏi lớn. Thơ Nhã Ca thỏa mãn điều ấy. Âm điệu trong thơ là cách một bài thơ nối kết với chúng ta qua thời gian. Nhịp điệu của sự lặp lại trong thơ chị thực ra là dấu hiệu bên ngoài của một chuyển động sâu xa, tựa như chuyển hóa tâm linh. Chị đã đi một mình, dựa vào chính mình, đã sống qua những ngày khó khăn, với một sức mạnh tinh thần bất ngờ, vững vàng. Bài thơ của chị tựa như một căn phòng với nhiều bàn ghế sách vở, vật dụng, cửa sổ, bạn phải dành nhiều giờ để ngồi ở đó, nhìn nó, đi qua nó, làm người khác và người trở lại. Có một tình trạng xúc cảm trong thơ Nhã Ca, và một tình trạng lương tri, mà tôi chỉ có thể chia sẻ với bạn bằng một ngôn ngữ quy ước.
Nhiệm vụ của ẩn dụ là để cho chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta không cô độc, chúng ta chia sẻ cùng nhau những cảm xúc. Vốn từ vựng trong thơ chị khá lớn, tuy nhiên chị cũng có khuynh hướng dùng ngôn ngữ giàu tính âm nhạc, mềm mại. Người ta không thể nghĩ được nếu người ta không dùng ngôn ngữ. Mặc dù điều ấy có thể không hoàn toàn đúng, nó mô tả cách dùng ngôn ngữ như một lề lối suy nghĩ trong thơ Nhã Ca. Thơ chị là một thứ nhân chứng về con người thay vì về các sự kiện. Đời sống ngày càng sôi động, xã hội ngày càng hỗn loạn, thì nhu cầu về việc nhìn thấy khuôn mặt của mình trong tấm gương của thời đại càng lớn. Vì sao? Vì con người lạc đường. Người làm thơ mỗi ngày một xa rời tính chất điển hình trong văn học, ngày càng trở nên đặc thù, khác thường, kỳ dị (idiosyncratic). Sau này nhiều năm, thơ chị vẫn vậy, không rơi vào chủ nghĩa lãng mạn thương cảm:
Anh rung cành, em hái trái
Cùng cắn ngập răng
Trái nghiệp chướng đắng nghét, hấp dẫn
Trúng độc rồi, phải không
Cùng tử thương
Chết nhé
Chết đâu có dễ, anh bảo
Còn bao nhiêu là việc
Đành chờ
(Tháng Giêng, viết năm 1988)
Thơ trữ tình nhân chứng, với cách đọc dưới- văn- bản, không những ghi lại biến đổi tang thương của đời sống, mà còn tìm cách xác định chân dung của con người. Chị trôi dạt dòng đời, làm ăn kiếm sống, nuôi con nuôi chồng, chạy ngược chạy xuôi như những người đàn bà Việt Nam khác, trên quê hương đổ nát. Trong đêm khi chợt thức, chị nhìn thấy:
Điểm sáng nào trong đêm
Hòn bi ve trên nóc tủ
Trên gác măng rê trên đỉnh màn
Trong cả hồn vô vọng
Đó là chị nói về con mắt của một con mèo, con mèo bị chột một mắt, nhưng còn một điểm sáng nào nữa trong đêm vô vọng?
Ở đây thơ Nhã Ca gần với khuynh hướng hậu hiện đại, nhưng nghiêng về chủ nghĩa khách quan, lấy sự vật làm trung tâm của bài thơ. Cần nói thêm rằng trong các tiểu thuyết, các nhân vật nữ của chị là sự dung hợp lạ lùng giữa phong cách độc lập của người nữ và căn tính dịu dàng rất Huế, lụa là thơ mộng. Chị là người phá vỡ các huyền thoại: người mẹ trong thơ Nhã Ca không phải chỉ là một bà mẹ hiền, thờ chồng nuôi con, mà còn là một người lên tiếng nói về những vấn đề khác, có tính xã hội.
