/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

CÁC SÁCH, BÁO VIẾT VỀ NHÀ CÁCH MẠNG NGUYỄN VĂN NGỌ

Tuần tới là kỉ niệm 62 năm nhân ngày mất và 110 năm nhân sinh nhật nhà cách mạng Nguyễn Văn Ngọ. Chúng tôi xin đăng tiếp các sách báo viết về ông

CÁC SÁCH, BÁO VIẾT VỀ NHÀ CÁCH MẠNG NGUYỄN VĂN NGỌ

1. Sách “Từ điển những nhân vật lịch sử Việt Nam”


       Nguyễn Văn Ngọ (Mất 1954) Liệt sỹ cách mạng, quê làng Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, ông có chân trong Ban Chấp hành Xứ ủy Bắc Kỳ, ông được Xứ uỷ điều về công tác tại Thái Bình, cuối năm 1930 ông bị bắt giam. Từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đến 1951 ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Thái Bình, ông hy sinh năm 1954 còn có thơ truyền tụng:

“Còn cực gì hơn cái cực nghèo

Suốt đời lao động vẫn gieo neo

San san sao chẳng san cho khéo

Sẻ sẻ thì không sẻ cho đều

Đứa bát cơm đầy, đầy mặt lợn

Người lưng rau nhớt, nhớt đuôi nheo

Bạn nghèo ta quyết xoay thời đại

Cho lũ hùm beo hóa lũ mèo”.
.
 
Bia mộ Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọ tại Nghĩa trang Bát Bảo Sơn - Bắc Kinh - TQ

(Bộ sách Từ điển Tiếng việt viết về những nhân vật lịch sử Việt Nam, đã liệt kê xếp hạng 993 người trong đó có Nguyễn Văn Ngọ (trang 669 vần Nguyễn Văn Ngọ). Chỉ ghi những người đã mất từ thời Vua Hùng dựng nước cho tới nay, Nhà Xuất bản Văn hóa tái bản lần thứ 3 năm 1993).

2. Sách nhân vật lịch sử Hải Phòng tập II (NXB Hải Phòng năm 2001)

       Nguyễn Văn Ngọ (Ba Ngọ) sinh tháng 6 năm 1906, người làng Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình khá giả có truyền thống Nho học. Sau trúng tuyển vào trường Trung học Bảo Hộ (Bưởi) và gia nhập Tổ chức Tâm Tâm Xã. Năm 1925 – 1926 cùng bạn bè tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh. Năm 1927 tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tham gia vận động phong trào công nhân ở Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình và ở quê nhà. Khi Đảng thành lập tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, lãnh đạo nông dân Tiền Hải nổi dậy. Ngày 14/10/1930 bị bắt, bị dùng cực hình tra tấn, sau bị kết án 20 năm tù khổ sai. Năm 1937 thoát khỏi nhà tù đế quốc. Năm 1938 về Hà Nội công tác. Sau đó bị bắt lần 2 và bị đưa đi căng Nghĩa Lộ, căng Bá Vân. Đầu năm 1945 ra tù, liền liên hệ với Ban Cán sự Việt Minh Hải Dương và được chỉ định về Vĩnh Bảo tham gia Ban cán sự Việt Minh huyện. Ngày 20/08/1945, Vĩnh Bảo giành chính quyền, Tỉnh ủy chỉ định ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện. Sau được điều về Khu ủy Liên khu III. Trong thời kỳ tổng khởi nghĩa còn được Hồ Chủ tịch cử làm đặc phái viên đến liên hệ với Tổng đốc Vi Văn Định ở châu Lộc Bình, Lạng Sơn. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn và tế nhị này. Vi Văn Định cùng gia đình đã tham gia đi theo cách mạng, nhiều người có công lớn cho cách mạng, nhất là trên lĩnh vực khoa học, giáo dục. Từ tháng 1 năm 1946, là Khu ủy viên khu III, Chủ tịch UBHC tỉnh Thái Bình rồi kiêm Bí thư Tỉnh ủy. Đến tháng 2 năm 1951 ông được điều về Khu ủy Liên khu III rồi lên Trung ương công tác. Người chiến sỹ cách mạng gắn bó cả đời mình với sự nghiệp giải phóng dân tộc đã từ trần tại Bắc Kinh – Trung Quốc ngày 4 tháng 6 năm 1954. Tháng 4 năm 1994, Đảng, Chính phủ đã đưa hài cốt ông về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội.

