/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Vĩnh biệt GS Tô Vũ: Không chỉ 'Anh đến thăm em một chiều mưa'…

Tô Vũ có thời gian dài sống ở Hải Phòng và ông cũng ra đi vào 13/05 ngày giải phóng Hải Phòng.

Vĩnh biệt GS Tô Vũ: Không chỉ 'Anh đến thăm em một chiều mưa'…

 

 


Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của GS - nhạc sĩ Tô Vũ không chỉ nổi bật với  các ca khúc Tạ từ, Anh đến thăm em một chiều mưa mà ông còn có nhiều đóng góp to lớn ở lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu…

1. GS - nhạc sĩ Tô Vũ tên khai sinh là Hoàng Phú, ông sinh năm 1923 tại phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Từ năm 15 tuổi (1938) đã hoạt động âm nhạc trong nhóm Đồng Vọng cùng người anh trai Hoàng Quý, một nhóm nhạc có nhiều đóng góp trong giai đoạn đầu hình thành nền tân nhạc Việt Nam. Thuở sinh thời GS Tô Vũ cho biết, nhóm Đồng Vọng thời đó sáng tác 2 mảng ca khúc: những ca khúc có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống, anh hùng dân tộc được ấn hành để phổ biến. Bên cạnh đó nhóm còn có những ca khúc sáng tác và hát cho nhau nghe chứ không phát hành rộng rãi, đó là những ca khúc “lãng mạn” như Bến Xuân (Văn Cao), Cô láng giềng (Hoàng Quý)…

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ông là thư ký Đoàn Nhạc sĩ Liên khu III. Sau đó ông về Việt Bắc cùng Văn Cao và Nguyễn Hữu Hiếu xây dựng Ban Âm nhạc (thuộc Vụ Nghệ thuật và Múa của Bộ Giáo dục) và nghiên cứu nhạc chèo.


GS - nhạc sĩ Tô Vũ

Năm 1952 ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên và Thế Lữ xây dựng Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Hòa bình lập lại (1954), ông cùng một số nhạc sĩ khác xây dựng Ban Nhạc Vũ - tiền thân của Hội Nhạc sĩ VN ngày nay.

Ông cũng là một trong những người đầu tiên bắt tay xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Từ 1959-1967, ông giảng dạy và làm Chủ nhiệm bộ môn Lý luận - Sáng tác tại đây. Ông đồng thời cũng là Hiệu phó Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương và cũng là người xây dựng hệ thống giáo trình giảng dạy âm nhạc cho học sinh phổ thông.

Sau năm 1975, ông giữ chức vụ Viện phó Viện Nghiên cứu Âm nhạc, phụ trách bộ phận phía Nam, văn phòng tại TP.HCM cho đến lúc về hưu. Ngoài ra ông còn là là cố vấn khoa học, thành viên Hội đồng khoa học và giảng dạy bậc cao học tại Nhạc viện TP.HCM.

2. Nói đến GS - nhạc sĩ Tô Vũ, phần đông mọi người chỉ biết ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Tạ từ, Anh đến thăm em một chiều mưa… Tuy nhiên, suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình GS - nhạc sĩ Tô Vũ đã có những đóng góp lớn ở nhiều lĩnh vực. Ngoài sáng tác ca khúc, viết nhạc cho tuồng, chèo, cải lương, múa rối, điện ảnh… hai mảng lớn khác được ông bỏ nhiều công sức và thời gian đó là đào tạo và nghiên cứu.

 

GS - nhạc sĩ Tô Vũ đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3h30 ngày 13/5 tại nhà riêng (Q.9, TP.HCM), thọ 91 tuổi. Lễ nhập quan lúc 14h30 cùng ngày, sau đó di quan về Nhà Tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ viếng từ 8h ngày 14/5, lễ truy điệu được tiến hành lúc 17h cùng ngày, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa, Tân Phú, TP.HCM.

Về đào tạo, giai đoạn ở Hà Nội, những học sinh của ông sau này là những nhạc sĩ nổi tiếng như: Hoàng Hiệp, Hoàng Việt, Hồng Đăng, Thế Bảo, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Xinh, Vĩnh Cát, Trương Đình Quang… Giai đoạn ở TP.HCM là Văn Minh Hương (hiện là Giám đốc Nhạc viện TP.HCM), Nguyễn Thị Mỹ Liêm (phó Giám đốc Nhạc viện), Trần Thanh Trung…

Về nghiên cứu, ông có công trình Âm nhạc Việt Nam - truyền thống & hiện đại (Viện Âm nhạc xuất bản, năm 2002), trong đó tập hợp nhiều công trình nghiên cứu về dân ca người Việt, dân ca Nam bộ, âm nhạc về sân khấu cải lương, đờn ca tài tử; các công trình nghiên cứu về nhạc khí Việt Nam, cồng chiêng Tây Nguyên và đặc biệt là các bài nghiên cứu về đàn đá…

GS Tô Vũ cũng là người chủ trương giảng dạy cho học sinh phổ thông cách thức để họ có thể thưởng thức, cảm nhận một tác phẩm âm nhạc, từ những hình thức nhỏ như ca khúc, tiểu phẩm cho đến một tác phẩm cho dàn nhạc. Ông cùng Viện Nghiên cứu Âm nhạc trước đây đã có công trình về vấn đề này. Nhưng rất tiếc chưa được ngành giáo dục áp dụng.

Điều ít ai biết về 'Cô láng giềng'

Thuở sinh thời GS có lần chia sẻ, lời 2 của ca khúc Cô láng giềng (Hoàng Quý) là do chính ông soạn. GS cho biết, lời 1 bài hát này rất lạc quan, trong sáng, yêu đời. Chỉ một chút “bâng khuâng” ở cuối bài là: “Em có hay chăng giờ tôi về...”. Nhưng lời 2 là một tinh thần khác: nàng sang ngang, tình yêu tan vỡ, chàng bỏ xứ ra đi như một người cô lữ: “Ai biết cho bao giờ tôi về...”. GS cho biết, như thế mới “lãng mạn” và hợp với tâm lý thanh niên thời đó.

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa