VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
CẢM NHẬN VỀ THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN
Và, ngày hôm nay tôi viết mấy lời cảm nhận về tập thơ này, như một nén nhang thành kính dâng tới anh linh Nhà giáo - Nhà thơ Phạm Thìn nhân ngày giỗ lần thứ 39 của ông (29/03 Mậu Ngọ – 29/03 Đinh Dậu).Tô Ngọc Thạch
CẢM NHẬN VỀ THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN
Tôi còn nhớ: Vào một ngày đầu năm cách đây nửa thế kỷ, tiết trời ấm áp, muôn hạt mưa nhỏ li ti còn đang bậu hờ trên từng mái tóc, rồi lắc thắc bám trên từng vạt áo khách bộ hành du xuân. Ông cụ thân sinh ra tôi khi ấy còn đang giảng dạy tại Trường Sư phạm I B Hải Phòng (lúc đó sơ tán về xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo - nay là Đại học Hải Phòng) tranh thủ ngày nghỉ, bảo tôi cùng xuống nhà ông bạn thân của bố chơi là nhà giáo Nguyễn Văn Xuân ở thôn Tạ Ngoại, xã An Hòa. Vừa vào trong sân, tôi đã nhận ra ngay thày Thìn, giáo viên văn có tiếng và đồng thời là Bí thư Đảng ủy của Trường cấp 3 Ngô Quyền - Hải Phòng, nơi tôi theo học. Nhà giáo Nguyễn Văn Xuân liền giới thiệu với hai bố con tôi: “Đây là nhà giáo Phạm Thìn, người yêu của Thúy Ngoan, con rể tương lai của gia đình tôi”. Vì cùng làm nghề với nhau nên ba“Người lái đò trên sông chữ”(thơ Ngọc Tô) nhanh chóng tìm được tiếng nói chung, chuyện trò rôm như pháo nổ. Đặc biệt là khi thày Thìn bình phẩm về Truyện Kiều, tới đoạn cuộc tái ngộ giữa Kim Trọng với Thúy Kiều thì tôi cứ há hốc mồm ra mà nghe, như nuốt lấy từng lời. Rồi đến lúc cảm xúc được dồn nén thì thày mới “bung” ra những vần thơ “Nhật ký tình yêu” như nói hộ lòng mình với gia đình bố mẹ vợ tương lai, làm tôi nhớ mãi:“Nhà tranh che phủ hàng mi. Rộn ràng tim đập, bước đi ngập ngừng. Chào thưa cha mẹ ngượng ngùng. Đứng ngồi vướng víu thẹn thùng làm sao. Trên đường thiên lý tiêu tao. Bí thư: làm được … Rể: nào đã quen!”...
Một thời gian sau thì đám cưới của nhà giáo Phạm Thìn và cô Thúy Ngoan, sinh viên Trường Trung cấp Y Hải Phòng được tổ chức với nghi thức đời sống mới tại sân trường nơi sơ tán. Một sự kiện làm lứa học sinh thời ấy không thể nào quên là nhà giáo Vũ Xuân Chung rất có năng khiếu về văn hóa nghệ thuật đã tự họa chân dung vợ chồng nhà giáo Phạm Thìn lên tờ giấy trắng khổ lớn bằng khoai tây trộn với một thứ hóa chất do giáo viên hóa Nguyễn Mạnh Đản trợ giúp. Khi nhà giáo Vũ Xuân Chung lên chúc mừng đồng nghiệp và giơ bức tự họa ra cho mọi người thưởng thức, nhưng đó chỉ là một tờ giấy trắng toát mà thôi. Liền lúc đó, một học sinh bưng cho thày Chung một cốc nước đun sôi. Tưởng mời thày nhấp cho ngọt giọng để biểu diễn nghệ thuật, ai ngờ thày ngậm nước rồi thổi vào tờ giấy trắng kia và bức chân dung cặp uyên ương Ngoan Thìn hiện rõ mồn một trong sự ngỡ ngàng, reo hò của các thành viên trong hội hôn...
.
.
