/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Bình văn

NGƯỜI SAY ĐẮM THƠ MỘT CÁCH KỲ LẠ

Xin chúc tác giả Vũ Kiệt sức khỏe, trường thọ và tiếp tục con đường sáng tác với những thành công hơn nữa

NGƯỜI SAY ĐẮM THƠ MỘT CÁCH KỲ LẠ

.

       Tác giả Vũ Kiệt, người thôn Tạ Ngoại, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Từ xa xưa, quê ông mang tên Tạ Xá (謝 厙), đến cuối thời Lê trung hưng là xã Trung Tạ, tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Theo bản đồ hành chính phủ Ninh Giang và huyện Vĩnh Bảo thời Nguyễn, cũng như bản đồ hành chính tỉnh Hải Dương do Pháp in năm 1891 thì phần đất bìa làng phía Nam ra sông Tranh (Hóa) là thực địa của huyện Vĩnh Lại, cùng phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Theo Hán tự thì danh từ Xá (厙) nghĩa chỉ thôn hay trang, nên Tạ Xá (謝 厙) có nghĩa là làng Tạ, tên Nôm là Tè.

       Mảnh đất Tạ Xá đã từng sản sinh ra 2 nhà khoa bảng nổi tiếng là Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) năm Cảnh Thống thứ 5 (1502) Nguyễn Bá Tùng cùng khoa thi với Trạng nguyên Lê Ích Mộc và Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm Đại Chính thứ 6 (1535) Nguyễn Duy Tinh cùng khoa thi với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

       Thời nay thì làng Tạ Ngoại quê ông có đủ cả các trí thức và văn nghệ sỹ như: Nhà văn, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú, Thày thuốc Ưu tú, Nghệ sỹ Ưu tú,… đặc biệt là các tác giả thơ và nhiều độc giả mê đắm văn chương.

       Cách nay không lâu, nhân dịp ra mắt tập thơ “Miền hoa phượng” của tác giả Nguyễn Văn Mạnh tại Nhà khách Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, tôi được chị Vũ Thúy Quyên là con gái tác giả Vũ Kiệt tặng cho tập “Thơ tuyển chọn” khá dầy dặn và trang nhã.

.

Có thể là hình ảnh về văn bản

      Có Nhà thơ nổi tiếng người Mỹ là Don Marquis (1878 – 1937) từng viết và được xếp vào câu danh ngôn thế giới: “Xuất bản một tập thơ cũng giống như vứt những cánh hoa xuống vực thẳm mịt mù và chờ đợi tiếng vang” (Publishing a volume of verse in like dropping a rosepetal down the Grand Canyon and waiting for the echo). Ý tôi muốn nói tất cả các thi phẩm khi xuất bản đều hy vọng chờ đợi từ độc giả một điều gì đó dù nhỏ bé nhất?

       Liếc qua tập thơ, tôi thấy lời tựa là đồng nghiệp và là bạn thân của anh em chúng tôi, Nhà văn Trung Trung Đỉnh, một cây bút sâu sắc, dí dỏm, đã nêu khá đầy đủ tổng thể về nội dung, cũng như giá trị nghệ thuật của tập tuyển này. Rồi phần vẽ bìa, minh họa của Họa sỹ Nguyễn Nghiêm tại thành phố Hồ Chí Minh thật trang nhã, bắt mắt Và phần cuối là lời bạt của Nhà báo Nguyễn Đăng Văn đã nêu khá chi tiết về thân thế, sự nghiệp cũng như niềm đam mê thơ của ông.

       Với 181 bài thơ đủ các thể loại như: Lục bát, tự do, 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt…, nhưng những bài thơ 4 câu chiếm phần nhiều trong tập. Bằng những cảm xúc trực diện, chất thơ dung dị, chất phác, chất chứa bao hoài niệm được chắt ra từ tâm hồn tác giả đưa người đọc về với miền ký ức xưa. Qua cái cảm, cái nghĩ, được “khai khẩn” trên “cánh đồng ngang dọc”, những vần thơ mềm mại, uyển chuyển trong bài “Không đề 6” có lẽ là câu thơ ấn tượng nhất trong tập:

Bóng ai đã khất nẻo rồi

Tôi đem đốt hết những lời ngày xưa

       Hay trong bài “Nhớ quê hương”, tác giả giãi bày một tình cảm chân mộc, như có một sợi dây giao cảm vô hình nào đó nối tác giả với mảnh đất, mà mình từng sinh ra và lớn lên:

Tàn canh một bóng một đèn

Nhớ quê thao thức trắng đêm giao thừa.

