/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

SỰ TÍCH THÔN HẠ ĐỒNG XÃ CỘNG HIỀN HUYỆN VĨNH BẢO - HẢI PHÒNG

Trong tấm bia đá được khai quật tại Tiên lãng ngày 06/05/2018 có ghi mộ Cụ được mai táng ở Lý Dương hương, Hạ Đồng thôn.

SỰ TÍCH THÔN HẠ ĐỒNG XÃ CỘNG HIỀN HUYỆN VĨNH BẢO - HẢI PHÒNG

Nhà Hán Nôm học Hoàng Phan
.

           (Trong tấm bia đá được khai quật tại Tiên lãng ngày 06/05/2018 có ghi mộ Cụ được mai táng ở Lý Dương hương, Hạ Đồng thôn. Như vậy, mộ cụ Trạng liên quan tới cái tên Hạ Đồng và Lý Dương thời xưa. Sau khi tra cứu lịch sử xã An Hòa, Phú ý (Gia phả) Tô tộc Nội Tạ, Phú ý dòng họ Nguyễn Thượng Đồng của gia đình nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Văn Ngọ (người thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền, nguyên  Chủ tịch kiêm Bí thư  Tỉnh ủy Thái Bình) có thông tin đầy đủ cho bạn đọc đươc rõ hơn.

       “Theo cổ sử (sách Cương mục) thì vào năm 1481, theo đề nghị của các quan lại triều Lê sơ, Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã lập được 43 sở đồn điền với mục đích “Khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng nguồn súc tích cho nước” trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có sở Tây Tạ, phủ Hạ Hồng, (dải đất ven bờ bắc sông Hóa) từ Cầu Nghìn tới cống Gạo (xã Hiệp Hòa ngày nay). Đến thời Hậu Lê được mang tên Lý Dương, phủ Hạ Hồng và đến triều Nguyễn được đổi thành Lý Nhân thuộc huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Năm 1838 thì huyện Vĩnh lại được đổi tên là Vĩnh Bảo thuộc trấn Hải Dương. Ngày 21 tháng 08 năm 1947, xã Lý Nhân (gồm Nội Tạ, Tạ Ngoại, Thượng Đồng) hợp nhất với xã Liên Giang (gồm An Lãng, Kênh Hữu, Xuân Cốc) thành xã An Hòa, thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Đến cuối năm 1952 huyện Vĩnh Bảo được cắt về tỉnh Kiến An và từ ngày 27 tháng 10 năm 1962 tỉnh Kiến An sát nhập vào thành phố Hải Phòng” (Bách khoa toàn thư mở).

        Cách đây hơn 3 thế kỷ, cụ Nguyễn Phú Thuận, người thôn Thượng Đồng làng Lý Dương (xã An Hòa ngày nay) tới mảnh đất Trại Đồng này để khai hóa (xóm trại thuộc Thượng Đồng và cách thôn chính chừng gần 2 ki-lô-mét). Năm 1698 trưởng xóm Nguyễn Phú Thuận làm đơn đề nghị lấy tên Hạ Đồng thay cho trại Đồng làm đơn vị hành chính thôn trực thuộc Lý Dương (sở Tây Tạ cũ) và được Tri phủ Vĩnh Lại chấp thuận. Từ đó Hạ Đồng mặc dù ở xa gần 2ki-lô-mét,  nhưng sinh hoạt hành chính vẫn thuộc Lý Dương (nay là An Hòa). Tới triều Nguyễn thì Lý Dương đổi thành Lý Nhân, huyện Vĩnh Bảo, trấn Hải Dương.