Sự thật kìa, con nói đi con
Nữ tính, nữ quyền, ý thức xã hội là ba đặc tính của thơ Nhã Ca. Nữ tính là yêu thương. Nữ quyền là sự đề kháng. Ý thức xã hội là lương tri làm người Việt. Vì vậy thơ Nhã Ca năm 1964 trong đời sống văn học miền Nam là một xuất hiện thú vị. Đó là thơ của một người con gái mới lớn, nhưng cũng là thơ của một người đã trưởng thành. Đó là giọng nói riêng tư nhưng cũng là tiếng nói công dân. Tự do của người phụ nữ vẫn là một tự do bị nhiều giới hạn. Đời sống tâm hồn của họ đầy bí ẩn, nó sẽ được truyền lại:
Đừng nhắc tới và cũng đừng mơ ước
vì con cái chúng ta
sẽ tìm thấy
sẽ đọc
sẽ bắt đầu diễn lại
Trong thơ Nhã Ca có những hình ảnh tựa như sự ám ảnh hay biểu tượng. Đó là biểu tượng của người nữ, của tình dục, của khởi thủy đời sống, chứa vẻ đẹp tự nhiên của đất trời thanh bình, đời sống của đất nước thời ấy, một cõi thơ mộng huyền bí, nơi cất giữ báu vật của dân tộc. Khi đọc lại một bài thơ và phân tích nó, nếu bạn tách rời khỏi thân thế của tác giả, sự nghiệp, tách rời khỏi khung cảnh một bài thơ, bạn sẽ nhìn thấy nó như một sự vật. Khi đọc, tất nhiên người đọc vẫn có cảm xúc nhưng cảm xúc ấy không đến trực tiếp từ người viết, không bị áp đặt bởi xúc cảm chủ quan của nhà thơ hay nhà phê bình. Bài thơ tồn tại như một ý tưởng về thế giới.
Tôi dẫm mùa đông dưới gót chân
Sầu tôi vết cắt vẫn chưa săn
Bùn rong rễ mốc, hồn cây mục
Một mặt trời in đỏ dáng xuân
Tuổi đã mù trơ, gió đã yên
Cành rêu thơ dại, cổ tay mềm
Đó là một ngôn ngữ đầy những xúc cảm mà chúng ta chưa gặp trong thơ tiền chiến và chỉ có thể nhìn thấy ở người cùng thời với chị ngắn như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên. Cũng khó tìm thấy một nhà thơ nữ nào cùng thời với chị có cách viết như thế. Thơ tình Nhã Ca là một tình yêu say đắm và lo âu. Sự lo lắng có lịch sử cùng lúc với con người, ngay từ khi họ bắt đầu bước đi một mình trong đêm tối. Nhưng sự lo âu cũng có lịch sử của nó, trước tiên là những lo âu về các chướng ngại bên ngoài, thú dữ, đói khát, những hiểm nguy rình rập, về sau, sự lo âu mang tính xã hội hơn, sinh ra trong những mối quan hệ giữa người và người. Thơ tình Nhã Ca là một thứ thơ tình lo âu, mang tính dự cảm. Tính dự cảm ấy vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất cộng đồng, và về sau càng ngày càng trở thành một ý thức thường trực của chị. Ý thức về lo âu, về vô thường, về hạnh phúc và bất hạnh, tôi tự hỏi, có phải là nguyên nhân dẫn Nhã Ca đi tới con đường của Thiền sau này hay không, và phải chăng chị tìm thấy ở đó sự thật về giải thoát, như giải thoát chính là giải thoát khỏi nỗi âu lo thường trực của nhân loại.
Thôi trả cho giòng sông tối đen
Trả cho người đó nỗi ưu phiền
Những bài thơ đứng được với thời gian là những bài thơ mà chúng ta dù đọc nhiều lần, đọc kỹ đến đâu, cũng không bao giờ đi hết không gian của nó, nhìn thấy hết những mở khép của nó. Đó là cảm giác khi tôi đọc một số bài của Nhã Ca. Mỗi khi có dịp đọc lại, dù chị viết không nhiều lắm, là mỗi lần tôi có ấn tượng đi trên lối mới, nhìn thấy một ánh sáng mới, nhận ra một ý nghĩa mới. Tôi để cho bài thơ của chị mở rộng cánh cửa của nó, dẫn tôi đi trên những hình ảnh và ngôn ngữ tiết kiệm, rất gần với chủ nghĩa tối thiểu, mang tôi đến ý thức mới, không những về một thời đại đã qua mà còn về chính hôm nay, của những người trẻ tuổi hơn chị. Thơ Nhã Ca không nhiều lời, không phức tạp, nhưng sự đơn giản của thơ chị dung chứa những chiều sâu của suy nghĩ và sự mẫn cảm, bừng sáng trong những khoảnh khắc đặc biệt.
