Hội thảo Đoàn Phú Tứ - Màu thời gian vừa được Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức nhân 25 năm ngày mất của ông. Ít người biết Đoàn Phú Tứ còn là nhà văn chống tham nhũng đầu tiên.
.
Buổi tọa đàm về Đoàn Phú TứBuổi tọa đàm về Đoàn Phú Tứ

Một thơ bảy kịch, sách dịch đầy ngăn

Đoàn Phú Tứ quê Bắc Ninh, sinh ở Hà Nội. Bắt đầu viết văn khi học trường Bưởi. Ông bỏ ngang trường Luật chuyển sang viết báo và viết kịch. Lập kịch đoàn, vừa thủ vai vừa làm đạo diễn. Ông tham gia nhóm Xuân Thu nhã tập cùng nhiều văn nghệ sĩ và được biết đến nhiều khi vào danh sách “tác giả một bài” của Thi nhân Việt Nam. 

Nhà văn Vũ Nho trong tham luận sáng 20/9 khẳng định Màu thời gianlà trường hợp bất thường trong Thi nhân Việt Nam. Bởi Hoài Thanh, Hoài Chân nhiều lần nhắc tên Đoàn Phú Tứ và bài thơ ở phần tiểu luận Một thời đại trong thi ca. 

Bài thơ cũng được bình chú đặc biệt: “Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế”. Mấy câu thơ như Duyên trăm năm đứt đoạn/Tình một thuở còn hương/Hương thời gian thanh thanh/Màu thời gian tím ngắt còn được phổ nhạc tới hai lần bởi nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Phạm Duy.

Tâm hồn thơ giúp Đoàn Phú Tứ thành công trên kịch trường. Ông thuộc số ít người đi đầu trong lịch sử kịch nói Việt Nam. Nhà thơ Đặng Hiển với tham luận về vở kịch Ngã ba phục tài Đoàn Phú Tứ “kịch không có tình tiết gì ghê gớm ngoại trừ phát súng nổ ở cuối mà nuôi hứng thú cho người ta suốt vở diễn”.

“Sẽ mãi mãi chẳng bao giờ cũ đi lòng kính phục của chúng ta với văn nghiệp của nhà thơ và hơn thế là lòng biết ơn khi Đoàn Phú Tứ đã đem đến cho chúng ta niềm tự hào, kiêu hãnh của những văn nghệ sĩ chân chính đủ sức chống lại và tiêu diệt cái ác. Không bao giờ chịu làm vú em cho một thứ cường quyền nào, bất chấp vinh hoa và danh lợi”. 

Trích tham luận Đàm Khánh Phương

Kịch của Đoàn Phú Tứ chứa những tranh biện về lẽ sống bên cạnh thủ pháp nửa kín nửa hở khéo léo. Ngôn ngữ ẩn dụ đậm chất thơ và triết lý.

Theo dịch giả Thúy Toàn, sự nghiệp cầm bút của Đoàn Phú Tứ chia thành hai giai đoạn. Ngừng sáng tác từ 1951, đến năm 1964 tái xuất với bút danh dịch giả Tuấn Đô. Ông dịch kịch Molière, Shakespeare, các tiểu thuyết Đỏ và đen, Thiên thần nổi loạn… 

Đoàn Phú Tứ dịch chính xác lại nghệ thuật. Ông làm việc khỏe, nghiêm túc dù trong điều kiện sống eo hẹp, túng thiếu để có được lượng tác phẩm đồ sộ sau một phần tư thế kỷ làm công tác dịch thuật. Ông nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về văn học dịch và một tấm huy chương Chiến sĩ văn hóa do Bộ Văn hóa Thông tin trao tặng năm 1992.

Bút nghèo đâm gục thằng tham nhũng

Đoàn Phú Tứ nghèo, đông con, sống dựa vào khả năng lo toan của vợ. Nghèo cũng là tình trạng chung của văn nghệ sĩ ngày ấy nên ít trông chờ được vào bạn bè. Nỗi buồn nhân lên cả sau ngày ông mất. Nhà văn Phùng Quán từng viết một thiên Chút nghĩa cũ càng về chuyện xông pha trụ sở Quốc hội để xin tiền làm ma cho ông. Hội trường lặng đi khi nghe nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đọc lại những dòng viết ấy.

Nhưng cái nghèo không khiến Đoàn Phú Tứ mất đi phong độ người quân tử. Vui cười hớn hở như được của/Mà “bốt-tờ-phơi” (porte-feuille tiếng Pháp là ví, bóp) vẫn rỗng không tục truyền là cách ông tự bỡn. Cái cứng cỏi của người quân tử được ông nghị Đoàn Phú Tứ (đại biểu Quốc hội - khóa I) thể hiện đầy đủ trong vụ Trần Dụ Châu được nhà thơ Đàm Khánh Phương lật lại một cách chi tiết.

Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, xà xẻo tiền phục vụ mặt trận, sống phè phỡn, xa hoa, đi đâu cũng có vệ sĩ. Tiệc cưới một thuộc cấp, Châu đứng ra tổ chức, đủ sơn hào hải vị, rượu Tây, thuốc lá hảo hạng. Đoàn Phú Tứ mới về từ chiến trường - nơi chiến sĩ đói rét “võ vàng chỉ còn mắt với răng”. 

Trần Dụ Châu mời ông tới dự cho sang. Chứng kiến bữa tiệc vô nhân đạo giữa cảnh đói khổ, ông đứng lên đọc hai câu thơ Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay/Được dọn bằng xương máu của chiến sĩ và nhận một cái tát từ vệ sĩ của Trần Dụ Châu. Đêm đó ông viết tâm thư gửi Hồ Chủ tịch. Tòa án binh được lập và Trần Dụ Châu phải chịu án tử hình chấn động thời đó.
Theo tienphong