/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Mở lớp bồi dưỡng có phản ánh nhu cầu học viết văn?

Liệu có cần đưa ra những cơ chế hợp lý, linh hoạt và thuyết phục khác đi kèm chăng?

Mở lớp bồi dưỡng có phản ánh nhu cầu học viết văn?

 

       Hàng năm, trên cả nước có vài cơ sở mở lớp bồi dưỡng văn chương, thu hút được một lượng học viên theo học. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thiết thực cho học viên thì còn nảy sinh vài vấn đề đáng bàn.

Nếu như trước đây, nói về trường lớp bồi dưỡng hay đào tạo viết văn, ở ta chỉ có trường Viết văn Quảng Bá, sau được đổi tên cũng như mô hình đào tạo thành trường Viết văn Nguyễn Du và nay là khoa Viết văn - Báo chí, thuộc Đại học Văn hoá.

Năm 2007 trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội cũng tuyển sinh khoá đầu tiên chuyên ngành viết văn theo hệ đại học chính quy. Tuy nhiên, cho đến nay, các khoá tiếp theo chưa thấy nhà trường tiếp tục tuyển sinh.

Bên cạnh hai cơ sở có khoa riêng dành cho người đam mê văn chương theo học lớp viết văn thì trong vòng vài năm những lớp ngắn hạn bồi dưỡng văn chương cũng liên tiếp được mở ra.

Đầu tiên là các khoá bồi dưỡng viết văn trực thuộc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du do Hội Nhà văn Việt Nam quản lý năm nay đã là khoá thứ 8, tương ứng với 8 năm hoạt động trở lại. Mặc dù có sự điều chỉnh, từ khoá 1, khoá 2 thời gian học hơn 3 tháng thì các khoá 3,4,5,6,7 chỉ học trên dưới một tháng. Địa điểm học cũng linh hoạt hơn, không chỉ duy nhất tại Hà Nội, có khoá đã được tổ chức tại địa phương. Cho đến nay, các khoá bồi dưỡng viết văn trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam vẫn là nơi thu hút được nhiều số học viên tham gia nhất, có khoá hơn 80 học viên tham dự.

 

Sở hữu bề dày kinh nghiệm giảng dạy, lại có tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du, cùng với việc mở lớp đại học về viết văn, trường Đại học Văn hoá cũng mở các lớp bồi dưỡng viết văn với tên gọi: Lớp sáng tác và thẩm bình văn chương. Thời gian học ở lớp này chỉ trên dưới chục ngày và đều được tổ chức tại Hà Nội. Số lượng học viên tham gia lớp bồi dưỡng ở cơ sở này khiên tốn hơn so với lớp của Hội Nhà văn Việt Nam.

Mới đây nhất, một đơn vị tư nhân liên kết với Hội Nhà văn Hà Nội cũng mở lớp bồi dưỡng văn chương với tên gọi gần giống như lớp bồi dưỡng ngắn hạn của trường Đại học Văn hoá: Lớp sáng tác và thẩm bình văn chương nâng cao (chỉ thêm chữ nâng cao). Thời gian học của lớp này cũng khoảng chục ngày. Do là cơ sở còn khá non trẻ nên số học viên tham gia chưa nhiều.

Dường như số học viên theo học, về mặt số lượng, tuổi tác, thành phần… không chỉ là một chỉ số phản ánh nhu cầu văn chương của công chúng mà còn cho thấy uy tín của các cơ sở văn chương hiện nay đến đâu. Nơi nào càng đông học viên chứng tỏ uy tín của nơi học viên chọn lựa càng cao.