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ
Chính ý thức trong thơ làm cho thế giới mà chúng ta nhìn thấy từ bên ngoài biến thành các sự vật bên trong. Thơ Nhã Ca là bản tường trình đời sống bên trong, sự tưởng tượng và nhận thức của chị xuyên qua các tầng ý thức và vô thức, sự tập trung của chị dồn lại ở biên giới giữa tư duy và giấc mơ. Sự mất mát mà chị nhìn thấy, nỗi đau buồn ngay từ khi còn thơ trẻ, ngay giữa những ngày hạnh phúc, làm cho thơ Nhã Ca có tính dự báo. Tôi chưa thấy ai viết như chị về giờ phút sinh đẻ của người phụ nữ.
Tôi trở dậy, đi đứng một mình |
Sự đứt gãy của thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sự chia cắt đất nước tạo ra những ngả đường khác nhau của thơ Việt; giữa chúng có những khoảng chân không. Trong khi thơ miền Bắc đi dần vào quỹ đạo hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì thơ miền Nam đứng trước những ngả đường rộng lớn, nhưng nhìn chung, chuyển từ lãng mạn tiền chiến vào chủ nghĩa hiện đại. Cùng thời với nhóm Sáng Tạo nhưng độc lập với nhóm ấy, Nhã Ca là tiếng nói đặc biệt, phản ánh tâm trạng của thế hệ người nữ mới, chịu ảnh hưởng của điều kiện đất nước vừa có chiến tranh vừa có hòa bình, của một xã hội thành thị hóa. Nhã Ca là một cây bút đa tài, viết tiểu thuyết, làm báo, hoạt động xã hội, nghiên cứu Phật pháp. Khi tôi gặp chị và nhà thơ Trần Dạ Từ ngoài đời, tôi nghĩ văn chương Nhã Ca chính là con người của chị, chân tình mà đúng đắn, hiền hòa mà vững chãi, rất Huế, rất Việt nam. Chị thường ám ảnh về sự bỏ đi của mình, ngày xưa chị bỏ Huế năm 19 tuổi, sau này chị cũng xa đất nước và trong một bài tạp bút, chị viết: “Hồn non cô bé năm xưa liều lĩnh bỏ Huế vào Sài Gòn thơ thẩn góc nào? Có thấy tôi ra đi?”
(Văn, số 107 và 108, tháng 11 và 12, 2005)
Một người hay nhắc đến sự ra đi là một người hay ngoái lại, nhớ căn nhà cũ, tiếng chuông xưa, phải không chị Nhã? Nếu tình chồng vợ trong thơ chị là sự tiếp nối của tình yêu, thì tình mẹ con vừa là sự tiếp nối của tình yêu ấy vừa là suy nghĩ bằng hình ảnh về số phận phụ nữ, số phận dân tộc. Khi chị vui mừng chúc sinh nhật đứa con đầu lòng thì chị vẫn đầy âu lo. Những nghĩ suy giữa giông bão cuộc đời, lòng hy vọng của chị lớn lao như mặt trời, nhưng linh cảm về những biến động của số phận đã gài sẵn trong thơ:
Sáng chủ nhật cùng khắp mọi người
Con nói đi, mặt trời đang mọc
Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi
Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc
Bạn không biết Nhã Ca khóc vì chuyện gì. Thơ là một ngôn ngữ tuy trong sáng mà vẫn không rõ ràng, đầy những phân vân bí ẩn, không phải vì nó cố tình ra vẻ bí ẩn, mà vì sự cảm nhận của nhà thơ đối với hiện thực là phân vân và bí ẩn. Sự diễn dịch của người đọc là thuộc về người đọc, không phải thuộc về tác giả. Một bài thơ nào cũng nên được hiểu trong bối cảnh của nó, gọi là văn cảnh hay ngữ cảnh. Sự xác định của một văn bản là cụ thể, có tính chỉ định, chỉ là những chữ và những câu trên một trang giấy, nhưng ngữ cảnh thì vô tận, đôi khi chứa những thứ phía sau nó nữa. Vậy ngữ cảnh là gì? Là những thứ chung quanh một văn bản, có mối liên hệ với văn bản, như là những nguyên nhân của các chi tiết bên trong bài thơ. Ngữ cảnh không phải là tất cả mọi điều xung quanh bài thơ, không phải cái gì quanh nó cũng là ngữ cảnh. Dù ngữ cảnh được định nghĩa là nằm ngoài bài thơ, thực ra nó không sinh ra từ chân không, nó là nguyên nhân của bài thơ ấy. Vì vậy có thể nói một cách hình ảnh, ngữ cảnh nằm trong chính bài thơ, một văn bản.
