/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

KỶ NIỆM 432 NĂM NGÀY MẤT CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của TP Hải Phòng, sau danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng vào năm 2013.

KỶ NIỆM 432 NĂM NGÀY MẤT CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

 

       Ngày 14/1/2018 (tức 28 tháng 11 năm Đinh Dậu), lễ kỷ niệm 432 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được tổ chức trọng thể tại Khu Di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đây là hoạt động nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và công lao của danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống hiếu học, phát huy các giá trị văn hóa, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân thành phố Cảng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

       Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Ông mất ngày 28 tháng Giêng mùa Đông năm Ất Dậu (1585) niên hiệu Diên Thành thứ 9 đời Mạc Mậu Hợp, thọ 95 tuổi. Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc (cháu ngoại quan Thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn, song thân đều là những người có văn tài học hạnh nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Ông lớn lên trong giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra một triều đại mới. Bởi vậy, quãng đời thanh niên trai trẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535, khi đã 45 tuổi ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả Thị Lang (chức đứng hàng thứ ba trong Bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trọng dụng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

       Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà học giả uyên bác, ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại), hai tập Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế". Nhiều học trò của ông đã trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền... Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là "cây đại thụ", một học giả và triết gia lớn của Việt Nam.

       Lễ kỷ niệm 432 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức trong 3 ngày (13, 14 và 15/1/2018) với các nghi lễ truyền thống: Lễ Mộc dục, Lễ Rước văn, Lễ Cáo yết, Lễ dâng hương tại Đền thờ Trạng Trình. Cùng với đó là các phần hội như chương trình thơ - nhạc về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; giải vật truyền thống, giải bóng chuyền mở rộng, giải pháo đất các cụm Tân Liên, Hiệp Hòa, Thắng Thủy và các trò chơi dân gian, liên hoan ca múa nhạc truyền thống, biểu diễn nghệ thuật rối cạn.

Năm 1991, di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích lịch sử. Năm 2016, Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của TP Hải Phòng, sau danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng vào năm 2013.

(Theo: TTXVN)