/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

NGƯỜI BỘ HÀNH LẶNG LẼ

Tuy chưa thật nổi trội trên lĩnh vực nào (thơ, văn xuôi, phê bình, nghiên cứu) nhưng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm là người tận tâm...

Nhân 95 năm ngày sinh cố nhà thơ Nguyễn Viết Lãm (15/6/1919-15/6/2014)

NGƯỜI BỘ HÀNH LẶNG LẼ                      

Nhà văn CAO NĂM


Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm quê gốc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cha ông, cụ Nguyễn Viết Miêu, học xong tiểu học ở Huế thì được bổ nhiệm vào làm nhân viên một trường ở Quảng Ngãi, rồi lấy cụ bà Phạm Thị An, quê Thu Xà, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Trà. Từ đó, đời cha tiếp đời con cháu sinh thành và phát triển ở trên quê hương Quảng Ngãi.

Sinh 15/6/1919 tại thị xã Quảng Ngãi, Nguyễn Viết Lãm là con đầu một gia đình nhà nho nghèo đông con, nhưng là con trưởng nên được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Thừa hưởng tư chất người cha, Nguyễn Viết Lãm thông minh từ nhỏ. Năm lên sáu tuổi ông đã được cha đọc cho nghe những bài thơ Đường và dạy truyền khẩu từng đoạn “Truyện Kiều”. Còn mẹ ông tuy ít học nhưng lại có giọng hát hay, mỗi lần bà cất tiếng hát đều làm cậu con đang tuổi chơi cũng phải chăm chú lắng nghe. Khi Nguyễn Viết Lãm vào học trường tiểu học, thì cụ Miêu thường hay kèm con học chữ, rồi đọc và giảng giải “Truyện Kiều” và thơ Nguyễn Khuyến cho con nghe. Những năm học trường tiểu học gần nhà, Nguyễn Viết Lãm nhận được sự giáo dưỡng chu đáo của một gia đình nho phong, hiền đức nên ảnh hưởng rất sâu đậm trong suốt quá trình trưởng thành của ông. Như ông có lần nói với tôi, sự ảnh hưởng ấy được bồi đắp theo hai nguồn: từ người cha là cái gien trí đức, đối nhân xử thế, còn từ người mẹ là sự hiền thục, nghĩa tình được thể hiện qua câu hò giọng hát thấm đậm tình yêu hương con người; và chính mẹ ông, cụ Phạm Thị An, với tâm hồn đằm thắm, bao dung lại thuộc rất nhiều câu hò, điệu hát dân ca, đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành tâm hồn thơ của Nguyễn Viết Lãm. Nhất là sau này, khi ông được cha mẹ cho xuống Quy Nhơn học trường thành chung thì ảnh hưởng từ sự giáo dưỡng gia phong càng có điều kiện duy trì và phát triển. Bởi quốc học Quy Nhơn là trường nổi tiếng đào tạo nhiều nhà văn hóa, văn nghệ, khoa học cho đất nước. Những năm Nguyễn Viết Lãm học tại đây lại được những thầy giáo nổi tiếng trực tiếp giảng dạy, còn học sinh cùng lứa với ông có nhiều người thông minh, học giỏi như Lê Văn Thiêm, sau này là nhà toán học, Nguyễn Thế Long (sau là Tư lệnh pháo binh), Phan Ngọc Hoan (tức nhà thơ Chế Lan Viên) và một số người nữa. Nhưng ảnh hưởng đến Nguyễn Viết Lãm sâu sắc nhất cả về con đường văn chương và hoạt động chính trị-xã hội là những năm tham gia Nhóm thơ Quy Nhơn mà ông là một trong bốn thành viên nòng cốt (ba người kia là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan).

