/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN DỊCH THUẬT VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC TÁC PHẨM KINH ĐIỂN PHƯƠNG ĐÔNG

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa chính thức khởi động Dự án dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông

KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN DỊCH THUẬT VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC TÁC PHẨM KINH ĐIỂN PHƯƠNG ĐÔNG

 

       Đại học Quốc gia Hà Nội vừa chính thức khởi động Dự án dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (gọi tắt là dự án) nhằm giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận và tiếp thu kiến thức văn hóa phương Đông. Đại dự án sau khi hoàn thành sẽ lấp đầy những khoảng trống tri thức, làm nền tảng để có những nghiên cứu sâu sắc về cội nguồn văn hóa dân tộc.

       Phần lõi văn hóa Việt Nam thuộc về văn hóa Đông Nam Á tiền sử mà đỉnh cao là nền văn hóa Đông Sơn với biểu tượng là những chiếc trống đồng tinh xảo. Với vị trí nằm ở ngã tư của các nền văn minh và các dân tộc, phần lõi văn hóa Việt Nam được phủ lên lớp văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa và phương Tây thông qua quá trình tiếp biến văn hóa. Trong đó, văn hóa Ấn Độ với đại diện là Phật giáo và Trung Hoa thì có Nho giáo và Đạo giáo là hai nền văn minh lớn nhất phương Đông đã hiện diện ở nước ta sớm nhất, có ảnh hưởng lâu dài nhất. Các tác phẩm kinh điển phương Đông khi du nhập vào nước ta đã góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, cả yếu tố vật thể và phi vật thể, trở thành hồn cốt dân tộc. Chính vì thế, muốn hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam mà không nghiên cứu các tôn giáo lớn thông qua các tác phẩm kinh điển là một thiếu sót.

       PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Dự án dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển là một trong 5 dự án, chương trình đặc biệt cấp Quốc gia do Chính phủ chỉ đạo. Trong tiến trình phát triển của lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tam giáo, song đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một bộ Đại tạng Kinh Phật giáo hay một bộ kinh điển Nho gia và Đạo gia nào được dịch thuật đầy đủ. Các tác phẩm điển tịch do các nhà tu hành Việt Nam viết cũng chưa được tập hợp, dịch và giới thiệu đầy đủ. Từ thực tiễn đó, Chính phủ đã giao Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Viện Trần Nhân Tông-một cơ sở nghiên cứu mang tính học thuật cao và là đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai dự án. Những nước trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã thực hiện những dự án tương tự và cũng giao cho trường Đại học Quốc gia thực hiện bởi lẽ đất nước nào có lịch sử văn hiến không thể không có những bộ sách lớn, có giá trị mang tính biểu tượng. Dự án sẽ xóa nhòa rào cản là toàn dân dùng văn tự Quốc ngữ, trong khi các tác phẩm kinh điển chủ yếu viết bằng văn tự tiếng Phạn, Pali và Hán. Trong thời đại toàn cầu hóa, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, những giá trị văn hóa hiện đại được chú ý hơn, gây ra tình trạng mất cân đối trong chiều sâu văn hóa của dân tộc, gây ra những lệch chuẩn văn hóa.

Dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm, theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 3-2019 đến tháng 2-2024) là giai đoạn chuẩn bị và tiến hành dịch thuật. Trong đó, dự án sẽ thực hiện khảo sát, lên hồ sơ dịch thuật; chọn văn bản nền để tổ chức dịch thuật và tham chiếu; xây dựng bộ quy cách dịch thuật; tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật. Sau đó, dự án tiến hành dịch thuật theo hai hướng toàn dịch và toát yếu. Giai đoạn 2 (từ tháng 3-2024 đến tháng 2-2029) là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ kinh còn lại trong phần Chính tạng Phật giáo, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được chú giải tại Việt Nam. Hằng năm, Dự án  sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần trong dự án, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động. Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, 2 quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam.

       Bước đầu, Viện Trần Nhân Tông đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế cũng như triển khai lớp bồi dưỡng năng lực dịch thuật các tác phẩm kinh điển phương Đông, qua đó chuẩn bị lực lượng hỗ trợ và kế tục triển khai dự án.

(Theo: qdnd.vn)