/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Bình văn

THÈM LÉN

Tôi quen Phạm Văn Đoan qua thi sỹ Kim Chuông được khá lâu, lúc gọi điện thăm nhau,...

 

THÈM LÉN

 

 

 

Trời xuân phơi phới hong tơ

 

Cô hàng xóm quẩy đôi vò rượu Xuân

 

Vợ vừa xa, rượu đang gần

 

Ước gì bí tỉ một lần rồi thôi!

 

                       Phạm Văn Đoan

 

 

 

LỜI BÌNH CỦA TÔ NGỌC THẠCH 

 

     Tôi quen Phạm Văn Đoan qua thi sỹ Kim Chuông được khá lâu. Lúc gọi điện thăm nhau, lúc thì Đoan gọi gửi bài vào nhân các số tạp chí Công đoàn ngành Dầu khí Việt Nam có sự kiện lớn và đặc biệt sau vụ tranh cãi về bản quyền bài thơ bốn chữ in trên báo Hải Dương mấy năm trước, từ đó chúng tôi càng thân nhau hơn. Đoan sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, sau đó tham gia quân đội, từ năm 1985 anh chuyển về ngành dầu khí và nay đang  đắm chìm trong con chữ “Vũng nhà” tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới đây thôi, lúc tham dự hội thảo thơ Mai Văn Phấn & Đồng Đức Bốn tại Hải Phòng, anh có tặng tôi tập lục bát xinh xắn vừa mới xuất bản và khi đọc đến “Thèm lén”, thi phẩm này thật ấn tượng đã được đăng báo Văn Nghệ số tết Tân Mão vừa qua. Với cung bậc cảm xúc mới mẻ, chứa đựng trong đó một bút pháp khá thuần thục làm độc giả bị bất ngờ bởi những ám ảnh, day trở và suy tư. Chất thơ tinh tế, liền mạch phản ảnh nội tâm của thi sỹ về con người, cảnh vật đối với thế giới xung quanh...

 

     Cùng lúc đó có mấy anh em nhà văn ghé thăm, rồi mọi người đố nhau: Các ông đoán xem bài thơ này Đoan viết ở trong nam hay ngoài bắc? Tôi khảng khái nói: Bài này viết ở Vũng Tàu vì tiết xuân ở bắc thông thường se se lạnh, hoặc trời u ám, lún phún mưa, không có thể “Hong tơ” như câu mở đầu này được. Còn lý do thứ hai “Cô hàng xóm quẩy đôi vò rượu Xuân”, tôi lại càng quả quyết thêm với khí hậu ấm áp ngày xuân ở trong nam thì thiếu nữ nhà bên mới mặc bộ cánh mỏng và thi sỹ Phạm Văn Đoan mới lén nhìn được “Đôi vò rượu Xuân”.

 

Trời xuân phơi phới hong tơ

 

Cô hàng xóm quẩy đôi vò rượu Xuân

 

    Bài lục bát này được ra đời vào thời tiết đẹp nhất trong năm khi con người và đất trời đang hòa quyện với nhau, đặc biệt với các thi sỹ là lúc có cảm hứng cao trào nhất, đang ngất ngây với những gì mà thiên nhiên ban tặng.

 

    Câu thứ ba: “Vợ vừa xa, rượu đang gần” toát nên một khung cảnh lãng mạn, nỗi khao khát của “Phái mạnh” lúc đang ở “Khoảng trời tự do”, thời khắc thuận lợi nhất đang tới gần. Những dồn căng về tư tưởng, tình cảm. Có thể thi sỹ sẽ vượt qua, hay chỉ là một xúc cảm vụt lóe lên rồi tắt nghỉm. Khi đọc tới câu kết thì mới thấy một ước ao cháy bỏng của con người muốn đi tới tận cùng của khát vọng ấy. Thấy cái đẹp cái hay, thấy rượu ngon ai chẳng nghiêng ngả, xao lòng.

 

Vợ vừa xa, rượu đang gần

 

Ước gì bí tỉ một lần rồi thôi!

 

    Tác giả dùng phụ từ “Bí tỉ” ở câu kết thật đắt. Cách sử dụng ngôn ngữ, cách ví von trong bài tứ tuyệt này khéo léo, tế nhị hòa quyện trong một không gian nghệ thuật phóng túng, khoáng đạt. Thông thường những thi phẩm hay càng ngắn thì cảm xúc thơ càng dồn nén lớn và sức văng càng xa. Thi ảnh của “Thèm lén” khá gợi cảm và đúng với chất lãng tử của Phạm Văn Đoan đang hừng hực trong thơ văn và sự nghiệp. Bài thơ như khúc vĩ thanh đẹp, dâng tặng cho độc giả một món ăn tinh thần ngày xuân.

 

 

 

Hải Phòng, xuân Tân Mão

 

TNT