/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

KHÚC SUY TƯỞNG

Một phong cảnh tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Hải Phòng đó là khu du lịch Đồ Sơn, mảnh đất ven biển nhô ra ngoài khơi

TRỊNH ANH ĐẠT VỚI KHÚC SUY TƯỞNG

 

Căng nưng nức ngực đồi Vung

Xiêm y lơ đễnh buông chùng gió mây

Núm hồng biệt thự nây nây

Cho bao nhiêu kẻ run tay si cuồng…

Trượt chân tỉnh giữa đời thường

Lại lơ ngơ lạc quãng đường xé đôi.

 

 

LỜI BÌNH CỦA TÔ NGỌC THẠCH

 

    Một phong cảnh đẹp đến mê hồn mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Hải Phòng đó là khu du lịch Đồ Sơn, mảnh đất ven biển nhô ra ngoài khơi một cù lao uốn lượn, được tạo dáng như một tác phẩm nghệ thuật mà không nơi nào ở Việt Nam có được. Nhiều người đến Đồ Sơn, có người đến nhiều lần nhưng cũng chưa biết hết những công trình văn hóa tiêu biểu, danh lam thắng cảnh đặc trưng của khu nghỉ mát này. Cũng không ngẫu nhiên. Bảo Đại, một ông Vua có tiếng là ăn chơi lại chọn đồi Vung, Đồ Sơn xây biệt thự riêng cho mình. Từ Đồi Vung, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Đồ Sơn và lúc nào ở đây cũng lộng gió về mùa hè, còn ấm áp về mùa đông. Với nét kiến trúc độc đáo, ấn tượng theo kiểu Pháp kết hợp với Á Đông để tạo nên dấu ấn riêng cho biệt thự “Độc nhất vô nhị” tại vùng biển phía Bắc này.

          Bằng cách cảm cách nhìn tinh tế của “Lục bát gia” Trịnh Anh Đạt, anh đã coi Đồ Sơn là quê hương thứ hai của mình, với mấy câu thơ truyền thống làm lay động hồn người đọc về toàn bộ toàn bộ không gian đa chiều, chốn ăn chơi sa hoa của Vua chúa Việt Nam ngày xưa.

Căng nưng nức ngực đồi Vung

Xiêm y lơ đễnh buông chùng gió mây

Núm hồng biệt thự nây nây

Cho bao nhiêu kẻ run tay si cuồng…

Ở đây ta có thể thấy cách liên tưởng của Trịnh Anh Đạt thật tế nhị, hóm hỉnh và sâu sắc. Cách dùng từ khá lạ, mượt mà và gợi như: “Căng nưng nức”, “Núm hồng”, “nây nây”…

Hai câu kết:                     
Trượt chân tỉnh giữa đời thường
Lại lơ ngơ lạc quãng đường xé đôi.
đưa độc giả từ trạng thái “Tĩnh” sang trạng thái “Động”, bâng khuâng khó tả… Đọc “Khúc suy tưởng” chắc chắn độc giả bị ám ảnh bởi ý thơ phóng túng, cách diễn đạt khéo léo, vần điệu khá nhuyễn và đây cũng là điểm mạnh của thơ Trịnh Anh Đạt. Bài thơ có bố cục chặt chẽ, bút pháp khá điêu luyện, câu kết lửng làm người đọc rơi vào tâm trạng bâng khuâng nuối tiếc… nếu mình chưa khám phá được tận cùng “Căng nưng nức ngực đồi Vung”. Giá trị vật chất của biệt thự Bảo Đại, của đồi Vung càng lớn bao nhiêu thì “Khúc suy tưởng” của Trịnh Anh Đạt càng được nhiều người biết đến bấy nhiêu về “Thâm cung bí sử” khu nghỉ mát nổi tiếng này.

          Nếu bài thơ này ra đời trước cách mạng tháng Tám thì tôi cam đoan rằng: Trịnh Anh Đạt bị lôi ra đánh 100 roi vì tội dám ngạo mạn ví nơi ăn chốn nghỉ của nhà Vua như vậy. Song “Khúc suy tưởng” sẽ trường tồn với thời gian, với biệt thự của ông Vua cuối cùng nước ta, với đồi Vung, Đồ Sơn, Hải Phòng và theo tôi đây là bài thơ tiêu biểu của Trịnh Anh Đạt.

Đêm thu 2010

TNT