/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Nam Cao – lá cờ đầu của chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945

Một trong những quan điểm nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao là đề cao sự sáng tạo trong văn chương,...

Nam Cao – lá cờ đầu của chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945

           (Trần Hồng Liễu)        

Nam Cao (1917-1951) là một trong những nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Các sáng tác của ông trước 1945 đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của văn xuôi trên các phương diện: khả năng miêu tả và phân tích tâm lý, khả năng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật... Đặc biệt, nhà văn được khẳng định là lá cờ đầu của chủ nghĩa nhân đạo trong Trào lưu văn học Hiện thực phê phán 1930-1945. Thông qua hai đề tài chính của Nam Cao là người nông dân và người trí thức tiểu tư sản nghèo, bài viết đã phân tích, kiến giải nhằm chứng minh, khẳng định nội dung trên.

              Theo Từ điển thuật ngữ văn học, chủ nghĩa nhân đạo là “toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp” (1, 61).  Đối với người nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng, sự thương yêu, trân trọng con người luôn là “sự quan tâm hàng đầu” trong “cảm hứng sáng tạo nghệ thuật”. Dù viết về cái gì, viết như thế nào, mục tiêu cuối cùng mà văn chương hướng đến vẫn là con người với ý nghĩa “thể hiện khát vọng làm người mãnh liệt và cao đẹp”. Với tinh thần trên, chủ nghĩa nhân đạo luôn là tư tưởng quan trọng của văn học mọi thời đại.

Ở Việt Nam, một trong những giá trị tiêu biểu của văn học giai đoạn 1930 – 1945 là nội dung nhân đạo. Yêu nước và nhân đạo là hai mặt hữu cơ biểu hiện sức sống tiềm tàng của mỗi dân tộc. Nhân dân ta vốn có truyền thống đùm bọc, yêu thương lẫn nhau từ ngàn xưa. Điều đó được thể hiện qua truyền thuyết  Bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, qua các câu thành ngữ, ca dao như “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nhiều thời kỳ văn học đã trôi qua, nhưng dù ở thời nào, chủ nghĩa nhân đạo cũng vẫn luôn in đậm trong các tác phẩm văn chương của dân tộc. Đó là Nguyễn Trãi với tấm lòng bác ái, “mở đường hiếu sinh” cho đạo quân xâm lược nhà Minh: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” trong Đại cáo bình Ngô, là tấm lòng trắc ẩn của Nguyễn Du trong Sở kiến hành:

 “Thức ăn thừa đổ đi,

   Quanh xóm no đàn chó,

   Biết đâu bên đường quan,

   Có mẹ con đói khổ…”

là sự thương cảm, xót xa của Nguyễn Gia Thiều trước sự cô đơn, mòn mỏi của người cung nữ trong cung cấm:

                        “Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng

                         Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền

                         Lạnh lùng thay giấc cô miên

                         Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u…”

                                                                        (Cung oán ngâm khúc)

Đến giai đoạn 1930 -1945, cùng sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo đã trở thành mảng đề tài có ý nghĩa quan trọng, góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa văn học.

            Trong trào lưu văn học hiện thực phê phán, chủ nghĩa nhân đạo vừa là thái độ đồng cảm, xót thương, trân trọng đối với những kiếp người bé nhỏ bị áp bức, bóc lột, vừa là tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa, bạo tàn đang đè nén, áp bức con người. Đối với các nhà văn hiện thực, việc nhìn thấu những khổ đau mà người dân phải gánh chịu thực ra không quá khó khăn, bởi rất nhiều người trong số họ hoặc xuất thân từ tầng lớp nhân dân lao động, hoặc đã từng trải qua cảnh sống “van nợ lắm khi trào nước mắt, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Điều đó giải thích vì sao ngòi bút của họ hướng hẳn về phía nhân dân với sự đồng cảm sâu sắc đến vậy.

            Nhắc đến Nguyễn Công Hoan, chúng ta nghĩ ngay đến anh kép Tư Bền tài hoa mà bất hạnh, phải làm trò hề mua vui cho thiên hạ trong khi bố anh đang từng giây, từng phút đi về cõi chết. Người đọc cũng không thể quên anh phu xe và cô gái làng chơi khốn khổ trong Người ngựa ngựa người cùng những ông bố bà mẹ đáng thương, hy sinh cả cuộc đời cho con để rồi được “báo hiếu” bằng một đồng bạc và bị đẩy ra đường trong một đêm mưa rét (Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ).

