/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin Quốc tế

TẠI SAO TÔI VẪN LÀM THƠ?

Charles Simic-Charles Simic (1938) là nhà thơ người Mỹ gốc Serbia. Ông được trao giải Pulitzer cho thơ năm 1990, hương quốc tế Zbigniew Herbert năm 2014...

TẠI SAO TÔI VẪN LÀM THƠ?

       Charles Simic-Charles Simic (1938) là nhà thơ người Mỹ gốc Serbia. Ông được trao giải Pulitzer cho thơ năm 1990, hương quốc tế Zbigniew Herbert năm 2014, và được bổ nhiệm làm Poet Laureate (Nhà thơ huân công) của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2007-2008. Ông nguyên là biên tập viên thơ của tờ Paris Review, và là giáo sư hưu trí ngành văn học Anh tại Đại học New Hampshire.

      Khi mẹ tôi đã rất già và ở viện dưỡng lão, một ngày gần cuối cuộc đời bà khiến tôi ngạc nhiên bằng cách hỏi tại sao tôi vẫn làm thơ. Khi tôi buột miệng nói mình vẫn viết, bà nhìn tôi chằm chằm ra vẻ khó hiểu. Tôi phải nhắc lại những gì mình đã nói, cho đến khi bà thở dài và lắc đầu, có lẽ đang thầm nghĩ con trai mình lúc nào cũng hơi dở người. Giờ đã ngoài bảy mươi, thỉnh thoảng tôi vẫn được những người không thực sự hiểu mình hỏi câu hỏi ấy. Tôi ngờ rằng nhiều người trong số họ hy vọng được nghe tôi nói mình đã bắt đầu biết suy nghĩ và từ bỏ cái đam mê ngây dại của tuổi trẻ và ngạc nhiên thấy rõ khi nghe tôi thú nhận rằng mình vẫn chưa. Có vẻ họ nghĩ điều đó có gì đó không lành mạnh và thậm chí chấn động, như thể ở tuổi này tôi còn hẹn hò với một nữ sinh trung học và đi trượt băng với cô đêm ấy.

Một câu hỏi khác mà các nhà thơ cả già lẫn trẻ vẫn thường được hỏi trong các cuộc phỏng vấn là khi nào và tại sao họ quyết định trở thành nhà thơ. Giả định ở đây là có một khoảnh khắc nào đó họ bắt đầu nhận ra mình không thể có số phận nào khác ngoài việc làm thơ, sau đó thông báo cho gia đình họ khiến những bà mẹ phải thốt lên: “Chúa ơi, chúng ta đã làm gì sai mà phải nhận điều này?” trong khi những ông bố rút thắt lưng đuổi họ quanh phòng. Tôi thường rất muốn trả lời người phỏng vấn với bộ mặt thẳng thắn rằng tôi chọn thơ để được chạm tay vào tất cả những khoản tiền giải thưởng khổng lồ đang nằm ngoài kia, bởi nói rằng chưa bao giờ có một quyết định như thế với tôi thì chắc chắn sẽ làm họ thất vọng. Họ muốn nghe điều gì đó anh hùng và thơ mộng, và tôi bảo họ rằng mình chỉ là một trong những cậu nhóc trung học làm thơ để sĩ gái, không có cao vọng nào xa hơn. Không phải người nói tiếng Anh bản xứ, họ cũng hỏi tại sao tôi không làm thơ bằng tiếng Serbia và băn khoăn làm sao mà tôi đi đến quyết định từ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình. Một lần nữa, câu trả lời của tôi có vẻ phù phiếm với họ, khi tôi giải thích rằng bởi thơ được dùng như một công cụ tán tỉnh, yêu cầu đầu tiên là nó cần phải hiểu được. Không cô gái Mỹ nào lại phải lòng một anh chàng đọc cô nghe thơ tình bằng tiếng Serbia trong lúc hai người nhâm nhi Coke.

Bí ẩn với tôi là việc tôi vẫn làm thơ trong rất lâu sau khi không còn nhu cầu làm điều đó. Những bài thơ đầu của tôi tệ đến xấu hổ, những bài viết ngay sau đó cũng chẳng khá hơn. Trong đời mình tôi biết nhiều nhà thơ trẻ tài năng khôn xiết đã từ bỏ thơ ca sau khi được bảo họ là thiên tài. Chưa ai mắc sai lầm ấy với tôi, thế nhưng tôi vẫn tiếp tục. Giờ tôi hối hận vì đã hủy bỏ những bài thơ đầu, bởi tôi không còn nhớ chúng dựa trên ai. Lúc ấy, tôi đọc chủ yếu là truyện và có rất ít kiến thức về thơ đương đại và các nhà thơ hiện đại chủ nghĩa. Lần tiếp xúc sâu rộng duy nhất mà tôi có với thơ là năm tôi học ở Paris trước khi đến Hoa Kỳ. Họ không chỉ giao chúng tôi đọc Lamartine, Hugo, Baudelaire, Rimbaud, và Verlaine, mà chúng tôi còn phải học thuộc một số bài thơ của họ và đọc trước lớp. Đó quả là cơn ác mộng đối với tôi với tư cách một người nói tiếng Pháp sơ đẳng - và trò cười đảm bảo cho các bạn cùng lớp phá lên mỗi lúc tôi phát âm sai một số trong số những dòng thơ đẹp nhất và nổi tiếng một cách xứng đáng nhất trong nền văn học Pháp - đến nỗi trong nhiều năm sau tôi vẫn không đủ khả năng ngẫm lại những gì mình đã học trong lớp học ấy. Ngày nay tôi đã rõ tình yêu thơ ca của tôi đến từ những bài đọc và những lần đọc thơ ấy, chúng để lại tác động sâu sắc lên tôi hơn những gì tôi có thể nhận ra khi tôi còn trẻ.