 Nhân nói đến Nhóm thơ Quy Nhơn, chúng tôi muốn nói thêm vài điều mà mình lĩnh hội được. Do ở Quy Nhơn khi ấy có Nguyễn Viết Lãm và Phan Ngọc Hoan cùng học một trường (Lãm vào học trước Hoan một năm), lại cùng học văn thầy Trần Cảnh Hảo, một nhà giáo giàu kiến thức sư phạm và năng lực cảm thụ văn chương. Cảm mến hai học trò ngoan ngoãn, nết na, lại thích học văn và đều tỏ ra có năng khiếu văn chương, thầy giáo Hảo đã kết hai trò lại với nhau. Cả hai khi ấy nhà ở xa (Lãm ở thị xã Quảng Ngãi, còn Hoan ở Bình Định) đến Quy Nhơn trọ học, nên lại càng có điều kiện gặp gỡ, chuyện trò với nhau. Thường là Lãm tới chỗ Hoan, khi ấy trọ ở ngôi chùa vắng bên bờ sông Thị Nại, để đọc cho nhau nghe bài thơ mới viết, hoặc trao đổi, bàn luận về bài thơ mình mới đọc trên báo chí, và đôi khi còn bình phẩm thơ văn với nhau. Hai người trở thành bạn tâm giao có một không hai từ ngày ấy, và trải dài suốt bao nhiêu năm. Nói như Nguyễn Viết Lãm, thì: “Tình bạn thân thiết của Chế Lan Viên đối với tôi có một sức lay động mạnh mẽ, vì ngoài tình bạn, tình thơ, còn có một thứ tình mới mẻ, đó là tình đồng chí. Tình bạn ấy đã động viên tôi luôn phấn đấu, không ngừng học tập và say mê sáng tác”. Có một chuyện mà sinh thời, Nguyễn Viết Lãm hay nhắc đến mỗi khi nói về tình bạn giữa ông và Chế Lan Viên. Đấy là vào một ngày tháng 6/1989, ông đang ở nhà tự nhiên thấy ruột nóng như lửa và nhớ Chế Lan Viên vô cùng. Thế là ông đóng cửa phòng ngồi viết bài thơ “Nguyện cầu”, mong cho bạn qua cơn hiểm nghèo: “Bạn mắc bệnh hiểm nghèo nhà lại ngặt/Lòng mình đau giống nỗi bạn đau xưa/Mình sẽ cầu Khúc tinh như ngày nào anh Tử nhắc/Cầu nguyện cho Hoan trường thọ như thơ” (“anh Tử”, tức Hàn Mặc Tử). Cũng hôm ấy, như một sự linh ứng, tại thành phố Hồ Chí Minh, dù yếu mệt, Chế Lan Viên vẫn gắng gượng viết bức thư tâm tình dài tám trang giấy pơ-luy gửi Nguyễn Viết Lãm. Nhưng thư chưa kịp gửi, thì ngày 24/6/1989 Chế Lan Viên về cõi vĩnh hằng; mãi đến đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 4, nhà văn Vũ Thị Thường, phu nhân nhà thơ Chế Lan Viên, mới trao tận tay bức thư cho nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Ở Quy Nhơn khi ấy, ngoài hai người bạn học-bạn thơ Nguyễn Viết Lãm-Chế Lan Viên, còn có một người tài hoa bạc mệnh, nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà ở Quy Nhơn nhưng thường đi làm báo ở Sài Gòn, thỉnh thoảng về nhà ở với bà mẹ ít ngày rồi lại đi; và một người nữa là Yến Lan, làm dưới Bình Định, nhưng hay về nhà ở Quy Nhơn. Đây là bốn người nòng cốt trong Nhóm thơ Quy Nhơn (1935-1939), ngoài ra còn một số người nữa, nhưng có người tham gia lâu, có người chỉ vài tháng, nên sau này mỗi khi nói đến Nhóm thơ Quy Nhơn người ta thường chỉ nhắc tới “tứ trụ” này là vì thế. Nhóm thơ Quy Nhơn về danh nghĩa là tập hợp những người yêu thích văn hóa, văn nghệ nhưng thực chất là một hình thức tập hợp thanh niên, trí thức trong trường học có lòng yêu nước, thương dân hướng về cách mạng. Vì thế, Nhóm thơ được đích thân đồng chí Nguyễn Minh Vỹ (sau này làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng) trực tiếp chỉ đạo, và chính ông năm 1937 đã đỡ đầu cho ba người Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Viết Lãm ra chung tập thơ “Nắng xuân”.