       Cụ Nguyễn Phú Thuận là Trưởng thôn đầu tiên của thôn Hạ Đồng và tới nay cũng được trên 10 đời chi họ Nguyễn. Mộ của Cụ được an táng bên bờ ao Dương rất gần mộ cụ Trạng . Vì có ngôi mộ đó, người dân sau này chôn cất thêm vào và  thành bãi tha ma ngày một rộng lớn. Bố ông Trần Rường là người từ nơi khác về làm con nuôi  cụ Nguyễn Phú Huynh (bố đẻ ông Nguyễn Văn Ngọ) vì thế  anh em nhà ông Trần Rường, Trần Ròn được cụ Huynh chia đất cho (có cả bãi tha ma đó). Khi làm nhà ở ông Trần Rường đã tự tay di dời hơn chục ngôi mộ nổi bên ngoài ra đồng để lấy đất làm vườn, trừ hai ngôi là của cụ Nguyễn Phú Thuận và cụ Phạm Văn Nhâm là cụ tổ họ Phạm, đó là những ngôi mộ nổi còn hơn hai chục ngôi chìm. Sau này cô Bùi Thị Hiền (con dâu ông Trần Rường) nhờ ngoại cảm khai quật tiếp 22 ngôi mộ nữa, trong đó có mộ cụ Trạng vào những năm 2014 -2016. Riêng chiếc tiểu gỗ của cụ Trạng khai quật vào ngày 07/04/2014  tức  08/03/Giáp Ngọ, sau đó được nhà văn Nguyễn Thụy Kha chuyển lên Hà Nội thờ phụng tới 07/12/ 2016 mới đưa về Bảo tàng Hải Phòng để lấy chiếc thẻ tre được cài dấu trong tấm địa của chiếc tiểu gỗ.

       Ngày 07/01/2017 PGS. TS khảo cổ học Nguyễn Lân Cường cùng đồng nghiệp lấy chiếc thẻ tre từ tấm địa của chiếc tiểu gỗ trước sự chứng kến của các nhà khoa học, cán bộ nhân viên bảo tàng Hải Phòng và trên chiếc thẻ tre có ghi “MẠC TRIỀU TRẠNG NGUYÊN MỘ TẠI AO DƯƠNG” do TS. Hán Nôm Cung Khắc Lược đọc dịch.

       Ngày 16/01/2017 Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người tổ chức Hội thảo về ngôi mộ mới phát tích tại xã Cộng Hiền và chiếc thẻ tre tại Hội trường Bảo tàng lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. (Chiếc thẻ tre hiện được bảo quản tại Bảo tàng Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, còn chiếc tiểu gỗ đang được bảo quản tại Bảo Tàng Hải Phòng). Trong thời gian này chính quyền địa phương không ủng hộ, cố ý ngăn cản làm cho sự việc gần như đi vào quên lãng. Nhưng với sự cố gắng của các nhà nghiên cứu tự nguyện cùng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người vẫn âm thầm làm việc để tìm thêm những bằng chứng mới.

       Tới ngày 06/05/2018 tức 22 tháng3 năm Mậu Tuất, nhóm nghiên cứu khoa học độc lập của TS. Nguyễn Xuân Vịnh, Trưởng khoa Khoa học Cơ Bản Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã về thôn Thanh Trì, xã Kiến thiết  huyện Tiên Lãng, Hải Phòng khai quật được hai tấm bia đá cổ với kích thước: Cao 39cm, rộng 28cm, dày 8cm có nhiều chữ nho nghi là của cụ Trạng.
.

     Hai tấm bai đá mới được tìm thấy vào 05/2018
  
       Ngày 12/9/2019 Sở VHTT Hải Phòng và Liên hiệp các hội khoa học & Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo về hai tấm bia đá trên. Tuy chưa có cơ sở khoa học, nhưng đa số các đại biểu đều tin rằng đó là hai bia của cụ Trạng để lại cách đây hơn 400 năm. Kỳ lạ thay trên một tấm bia có bài sấm “DI NGÔN CHÍ” của cụ Trạng có dòng “Bạch Vân hoàn thủy tứ bách niên” nghĩa là sau 400 năm Cụ Trạng lại trở lại. Phần cuối bài sấm cụ có ghi chú “MỘ TÀNG NHẬP TRÌ DƯƠNG NGOẠI LÝ, KỶ HỢI NHẤT KHỚI HIỆN LAI SINH THIÊN CƠ TẤT ĐẠT” nghĩa là “mộ của ta đang ở Ao Dương, không phải nơi này. Năm Kỷ Hợi nhât định xuất hiện, (xuất hiện cái gì), lai sinh (sống lại, ai sống lại, sống lại như thế nào), thiên cơ phát lộ (phát lộ điều gì) giành cho các nhà nghiên cứu giải mã?