Đám cháy thiêu rụi
Nhà cửa, áo quần, tóc tai
Luôn đầu mình, mặt mũi
Đám cháy để lại
Vợ vật tro tàn
Khét lẹt ngày tháng năm
Lem luốc kí ức
Em như hòn than khi anh về
Nám đen, kì cục
Anh tắm rửa, kì cọ, muốn lột da
Dễ dầu gì sạch nổi
Nếu không được tắm bằng nước mắt
(1988)
Mọi người như thoát ra từ một đám cháy, nếu bạn may mắn sống sót. Nhưng đám cháy không rửa sạch được, và mỗi khuôn mặt chúng ta lem luốc một ký ức. Cảm nhận của tôi khi đọc lại thơ Nhã Ca là thơ chị rất gần với chủ nghĩa khách quan (objectivism). Chị lược bỏ bớt cảm xúc, những trần tình, những bình luận, và chỉ còn trơ trọi các sự vật như chúng vốn là. Giọng thản nhiên, có phần hờ hững, trực quan mô tả, rất nhiều hài hước, mà vẫn đằm thắm, lay động sâu xa, về những đổi đời.
Tại sao ta làm đàn bà
tại sao ta được yêu thương
được phản bội
được đau khổ
được sinh con đẻ cái
tại sao? tại sao?
Khi đọc Nhã Ca bằng lối đọc liên văn bản, một người tìm thấy những bức tranh của một thời đại. Số phận mong manh của người thiếu nữ chính là số phận của một dân tộc nhược tiểu, tan rã, chìm khuất, nhưng nàng không khứng chịu điều ấy, không chấp nhận sự bất hạnh và cất lên tiếng nói òa vỡ. Trong một bài thơ được viết sớm và quan trọng của Nhã Ca, chị mô tả tiếng chuông với nhiều góc cạnh, nghe được từ bên kia sông Hương, tiếng chuông trên mặt nước. Tiếng chuông Thiên mụ ấy, chậm chạp, trầm hùng, thức tỉnh, nhưng trong thơ Nhã Ca đã trở thành một tiếng chuông náo động, nhiều âm sắc, cao thấp khác nhau, dài ngắn khác nhau, chúng rung lên khác nhau. Sông Hương êm đềm, Thiên Mụ êm đềm, nhưng đối với một người con gái mới lớn, tiếng chuông ấy là bồi hồi rạo rực, là òa vỡ: đó là sự thách thức của thời đại mà chị sống. Nhã Ca một hôm đã đọc bài thơ ấy cho chúng tôi nghe, những người bạn của chúng tôi, S và tôi, trong căn nhà nhỏ bên hồ nước. Chị đọc thuộc lòng toàn bài. Giọng chị ấm, vang lừng, tôi tưởng có thể nghe được tiếng chuông lan xa trên mặt nước sông Hương thuở nào, những năm một chín sáu mươi, tuổi vào đời của một kỳ nữ.