Vợ ông là bà Triệu Thị Đỉnh, sinh năm 1912, tuổi thanh niên làm nghề dạy học và thương mại kiếm sống. Được sự giúp đỡ của đồng chí Trần Đình Quý và bà Bích Hợp (vợ ông Lương Khánh Thiện), Triệu Thị Đỉnh đã gia nhập Đảng Cộng sản vào tháng 6 năm 1930. Trong thời gian hoạt động bà bị bắt 2 lần tại Hải Phòng, bị tù giam 6 năm. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 bà được giao nhiều nhiệm vụ, với nhiều cương vị khác nhau ở Thái Bình, Thái Nguyên. Năm 1962 làm Viện phó Viện kiểm sát tỉnh Bắc Thái cũ đến khi nghỉ hưu....(Trích từ trang 263 đến hết trang 267).
.
 

3. Báo tiền phong

       ...Trong những năm cách mạng còn trong trứng nước, Hồ Chủ tịch quyết định cử người tìm gặp vị thủ lĩnh họ Vi của dân tộc Tày để mời về Hà Nội, hai người được cử lên Lạng Sơn:

Một là Nguyễn Văn Ngọ (Ba Ngọ), Tỉnh ủy Thái Bình từng bị quan Tổng đốc bắt giam... Hai là bác sỹ Tôn Thất Tùng, cháu rể của quan Tổng đốc Vi Văn Định.

Cuộc gặp gỡ và thuyết phục đã thu được kết quả, cựu Tổng đốc Vi Văn Định không ngả theo thực dân Pháp để làm “Vua xứ tự trị Cao Bắc Lạng” mà trở thành một thành viên tích cực của phong trào đại đoàn kết dân tộc Việt Nam...

( Chuyên san của Báo Tiền phong số tháng 7 năm 1996, trang 20).

4. Báo Nhân dân

     Trong số rất ít cụ bà 70 tuổi Đảng, có cụ Triệu Thị Đỉnh hiện đang sống ở Khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội). Sau khi bị tai nạn, sức khỏe và trí nhớ của cụ đã giảm sút nhiều, điều đáng quý là dù đi lại phải có người dìu, nhưng cụ vẫn tham gia các buổi sinh hoạt của Chi bộ 20 thuộc Đảng bộ phường Trung Tự. Cụ Đỉnh nói: “Tôi già yếu rồi không đóng góp được gì cho Đảng, nhưng đi sinh hoạt để gần gũi đồng chí, nắm đường lối chính sách của Đảng”. Đến thăm cụ trong căn hộ đơn sơ ở tầng 3, tôi chỉ gặp cụ và người cháu bên chồng đến ở cùng và chăm sóc cụ, giữa nhà là bàn thờ chồng và hai con trai. Chồng cụ là đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, đảng viên năm 1929, là người cộng sản đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ông bà lấy nhau do hoàn cảnh công tác, mỗi người một nơi (năm 1937) ít khi gần nhau, sau đó ông đi công tác nước ngoài và hy sinh năm 1954 tại Trung Quốc, 40 năm sau hài cốt của ông được Đảng và Chính phủ đưa về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Hai con trai duy nhất của ông bà đều đã mất do bệnh hiểm nghèo khi chưa ai kịp lập gia đình.

Nói chuyện gia đình cụ nghẹn ngào: “Chồng con chết hết, không còn nước mắt để khóc, tôi sống được là nhờ tình cảm của các cháu, của họ hàng nội ngoại, nhờ con của các bạn chiến đấu ngày xưa và bà con trong tổ dân phố, các Đảng viên cùng Chi bộ thường xuyên thăm hỏi động viên”.

“Khi nghe tin được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, cụ mở lại lý lịch ghi chép chặng đường hoạt động cách mạng đã qua”, cụ nhớ lại hồi còn đi học, cũng như khi ra mỏ than Mạo Khê dạy học và kinh doanh hàng xén, đã tận mắt chứng kiến cảnh người Pháp đánh đập, ức hiếp thợ Việt Nam, thấm thía nỗi khổ của người dân mất nước và tự nguyện tham gia cách mạng, qua thử thách được 02 đồng chí: Trần Đình Quý và Trần Thị Bích Hợp (Vợ đồng chí Lương Khánh Thiện) giới thiệu và kết nạp cụ vào Đảng tháng 6 năm 1930 tại Hải Phòng.