Chúng tôi muốn dừng lại giây lát ở Nhóm thơ Quy Nhơn, bởi chính thời gian này (năm 1935-1939), thông qua hoạt động của Nhóm thơ mà Nguyễn Viết Lãm khẳng định được con đường đi vào văn học của mình; đồng thời với sự hướng dẫn, dìu dắt của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Viết Lãm nhiệt tình tham gia hoạt động của Mặt trận Việt Minh, hướng theo con đường Cách mạng từ đấy. Chính Nguyễn Viết Lãm, một người lặng lẽ, có phần kín đáo, cũng không nén được mừng vui khi được giác ngộ cách mạng, đến với cách mạng, điều đó có thể thấy rõ ở đoạn thơ sau trong bài “Chân trời” ông đề “Tặng anh Nguyễn Minh Vỹ”: “Ta đã thấy kia rồi/Chân mây lồng lộng ánh dương soi/Tổ quốc vẫy ta đi/Ai ngăn được lòng ta lên tới đỉnh”.  Và cũng từ những năm ấy, Nguyễn Viết Lãm, dưới các bút danh Việt Chi, Nguyễn Hạnh Đàn, bắt đầu đi vào con đường văn học với những sáng tác đầu tiên đăng trên báo chí ở miền Trung, rồi ngoài Bắc, trong Nam. Đây là thời kỳ mang tính quyết định cho sự hình thành nhãn quan chính trị và năng lực văn chương của Nguyễn Viết Lãm, để sau này, dù trong hoàn cảnh nào ông cũng có cách đối nhân xử thế hợp lòng người, đạo trời, cả về quan hệ xã hội và trong sáng tác luôn luôn kiên định một lối sống, một phong cách, một mục đích, chứ không xu thời, vụ lợi, và cũng không có sự bỡ ngỡ nhận đường trước khi đến với cách mạng, như một số văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Hai câu kết trong bài thơ đầu tiên của ông “Trăng vào cửa tháp”, viết năm 1937, đề tặng Chế Lan Viên như một sự chia sẻ, có thể phần nào thấy nỗi niềm nhà thơ khi lòng yêu nước được đánh thức: “Thánh thót sương khuya từng giọt điểm/Huyền hồ đỉnh tháp bóng trăng soi”.

Năm 1939, sau khi học xong quốc học Quy Nhơn, do cảnh nhà khó khăn, Nguyễn Viết Lãm không ra Huế thi để học lên nữa, mà trở về nhà ở Quảng Ngãi, rồi xin được vào dạy ở một trường tư thục huyện Đức Phổ. Vì nhà xa nên ông phải ở trọ nhà người quen của bố là cụ cử Nguyễn Tạo. Được ít lâu, cảm mến đức độ hiền từ, nho nhã của cậu giáo trẻ, cụ cử đánh tiếng muốn cho cô con gái đầu Nguyễn Thị Minh Trí kết tóc se duyên cùng cậu Lãm. Vốn quen biết, lại hai nhà đều là chỗ nho gia, nên hai cụ Nguyễn Tạo và Nguyễn Viết Miêu sớm lo cho hai con nên vợ nên chồng. Con đường vào đời của Nguyễn Viết Lãm tưởng như hanh thông, thì đùng một cái, một thầy giáo cùng trường với ông, lại là bạn thân với cụ Miêu, rỉ tai cụ bảo: “Thằng Lãm đọc sách cấm, đang bị mật thám theo dõi đấy”. Đọc sách cấm bấy giờ là một cái tội có khi bị tù đầy, nên nghe bạn báo tin cụ Miêu liền tìm cách xin cho con thôi dạy học. Hai năm bỏ dạy học ở nhà, Nguyễn Viết Lãm tập viết những bài ngắn, dạng tùy bút, tản văn, và làm thơ gửi đi đăng báo, cũng có thêm chút thu nhập cho vợ con. Năm 1941 ông đi thi công chức ở tỉnh và được tuyển làm biên dịch cho văn phòng quan tuần vũ (tỉnh) được hai năm, đến năm 1943 thì bỏ, vì khi ấy ông liên lạc với Việt Minh và được bố trí vào Hội truyền bá quốc ngữ, sau đó lại tham gia Hội văn hóa cứu quốc tỉnh, và khi Hội văn hóa cứu quốc ra tờ báo “Giữ vững” thì ông được phân công làm báo này cho đến sau ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Năm 1947, Liên đoàn văn hóa kháng chiến nam Trung bộ thành lập, ông được phân công làm thư ký thường trực (Nguyễn Đỗ Cung, chủ tịch; Phan Thao, phó chủ tịch), từ đây ông hầu như chỉ chuyên hoạt động văn hóa, văn nghệ, kể cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi tập kết ra Bắc (tháng 1/1955) và về Hải Phòng (năm 1962).

