/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Bỏ phiếu bầu Đại biểu “hoàn toàn cảm tính và cảm tính”

Tôi muốn đội ngũ nhà văn trong Ban chấp hành thật sự có tài, có tâm để hoạt động văn học của Hội đạt chất lượng.

Bỏ phiếu bầu Đại biểu “hoàn toàn cảm tính và cảm tính”



Hướng về Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 với việc bàn về Tiêu chí bầu đại biểu và Ghi nhận đóng góp xây dựng Đại hội, báo điện tử Tổ Quốc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Thị Mai - thuộc khu vực Hà Nội.



A. TIÊU CHÍ BẦU ĐẠI BIỂU THAM DỰ ĐẠI HỘI

PV: Được biết, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 là Đại hội đại biểu. Điều này có nghĩa là, ngay từ các đại hội cơ sở sẽ bầu các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc. Nhiều người khá tò mò, không biết trước khi bầu đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc liệu có tiêu chí nào được đưa ra không, hay hoàn toàn dựa vào “cảm tính” của nhà văn, nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Hội Nhà văn Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội. Có Đại hội toàn thể và có Đại hội đại biểu. Việc tổ chức toàn thể hay đại biểu là do điều kiện, yêu cầu của mỗi kỳ đại hội chứ không do Điều lệ Hội quy định.

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 sang năm nếu tổ chức Đại hội Đại biểu thì có nghĩa là lại giống kỳ Đại hội lần thứ 7 và rất nhiều lần trước đó. Tức là ngay từ đại hội cơ sở đã phải bầu đại biểu. Trong Đại hội cơ sở, mỗi người được phát một danh sách ghi tên tất cả hội viên của cơ sở mình. Sau đó Ban tổ chức thông báo số lượng đại biểu của cơ sở mình được phân bổ tham dự cụ thể là bao nhiêu. Thế là các nhà văn chọn đúng số người mà mình cho là “xứng đáng đi đại hội” để nguyên, số còn lại gạch, gạch, gạch. Đúng là chẳng có tiêu chí nào, hoàn toàn cảm tính và cảm tính. Buồn cười nhất là có nhà văn còn bầu cả người đang ốm liệt giường, hoặc đã quá cố đi đại hội vì họ chẳng nắm được thông tin hay cố tình đùa vui cho “văn nghệ”.

PV: Bản thân nhà thơ thì sẽ lựa chọn và bỏ phiếu cho những người có tiêu chí như thế nào để họ tham dự Đại hội đại biểu?

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Vì được tự do lựa chọn nên mỗi nhà văn sẽ có những tiêu chí của riêng mình. Tiêu chí của tôi là: Các nhà văn đại biểu phải có uy tín về tác phẩm và nhân cách. Đặc biệt tôi coi trọng nhân cách. Trong đó, tôi còn rất chú trọng những nhà văn có khả năng tham gia Ban chấp hành của Hội để họ không mất cơ hội được bầu vào Ban chấp hành.

PV: Từng tham dự những kỳ đại hội khu vực để bỏ phiếu bầu đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc, nhà thơ có chứng kiến trường hợp nào “khó xử” không? Hoặc nhà thơ có ý kiến gì?

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Tôi đã 2 lần ngồi ghế Chủ tịch đoàn ở Đại hội cơ sở Khối nhà văn các cơ quan đoàn thể Trung ương. Tôi không thấy có gì khó xử hoặc gay cấn trong chuyện bầu bán này. Chỉ có mấy sự kiện xin kể:

Trong Đại hội cơ sở lần thứ 7, một nhà văn nam đề nghị: “Các hội viên nữ có ít nên đề nghị ưu tiên để tất các chị được tham dự, không phải bầu”. Nhưng nhà văn Nguyễn Thị Hồng đã có ý kiến: “chúng tôi tuy là nữ, nhưng ai cũng khẳng định được khả năng và tư cách của mình. Chúng tôi muốn công bằng với các nhà văn nam nên đề nghị không nhận ưu tiên”. Và thế là bầu nam nữ bình đẳng.