Với Ngô Tất Tố cũng vậy. Ấn tượng về một chị Dậu với những phẩm chất tuyệt vời, đơn thương độc mã chống lại cả xã hội cầm thú xung quanh để bảo vệ gia đình thân yêu mãi đậm nét trong lòng độc giả. Đồng thời, những kẻ cai trị xấu xa, lòng lang dạ sói như Nghị Quế, quan phủ, quan cố sẽ không bao giờ thoát khỏi sự nguyền rủa, căm ghét của bao thế hệ bạn đọc.

So với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…, tấm lòng thương yêu những người dân lam lũ của Nguyên Hồng dường như đa cảm hơn. Có lẽ bởi chính cuộc đời ông đã từng gánh chịu bao đắng cay, mất mát. Có lẽ bởi ông chính là cậu bé Hồng bất hạnh trong Những ngày thơ ấu, mất cha, xa mẹ từ khi lên mười.  Nhân vật Tám Bính trong tác phẩm Bỉ vỏ của ông cũng đã khiến bao người phải xót xa. Con đường trở thành nữ quái của cô nhanh như một giấc mơ, bởi cô còn biết làm gì khác khi luôn bị xã hội rẻ rúng, xua đuổi, lừa lọc, hãm hại. Song chính Tám Bính, Năm Sài Gòn – những kẻ tưởng chỉ biết trộm cắp, giết chóc – lại là những người giàu lòng nhân ái hơn cả. Có lẽ, đó chính là một trong những thông điệp quan trọng mà Nguyên Hồng muốn gửi đến bạn đọc qua tác phẩm này.

Nhưng ngọn cờ tiên phong của chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực phê phán lại chính là người xuất hiện muộn nhất – Nam Cao. Tấm lòng trắc ẩn của ông được thể hiện kín đáo, trầm lắng nhưng không vì thế mà kém phần sâu sắc. Tương tự các cây bút cùng thời, Nam Cao thể hiện thái độ trân trọng, xót thương đối với những số phận đau khổ bị vùi dập như dì Hảo (Dì Hảo), mợ Nhu (Mợ Nhu), lão Hạc (Lão Hạc), cái Dần (Một đám cưới), người mẹ và những đứa con tội nghiệp (Trẻ con không được ăn thịt chó)… Họ là những người nông dân hiền lành, lương thiện, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” với mong muốn sinh tồn bình dị nhất: có miếng ăn, vậy mà cả cuộc đời vẫn không thực hiện được. Cái đói, cái nghèo và bao thế lực bạo tàn luôn rình rập, đe dọa họ, khiến cuộc sống của họ đã đói khổ càng thêm đói khổ, đã kiệt quệ càng thêm kiệt quệ. Có một cái gì đó thật gần gũi giữa chị Dậu của Ngô Tất Tố, cậu bé Hồng và người mẹ đau khổ của Nguyên Hồng, những người dân chài - kẻ chài - ở vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An của Bùi Hiển, ông lão phu xe mù và đứa cháu tội nghiệp của Thanh Tịnh…với những nhân vật kể trên của Nam Cao. Tuy nghèo đói, thiếu thốn, tuy cuộc sống áo cơm luôn bắt họ “ghì sát đất”, nhưng ở họ vẫn toát lên vẻ đẹp của tình người, của nhân cách và khát khao giữ vững nhân cách ấy.

Nhưng chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nam Cao không chỉ dừng lại ở nội dung trên. Nhà văn sẽ không thể vượt qua những cây đa, cây đề trong làng văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài…để khẳng định vị trí lá cờ đầu nếu chỉ đề xuất, bày tỏ những vấn đề mà các nhà văn khác cũng đã từng thể hiện. Vậy điều gì đã làm nên chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ, đặc sắc ở Nam Cao, nhà văn xuất hiện gần như muộn nhất của trào lưu văn học hiên thực phê phán 1930 – 1945?