Ngày tháng cứ vèo trôi, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, rồi vào đại học, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Lúc trở về thì nhà giáo Phạm Thìn đã sang “thế giới bên kia” từ năm trước. Không biết có phải số phận mình gắn bó với gia đình nhà thày hay không? Chỉ biết rằng, ngay cái bút danh của thày đã mang hình bóng tôi trong đó (Ngọc Thạch), rồi khi còn phục vụ trong quân ngũ, lúc làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Cát Bi thì tôi đóng quân ngay sát vách nhà thày và sau này gia đình bố mẹ tôi, nay là tôi ở cùng ngõ cùng phường với gia đình vợ con thày ở nội thành Hải Phòng...
Cách đây vài hôm nhà thơ Thúy Ngoan (phu nhân của nhà giáo Phạm Thìn) có đưa cho tôi tập bản thảo với 50 bài thơ do thày sáng tác từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Bằng những cảm xúc dung dị, tao nhã, nhà giáo Phạm Thìn đã chạm vào phần hồn cốt của thơ. Khi đọc đến chủ đề viết về nhà trường thì không thể cầm được nước mắt bởi tình thương yêu đùm bọc của thày dành cho thế hệ học sinh thân yêu chúng tôi trong những năm tháng đầy khó khăn gian khổ, bom rơi đạn lạc lúc trường sơ tán về Hùng Tiến - Vĩnh Bảo. Tiêu biểu là bài “Tám Đê ơi” với một bút pháp thuần thục trong lát cắt của thế giới nhập hòa làm loang xa vẻ đẹp giản dị tinh khiết của ngôn từ. Đây như một tiếng lòng, một nỗi niềm đau đáu, đánh thức lại tình thày trò thời chiến tranh chống Mỹ với bao âm hưởng truyền thống:“Tám Đê ơi! Lòng ta nóng bỏng. Gần trọn năm rồi nhen lửa yêu thương. Để hôm nay trên đường gió lộng. Cánh thơ dài vang khúc nhạc quê hương... Người thầy giáo. Đâu phải người đọc bài trên lớp. Mà dạy con người bằng cả lòng thương...”
Rồi, trong bài “Phấn trắng” với một chất liệu thơ khá đậm đặc được chắt lọc, lắng kết, khi viết về các đồng nghiệp của mình trong cuộc chiến tranh tàn khốc chống quân thù đang diễn ra từng giờ từng phút:“Đêm đã khuya bên đèn trang giáo án. Mắt đăm đăm anh giáo vẫn còn ngồi. Có tiếng bom rơi!. Có bóng đoàn quân dấn bước. Trong đời anh, giờ lên lớp ngày mai!” Hay:“Ta lại vào mùa thu như xưa vào trận địa. Hai bước đời chỉ một yêu thương. Ôi năm học như mùa thu vẫy gọi. Phía trước tương lai hối hả lên đường”(Nỗi niềm...).
Nhà giáo Phạm Thìn đã gieo vào tâm hồn trong trắng của lớp thế hệ học sinh chúng tôi thời ấy một nhân cách làm người, một mối giao hữu tổng hòa giữa cái “thực” và “mơ” với những câu chữ rủ rỉ dịu êm, lúc trầm, lúc bổng bằng các thi liệu dân gian dung dị:“Một điểm kém, hay bước đời đi chậm. Một lá vàng rơi, xuân rón rén giao thừa. Đã biết không thể nào khác được. Muốn mạnh bầy nhưng ngại cánh chim thưa” (Nỗi niềm...).
Hay khi thể hiện mạch cảm xúc nhuần nhị được len lỏi qua những bộn bề chi tiết và cũng thật lãng mạn gửi tới cô học trò nhỏ Thúy Ngoan, người bạn đời mà nhà giáo Phạm Thìn yêu thương nhất:“Em về giữa buổi trưa hè. Đón em sẻ hót chắt che rộn ràng. Chuối vườn xanh đứng nghiêm hàng. Má em hồng dải nắng vàng quàng vai” (Nhật ký tình yêu).
Đó là những xúc cảm cách đây 50 năm, nhưng vẫn tươi roi rói như vừa mới hôm qua. Qua “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN” ta có thể nhận thấy tác giả đã sử dụng khá nhiều thể loại thơ, nhưng theo tôi thì thể thơ 4 chữ và 5 chữ là tinh tế, ám ảnh, day trở nhất, có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, về thân phận con người đặc biệt với ba “giọt máu” của mình với một giọng điệu bất ngờ: “Chiều về mưa nhẹ hạt. Từng chấm nước li ti. Rắc trên nhành lộc biếc. Nghiêng nghiêng mình đổ đi” (Chiều). Hay: “Kẽo kẹt hàng tre. Trời trong cao vút. Mênh mông trưa hè” (Trưa hè). Hay: “Má cười phúng phính. Môi mọng hồng hồng. Thơm thơm mùi sữa. Một dòng nước cong. Trăng tròn vành vạnh. Trăng đậu trong màn. Hương đời náo nức. Nêm chặt không gian!” (Trăng tròn vành vạnh).
Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go nhất. Bằng những ngôn ngữ đời thường, giàu sức tưởng tượng, ôm chứa nhiều tâm trạng, tác giả đã phác thảo được bức tranh toàn cảnh một thời về sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước của nhân dân ta:“Đơn tình nguyện đi B nắn từng nét chữ. Mong đêm dồn qua cửa trôi nhanh... Miền Nam ơi! Từ trong đất lửa. Vùng lên đi sáng rực đêm dày. Một ngọn gió mùa từ miền nhiệt đới. Mà cả bầu trời bão nổi hôm nay” (Miền Nam ơi).
Như nhà thơ Huy Trụ khi suy nghĩ về nghề văn có câu lục bát để đời: “Cho đời nhớ được một câu. Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành”. Thì đối với tác giả Phạm Thìn trong giây phút thăng hoa đã có câu thơ tự cất cánh mà nhiều người làm thơ chuyên nghiệp cũng phải giật mình:“Nhành mai nở khi xuân tàn hoa hết. Hay chiều buông sương tiễn mặt trời đi...” (Nỗi niềm...). Chỉ cần với hai câu thơ tài hoa trên thôi, tôi có thể gọi ông là thi sỹ chẳng sai. Rồi, còn đây là miền không gian thơ vạm vỡ để tác giả đẩy nghệ thuật ngôn từ tới một thế giới sáng tạo:“...Tôi viết giữa trời đêm cánh thơ dài thao thức. Gió lặng im, oi bức trưa hè. Phía chân trời chớp nhằng sáng rực. Hàng chuối trong vườn đứng dỏng tai nghe” (Nỗi niềm...).
Gần nửa thế kỷ trôi qua với 48 bài thơ trong “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN” đã vẽ lên bức tranh thủy mặc liên hoàn với ba chủ đề chính: Nhà trường, quê hương đất nước và gia đình. “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN” đã để lại cho đời những hình ảnh khó phai, những cảm hứng sáng tạo được soi chiếu qua lăng kính thời gian. Để tri ân công lao trời biển của “Những người lái đò trên sông chữ”, nhân dịp 70 năm ngày thành lập Trường Trung học Phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng (1920 – 1990), tôi có thể hiện mấy dòng cảm xúc trong bài “Tiếng trống trường”: “Trên bảng đen phấn trắng vỡ lao xao vương tóc thày sáng lóa. Bài giảng của thày còn roi rói vẹn nguyên. Những trang đời thày cho ngày một dày thêm, chắp cho ta đôi cánh vượt qua cánh đồng bão dông trùng điệp...”. Và, ngày hôm nay tôi viết mấy lời cảm nhận về tập thơ này, như một nén nhang thành kính dâng tới anh linh Nhà giáo - Nhà thơ Phạm Thìn nhân ngày giỗ lần thứ 39 của ông (29/03 Mậu Ngọ – 29/03 Đinh Dậu).
Hải Phòng, đầu xuân 2017
T.N.T
Các tin khác
-
HẠT THÓC - MỘT CẢM XÚC TƯƠI NON NGỘ NGHĨNH VÀ TINH TẾ CỦA KIM CHUÔNG
-
NGƯỜI SAY ĐẮM THƠ MỘT CÁCH KỲ LẠ
-
35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ VỚI “SÓNG BẠCH ĐẰNG”
-
HÀ CỪ VỚI “NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐI QUA CHIỀU”
-
ĐỒNG HỒ BÁO THỨC
-
THÈM LÉN
-
LÚNG LIẾNG
-
HẠT THÓC CỦA KIM CHUÔNG QUA LỜI BÌNH TÔ NGỌC THẠCH
-
BỨC TRANH TÌNH VỀ BIỂN ĐẢO
-
ĐÊM BỆNH VIỆN