Sự kiện thứ 2: nữ nhà văn cao tuổi Nguyễn Bích Thuận khi đưa ra danh sách bầu mới phát hiện cụ là Nhà văn lão thành cách mạng. Mà trong quy định của Ban tổ chức thì nhà văn lão thành cách mạng sẽ được mời dự đàng hoàng chứ không bầu.

Sự kiện thứ 3: Một nhà văn (xin miễn nhắc tên) có tên trong danh sách dự đại hội ở 2 cơ sở nhưng không rút cứ đi dự cả hai. Vì thế được 2 cơ hội bầu đi đại hội. May mà một cơ sở bầu trúng còn một cơ sở bầu trượt.

PV: Nhà thơ có tự bỏ phiếu cho mình không? Vì sao?

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Tôi xác định là phải bỏ phiếu cho mình. Vì 3 lý do: Một là, tôi tự thấy mình đủ tư cách đại biểu đi dự đại hội. Hai, đây là Đại hội toàn quốc, 5 năm mới có một lần. Tham dự sẽ là niềm vinh dự lớn lao, vừa được nghe trực tiếp các báo cáo và tham luận vừa được chứng kiến toàn cảnh đại hội với không khí đặc biệt như thế nào. Ba là được gặp gỡ các bạn bè văn chương trong cả nước. Thích lắm, mong chờ lắm!

 

B. ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CỦA NHÀ VĂN CHO ĐẠI HỘI IX

PV: Nói về văn học khu vực Hà Nội thì bản thân nhà thơ thấy còn có những vấn đề gì cần được khắc phục, xem xét?

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Câu hỏi này đối với tôi có lẽ chưa rõ nghĩa nên khó trả lời. Tuy nhiên nếu có vấn đề gì liên quan đến câu hỏi này thì đó là vấn đề tổ chức Hội Nhà văn ở Hà Nội.

Hiện nay, trong số hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, có mấy trăm hội viên Nhà văn Trung ương. Trong khi đó ông Chủ tịch Hội và rất nhiều vị ở các Hội đồng và Ban chưa phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế việc xét giải thưởng và đánh giá thành tựu văn học hàng năm rất “trái khoáy” (ví dụ người chưa phải hội viên Nhà văn Việt Nam lại xét tác phẩm của người đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Vì vậy tôi muốn tất cả các nhà văn Việt Nam trong Hội Nhà văn Hà Nội tách ra thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội. Còn trong Hội Nhà văn Hà Nội chỉ có Hội viên của mình - Những người chưa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

PV: Từng công tác tại Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lại là phó ban nhà văn nữ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Thị Mai muốn chia sẻ điều gì liên quan đến văn học nữ hoặc nữ nhà văn cho đại hội nhà văn?

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Chúng tôi mong rằng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nhà nước và các tổ chức liên quan cần quan tâm hơn nữa đến các nhà văn nữ nói riêng và nữ văn nghệ sĩ nói chung bằng các chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt. Ví dụ: tài trợ kinh phí sáng tác, in hoặc trưng bày tác phẩm; hỗ trợ tổ chức các hoạt động đi thực tế sáng tác, mời các nữ văn sĩ tham gia hoạt động giao lưu trong và ngoài nước để các chị có cơ hội gặp gỡ, học hỏi hiểu biết lẫn nhau và tuyên truyền cho nền văn học nghệ thuật của nước nhà. Và hàng năm nên xét tặng thưởng văn học nữ cho các tác phẩm xuất sắc của các chị.

PV: Nhà thơ mong muốn điều gì ở Đại hội Nhà văn lần thứ 9 diễn ra năm 2015?

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Tôi muốn đội ngũ nhà văn trong Ban chấp hành thật sự có tài, có tâm để hoạt động văn học của Hội đạt chất lượng.

PV: Cảm ơn nhà thơ!

Hiền Nguyễn (thực hiện)


 Theo vanhocquenha