Tiếng Chuông Thiên Mụ
Tôi lớn lên bên này sông Hương
Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ
Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
Cửa từ bi vồn vã bước chân sông
Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng
Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn
Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn
Những sáng chim chiều dế canh gà
Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da
Người với chuông như chiều với tối
Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy
Tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy
Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan
Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em
Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền
Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố
Tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ
Tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi
Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời
Đổi họ thay tên viết văn làm báo
Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo
Của từ bi xưa mất dấu đứa con hư
Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sương mù
Giòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục
Con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc
Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da
Tuổi hồng sa chân chết đuối bao giờ
Ngày tháng cũ cầm bằng như nước lũ
Nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ
Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi
Tiếng chuông xưa kìa tuổi dại ta ơi
Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
Nhũng mảnh đồng đen như da đêm tối
Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
Những mảnh đồng đen như máu phục sinh
Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới
Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi
Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi
Thức dậy thực sự rồi
Thức dậy cùng giông bão
Thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ
Cho con trở về đứng mê sảng ngó.
Bài thơ được in lần đầu trên tuần báo Ngàn khơi, năm 1963, ngay sau sự kiện đẫm máu ở đài phát thanh Huế. Chùa Thiên Mụ ở phía tả ngạn sông Hương, được xây dựng từ năm 1601, nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, quả chuông lớn mới được đúc và sử dụng, và từ đó mỗi sáng tiếng chuông trầm hùng vang lên trên mặt nước. Nhà cũ của Nhã Ca ở đường Trần Thúc Nhẫn hữu ngạn, phía đối diện bên kia sông của chùa Thiên Mụ. Bài thơ này khá dài, và tôi nghĩ, là một trong những bài thơ hay nhất của chị và của thơ Việt. Trong thơ tự do, nhà thơ tận dụng cách ngắt câu cũng như cách chia bài thơ làm nhiều khổ. Ngày xưa các nhà thơ không biết điều ấy: toàn bài đi một mạch. Vì vậy giọng điệu trong các bài thơ có vần như lục bát là thống nhất. Trong thơ tự do, giọng biến đổi. Chất giọng mạnh mẽ, vừa riêng tư vừa có tính thời cuộc, trong thơ những năm sáu mươi là rất mới, hơn nửa thế kỷ sau vẫn mới. Bài thơ là một cấu trúc hoàn hảo, với những đoạn (stanza) dài, sự ngắt quãng ít, nhưng cách xuống dòng của chị rất biến hóa. Đó là lời tự thú của một thiếu nữ mới lớn nhưng lại là bản tuyên ngôn về sự rời bỏ. Tiếng chuông Thiên Mụ là thành tựu của thơ Nhã Ca, bài thơ tạo ra một hình ảnh đôi khi gần như siêu thực gần như ảo giác. Chị mô tả tiếng chuông vừa thật vừa không thật, đó là tiếng chuông riêng của một người. Đó là tập hợp những cảm giác, sự lặp đi lặp lại một số hình ảnh dồn dập như sóng nước. Chị không nói gì về tình yêu riêng của mình, không nói rõ về động cơ ra đi. Sự ra đi của chị là một từ bỏ, với nhiều ý nghĩa. Đó có thể là cuộc phiêu lưu tình yêu. Đó có thể là quyết định chín chắn, có thể là sự phản đối các tập tục gia đình, thái độ bất chấp của người nữ, nó làm tôi nghĩ tới Sagan. Bài thơ mở đầu hồi hộp, những chuyển cảnh, sự mô tả và lời cảm thán, những đoạn trầm lắng lại đầy suy nghĩ và những thách thức kịch tính. Đoạn cuối bài thơ lặp lại nhiều lần chữ thức dậy. Vì tiếng chuông buổi sáng từ chùa Thiên Mụ là tiếng chuông đánh thức.
