/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: XUÂN DIỆU NGUYỆT CẦM VÀ QUẢ SẤU NON TRÊN CAO

Và nhà thơ kêu lên cái điều mà ông đã cảm nghiệm được Ôi từ không đến có - Xảy ra như thế nào?, trái sấu non đã là một đứa trẻ, đã cùng quy luật sinh thành như một con người.

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: XUÂN DIỆU NGUYỆT CẦM VÀ QUẢ SẤU NON TRÊN CAO

.
THANH THẢO - Bản nhạc Nguyệt cầm của Cung Tiến phổ thơ Xuân Diệu là một bản nhạc hay, nhưng phần nhạc của bản nhạc chưa thể đạt tới độ rợn người như phần nhạc của thơ Nguyệt cầm. Bài thơ này là một kiệt tác của Xuân Diệu và của cả thơ hiện đại Việt Nam.
 


     Ở đây, Baudelaire đã gặp Lý Hạ. Ở đây, Đường thi đã gặp thơ tượng trưng Pháp trong tâm hồn một thanh niên Việt đang sống giữa một thời điểm phải tự bật sáng mình trong bóng đêm. Nguyệt cầm là bài thơ đạt tới độ hoàn hảo, không thừa một chữ, không cố gắng một chữ, nhưng từng chữ đều chính xác, từng chữ cứ tự lung linh, mười sáu câu thơ ngắn ngủi đưa lại cho người đọc cái rợn ngợp của cảm giác vô biên. Xuân Diệu không cần dùng những từ to tát như "vũ trụ", "vô biên", "vĩnh cửu"... nhưng người đọc hoàn toàn cảm nhận được những chiều kích đó, bởi tác giả đã thu cái cá thể bơ vơ của mình tới mức "vi mô" để nó nhập vào cái lạnh cái rợn của vô biên. "Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân", nhà thơ chỉ còn là một giọt đàn, một giọt trăng đối diện với cả một trời bạc lạnh, lặng lẽ cảm nhận dòng chảy không thể ngăn giữ của thời gian, của cái chết, ghê buốt đến mức phải kêu lên "trời ơi!" - "Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!". Nghe rõ giọng kim trong hơi thở thủy, sắc và lạnh. Trong số những nhà "thơ Mới" thì Xuân Diệu được coi là nhà thơ "Tây" nhất. Nhưng "Tây" cũng có nhiều loại, nhiều kiểu. Với Xuân Diệu, "Tây" không chỉ ở cách diễn đạt, ở cấu trúc của câu thơ, theo kiểu "Non xa khởi sự nhạt sương mờ", ông đã tìm được hai "người bà con" lớn của mình là Baudelaire và Verlaine. Baudelaire nói với ông về sự thối rữa của bầu trời, còn Verlaine lại nói với ông về nỗi xao xuyến khi ta mất bầu trời. Baudelaire tượng trưng, cấu trúc và Verlaine trực giác, bất chợt, đã được Xuân Diệu tiếp thu với cảm thức của người phương Đông, với độ nhạy riêng của người Việt Nam. Và cái tĩnh, cái động như một cặp âm dương trong Đường thi cũng đã vào tận trong huyết quản thơ Xuân Diệu. Với Nguyệt cầm, Đông - Tây đã gặp nhau ở quan niệm và cách xử lý cá-thể-thơ: nếu phương Tây cực đoan "Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề", thì phương Đông lại làm mềm đi bằng cách phổ cá thể ấy vào thiên nhiên "Sương bạc làm thinh, khuya nín thở". Hai câu thơ của hai quan niệm về cái "ngã" và cái "siêu ngã" được đặt cạnh nhau, bổ sung cho nhau một cách tự nhiên, tình cờ. Xuân Diệu "tây" và "ta" như vậy đó! Bài Nguyệt cầm đã đạt tới cổ điển, nó cho thấy giữa cấu trúc và trực giác vẫn có sự cộng hưởng, và cái đẹp của chữ không tách rời cái đẹp của nhạc, của nhịp, một hình thức tưởng chừng cổ điển vẫn có thể hàm chứa những ngòi nổ của hiện đại, và nhà thơ phải cầu toàn, phải "vị nghệ thuật một trăm phần trăm" khi muốn có một kiệt tác. Trong cuộc đời sáng tác của mình, không phải lúc nào Xuân Diệu cũng giữ được tâm niệm ấy, nhưng tâm niệm ấy không mất trong ông, thỉnh thoảng nó lại hiện về, thôi thúc đến nhức nhối, khát thèm như trẻ nhỏ thèm một "quả sấu non trên cao". Đó cũng là nhan đề một bài thơ Xuân Diệu viết năm 1967, năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại mà Mỹ tiến hành trên miền Bắc Việt Nam. Cũng là cảm giác về vô biên, nhưng ở Nguyệt cầm thì ánh trăng càng xa càng lạnh, còn bầu trời trong Quả sấu non trên cao lại "Đóng khung vào cửa sổ", gần, trong, và ấm:

"Cứ như thế trên trời

Giữa vô biên sáng nắng

Mấy chú quả sấu non

Dỡn cả cùng mây trắng"

Không phải nhờ được "cải tạo" mà tâm hồn Xuân Diệu trở nên ấm áp như vậy, mà chính vì nhà thơ đã trở về được với cái tự tại của phương Đông, một phương Đông nhìn thấy trong một quả sấu non hàm chứa cả một vũ trụ:

"Thoáng như một nghi ngờ

Trái đã liền có thật"

Và nhà thơ kêu lên cái điều mà ông đã cảm nghiệm được "Ôi từ không đến có - Xảy ra như thế nào?", trái sấu non đã là một đứa trẻ, đã cùng quy luật sinh thành như một con người. Trong tiềm thức, đó cũng là một khát khao "sinh con đẻ cái" của nhà thơ, những quả sấu non và những đứa trẻ con, những đứa trẻ con và những bài thơ. Không có con, Xuân Diệu đã "đẻ" những bài thơ như những đứa con của mình. Ông là một người đầy mâu thuẫn, nhiều ẩn ức, hay nói ngược, luôn bị thời gian hối thúc. Cái cô đơn của ông còn hơn cái cô đơn "vốn dĩ" của mọi nhà thơ, nhưng cũng từ đó, nó lại cho ông một cái nhìn đầy cảm giác, một cái nhìn chi chút của người mẹ, cái nhìn vào bên trong để cảm nhận đứa con đang lớn lên từng giây phút trong bụng mình:

"Một ngày một lớn hơn

Nấn từng vòng nhựa một

Một sắc nhựa chua giòn

Ôm đọng tròn quanh hột..."

Những nhà thơ khác rất khó để có cái nhìn "tỉ tê" như vậy, cái nhìn của một người mẹ theo nghĩa đen. Xuân Diệu đã phần nào "giải" được nỗi cô đơn của mình bằng tình yêu thương đối với những quả sấu non, cũng là tình yêu thương với con trẻ, dù niềm khát khao hạnh phúc luôn ở "trên cao" và không phải bao giờ cũng vừa tầm với của nhà thơ. Ngày Xuân Diệu mất, quá đột ngột, tự nhiên tôi nghĩ ngay tới những quả sấu non này. Và tự nhiên, thêm "quả si" chợt hiện trong tôi. Dù Xuân Diệu hình như không có viết về quả si, nhưng với ông, đây là quả "si mê", làAppasionata của Beethoven chăng? Tôi không biết, nhưng tôi đã viết một bài thơ tưởng niệm ông với tên hai loài quả như vậy:

Quả si quả sấu trên cao

(tưởng nhớ Xuân Diệu)

 

Anh thèm quả si chát chát chua chua

Ngỡ cuộc đời bé bằng quả si ấy

"Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ!"

Dù chỉ là chát chát chua chua

 

"Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ!"

Đời ngắn sao còn bao việc phải làm

Có thứ hàng nào quái dị như thời gian

Khi bán rẻ như bèo lúc mua thì vô giá

 

Anh quen sống như người nghèo đi chợ

Tính chi li từng phút từng giây

Khoèo câu thơ như thuở nhỏ khoèo me tây

Dọc phố hè Quy Nhơn ngút bụi

 

Hơn bốn trăm cuộc bình thơ hơn năm mươi cuốn sách

Giật mình nghe lanh lảnh "cá bánh đường!"

Dòng thơ cuối cùng chảy ngớp về quê hương

Chảy ngược tới tuổi thơ vị Gò Bồi mằn mặn

 

Chợt nhớ một buổi chiều thành phố lạ

Anh và tôi ngồi lặng giữa hoàng hôn

Mắt dõi theo chuyến tàu điện cuối cùng

Vài chiếc lá thầm rơi như tín hiệu

 

Lúc bấy giờ làm sao tôi hiểu

Ấy là lần cuối cùng tôi lặng lẽ bên anh

Để nhận một điều gì từ thăm thẳm không gian

Nơi quả sấu anh yêu nhỏ xanh như cúc áo

 

Như cúc áo mà tít cao vòi vọi

Cho cạn đời ta thèm khát kiếm tìm

Cái vị chát chua tan vào cổ họng ban đêm

Cứ nghèn nghẹn mỗi khi trời trở gió

 

"Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ!"

Kìa quả si quả sấu trên cao

12.1985

 

Nguồn: Tạp chí Thơ