       Hay trong bài “Hoàng Hiền”, cảm xúc tưởng chừng đã dừng, mà thơ chưa xong, để neo lại một khoảnh khắc nhớ mãi trong lòng:

Tơ lòng ai dệt, ai thêu

Mảnh thương, mảnh nhớ bao điều vấn vương..

Hay trong bài “Không đề 13” với câu thơ thấm đẫm hồn vía của làng quê miền sông nước:

Muốn xem vết nhọ lưng cò…

Hay trong bài “Nắng”:

Nắng lên cho má em hồng

Nắng cho xanh cả cánh đồng quê ta

       Hay trong bài “Mạnh Toàn” giọng thơ bình thản, nhưng có gì buồn thương đau xót:

Thơ ông chắt tự đáy lòng

Khóc cho một kiếp long đong giữa đời

       Hay trong bài “Tiếng dép”, như tiếng nói lòng mình cất lên một nỗi buồn thảng thốt, nỗi âu lo của số phận người bạn đời:

Thạch sùng gọi bạn chợt kêu

Giật mình gối đẫm bao nhiêu giọt buồn

       Đó là những câu thơ gợi, rung cảm và chắc chắn sẽ đọng lại trong tâm hồn độc giả. Đặc biệt với bài “Tìm nhau” bởi chất thơ dung dị, không hề đánh bóng câu chữ với những xúc cảm tự nhiên, phản ảnh tình cảm chân thành của tác giả với cô giáo Yên ngày nào, khi muốn tìm lại nhau, hai người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”:

Ngày ấy em dạy trường Trịnh Xá

Anh là thầy giáo ở làng Kiền

Mười chín đôi mươi còn trẻ quá

Hẹn hò thề thốt chuyện tơ duyên

       Tình yêu thời chiến tranh là vậy. Bằng những câu thơ tinh tế, âm hưởng nhớ thương của hồn thơ trong sáng về tình yêu đôi lứa:

Anh giã trường Kiền đi kháng chiến

Trở về tìm lại chẳng thấy đâu

Bốn chục năm qua anh mãi kiếm

Đến giờ tóc bạc vẫn tìm nhau.

       Tôi hình dung ra không chỉ riêng bài thơ “Tìm nhau”, mà ở trong cả tập, tác giả bị “rớt” một “nỗi nhớ”, một “mảnh tình vắt vai” nào đó, mà bao năm qua ông “Đến giờ tóc bạc vẫn tìm nhau”. Điều đặc biệt là tuần trước tôi có về Trịnh Xá và Kiền Bái để gửi tặng mấy nhà giáo làng cùng trang lứa với tác giả Vũ Kiệt và được biết bà giáo Yên cách nay dăm năm vẫn còn minh mẫn và sinh sống ở Cọc 3 Hòn Gai, Quảng Ninh.

       Ngoài ra, tác giả còn gần trăm bài thơ đã sáng tác chưa in vào tuyển tập này. Khi đi đâu, làm gì, ông đều nghĩ tới “nàng thơ” và bất cứ cuộc gặp gỡ nào thì tác giả đều bộc lộ khả năng sáng tạo dễ dàng các con chữ. Ông đang mê hoặc “nàng thơ” một cách đắm say, như một người tình sống chết có nhau. Giống như cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn lúc viết về một tác giả yêu thơ cuồng nhiệt như sau: “Nếu giờ không cho Thanh Vũ làm thơ nữa thì không biết điều gì sẽ xảy ra?”.

       Đôi lúc tưởng chừng ông đang lang thang trong không gian cảm xúc. Đôi lúc có những giây phút chìm đắm trong ký ức, như được sống lại với chính mình. Những vần thơ do ông sáng tác là những cảm xúc bộc phát, giải tỏa sự thèm khát, những điều muốn nói, những việc muốn làm, những giây phút thăng hoa từng trải. Phần lớn các bài thơ trong tập chưa có nhiều hình ảnh, hình tượng cô đọng. Nếu như ông đầu tư công sức và thời gian hơn nữa, cắt tỉa những câu chữ chút nữa và cảm xúc được thăng hoa hơn, chắc chắn biên độ thơ sẽ văng xa.

       Dẫu sao chăng nữa đây là đứa con tinh thần của một tác giả thơ ở độ tuổi “cửu thập”, thực sự để chúng ta nâng niu, trân quý. Xin chúc tác giả Vũ Kiệt sức khỏe, trường thọ và tiếp tục con đường sáng tác với những thành công hơn nữa.

NGỌC TÔ