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
Số phận bi thiết của Huế tôi nghe ngân vang, tuôn chảy, mãi rì rào. Đây mới là thức dậy thực sự:
Thức dậy thật sự rồi
Thức dậy cùng giông bão
Thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Sau đó chị trở về trong bài thơ, nhưng tôi nghĩ rằng đây là sự trở về tư tưởng:
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
Sự trở về ấy của Nhã Ca, trong đời thường, trong mơ ước, trong tưởng tượng, sẽ trở thành nỗi ám ảnh không rời. Sự trở về ấy còn là sự trở về ngoài quê hương, trở về với bản thể, sự trở về có tính nhân loại và tâm linh. Tiếng chuông Thiên Mụ có từ hàng trăm năm nay đã đi vào lịch sử, hiện hữu ở đó, ngân nga ở đó, trên mặt nước, trên hai bờ, trong lòng mỗi chúng ta.
Các nhà nữ quyền luận có thể tìm thấy những ví dụ của họ trong thơ Nhã Ca. Tuy chị từng viết những câu thơ táo bạo, trong thơ Việt lần thứ nhất có người viết: Cám ơn Thượng Đế đã cho tôi đôi vú Chị vẫn còn quan tâm đến nhiều thứ khác, và chị không đi đến tận cùng các ý tưởng nữ quyền trong thơ của mình. Một lúc khác, tâm hồn bối rối và thơ mộng, chị có thể hóa thành một cánh bướm, một tâm hồn ủy mị đòi được yêu thương và che chở. Nhã Ca lớn nhanh, trưởng thành nhanh, đi qua những bước ngoặt của cuộc đời mau lẹ hơn người khác. |
Nhã Ca mười bảy tuổi khi gặp Trần Dạ Từ. Tình yêu của cặp uyên ương này là nguồn thăng hoa rực rỡ (sublimation) cho thơ tình của cả hai người. Tôi không có ý nói rằng trong tình yêu của họ, mọi thứ đều bằng phẳng, vì không có một quan hệ nào như thế, nhưng những khó khăn và giông bão gieo xuống đời không làm tan vỡ, trái lại, giúp cho hai người nối kết bền chặt vào nhau, như trong mấy câu thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ:
Rời nhau ra. Lặng lẽ. Dư thừa
Hợp đôi lại, chúng làm ra lửa.
Tôi nghĩ, có thể vũ trụ của chúng ta cần phải đấu tranh mỗi ngày, mỗi giây phút cho một điều gì đó mà chúng ta không biết, có thể số phận đưa chúng ta đến với nhau để thực hiện một công việc gì đó mà chúng ta không hay, có thể sự đau khổ là những cần thiết cho công việc siêu hình mà chúng ta không nhìn thấy. Tôi đọc trong thơ Nhã Ca những tai ương mà chị linh cảm từ sớm, khi hãy còn quá trẻ, thật đáng ngạc nhiên, thế mà về sau những linh cảm ấy dường như là sự thật.
cái nhà của ta, con cái của ta, chăn gối của ta
giường của ta, ta của ta, và vườn của ta
hãy để ta, tự ta
làm đàn bà để được sống và được chết
Phụ nữ có thiên tính là bảo vệ người yêu dấu của họ, nhìn thấy trước những hiểm nguy rình rập, họ lo âu cho sự an toàn và hạnh phúc của người khác, họ sinh đẻ và nuôi dưỡng. Tôi cũng nghe thấy nhiều tiếng cười trong thơ Nhã Ca, vì ở đó không phải chỉ toàn tiếng khóc và bóng tối, không, ở đó còn là hy vọng, lòng tin vào con người.
Joseph Brodsky đã nói rằng một thi sĩ không thể được nhìn thấy bằng một lăng kính nào khác ngoài bài thơ của mình, có nghĩa là tiểu sử đứng sau các văn bản. Tuy nhiên sự hiểu biết về Nhã Ca như một con người sẽ giúp đỡ người đọc rất nhiều trong việc đọc thơ chị.
Bắt đầu lại đời ta, các con
Bắt đầu lại bền bỉ hơn nụ cười
Bắt đầu lại vững vàng hơn bước chân
Bắt đầu lại đầy đủ hơn tiếng nói
Bắt đầu lại đời ta, các con
Bắt đầu lại từ chỗ bôi xóa mẹ
Sự cô độc trong thơ có thể bị che khuất bởi sự quan tâm đối với người khác, thế rồi vào lúc đêm khuya, nó vẫn trở lại với bạn.