Sinh ra và lớn lên tại làng Đại Hoàng, một mảnh đất chiêm trũng xác xơ, quanh năm “chiêm khê mùa thối” của phủ Lý Nhân, Hà Nam với những con người héo hắt đến mòn mỏi vì đói, vì bị áp bức bóc lột, bởi vậy hầu hết nhân vật nông dân của Nam Cao đều có vẻ bề ngoài xấu xí đến “quái dị”. Làm sao có thể đẹp, có thể cường tráng, khỏe mạnh trong một môi trường sống như thế này: “Nhà cửa lưa thưa. Toàn những nhà tre úp xúp giữa những khu vườn rộng thì có rộng, nhưng xấu lắm: mía đốt như lau hoặc khẳng khiu như chân gà, chuối lè tè như những cây rau diếp ngồng, dĩ chí đến cây khoai lang, cây ráy cũng không lên được. Người xấu xí và rách rưới. Cái số trẻ con bụng ỏng mắt toét ngoài đường sẵn lắm” (6, 81). Dẫu ấn tượng về một chị Dậu đẹp người, đẹp nết trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố là vô cùng đậm nét, nhưng có lẽ nhiều bạn đọc không thể không đồng tình khi một nhà phê bình có ý kiến rằng, vẻ đẹp của chị Dậu trong đoạn văn sau đây gần với vẻ đẹp của các cô gái mới lãng mạn trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn hơn là cái đẹp khỏe khoắn của người đàn bà lực điền ba con đang chạy xuôi chạy ngược lo tiền sưu cho chồng: “Bên đám lông mày cong rướn, mấy sợi tóc mai lả thả rủ xuống, hình như làn khói thuốc lá phớt phơ bay trước khuôn gương. Và trên cái gò má đỏ bừng, vài ba giọt nước mắt thánh thót đuổi nhau chẳng khác hạt sương buổi mai lắng đọng trong cánh hoa hồng mới nở” (7, 53). Gương mặt “ma chê quỷ hờn” của Thị Nở, bộ mặt “như tổ ong bầu, mắt trắng môi thâm, mà đen như thằng quỷ” của mụ Lợi, nhân diện xấu xí của lang Rận, quá khứ tù tội, bản tính hung hăng cùng “cái mặt thì đen mà rất cơng cơng” của Chí Phèo có thể không hấp dẫn bạn đọc, nếu không nói là phản cảm, thậm chí khiến Nam Cao một thời bị đánh giá là sa vào chủ nghĩa tự nhiên, nhưng đã góp phần phản ánh một cách trung thực tình trạng thê thảm của người nông dân Việt Nam trước CMT8. Vậy mục đích của Nam Cao là gì khi hướng đến những nhân vật hoặc có ngoại hình thậm xấu, hoặc bị tha hóa cả nhân tính lẫn nhân hình như vậy?