       Trên một tấm bia thứ hai có ghi “MẠC TRIỀU DUỆ HOÀNG ĐẾ ĐỒNG TÔNG NGUYỄN CÔNG VĂN ĐẠT CHI CỬU NGUYÊN” nghĩa là đây là khu mộ của dòng họ ông Nguyễn Văn Đạt và con cháu nhà Mạc (sao lại có các con cháu nhà Mạc ở đó cũng là một câu hỏi)?

       Về niên hiệu có ghi “DIÊN THÀNH BÁT NIÊN ĐẠI THỬ TIẾT ĐỒ MẬT SAN”. Nghĩa là “tháng 6 năm Diên thành thứ 8 (1585) cũng là năm cụ Trạng mất, nhưng cụ mất vào cuối tháng 11 (27/11) còn hai tấm bia lại khắc vào tháng 6 trước khi cụ mất 5 tháng. Cụ ghi rõ “CHÍ SỸ TRUNG AM HƯƠNG NGUYỄN LÃO SOẠN, ĐỒ MẬT SAN”, nghĩa là cụ già nghỉ hưu thôn Trung Am họ Nguyễn (tức là Cụ) soạn văn, học trò của cụ bí mật khắc, điều đó giải thích tại sao chữ trên bia xấu, có tới ba nét bút khác nhau, hoa văn đơn giản, có chữ mắc lỗi như chữ Triều trong triều đình, chữ Duệ trong hậu duệ, không rõ vô tình hay hữu ý. Hai bia đá đều bị khuyết cạnh chứng tỏ làm vội vàng, không có thời gian lựa chọn đá cẩn thận.

Ở tấm bia kia cụ nói mộ ta ở Ao Dương, Ao Dương ở đâu, trong tấm bia này cụ nói rõ hơn “MAI TẠI LÝ DƯƠNG HƯƠNG HẠ ĐỒNG THÔN” nghĩa là mộ ta chôn tại làng Lý Dương, thôn Hạ Đồng”

       Kết hợp hiện tượng hai tấm bia đá này với hiện tượng chiếc thẻ tre năm 2017 ta có thể kết luận mộ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm tại thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã được người dân khai quật?

       Vào ngày 8 tháng 3 năm Giáp Ngọ (tức 7/4/2014). Xương cốt của cụ được cho vào một tiểu sành , con cháu tạm chôn cụ tại nghĩa trang thôn để chờ nghiên cứu , sau khi có quyết đình công nhận, con cháu lại bốc cụ lên đưa cụ về vườn Ao Dương, nơi tìm thấy mộ cụ. khi chôn lại đổi hướng từ Tây Bắc – Đông Nam (TB-ĐN) thành hướng Đông Bắc -Tây Nam (ĐB- TN) cho hợp với phong thủy niên đại mới. Lại nói về Ao Dương trước kia rất rộng chiều dài tứ áp sông Bạch Đà tới hết phía tây nhà ông Trần Rường gần 500 m, chiều rộng từ bờ kênh tới vườn nhà ông Rường gần 50m,bên tay phải vườn ông Rường trước đây có cái gò rất cao, sao này người dân phá gò lấy đất lấp ao, đóng gạch, diện tích ao nhà ông Rường bây giờ chỉ bằng 1/200 Ao Dương xưa kia.