Cụ Đỉnh tự đọc tiểu sử cho tôi nghe, chốc chốc dừng lại để lấy sức và thêm vào những chi tiết còn nhớ được, cụ nhẩm tính trong bước đường hoạt động, đã hai lần bị địch bắt vào tù với thời gian 06 năm, trong đó phải ở nhà tù Hỏa Lò 05 năm 06 tháng.

Sau cách mạng tháng Tám, cụ làm nhiều công tác ở các cương vị khác nhau tại các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên. Năm 1962, làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Thái, cho đến khi nghỉ hưu năm 1970.

70 tuổi Đảng, 88 tuổi đời, cụ Triệu Thị Đỉnh luôn tự hào, suốt đời cống hiến cho cách mạng, một lòng trung kiên với Đảng và trong hoàn cảnh riêng với nhiều mất mát, khổ đau nhưng vẫn kiên cường chịu đựng, cụ chỉ có một ước nguyện là Đảng và Nhà nước có hình thức khen thưởng xứng đáng người chồng của cụ, là cụ ông Nguyễn Văn Ngọ quê ở làng Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cũng là đảng viên năm 1929 và cống hiến trọn đời cho cách mạng.

(Bích Ngọc – Báo Nhân dân số ra ngày 8/3/2000 trang Xây dựng Đảng).

5. Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Vĩnh Bảo

     ...Từ năm 1925 – 1927 ở nước ta đã lần lượt xuất hiện những phong trào yêu nước, có tính chất dân chủ với chủ trương là đoàn kết các lực lượng đánh đổ đế quốc Pháp, đánh đổ bọn phong kiến địa chủ giành quyền độc lập, dân sinh, dân chủ như: Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 là Tổ chức yêu nước cách mạng đầu tiên ở nước ta. Chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam Quốc dân Đảng là tổ chức cách mạng của tiểu tư sản, trí thức theo ý thức hệ tư sản... Vùng nông thôn Vĩnh Bảo đã xuất hiện một số hội viên, Việt Nam Cách mạng thanh niên và Việt Nam quốc dân Đảng, họ là nhưng thanh niên nông thôn sớm tiếp xúc với các phong trào yêu nước và sách báo tiến bộ đã tham gia các tổ chức yêu nước và về quê hương để tuyên truyền, tổ chức lực lượng, xây dựng cơ sở.

Ở khu vực Cộng Hiền, người thanh niên trí thức Nguyễn Văn Ngọ, hội viên Việt Nam cách mạng thanh niên sau khi dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1929 về quê hương xây dựng cơ sở cách mạng. Đối tượng tuyên truyền vận động là những người thân trong gia đình họ hàng, sau tới những thanh niên hăng hái có tinh thần yêu nước, thương nòi. Cuối năm 1930, nhóm thanh niên do Đào Trọng Khoan, người công nhân đã từng tham gia đấu tranh ở mỏ Khu mỏ Hòn Gai được thành lập ở khu vực Cổ Am để vận động thanh niên tìm đọc sách báo tiến bộ. Các cơ sở của Nguyễn Văn Ngọ và nhóm thanh niên trên đã tập hợp nhân dân lập ra các phường, hội như: Thợ Nề, Thợ Mộc, Thợ Gặt, Thợ Cấy... quyên góp giúp đỡ các gia đình neo đơn, túng bấn, gia đình bị Pháp bắt bớ tù đày.

Tuy hoạt động của tổ chức này ban đầu chưa rộng rãi và hoạt động chưa thật hiệu quả, nhưng đã thể hiện rõ tư tưởng đoàn kết dân tộc và các hình thái thích hợp để tập hợp nhân dân, khi thời cơ đến...

“Trích Lịch sử Mặt trân Tổ quốc Việt Nam

 huyện Vĩnh Bảo – Chương I, trang 144-15”
Ngọc Tô (Chủ biên)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

 

 

- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình

 

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương

 

- Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng

 

- Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo

 

- Lịch sử Đảng bộ xã Cộng Hiền

 

- Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập II (NXB HP 2001)

 

- Hồ Chí Minh – Tiểu sử

 

- Dư địa chí tập I

 

- Những tư liệu gốc tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng

 

- Ghi chép tay của đồng chí Nguyễn Văn Ngọ

 

- Ghi chép tay của đồng chí Triệu Thị Đỉnh

 

- Ghi chép tay của ông Nguyễn Văn Phì

 

- Ghi chép tay của bác Nguyễn Văn Uẩn

 

- Bách khoa toàn thư mở và một số tài liệu khác.