Xuất thân nghèo hèn, lại thuộc “dòng giống của một nhà có mả hủi”, lại “dở hơi”, lại thêm bộ mặt “ma chê quỷ hờn”, tất cả những điều trên khiến Thị Nở bị cả làng Vũ Đại ghê tởm, xa lánh: “Người ta tránh thị như tránh một con vật nào rất tởm” (6, 39). Với “cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết” (6, 22) cùng bản tính hung hăng, côn đồ, sẵn sàng “rút bao diêm đánh cái xòe” đốt lều mụ hàng rượu chỉ vì mụ ngần ngừ trong việc bán chịu rượu, Chí Phèo khiến làng Vũ Đại sợ hãi, xa lánh. Để ra sông kín nước, người ta “tìm một lối đi khác xa hơn”, không dám dùng lối nhỏ qua nhà hắn. Khi uống rượu say, hắn chửi cả làng Vũ Đại, “nhưng cũng mặc, ai mà hoài hơi”. Lúc hắn kêu làng “như một kẻ bị đâm” thì “không ai buồn động dạng”. Với người dân quanh đây, “hắn kêu làng cũng như người khác buồn, hát ngao” (6, 41). Tóm lại, cũng như Thị Nở, làng Vũ Đại coi Chí là một con vật. Nam Cao đầy hàm ý khi hạ một câu: “Đáp lại hắn, chỉ có lũ chó cắn xao lên trong xóm” (6, 41). Nhân vật Lang Rận trong truyện ngắn cùng tên cũng tương tự như vậy: “Mặt gì mà nặng chình chĩnh như mặt người phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn, ngắn ngùn, lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề. Môi rất nở cong lên, bịt gần kín hai cái lỗ mũi con con, khiến anh ta thở khò khè” (6, 306). Đó là lý do khiến bà cựu Đẩu “lắc đầu quày quạy”, “gân cổ lên cãi” khi ông cựu cho lang Rận “quảy hai cái bồ đến trọ”, rồi “sầm mặt, nguýt lang”, “lắc đầu, bĩu môi” khi chứng kiến cảnh ông lang mà bà coi là “của khỉ” “trần trùng trục ngồi bắt rận trong nhà”. Đối với người dân làng Vũ Đại, thị Nở và Chí Phèo là những một con vật. Đối với bà cựu Đẩu và cô Đính, em ông Cựu, lang Rận là một dạng “người dở người, con giun chết dở con giun chết”. Nhưng, với cái nhìn tràn đầy tình yêu thương, với quan niệm “đối với những người xung quanh ta, ta phải cố tìm mà hiểu họ”, Nam Cao đã phát hiện được những nét nhân cách đẹp đẽ ẩn trong đáy sâu tâm hồn những con người như vậy. Họ bị bọn thống trị lừa gạt đã đành, còn bị cả xã hội xua đuổi, xa lánh, không coi là con người. Dầu vậy, trong nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, họ vẫn khát khao được làm người, khát khao được sống một cuộc đời bình dị, được hưởng những hạnh phúc đời thường. Nam Cao đã rất tinh tế khi miêu tả cảm giác “bâng khuâng”, “lòng mơ hồ buồn” ở Chí khi thức dậy vào buổi sáng sau hôm gặp Thị Nở ở vườn chuối. Một kẻ triền miên trong những cơn say, say tràn từ cơn này sang cơn khác, “chưa bao giờ tỉnh táo để nhớ rằng có hắn trên đời”, để biết rằng mình là con quỷ dữ của làng Vũ Đại… lại có những giây phút “nao nao buồn” khi nghe tiếng chim hót, tiếng nói chuyện của những người đi chợ, tiếng gõ mái chèo đuổi cá của một anh thuyền chài….Một kẻ cả đời dọa nạt, giật cướp lại “bâng khuâng” khi thấy một người đàn bà mang đến cho mình bát cháo bốc khói, lại “thấy mắt hình như ươn ướt” vì chợt nhớ rằng “xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì”. Với Thị Nở, đó là mơ ước được làm vợ, làm mẹ như bao phụ nữ bình thường khác. Không cần miêu tả, dẫn dắt nhiều, chỉ cần tái hiện lại cảm giác bâng khuâng, “lăn ra lăn vào” vì không ngủ được khi nhớ lại “việc lạ lùng tối qua”, Nam Cao đã mở ra cả bể trời tâm trạng, đã khắc họa thành công mơ ước về một hạnh phúc rất đỗi giản dị ở người phụ nữ dở hơi đáng thương ấy (2). Nếu không có tình thương yêu con người đặc biệt, không có cái nhìn nhân ái sâu sắc, nhà văn sẽ không thể “cố tìm mà hiểu họ” để viết được những dòng như vậy.

 Câu chuyện tình yêu giữa lang Rận, ông lang “chết đói, chết khát”, “người dở người, con giun chết dở con giun chết” với mụ Lợi, người đàn bà quá lứa làm người ở cho gia đình ông cựu Đẩu đã mang lại chút thú vị cho cuộc đời “nhàn phèo và buồn tẻ” của bà cựu và cô Đính. Hai người đàn bà nhàn rỗi kia coi đó là một trò tiêu khiển. Họ đắc chí khi bắt được quả tang lang Rận vào buồng mụ Lợi lúc nửa đêm. Họ bí mật khóa trái cửa, tưởng tượng đến trò vui sáng hôm sau. Nhưng họ không thể ngờ rằng, khi mối tình muộn màng và nhiều lỡ dở kia bị phát giác, lang Rận đã tìm đến cái chết. Họ không ngờ và không hiểu, âu cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng độc giả thì không thể không bất ngờ trước hành động có phần cực đoan nhưng là hệ quả của lòng tự trọng thầm kín mà quyết liệt ở một người như lang Rận.