Lý thuyết tiếp nhận kêu gọi đọc lại. Đó là một phiên bản khác của lý thuyết Đáp ứng của người đọc (Reader- response theory), nhấn mạnh đến sự tiếp nhận của người đọc, tức là sự diễn dịch về các ý nghĩa của một văn bản. Từ những công trình của Hans Robert Jauss, Robert C. Holub, Stephen Regan, ngày càng có nhiều nhận thức hơn về sự diễn dịch chủ quan của người đọc qua các thời kỳ khác nhau. Không có một ý nghĩa cố định cho một bài thơ, luôn nằm ở đó, không những vậy sự diễn dịch của người đọc, khác nhau trong cùng một thời kỳ, và cũng khác nhau qua những thời kỳ khác nhau. Việc đọc lại mở ra những hướng mới không những trong việc tìm hiểu một nhà thơ mà còn một thời đại. Nhiều người hiện nay than rằng thơ không có người đọc. Nhưng những bài thơ hay nhất, những nhà thơ đóng góp nhiều nhất, vẫn mời gọi sự đọc lại.
Và lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần
Tôi đọc thơ Nhã Ca năm mười sáu tuổi, tuổi đẹp nhất đời người, nhưng trong những ngày chiến tranh, lưu lạc, ở Huế. Thơ Nhã Ca: tình yêu và tự do. Đọc chị, tôi nghiệm thấy điều ấy, nghe được tiếng nói như tiếng gọi ngang trời của bầy chim di trú và thơ ấy làm tôi dừng lại. Thơ chị làm trí tưởng tượng của tôi hoạt động. Chúng ta sống trong một thời đại mà trí tưởng tượng cần hơn bao giờ hết. Xã hội điên đảo, con người ngày càng bận rộn lo âu, thì sự tưởng tượng càng cần thiết. Tình yêu không nhầm lẫn, không bao giờ là lời hứa không thực hiện, nó hiện ra lập tức khi bạn tưởng đến. Nói như Nhã Ca, chúng làm cho hành tinh của chúng ta đông đúc và vui tươi. Tình yêu không sinh ra từ chân không: nó được làm nên bởi những người yêu nhau. Trong một bài thơ tình của chị cũng có nhiều giông bão của thời đại này: đó là một thứ thơ tình dũng cảm. Đó là một cuộc đối thoại bất tận giữa các câu thơ, các ý tưởng, giữa những kinh nghiệm và sự ngây thơ nguyên thủy.
Cho con trở về đứng mê sảng ngó.
Đó là sự trở về đầy ngạc nhiên, của số phận cá nhân và của lịch sử. Của Huế. Trong thơ, Nhã Ca quyết đoán, táo bạo, thành thật, điều ấy có thể thúc đẩy những cảm xúc mạnh mẽ, cực đoan ở người đọc. Tuy thế, chị vẫn tìm được sự cân bằng cho mình ở cuối mỗi bài thơ, như cuối một ngày của đời sống, và sự cân bằng ấy là căn nhà tâm hồn chị dành cho người yêu của mình, cho bằng hữu, cho người đọc của mình, và cho quê hương Việt Nam.
NĐT
Các tin khác
-
Hà Nội, con thuyền, phù sa – Tiểu luận của Hồ Anh Thái
-
Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật: Đi tìm những "con mắt xanh"
-
Nguyễn Quang Sáng: Cuộc đời sự nghiệp và phong cách sáng tác văn học
-
Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận - Hữu Thỉnh với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên': 'Nhìn lên hoa ban nở…'
-
MỘT ĐỜI NGƯỜI CHỈ CÓ MỘT QUÊ...
-
Người Thái Bình - đất Thái Bình qua ca dao, tục ngữ .
-
“Bà cô bên chồng” của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến
-
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện “Tro tàn rực rỡ” từ tác phẩm văn học lên phim
-
CA SĨ KHÁNH LY BẤT BÌNH VÌ NHIỀU ĐOẠN TRONG PHIM “EM VÀ TRỊNH”
-
TẢN MẠN CHUYỆN NGHỆ DANH CỦA CÁC “SAO” VIỆT