/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

ĐÊM BỆNH VIỆN

Tập “Những dòng sông cùng chảy” in chung của 5 giọng điệu thơ, 5 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì Kim Chuông vào hội trước.

ĐÊM BỆNH VIỆN

 Tặng cố họa sĩ Trần Dậu

 

Không gì sâu bằng đêm bệnh viện

Thăm thẳm người đi

Thăm thẳm người về

Ai thiếp đi trong cơn mê sảng

Thiếp trong bầu khí quyển ô-xi

Không gì yên bằng đêm bệnh viện

Người chờ người

Ở một phía bên kia

Ai chợt tỉnh

Và ai về vô định

Cây thông già ướt đẫm sương khuya.

Không gì đau bằng đêm bệnh viện

Người yêu người

Giận dỗi bỏ đi

Bồn hoa lặng

Tái tê từng cây lặng

Nhựa đắng truyền giọt giọt trong mưa

Không gì thương bằng đêm bệnh viện

Ngọn đèn xanh hiu hắt từng giờ

Người ra đi

Chưa hề khuất bóng

Chưa hề buồn, hề tủi trong mơ.

Không gì say bằng đêm bệnh viện

Tình con người giằng níu với nhau.

Ánh trăng nhạt

Hay bóng đời hiện vụt

Giọt máu hồng cháy rực cả đời sau.

                         Trọng Khánh

 

 

LỜI BÌNH CỦA TÔ NGỌC THẠCH 

    Tập “Những dòng sông cùng chảy” in chung của 5 giọng điệu thơ, 5 hội viên Hội Nhà văn Việt Namthì Kim Chuông vào hội trước. Tô Ngọc Thạch, Trọng Khánh và Vũ Thành Chung cùng kết nạp một ngày, còn Hà Cừ vào năm sau nên chúng tôi gọi “Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ” (Thơ Hà Cừ) là chú Út. Những năm trước, mấy anh em còn đương chức, người nào cũng bận lu bù, nhưng cứ ới cái là gặp được nhau. Lúc ở Thái Bình, lúc Hải Dương, lúc Hà Nội, lúc Hải Phòng, lúc Sầm Sơn Thanh Hóa, lúc mãi tận Bằng Tường, Trung Quốc… Trong 5 anh em, tôi và Trọng Khánh sức khỏe không được “Ngon cho lắm”. Đôi lúc tếu táo tôi bảo: “Hai chúng tôi lên Thiên đường trước, có gì xí chỗ cho ba ông”. Cuối cùng 5 anh em người nào cũng tranh đi trước, chẳng ai chịu nhường ai. Thế rồi “Thời gian tý tách rơi. Giọt sương đọng mái đầu” (Thơ TNT), Hà Cừ, Trọng Khánh và tôi cùng về nghỉ một năm…

          Cách đây không lâu, trong cuộc thi thơ do Báo Gia đình và Xã hội - Bộ Y tế tổ chức, bài thơ “Đêm bệnh viện” của Trọng Khánh giành được giải nhất. Vào tối ngày thầy thuốc ViệtNam(27.02. 2010) tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải và được VTV1 truyền hình trực tiếp rất hoành tráng. “Trạng nguyên” Trọng Khánh được đứng trên bục vinh quang và trả lời phóng viên nhà đài khá lưu loát. Mấy anh em đều chúc mừng thành công của bạn.

    Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm say mê với con chữ. Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Trọng Khánh rất có duyên với các cuộc thi: Giải nhất báo Giáo dục và Thời đại lần II (1985 – 1990) với bài “Người đánh trống trường”, giải nhất về cuộc thi sáng tác giành cho thiếu nhi của Hội Văn nghệ Thái Bình năm 1995 với truyện thơ “Huyền thoại đền Đồng Bằng”…và còn nhiều giải khác nữa. Cuộc đời người làm thơ được một giải nhất đã là diễm phúc lắm rồi, đằng này Khánh chiếm 3, đó cũng là điều đặc biệt. Đây có thể khẳng định một dấu ấn trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Nhận xét về thơ Trọng Khánh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Cái giọng rềnh ràng rỉ rả lóng lánh duyên thầm” rồi “Cái giọng không Tây, không Âu, không kim, không cổ, không tỉnh, không quê lại cứ khâu vào người ta như kim như chỉ, như lúa chín, như cỏ may nhằm nhặm thịt da”…

    Với “Đêm bệnh viện” Trọng Khánh đã cụ thể hóa những gì đã xảy ra trong không gian vô thức đó tặng người đồng nghiệp trước lúc đi xa. Tiết tấu từng câu thơ như lời thủ thỉ tâm tình, gợi cảm. Từng khổ thơ được văng xa cho đến khổ kết có tính quy nạp, những xúc cảm máu thịt. Từ cái thực tế mạch nguồn này, hình ảnh sống động được tái hiện dưới con mắt thi sỹ: “Không gì sâu bằng đêm bệnh viện. Thăm thẳm người đi. Thăm thẳm người về. Ai thiếp đi trong cơn mê sảng. Thiếp trong bầu khí quyển ô-xi”.