      Còn một điều khác nữa trong quá khứ của tôi mà đến gần đây tôi mới nhận ra là đã góp phần vào sự kiên trì của tôi trong việc làm thơ, đó là tình yêu dành cho cờ vua. Tôi được một vị giáo sư thiên văn học đã nghỉ hưu dạy chơi cờ ở Belgrade thời chiến năm tôi sáu tuổi và chỉ vài năm sau tôi đã trở nên đủ giỏi để đánh bại không chỉ những đứa trẻ tầm tuổi tôi mà còn cả nhiều người lớn trong khu. Tôi còn nhớ những đêm không ngủ đầu tiên là do những ván cờ tôi đã thua và chơi lại trong đầu. Cờ vua khiến tôi ám ảnh và ngoan cường. Từ lúc ấy tôi đã không thể nào quên mỗi nước đi sai lầm, mỗi thất bại nhục nhã. Tôi mê những ván cờ chỉ còn vài quân mỗi bên và mỗi nước đi đều mang trên mình ý nghĩa quan trọng. Ngay cả ngày nay, khi đối thủ của tôi là một chương trình máy tính (tôi gọi nó là “Chúa”), đánh bại tôi chín trên mười ván, tôi vẫn không chỉ ngạc nhiên trước trí thông minh vượt trội của nó mà còn thấy những thất bại của mình đối với tôi thú vị hơn nhiều so với những chiến thắng hiếm hoi. Những kiểu thơ mà tôi viết-đa phần ngắn và đòi hỏi phải sửa chữa vô tận-thường gợi lại cho tôi những ván cờ vua. Thành công của chúng phụ thuộc vào từ ngữ và hình ảnh được đặt đúng thứ tự và kết thúc của chúng phải có tính tất yếu và bất ngờ của một nước chiếu hết được thực hiện một cách thanh nhã.

       Dĩ nhiên, giờ nói những điều này thì rất dễ. Năm mười tám, tôi còn những mối lo khác. Cha mẹ đã ly hôn và tôi chỉ còn một mình, làm việc trong một văn phòng ở Chicago và theo các lớp đại học buổi tối. Sau này, năm 1958, khi chuyển đến New York, tôi vẫn sống một cuộc đời như vậy. Tôi làm thơ và xuất bản một số trên các tạp chí văn học, nhưng tôi không mong đợi bất kỳ chút nào trong hoạt động ấy sẽ thành công. Những người tôi làm việc cùng và kết bạn không hề hay biết tôi là nhà thơ. Tôi cũng có vẽ đôi chút và thấy dễ bày tỏ mối quan tâm ấy với người lạ hơn. Tất cả những gì tôi biết chắc chắn về thơ của mình là chúng không được tốt như tôi mong muốn và biết tôi đã quyết tâm, vì sự bình yên của tâm trí mình, viết những thứ mà tôi không phải xấu hổ khi cho bạn văn của mình đọc. Trong khi đó, vẫn còn những điều cấp bách hơn để làm, như kết hôn, trả tiền nhà, lang thang các quán bar và jazz club, và mỗi đêm trước khi đi ngủ đặt bẫy chuột trong căn hộ của tôi trên phố East 13th bằng bơ đậu phộng.

Những niềm vui

của việc đọc

(Thơ Charles Simic)

Trên giường bệnh cha tôi đang đọc

Hồi ký của Casanova.

Tôi đang ngắm đêm buông,

Vài cửa sổ sáng đèn bên kia phố.

Ở một ô có một cô gái trẻ đang đọc

Sát gần tấm kính.

Cô chưa nhìn lên đã một lúc lâu,

Ngay cả với bóng tối đang tới.

 

Khi vẫn còn một chút ánh sáng,

Tôi muốn cô ngẩng đầu lên,

Để tôi có thể thấy mặt

Mà tôi đã sẵn hình dung,

Nhưng sách của cô chắc phải đầy hồi hộp.

Và ngoài ra, mọi thứ thật im lặng,

Mỗi lần cô giở một trang,

Tôi có thể nghe cha tôi giở một,

Như thể họ đang đọc cùng một cuốn.n

Nguyễn Huy Hoàng dịch

Nguồn: Báo Văn Nghệ