/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Giao lưu với các nhà thơ kháng chiến chống Mỹ

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: đây là một chủ đề rộng, và sẽ còn được thảo luận trong những buổi sinh hoạt định kỳ tiếp theo.

Giao lưu với các nhà thơ kháng chiến chống Mỹ

Tin: Thanh Thúy, ảnh Phan Giang 



Sáng ngày 30/10/2014, tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội) CLB văn chương – Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt thường kỳ, với chủ đề “Giao lưu lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Mỹ”.

Tham gia buổi giao lưu có các nhà thơ nổi tiếng tiêu biểu trong thời kỳ chống Mỹ:Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Trần Ninh Hồ. Nhà thơ Vũ Quần Phương – Chủ nhiệm CLB chủ trì, cùng đông đảo thành viên CLB hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hà Nội.

Vần đề chủ đạo của buổi giao lưu là: sự giống và khác nhau thơ giữa hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ; lớp nhà thơ chống Mỹ đã làm được gì và hạn chế như thế nào đối với vận mệnh đất nước thời kỳ đó; lớp nhà thơ cùng thời kỳ ở bên kia vĩ tuyến 17 ra sao…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (đang phát biểu)

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, có những người luôn so sánh các thời kỳ thơ sau luôn kém hay hơn những thời kỳ thơ trước. Nhưng mỗi thời kỳ có sự đa dạng riêng. Một điều mà các nhà thơ thời chống Mỹ làm được là: sự đồng hành cùng dân tộc. Tiếng nói của nhà thơ là tiếng nói của toàn dân. Người ta có thể sống vì một câu thơ, có thể vịn câu thơ mà đứng dậy. Tuy nhiên, thơ thời chống Mỹ thường giống nhau “ Đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình”.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lại cho rằng: thơ chống Mỹ tuy giống nhau ở đại cục, nhưng khác nhau về giọng điệu. Chẳng hạn thơ Hữu Thỉnh trữ tình, thơ Phạm Tiến Duật ngang tàng, bề bộn, thơ Hoàng Nhuận Cầm trẻ trung phơi phới. Thơ chống Mỹ “cái ta” rất rõ ràng, mãi về sau mới bắt đầu xuất hiện tìm tòi đi sâu vào cá nhân, bản thể.

Nhà thơ Vương Trọng: đặc điểm của đội ngũ nhà thơ hình thành trong thời kỳ chống Mỹ là những sáng tác đầu tiên của họ viết về người lính và chiến tranh, vì đất nước đang có chiến tranh và họ là những người trong cuộc. Họ có trình độ văn hóa và năng khiếu sáng tác nhất định, họ được đào tạo dưới mái trường XHCN. Họ luôn ý thức được vai trò của những sáng tác có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến quần chúng nhân dân, và những gian khổ khó khăn của thời chiến luôn được thi vị hóa.

Một vấn đề khác: thơ chống Mỹ giống nhau về đại cục có phải là do lãnh đạo văn nghệ thời đó chỉ đạo hay không cũng đã được đưa ra thảo luận.

Kết thúc buổi giao lưu này, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: đây là một chủ đề rộng, và sẽ còn được thảo luận trong những buổi sinh hoạt định kỳ tiếp theo.
Theo hoinhavanvn