 Nhưng thực ra con đường hoạt động văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Viết Lãm đã được “hoạch định” từ hơn mười năm trước, khi ông còn ngồi ghế trường quốc học Quy Nhơn. Thế nhưng không phải ngay từ đầu ông đã đi vào thơ, mà thể loại đầu tiên ông say mê và có ít nhiều thành công, lại là văn xuôi, chứ không phải thơ, mà truyện ngắn là thể loại ông có nhiều hứng thú. Hơn một năm sau khi vào trường quốc học Quy Nhơn, năm 17 tuổi Nguyễn Viết Lãm đã có truyện ngắn đầu tiên “Bài ca hận tình”, nói về một chuyện tình dang dở nhưng lại là bài học bổ ích trên bước đường đời của một chàng trai đang ngồi ghế nhà trường, đăng “Tiểu thuyết Thứ Bảy”, ký tên Việt Chi. Sau đó, ông còn viết mấy truyện ngắn nữa đăng “Tiểu thuyết Thứ Bảy”, “Tiểu thuyết Thứ Năm” ký tên Việt Chi, rồi Nguyễn Hạnh Đàn. Như ông nói với tôi, ngày ấy ông đã viết được gần chục truyện ngắn, tùy bút đăng báo, và đích thân nhà văn nổi tiếng hồi bấy giờ Vũ Trọng Can, rồi cả Lê Tràng Kiều, cũng viết thư vào động viên, khuyến khích Nguyễn Viết Lãm viết văn. Nhưng dường như số trời đã định để hai chàng học sinh nghèo Nguyễn Viết Lãm và Phan Ngọc Hoan đến với nhau, và nếu không có cuộc hội ngộ kỳ phùng giữa hai người trong những năm cùng học ở trường quốc học Quy Nhơn, thì không biết nhà thơ của chúng ta có tẽ sang con đường thơ, hay vẫn tiếp tục con đường văn xuôi. Đấy là điều ngay chính ông mỗi khi có dịp trò chuyện với tôi về văn chương cũng thường nhắc tới; và cho mãi đến sau này, ai để tâm tới hoạt động văn chương của Nguyễn Viết Lãm cũng dễ thấy, bên cạnh thơ là địa hạt chính, thì văn xuôi cũng là lĩnh vực ông dành nhiều tâm sức, với những bút ký chân dung, nhất là chân dung những văn nghệ sĩ mà ông quen thân, như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Phan Chánh… Trong cuộc tẽ ngang từ văn sang thơ của Nguyễn Viết Lãm thì người có tác động quyết định là ông bạn chí cốt Phan Ngọc Hoan (Chế Lan Viên). Vì qua những cuộc gặp gỡ đọc thơ và chuyện trò về thơ với nhau, Chế Lan Viên nhận ra ở Nguyễn Viết Lãm một tâm hồn thơ, năng khiếu thơ mà nếu được chăm chút nuôi dưỡng, rèn luyện và khích lệ thì con đường thơ sẽ phát triển thuận lợi và tốt đẹp hơn là tiếp tục con đường văn xuôi. Quả nhiên, tiếp nhận lời khuyên và sự khích lệ của bạn, Nguyễn Viết Lãm dừng viết truyện ngắn, chỉ chí thú vào làm thơ, rồi cả tập chuyển ngữ thơ tiếng Pháp sang tiếng Việt, và ngược lại, chứ hầu như không viết văn nữa, hay có chăng chỉ ở hai lĩnh vực bút ký chân dung và tùy bút.

 Đến với thơ, Nguyễn Viết Lãm may mắn có những người bạn chân tình trong Nhóm thơ Quy Nhơn, như trên đã nói, nhất là ông lại chơi thân với Chế Lan Viên, một người gần như có khiếu thơ bẩm sinh, và may mắn nữa là có người cộng sản Nguyễn Minh Vỹ nhiệt tình khích lệ, nên tâm hồn dễ rung động trước những điều mới lạ được hấp thụ từ người mẹ hay hát, hát hay những nàn điệu dân ca nam Trung bộ, đã bật dậy trong Nguyễn Viết Lãm những rung cảm thơ từ ngày còn ngỗi ghế nhà trường. Bài thơ đầu tiên ông viết năm 1937, khi mới bước sang tuổi 18 là “Trăng vào cửa tháp”, ký tên Việt Chi mà trên tôi đã dẫn; ít lâu sau bài “Quê hương” lại ra đời và đăng “Tiểu thuyết Thứ Năm”. Bài “Quê hương” không còn cái lạnh lẽo, lẻ loi như “Trăng vào cửa tháp”, mà thơ đã gần hơn với đời sống cộng đồng, với bút pháp miêu tả khá ấn tượng: “Thiên Bút bên này, Thiên Ấn kia/Sông Trà giải lụa nước trong veo/Gió khuya chừng hiểu lòng nhau nhỉ/Đưa khúc tình ca quấn quít theo”, đấy là thị xã Quảng Ngại qua cái nhìn của chàng thư sinh 18 tuổi rất đáng trân trọng. Như nhiều học sinh bậc thành chung ham mê văn chương thời ấy, Nguyễn Viết Lãm cũng làm thơ bằng tiếng Pháp, và năm 1939, bài thơ “Dạ lan” của ông đăng trên một tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn, rồi một tờ báo ở Pháp đăng lại, cuối năm báo này trao giải thơ hay cho bài “Dạ lan” của ông. Chỉ tiếc bài thơ này ông không giữ được, và theo ông nói, khá nhiều thơ và truyện ngắn của ông hồi ấy cũng bị thất lạc; ngay cả bài “Thời mơ” ký tên Nguyễn Hạnh Đàn, đăng tạp chí “Tao đàn” năm 1939, cũng mãi năm 2000 tình cờ một bạn đọc còn giữ được, và qua người quen gửi tặng lại ông, tính ra bài thơ lưu lạc tới 60 năm mới về lại với tác giả của nó. Bài thơ lột tả tâm trạng chàng trai đang tuổi mộng mơ, với những nét đặc tả khá gợi: “Trăng nghiêng nghiêng buồn lặng dưới chân thành/Đường khuya trắng quanh co viền núi mỏng/Đêm man mác tràn lan trong gió lộng/Trời mơ hồ sương phủ nẻo xanh xanh” (Thời mơ).