            Trong toàn bộ thiên truyện, những dòng miêu tả tâm lý lang Rận không xuất hiện nhiều. Cuối tác phẩm, trước khi quyết định tìm đến cái chết, Nam Cao đã để cho nhân vật dằn vặt, vật vã trong những cung bậc tăng dần của cảm xúc. “Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận thân. Y tím ruột bầm gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau” (6, 315). Ngắn gọn, đơn giản vậy nhưng cũng đủ giúp người đọc hình dung được sự giằng xé nội tâm vô cùng quyết liệt trong đáy sâu tâm hồn nhân vật. Phải chăng, từ sự vật vã đau đớn đó, nhà văn muốn nói với chúng ta rằng, lòng tự trọng là món quà thiêng liêng mà tạo hóa đã ban cho mỗi con người. Để bảo vệ nó, người ta có thể hy sinh cả mạng sống của mình. Sự sống trên phương diện vật chất sẽ không còn ý nghĩa khi lòng tự trọng bị tổn thương. Bởi vậy, khi biết tình cảm thiêng liêng sẽ bị đem ra làm trò cười trước bàn dân thiên hạ, con người nghèo khổ, rách rưới, xấu xí đó đã tìm đến cái chết.

Mơ ước có một cuộc sống bình dị, khát khao được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ như bao con người bình thường khác là những vẻ đẹp mà Nam Cao đã phát hiện được ở Chí Phèo, Thị Nở bằng cái nhìn nhân ái, yêu thương. Với nhân vật lang Rận, tự trọng chính là nét nhân cách đáng quý mà nhà văn muốn khẳng định. Từ những nhân vật trên, nhà văn muốn nêu lên một vấn đề lý thú: đằng sau vẻ bề ngoài bình thường, tầm thường, thậm chí xấu xí đến mức ma chê quỷ hờn của nhiều nhân vật là một thế giới nội tâm bao la, ẩn chứa những vẻ đẹp không ngờ. Để phát hiện được điều đó, nhà văn phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, cái nhìn đi vào chiều sâu, quan trọng hơn, phải có tình yêu thương sâu sắc đối với con người.

Không chỉ dừng lại ở đề tài người nông dân, chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ, đặc sắc của Nam Cao còn được thể hiện thông qua đề tài người trí thức tiểu tư sản nghèo. Nói đúng hơn, đây là những thành tựu mà nhà văn đã kế thừa từ trào lưu văn học lãng mạn.

Bước sang thế kỷ XX, cùng sự du nhập của văn minh, văn hóa phương Tây là sự xuất hiện của một nhân tố vô cùng mới mẻ: cái tôi cá nhân cá thể. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân ở một thế hệ nhà văn từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn 1930 – 1945 đã đem đến nhiều chuyển biến lớn lao trong văn học, trong đó có ý thức về sự tồn tại ý nghĩa của mỗi cá nhân giữa cuộc đời. Nếu các tác giả của trào lưu văn học hiện thực phê phán đồng cảm, xót thương cho những kiếp sống lầm than, đói cơm rách áo thì các cây bút của trào lưu văn học lãng mạn lại đem đến cho chủ nghĩa nhân đạo thời kỳ này một nội dung chưa từng xuất hiện trước đó: sự xót thương đến mức phẫn uất cho những kiếp sống nghèo nàn, mờ nhạt, mòn mỏi, “mờ mờ nhân ảnh” về tinh thần (Tỏa nhị Kiều - Xuân Diệu, Hai đứa trẻ - Thạch Lam). Xuất phát từ quan niệm thời gian là một đường thẳng tuyến tính, thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại, con người hiện đại nói chung và các trí thức tiểu tư sản Tây học nói riêng ý thức cao độ về sự hữu hạn của đời người trước sự vô hạn của thời gian. Nhờ vậy, họ xác định rằng cuộc sống chỉ thật sự có giá trị khi người ta biết sống ý nghĩa đến từng phút, từng giây. Đây chính là nội dung được đề cập và phát triển tương đối toàn diện qua tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao. Thông qua câu chuyện của San, Thứ, Oanh-ba trí thức tiểu tư sản ở một trường tư thuộc vùng Bưởi-từ những ngày đầu đầy mơ ước, dự định lớn lao đến chuỗi ngày “mỗi bữa ăn, họ cãi nhau oang oang như họp làng”, người đọc giật mình khi nhận ra rằng, sống đâu phải chỉ quanh quẩn với miếng cơm manh áo, nói theo cách nói của Nguyễn Tuân là “vui vẻ trong sự thu nhỏ đời động vật thượng lưu vào cái chắc chắn áo cơm đều đều” (3). Cuộc sống có ý nghĩa phải là cuộc sống có mơ ước, hoài bão, phải sống bằng tất cả năng lượng và tình yêu cuộc sống, phải giành giật, vật lộn với thời gian chứ không phải chỉ đếm thời gian trôi qua. Tóm lại, phải sống cho ra sống. Đây cũng chính là quan điểm mà Xuân Diệu đã khẳng định trong bài Hi Mã Lạp Sơn:

                        “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

                          Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

Miếng ăn là vấn đề trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, cả ở đề tài người nông dân lẫn đề tài người trí thức tiểu tư sản. Nhiều nhà văn của trào lưu văn học hiện thực phê phán đã viết về cái đói để phản ánh nỗi đói khát, bần cùng của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Nam Cao, hơn một bước, gắn cái đói-miếng ăn với vấn đề nhân cách. Trước sự nghèo đói, trước miếng ăn, con người ta liệu còn giữ được nhân phẩm, hay “đói ăn vụng, túng làm càn”-miếng ăn trở thành miếng nhục? Đó chính là nỗi niềm, là sự trăn trở được thể hiện trong từng trang viết của nhà văn. Hình ảnh bà cụ bà cái Tí “cạo nồi sồn sột” trong Một bữa no trước ánh mắt khinh bỉ của bà Phó Thụ; bộ mặt “phè phỡn và hể hả” mỗi lần đi ăn cỗ về vì “cái tay nải rất to” đầy những thịt, những xôi do được gia chủ cho đã đành, còn do “lấy cắp và xin thêm” của anh cu Lộ trong Tư cách mõ; sự thô tục, tham lam đến “cằn khô cả tâm hồn, đáng khinh bỉ về nhân cách”(4) của người bố trong Trẻ con không được ăn thịt chó…là những hồi chuông báo động về sự tha hóa nhân cách. Đằng sau vấn đề miếng ăn là tiếng kêu cứu khẩn thiết: hãy cứu lấy nhân cách con người, hãy sống cho ra con người. Lẽ nào việc gắn mọi số phận, mọi vấn đề xã hội với câu chuyện nhân cách trong niềm xót thương nhằm hướng tới những tâm hồn hoàn thiện hơn, đẹp đẽ hơn lại không phải là một phương diện của chủ nghĩa nhân đạo?

Một trong những quan điểm nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao là đề cao sự sáng tạo trong văn chương, là “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Phát hiện vẻ đẹp nhân phẩm ở những “hạng người dưới đáy” trong đề tài người nông dân; thể hiện sự xót thương, phẫn uất trước tình trạng “sống mòn” về tinh thần ở đề tài người trí thức tiểu tư sản; gắn câu chuyện miếng ăn với vấn đề nhân cách chính là những phương diện để nhà văn khẳng định sự sáng tạo của mình. Với những thành tựu nội dung trên, Nam Cao xứng đáng là lá cờ đầu của chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945.

 --

Tài liệu tham khảo:

(1) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (1992), Từ điển thuật ngữ     văn học, NXB Giáo dục, H.

(2)   Dẫn theo Trần Đăng Suyền (2002), Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, NXB Khoa học Xã hội, H.

(3)   Nguyễn Đăng Mạnh tuyển chọn và giới thiệu (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, NXB Văn học, H.

(4)   Lê Quang Hưng, Nam Cao, In trong Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại (2008)(tập 1, từ đầu TK XX đến 1945, Trần Đăng Suyền - Nguyễn Văn Long - Lê Quang Hưng - Trịnh Thu Tiết chủ biên), Nxb Đại học Sư Phạm, H. 

(5)   Vũ Tuấn Anh (2000), Nam Cao-con người và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, H.

(6)   Truyện ngắn Nam Cao (2007), NXB Văn học, H.

(7)   Ngô Tất Tố, Tắt đèn (2005), NXB Hội Nhà văn, H.
Theo vietvan.vn