/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ngày thơ tôn vinh vẻ đẹp tinh thần Việt”

Đấy là nguồn cảm hứng lớn lao cho sự sáng tạo lặng lẽ của họ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ngày thơ tôn vinh vẻ đẹp tinh thần Việt”

 .

     Thơ ca luôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt. Kể từ khi Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng và tổ chức, đến nay Ngày thơ Việt Nam đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, trở thành một lễ hội văn hóa đẹp mỗi dịp đầu năm. Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng Ngày thơ chính là sự tôn vinh vẻ đẹp tinh thần Việt Nam; đồng thời tiết lộ một số nội dung đặc sắc trong chương trình Ngày thơ năm nay. Ngày thơ 2024 sẽ diễn ra vào ngày Nguyên tiêu năm Giáp Thìn với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Đây sẽ là ngày hội, bản hòa âm thơ ca muôn màu về cuộc sống, con người Việt Nam trên mọi miền đất nước.

2024 này là năm thứ 22 Ngày thơ Việt Nam được tổ chức. Trong gần một phần tư thế kỷ qua, Ngày thơ đã được định hình và có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn chương nói riêng, đời sống tinh thần người Việt nói chung?

Ngày thơ đã trở thành một lễ hội đặc biệt giữa các lễ hội văn hóa trong những ngày đầu xuân nhưng mang những vẻ đẹp đặc trưng của thơ ca và của một đất nước yêu thơ ca. Ngày thơ chính là sự tôn vinh vẻ đẹp tinh thần Việt Nam và gửi đi một thông điệp về cái Đẹp cho mọi người. Qua nhiều năm, Ngày thơ đã nằm trong ký ức của người Việt Nam và trong một phần quan trọng của đời sống tinh thần nhiều người Việt Nam lâu nay.

Ngày thơ đã trở thành nét đẹp văn hóa mỗi dịp đầu xuân. Ảnh: Quỳnh Trang

Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức sáng lập, thực hiện Ngày thơ, để từ đó Ngày thơ được nhân rộng và trở thành lễ hội văn hóa - nghệ thuật. Theo ông, giữa muôn vàn lễ hội mùa xuân, đâu là điểm tạo nên nét độc đáo của lễ hội thi ca?

Ngày thơ luôn được tổ chức ở những không gian tràn ngập tinh thần vẻ đẹp văn hóa truyền thống: Văn miếu Quốc tử giám, Hoàng thành Thăng Long…

Ngày thơ là lễ hội của những giấc mơ về con người và về đất nước. Lễ hội của những gì sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người được mở ra và cất tiếng. Lễ hội của cuộc đối thoại lương tri lớn giữa nhà thơ và bạn đọc. Lễ hội của những vẻ đẹp ngôn từ.

Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức với quy mô ra sao? Đâu là điểm nhấn của Ngày thơ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức?

Ban tổ chức có một kịch bản hoành tráng cho Ngày thơ lần thứ 22 nhưng kinh phí cho Ngày thơ là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện lại là phần khó khăn nhất.

Điểm nhấn quan trọng của tất cả ngày thơ vẫn là đêm thơ trong ngày rằm Nguyên tiêu. Những ngày thơ trước kia tổ chức vào một buổi sáng ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nhưng từ Ngày thơ lần thứ 21, chúng tôi tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long và lấy đêm Rằm làm điểm nhấn đúng với tinh thần trong bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Ban tổ chức Ngày thơ lần thứ nhất đã chọn để làm Ngày thơ.

Bạn đọc sẽ được gặp các nhà thơ đại diện cho dân tộc mình và nghe chính họ đọc thơ, ngoài ra trong đêm thơ, bạn đọc sẽ được nghe trích đọc những trường ca độc đáo, những di sản thơ của các dân tộc ít người như Đẻ đất đẻ nước, Đam San, Xinh Nhã.

Ông có thể chia sẻ thêm về chủ đề Ngày thơ năm nay và các hoạt động để khắc họa sâu hơn thông điệp đó?

Chủ đề Ngày thơ năm nay có tên “Bản hòa âm đất nước”. Thơ ca của mọi dân tộc Việt Nam với những vẻ đẹp riêng biệt cùng vang lên tại một không gian văn hóa và lịch sử. Trong không gian linh thiêng ấy, giọng nói của các nhà thơ đại diện cho các dân tộc Việt Nam vang lên. Đấy thực sự là một điều kỳ diệu. Bạn đọc sẽ có cơ hội để đến với những vẻ đẹp của thơ ca và của nhiều vùng văn hóa khác nhau thông qua thơ ca của các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Pa Dí, Dáy, Khơ me, Chăm, Hoa...

Ngày thơ thực sự là một hoạt động đặc biệt để tôn vinh thơ ca. Ảnh: Vietnamnet

Năm 2022, khi Ngày thơ chuyển từ địa điểm quen thuộc là Văn Miếu - Quốc Tử Giám sang Hoàng thành Thăng Long lấy đêm nghệ thuật làm điểm nhấn, một số ý kiến cho rằng đó là “sân khấu hóa” Ngày thơ. Ban tổ chức sẽ làm gì để cân bằng các hoạt động trong Ngày thơ năm nay?

Sân khấu hóa là một hình thức mang đầy tính hiệu ứng cho người nghe thơ. Đó cũng là điểm thăng hoa của Ngày thơ. Việc tạo cho bạn đọc có được cách tiếp cận thơ ca một cách tốt nhất cũng là mục đích của ban tổ chức.

Ngoài sân khấu thơ như một điểm nhấn quan trọng của Ngày thơ, chúng tôi còn có những hoạt động khác như nhà ký ức, hội thảo thơ và những cuộc giao lưu giữa nhà thơ và bạn đọc để ký tặng sách và trò chuyện.

Hơn nữa, Hoàng thành Thăng Long chỉ là một trong rất nhiều không gian của Ngày thơ ở mọi tỉnh thành. Nếu ghép tất cả những không gian thơ trên đất nước trong Ngày thơ lại, chúng ta sẽ nhìn thấy một thế giới thơ kỳ vĩ và rực rỡ.

Việt Nam vốn là dân tộc thi ca, nhưng ngày nay giới trẻ đang phân tán bởi nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại. Thông qua Ngày thơ, Hội Nhà văn sẽ làm gì để ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu thơ ca nơi các cây bút trẻ?

Ngày thơ thực sự là một hoạt động đặc biệt để tôn vinh thơ ca và lan tỏa vẻ đẹp và sự cần thiết của thơ ca rộng sâu hơn nữa trong đời sống. Đến với Ngày thơ, các nhà thơ thấu hiểu hơn vẻ đẹp và sứ mệnh trong sự sáng tạo thơ ca của mình. Họ nhận thấy cả cộng đồng đang đợi chờ vào những sáng tạo thơ ca của họ, họ tìm thấy sự gắn kết kỳ lạ giữa con người với con người, giữa cá nhân họ và cộng đồng rộng lớn. Đấy là nguồn cảm hứng lớn lao cho sự sáng tạo lặng lẽ của họ.

Thành Nam thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 8/2024