Lẩn mẩn một chiều quẩn gió, luẩn quẩn với những trang viết dở dang, cứ hiện trong đầu mấy chữ “viết, viết”. Cầm lên cuốn “Rừng xưa xanh lá” in từ 2003 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, chợt đọc lại một câu chuyện đầy cảm động về “viết chui” dưới danh nghĩa người khác.

Chuyện về nhà báo, cây truyện ngắn Mạc Lân, nguyên Trưởng ban văn nghệ báo Tiền Phong từ năm 1954. Cũng là đồng nghiệp cùng tòa soạn với ông Tấn. Hơn chục năm sau, Mạc Lân rời khỏi báo. Cũng từ thời điểm này, không hiểu sao không nơi nào in bài in truyện của ông nữa.

Túng thiếu mưu sinh, nhà văn phải đi bán máu. Mỗi lần như vậy, Mạc Lân phải lén đeo thêm chì vào người tăng trọng lượng, để có thể đủ “tiêu chuẩn” bán với mức cao nhất: 250cc đến 300cc. Sau rồi nhà văn nghĩ  ra cách “viết chui, in chui”. Thương bạn, hai thi nhân Trần Dần, Phùng Quán thỉnh thoảng đứng ra “tìm mối” giúp Mạc Lân. Khách hàng là những người cần cái danh làm chứng chỉ để xin được vào tòa soạn này, hội nọ.

Tác phẩm là của mình, cả văn cả báo. Nhưng người khác ghi tên sở hữu. Nhuận bút chia đôi. Nhiều lúc viết không xuể. Có năm các tác phẩm “chui” của Mạc Lân nhận được đến ba giải thưởng văn chương. Tiền thưởng cũng được chia đầy đủ, thông qua ông Dần, ông Quán. Nhưng oái oăm, những người đứng ra nhận giải lại không hề/không cần biết tác giả đích thực là ai! 

Trở lại chuyện viết của chính Bùi Ngọc Tấn. Sau khi ông Tấn ra tù, xa rời văn chương, có bạn văn thân thiết cứ liên tục khuyên ông viết trở lại. Có lần ông Tấn bỗng nổi khùng vặc lại bạn: “Thằng gàn, đất nước này không cần đến văn chương mà cần sự thay đổi”. Bùi Ngọc Tấn ngừng viết hơn 20 năm, ngừng in gần 30 năm. Sau đó ông đã viết lại ào ạt, như những gì ta đã biết. Có lẽ cuộc sống và văn chương đã “đặt hàng” những người như Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân từ kiếp trước. Dù ông Tấn bảo “tất cả chúng tôi sắp đi qua hành tinh này mà không để lại vết xước nào”.

Cũng kỳ lạ như trường hợp nhà viết kịch, thi nhân đất Hải Phòng Lê Đại Thanh, được Bùi Ngọc Tấn kể lại trong “Rừng xưa xanh lá”. Đến 80 tuổi mới in tập thơ đầu tiên, cũng là tập thơ duy nhất của một người làm thơ 90 tuổi, với một đời thơ kéo dài 70 năm.

       Ừ thì viết, viết, viết. Đất nước không chỉ cần thay đổi, mà còn cần văn chương. Dẫu biết rằng viết “theo đơn đặt hàng” của cuộc đời bề bộn này, đúng như ý mình, không dễ dàng gì.
Theo tienphong