/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin Quốc tế

Jenny Erpenbeck - nhà văn Đức đầu tiên đoạt Booker Quốc tế

Từ năm 2014, ban tổ chức cho phép các tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh và được xuất bản ở Anh của các nhà văn nước ngoài tranh giải.

Jenny Erpenbeck - nhà văn Đức đầu tiên đoạt Booker Quốc tế

.

Jenny Erpenbeck có tiểu thuyết "Kairos" thắng giải Booker Quốc tế 2024, là cây bút nổi tiếng người Đức nhưng không được vinh danh ở giải văn học nước này.

Theo GuardianKairos của Jenny Erpenbeck - do dịch giả Michael Hofmann chuyển ngữ sang tiếng Anh - vượt qua năm ứng viên để giành giải thưởng trị giá 50.000 bảng, hôm 21/5. Lần đầu tiên giải thưởng được trao cho một nhà văn người Đức và một nam dịch giả.

 

Tác giả Jenny Erpenbeck (trái) và Michael Hofmann tại lễ trao giải Booker. Ảnh: David Parry

Tác giả Jenny Erpenbeck (trái) và Michael Hofmann tại lễ trao giải Booker Quốc tế. Ảnh: David Parry

Tác phẩm kể câu chuyện về mối tình lãng mạn ở Đông Đức, khi cô gái 19 tuổi Katharina tình cờ gặp Hans, một nhà văn đã có gia đình ngoài 50 tuổi. Mối tình trái ngang của họ diễn ra trong bối cảnh Cộng hòa Dân chủ Đức đang suy thoái, trải qua nhiều biến động do sự tan rã của nước này vào năm 1989.

Trưởng ban giám khảo Eleanor Wachtel đánh giá tiểu thuyết có kết cấu phong phú, các chi tiết lớp lang, khơi gợi mối tình nhiều đau khổ, vướng mắc của nhân vật. Bằng ngòi bút của mình, Erpenbeck mô tả quá trình trưởng thành của Katharina qua tình yêu và giai đoạn lịch sử khó quên của nước Đức.

Trong bài phát biểu, Erpenbeck nói: "30 năm trôi qua kể từ lúc nơi tôi sinh ra không còn nữa, đến nay tôi mới dám nhìn lại và dành thời gian tìm hiểu kỹ những gì đã trải qua, mà có lúc tôi không thực sự nhận thức được điều đó".

Trước đó, tiểu thuyết từng bị giới chuyên môn ở Đức phớt lờ. Theo Guardian, dù Erpenbeck là tiểu thuyết gia nổi tiếng, Kairos vẫn không góp mặt trong danh sách đề cử cuối cùng của một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất nước này.

"Erpenbeck trở thành tác giả người Đức đầu tiên giành được giải Booker Quốc tế kể từ khi sự kiện được thành lập cách đây gần một thập niên, khiến giới xuất bản Đức chao đảo", Guardian viết.

Jenny Erpenbeck, 57 tuổi, là con của nhà vật lý, triết gia, nhà văn John Erpenbeck và dịch giả tiếng Ả Rập Doris Kilias. Vào những năm 1990, Erpenbeck bắt đầu sự nghiệp viết lách bên cạnh công việc đạo diễn. Các quyển sách của bà thường lấy bối cảnh Đông Đức, kể về thân phận con người.

Trước Kairos, các tác phẩm nổi bật của bà gồm The Book of Words (1999), The Old Child & Other Stories (2005), Visitation (2010) và The End of Days (2014). Trong đó, The End of Days giành giải Hans Fallada (Đức) và giải thưởng Tiểu thuyết nước ngoài độc lập (Anh), đồng thời là cuốn sách tiêu biểu của tác giả cho Giải thưởng Văn học Quốc tế Neustadt ở Mỹ năm nay. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Erpenbeck - Go, Went, Gone - vào danh sách đề cử giải Booker Quốc tế năm 2018.