      Vị Trí Địa lý của Ao Dương, đứng trên vườn quan sát ta thấy tả có Thanh Long (sông Bạch Đà), hữu có Bạch Hổ, (gò cao) tiền có Long Trì (ao) hậu có Chu Tước vườn phượng, là một nơi có địa thế đất rất tố, tàng Long ngọa Hổ..không xa là đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, lịch sử cũng ghi lại có lần Cụ Trần Quốc Tuấn đã cho dừng chân ở đây trên đường tiến đánh quân Nguyên.

       Hiện nay chỉ còn chờ Chính quyền Thành phố Hải Phòng thành lập ban nghiên cứu có đủ phương tiện cơ sở vật chất, khoa học để xác nhận hai tấm bia đá kia là cổ hay kim, nếu là kim tức bia giả, còn nếu là cổ thì đúng là hai bia của cụ Trạng, khi đó phải làm theo lời dăn của cụ, Tìm về Hạ Đồng - Cộng Hiền, nơi cụ chôn cất bốc lại mộ cho cụ, đưa về vườn Ao Dương, ngoài ra còn một số việc khác nữa theo chỉ dẫn của cụ...

Hải Phòng, 09/2019

 

Tài liệu tham khảo:

- Các triều đại nhà Mạc

- Lịch sử Xã An Hòa huyện vĩnh bảo

- Nguyễn Văn Ngọ - Bình minh của mảnh đất quê hương

- Phú ý Nguyễn tộc Thượng Đồng

- Phú ý Tô Tộc Nội Tạ

- Niên hiệu của Vua Mạc Mậu Hợp

Thuần Phúc (1562–1566)

Sùng Khang (1566–1578)

Diên Thành (1578–1585)

Đoan Thái (1586–1587)

Hưng Trị (1588–1590)

Hồng Ninh (1591–1592)

Diên thành bát niên tức là năm 1585 (Ất Dậu)

@

CHÚ THÍCH

      Hiện nay huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có hai thôn Hạ Đồng, nếu tính từ khi được công nhận địa bạ hành chính: Thôn Hạ Đồng - Cộng Hiền được công nhận từ năm 1689, cách đây 321 năm còn thôn Hạ Đồng - An Hòa được công nhận từ năm 1976 cách đây 43 năm. Còn thôn Thượng Đồng thì có từ thời rất xa xưa

       Đà Giang tức sông Đà là con sông chảy từ Bắc xuống Nam cắt ngang huyên Vĩnh Bảo, phía Bắc qua xã Tân Liên, Tam Đa, Liên Am, phía Nam qua Xã Vinh Quang, Cao Minh, Cộng Hiền huyện Vĩnh Bảo. Sông có từ thời xưa chỉ là con ngòi, đến triều Mạc, Cụ Trạng cho dân khơi rộng lấy nước tưới tiêu, nối hai sông lớn là sông Thái Bình (ranh giới giữa Tiên Lãng và Vĩnh Bảo) sông Hóa (ranh giới giữa Thái Bình và Hải Phòng). Cụ Đặt tên là sông Bạch Đà, trong văn thơ thường gọi là Đà Giang, nên bị nhiều người hiểu lầm là sông Đà ở Hòa Bình.Trong Di ngôn chí có câu : “ĐÀ GIANG NAM THẾ BÁ THÁNH MINH” là ám chỉ sông Bạch Đà này. Thời xưa sông Bạch Đà sâu và rộng hơn bây giờ nên có nhiều thuyền buôn qua lại, làm cho thôn Cống Hiền (nay thuộc xã Cộng hiền ) có một thời buôn bán tấp nập sầm uất.

Cột cửa Chùa Đông Hội làng Kim Bích xã Liên Am gần sông Bạch Đà có ghi đôi câu đối

外景沱江魚聽偈前堂古樹鳥聞經

NGOẠI CẢNH ĐÀ GIANG NGƯ THÍNH KỆ TIỀN ĐÌNH CỔ THỤ ĐIỂU VĂN KINH

Cá ngoài sông Đà nghe thỉnh kệ Chim Trên cây trước lắng văn kinh

 

H.PH