Có thể nói, với hình thức đa dạng, phong phú của các cơ sở đào tạo cũng như bồi dưỡng văn chương đã thoả mãn phần lớn nhu cầu học tập, giao lưu cũng như công việc bếp núc, nhọc nhằn, gian khó của các đối tượng người cầm bút. Ai có mục đích kiếm một tấm bằng đại học liên quan đến văn chương để học tập và xin việc thì thi tuyến và theo học hệ đại học. Ai có công việc khác rồi, trót dấn thân, đam mê văn chương, muốn tìm hiểu thêm thì học các khoá bồi dưỡng ngắn hạn. Thời gian này không theo học được lớp của Hội Nhà văn thì thu xếp học lớp của trường Văn hoá, của Hội Nhà văn Hà Nội…

Việc các cơ sở mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn là hoàn toàn chính đáng, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng yêu văn chương, có công việc liên quan đến văn chương.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo văn chương trong nhiều năm qua mà báo chí từng ca ngợi, ghi nhận, cá nhân từng chia sẻ, trong khuôn khổ bài viết này, xin không nhắc lại. Tuy nhiên, cũng nên nhìn thẳng vào thực tế cùng với những vấn đề mới đặt ra để có cái nhìn đa chiều.

Việc học viên ngoại tỉnh tham gia khoá học ngoài việc thu xếp thời gian còn phải lo kinh phí theo học. Vì một trong hai lý do này mà nhiều người muốn theo học chưa thực hiện được. Nhưng lại có học viên nhiệt tình tham gia mấy khoá học liền. Không biết học viên học mấy khoá liền vì do theo học một khoá lượng kiến thức được truyền dạy không đáp ứng được nhu cầu bản thân hay học viên này tìm kiếm những mục đích khác, như giao lưu, làm quen…?. Đành rằng, việc học là quyền của người học, nhưng sự nhiệt tình quá rất dễ để khiến người khác phải đặt ra những câu hỏi.

Có học viên sau khi học xong còn tỏ ra “ngộ nhận”, khiến người đối diện vừa buồn cười vừa thương, nhất là các học viên tuổi không còn trẻ. Học qua lớp bồi dưỡng viết văn, khoá cao nhất có trăm ngày và khoá ngắn nhất hơn chục ngày nhưng tốt nghiệp xong, còn ghi trên danh thiếp, bìa sách của mình dòng chữ: Đã tốt nghiệp, hoặc đã theo học lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá X, có chứng chỉ tốt nghiệp bồi dưỡng viết văn khoá Y… Thiết nghĩ việc tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn rồi được cấp chứng chỉ sau khoá học chỉ là một hình thức để bồi đắp thêm kiến thức cho bản thân người tham gia, chưa đến mức phải “trưng” ra để mọi người biết. Hơn nữa chứng chỉ hay bất cứ thứ gì, kể cả bằng đại học viết văn, số lượng đầu sách không phải là một chứng nhận cho cái gọi là danh xưng nhà văn. Chính tác phẩm, lao động văn học chân chính, bền bỉ và giá trị mới tạo nên danh xưng nhà văn.   

Trong các cơ sở kể trên, đáng chú ý là việc tham gia từ một đơn vị tư nhân làm trong lĩnh vực truyền thông, văn hoá. Điều này cho thấy việc mở các lớp bồi dưỡng văn chương, rồi cấp chứng chỉ văn chương không còn là độc quyền của những sơ sở “nhà nước”. Rất có thể, trong tương lai không xa mô hình này sẽ được nhân rộng khắp các tỉnh thành cả nước. Từ đó sẽ kéo theo nhiều vấn đề, nhất là ở các địa phương. Chẳng hạn, người ta sẽ đặt ra câu hỏi, nhà văn, nhà thơ như thế nào, ở tầm mức nào mới xứng đáng là thầy, đứng trên bục giảng, truyền đạt kinh nghiệm sáng tác cho học viên? Hay chỉ cần là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có thẻ hội viên trung ương, bất kể tuổi tác, tác phẩm được đánh giá ra sao đều có thể giảng dạy? Hay đã chấp nhận theo học, chấp nhận làm học viên thì bất cứ ai đứng trên bục giảng “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”?. v.v… Liệu có cần đưa ra những cơ chế hợp lý, linh hoạt và thuyết phục khác đi kèm chăng?

Hà Anh
Theo vanhocquenha