/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin Quốc tế

Sinh viên Hồng Kông gửi thư cho Tập Cận Bình

Đồng thời, họ yêu cầu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức. Tuy nhiên, ông Lương Chấn Anh đã bác đề nghị này.

Sinh viên Hồng Kông gửi thư cho Tập Cận Bình

Phương Thảo


<<<Ảnh bên:Hơn chục ngàn người đã quay lại chiếm các đường phố trung tâm Hồng Kong sau khi chính quyền bất ngờ tuyên bố huỷ đàm phán với sinh viên. - Ảnh: CTV
 
  Sinh viên Hồng Kông yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ", rằng "chuyện của Hồng Kông phải được giải quyết tại Hồng Kông".

Ngày 11.10, hai tổ chức sinh viên lãnh đạo phong trào biểu tình đòi tự do bầu cử ở Hồng Kông là Liên hội Sinh viên Hồng Kông và Học dân Tư triều đã cùng công bố một lá thư được gửi đích danh đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 
 
Trong lá thư, các lãnh đạo sinh viên của hai nhóm trên cáo buộc thái độ chống đối của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đối với phản ứng của công chúng Hồng Kông chính là nguyên nhân dẫn đến phong trào bãi khóa và phong tỏa trung tâm hiện nay.
 
Theo sinh viên, quyết định của Quốc hội Trung Quốc đối với cuộc bầu cử chức Đặc khu trưởng Hồng Kông năm 2017 đến từ việc chính quyền ông Lương Chấn Anh đã không "phản ánh đúng nguyện vọng của công chúng" lên Bắc Kinh.
 
 
Sinh viên yêu cầu chính quyền đặc khu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và sửa sai trước người dân Hồng Kông, cảnh báo Bắc Kinh rằng việc sử dụng một quan chức tham nhũng (ám chỉ Lương Chấn Anh) sẽ nguy hại đến hệ thống "một đất nước, hai chế độ" và làm lung lay "giấc mơ Trung Quốc".
Tiếp đến, hai nhóm sinh viên muốn một hệ thống bầu cử dân chủ, bình đẳng phải được ban hành cho Hồng Kông.
 
Đối với chính quyền trung ương Trung Quốc, các sinh viên yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ", rằng "chuyện của Hồng Kông phải được giải quyết tại Hồng Kông, các vấn đề chính trị phải được giải quyết bằng chính trị".
 
Ngoài ra, lá thư cũng làm rõ rằng cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện nay là cuộc vận động dân chủ đòi quyền được tự do bầu cử, không phải "cách mạng màu" (như một số cáo buộc), và chính phủ Trung Quốc không nên e ngại "việc ứng cử tự do".

Đã có 300 lều của người biểu tình được dựng lên tại các con đường gần trụ sở chính quyền Hồng Kong - Ảnh: Reuters

Tối 11.10, người biểu tình Hồng Kông tiếp tục tập trung tại hai khu vực là Admiralty và Mong Kok. Phát biểu trước đám đông, thủ lĩnh sinh viên Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) nói rằng: "Cả thế giới đang theo dõi phản ứng (của Bắc Kinh)", Wong nhấn mạnh rằng người biểu tình sẽ tiếp tục bám trụ nếu các yêu cầu của họ bị lờ đi, theo South China Morning Post.
 
Sau khi giới chức Hồng Kông hủy cuộc đối thoại với sinh viên, phe biểu tình kêu gọi phong tỏa lâu dài các con đường gần trụ sở chính quyền. Đã có 300 lều của người biểu tình được dựng lên tại các con đường gần trụ sở chính quyền Hồng Kông sau lời kêu gọi phong tỏa khu vực này theo phương thức “một người, một lều”.
 
Dù - một trong những biểu tượng của cuộc biểu tình ở Hồng Kong - Ảnh: Reuters
Hiện Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cùng một số quan chức cấp cao của Hồng Kông đang tham dự một diễn đàn ở thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
 
Phong trào Chiếm Trung Hoàn của người Hồng Kông nổ ra từ ngày 28.9, theo sau một tuần bãi khóa của sinh viên, để phản đối quy định của chính quyền trung ương Trung Quốc về việc bầu cử chức Đặc khu trưởng Hồng Kông. Theo đó, một hội đồng sẽ quyết định trước 2 – 3 ứng viên cho chức vụ này, trước khi người dân Hồng Kông bỏ phiếu.
 
Hàng ngàn người, có lúc hàng vạn, đã chiếm đóng các đường phố trung tâm của Hồng Kông để phản đối quyết định này. Đồng thời, họ yêu cầu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức. Tuy nhiên, ông Lương Chấn Anh đã bác đề nghị này.