    Với cái nhìn bao quát. Khổ đầu thể hiện nỗi cảm thông của tác giả “Ai thiếp đi trong cơn mê sảng” với khoảnh khắc về đêm của bệnh nhân đang trôi ở “Cõi mê”, còn mình đang bên “Cõi thực”. Sang khổ thơ thứ hai, tác giả khai phá không gian tĩnh mịch nhất trong một chu trình 24 tiếng ngày đêm. Âm hưởng buồn da diết ngấm vào từng câu thơ, được ngân lên một cách tự nhiên: “Không gì yên bằng đêm bệnh viện. Người chờ người. Ở một phía bên kia. Ai chợt tỉnh. Và ai về vô định. Cây thông già ướt đẫm sương khuya”.

     Sang khổ thơ thứ 3, Trọng Khánh nhấn thêm về sự yên bình, nơi thường nhật tạo ra những xúc cảm mạnh nhất. Trước cái sống, cái chết đang giằng kéo số mệnh bệnh nhân và tình thương yêu đồng loại được tái hiện, đến loài cây, hoa cỏ còn phải cúi đầu nhỏ lệ. Không biết bao người đã ra đi từ nơi đây và hàng cổ thụ là những nhân chứng sống của thời gian. Những giọt thuốc truyền cuối cùng không còn tác dụng, được Trọng Khánh nhân cách hóa như nhựa sống của cây đã hết và câu kết của khổ thơ này với hình ảnh khá rung động: “Không gì đau bằng đêm bệnh viện. Người yêu người. Giận dỗi bỏ đi. Bồn hoa lặng. Tái tê từng cây lặng. Nhựa đắng truyền giọt giọt trong mưa”.

    Trong cuộc sống hàng ngày cái tử, cái sinh xảy ra là chuyện bình thường. Nhưng đứng trước cơn nguy kịch, ai có biết người thày thuốc, người thân đang giành giật từng phút, từng giây lấy lại sự sống cho bệnh nhân. Khi đọc đến khổ thơ này, độc giả dễ dàng nhận ra tính nhân văn được nhân lên, cảm hứng thơ càng dồn nén và thăng hoa. “Không gì thương bằng đêm bệnh viện. Ngọn đèn xanh hiu hắt từng giờ. Người ra đi. Chưa hề khuất bóng. Chưa hề buồn, hề tủi trong mơ”.

    Từ khổ đầu đến khổ kết tình tiết tăng dần theo nhịp thở của thơ. Thi ảnh giản dị vừa hào hùng, vừa lắng đọng một tình cảm sâu kín giữa con người với nhau, làm câu thơ cựa quậy. Cái cảm, cái nghĩ được chuyển sang một trạng thái khác. “Không gì say bằng đêm bệnh viện. Tình con người giằng níu với nhau.. Ánh trăng nhạt. Hay bóng đời hiện vụt. Giọt máu hồng cháy rực cả đời sau”.

    Ta ví mỗi khổ thơ như một nguyên tố trong học thuyết Ngũ hành, thì 5 khổ thơ “Đêm bệnh viện” là 5 nguyên tố (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy), diễn giải sự biến hoá của vạn vật. Năm nguyên tố ấy có mối quan hệ khăng khít với nhau, bổ sung cho nhau, không thể rời nhau được. Nguyên tố thứ 5 như khổ cuối của bài thơ kết thúc một cách độc đáo, bất ngờ gây xung chấn cho độc giả. Kết cấu của năm khổ thơ được điệp đi điệp lại bốn lần, tạo một dấu nhấn về tính nhân văn trong “Đêm bệnh viện”. Những hình ảnh đẹp được nhân cách hóa, con chữ sống động trước trang viết. Trước cái đau đồng đội đi xa, những gì trải nghiệm, những gì Trọng Khánh quan sát thấy đều nhói vào lòng người đọc nỗi cảm thông, thương xót. Bằng ngôn ngữ thơ giản dị, cảm hứng sáng tạo của tác giả đã gửi gắm cả hồn mình vào từng con chữ. “Đêm bệnh viện” không phải là bài thơ hay nhất, bài thơ tiêu biểu của Trọng Khánh. Nhưng nó như một khúc vĩ thanh vang lên tình cảm của thi sỹ trước số phận con người ở thời điểm “Thần chết” đang kề bên. Đặc biệt khi tôi bình bài này thì Trọng Khánh đang gồng mình chống chọi với căn bệnh quái ác tại Bệnh viện K Hà Nội.

     Bằng những vần thơ khúc triết Trọng Khánh đã dẫn người đọc qua các động từ được tăng dần, từ sâu đến yên, đến đau, đến thương và cuối cùng là say đêm bệnh viện. “Đêm bệnh viện” chưa có câu “Đinh” như những câu thơ hay tiêu biểu của Trọng Khánh: “Con trâu buồn nhai lại cả gốc đa” hoặc “Lại con trâu. Vẫn con trâu. Đời mày kéo cả đời tao trên đồng”. Nhưng nó hay với tôi, với bạn, với  những người có đêm sống trong bệnh viện vì tính nhân văn qua từng con chữ. Chúc Trọng Khánh mau lành bệnh để về với thơ, với đời, với bạn bầu và quê hương Thái Bình đang dang hai tay đón bạn!

 

Hải Phòng, thu 2011

TNT