Nhưng cũng như các văn nghệ sĩ sớm giác ngộ cách mạng và đi theo kháng chiến, thơ Nguyễn Viết Lãm thời kỳ sau Tổng khởi nghĩa đến trước ngày tập kết ra Bắc, chủ yếu là để phục vụ kịp thời cuộc kháng chiến chống Pháp, mà nhiều bài như “Nhớ đất”, “Tú Thủy”, “Tiếng hát đồng quê”, “Giặc ném bom trường Lê Khiết” của ông khi ấy được nhiều người biết, thậm chí còn thuộc lòng từng đoạn thơ. Nhưng thơ Nguyễn Viết Lãm vào độ chín và nở rộ là từ sau ngày ông tập kết ra Bắc (tháng 1/1955), nhất là sau chuyến đi thực tế xuống thành phố Cảng, rồi năm 1962 về ở hẳn Hải Phòng, coi thành phố này như “quê hương thứ hai” của mình, như ông vẫn nói với tôi, thì thơ ông có bước phát triển rõ nét. Những ai yêu thích thơ Nguyễn Viết Lãm có lẽ không thể quên những bài thơ của ông từng ghi dấu một thời, như “Hạ Long đêm bốc vác”, “Những dòng sông”, “Trưa Bạch Long Vĩ”, “Anh ăn với em một quả xương rồng”, “Bào ngư”, “Thuyền qua biển thủy lôi”, “Đảo Ba Cô ”, “Bút ký về một chuyến phà Bến Thủy”….Trong khoảng 15 năm, từ sau ngày về Hải Phòng đến sau năm 1975, thơ Nguyễn Viết Lãm có bước phát triển rõ, cả về độ chín, sâu đằm và tầm khái quát, với biên độ phản ánh rộng và gần gũi với đời thường. Những năm sau đó đến cuối đời, Nguyễn Viết Lãm viết ít, nhưng ông vẫn giữ được hồn thơ trữ tình, triết lý khá riêng biệt và ấn tượng, chẳng hạn như các bài: “Ân tình”, “Hoa cẩm chướng”, “Tiếng chim”, “Trăng sáng trên đường xoài”, “Hương ngâu”... Bên cạnh thơ do mình sáng tác, Nguyễn Viết Lãm còn dịch khá nhiều thơ của các nhà thơ nước ngoài, như A-ra-gông, Ta-go, Nê-ra-đa, Na-dim-hít-mét. Cùng với thơ dịch, ông còn dịch cả văn xuôi, như truyện An-đéc-xen, truyện ngắn Ba Lan, mà ở đây chúng tôi xin phép không đi sâu. Bên cạnh sáng tác và dịch thuật, Nguyễn Viết Lãm những từ năm 1990 trở lại đây còn dành nhiều thời gian viết bút ký chân dung, hồi ký ngắn, phê bình văn chương và nghiên cứu triết học. Năm 1995, thành phố Hải Phòng trao giải thưởng Hoa phượng đỏ về khoa học cho cụm công trình nghiên cứu của Nguyễn Viết Lãm về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, với hai tác phẩm: “Bậc hiền giả ở Bạch Vân Am” và “Quan điểm mỹ học của Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Tuy chưa thật nổi trội trên lĩnh vực nào (thơ, văn xuôi, phê bình, nghiên cứu) nhưng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm là người tận tâm, tận lực với nghề, nhiệt tình hoạt động không chỉ trên lĩnh vực văn nghệ, mà cả về văn hóa xã hội đều có những đóng góp rất đáng được ghi nhận./.

 CN