Một năm sau khi xuất bản tuyển tập tiểu luận Not a Novel (2020), Erpenbeck ra mắt Kairos. Tác phẩm chuyển thể tiếng Anh năm 2023, được đề cử giải Sách Quốc gia về Văn học Dịch (Mỹ).

Bìa bản tiếng Anh Kairos, 304 trang. Ảnh: Granta Books

Bìa bản tiếng Anh "Kairos", 304 trang. Ảnh: Granta Books

Erpenbeck bắt đầu viết Kairos sau lễ kỷ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ năm 2019. Tác phẩm được coi là câu chuyện ngụ ngôn về sự kiện, trong đó nhân vật Hans đại diện cho lịch sử, còn Katherina là tương lai. Giống tiểu thuyết gia Ireland Paul Lynch, người đã đoạt Booker năm ngoái cho Prophet Song, Erpenbeck có lối ngắt câu tự do, không tuân theo quy tắc nào.

Theo nhà văn, cô muốn lên tiếng cho những người dân Đông Đức, tìm kiếm tương lai tươi sáng thay vì nhìn lại quá khứ đen tối. Trong thế giới mà tiếng Anh được sử dụng nhiều, Erpenbeck kỳ vọng dẫn dắt người xem tìm hiểu lịch sử, để họ hiểu cặn kẽ những gì đã xảy ra.

Trên NPR, cây bút John Powers dành lời khen cho tác phẩm, cho biết mong đợi "Erpenbeck giành được giải Nobel trong vòng 5 năm tới". Nhà báo Dwight Garner gọi Erpenbeck là "một trong những tiểu thuyết gia tinh tế và mạnh mẽ nhất của thời đại". Times Literary Supplement viết: "Sức nặng của lịch sử, những trải nghiệm về văn hóa luôn hiện diện trong tác phẩm của Erpenbeck". Trang Kirkus Reviews bình luận: "Cách Erpenbeck xử lý các nhân vật thật tuyệt vời. Trọng tâm cuốn sách nói về sự tàn ác, những bí mật, sự phản bội và mất mát".

 

Tác giả Jenny Erpenbeck. Ảnh: The Telegraph

Tác giả Jenny Erpenbeck. Ảnh: The Telegraph

Thành công của Jenny Erpenbeck ở giải Booker Quốc tế không thể không nhắc đến Michael Hofmann. Wachtel cho rằng bản dịch của Hofmann "nắm bắt sự lập dị trong phong cách viết, tiết tấu câu văn, sự phong phú trong vốn từ vựng của Erpenbeck".

Nhà thơ, nhà phê bình Hofmann, 67 tuổi, là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất văn học Đức. Anh từng thắng giải Tiểu thuyết nước ngoài độc lập vào năm 1995 cho bản dịch The Film Explainer, tác phẩm của cha anh - Gert Hofmann. Michael Hofmann thuộc hội đồng giám khảo giải Booker Quốc tế năm 2018, khi tác phẩm của Erpenbeck vào danh sách đề cử.

Việc cộng tác với Erpenbeck đánh dấu lần đầu cả hai làm việc. "Tôi chủ yếu dịch các tác phẩm kinh điển của Đức thế kỷ 20. Lần đầu đọc Kairos, tôi thấy cuốn sách hoàn toàn tuyệt vời, không thể cưỡng lại và không thể đoán trước", Hofmann nói.

Giải lần đầu tổ chức năm 2005, trao hàng năm cho một tiểu thuyết hoặc tuyển tập truyện ngắn được viết nguyên bản bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Anh hoặc Ireland. Số tiền thưởng trị giá 50.000 bảng được chia đều cho tác giả và dịch giả của cuốn sách đoạt giải. Tác phẩm đoạt giải năm ngoái là Time Shelter của nhà văn Georgi Gospodinov, do Angela Rodel dịch.

Ngoài Booker Quốc tế, văn đàn Anh còn có giải Booker, thành lập năm 1968. Sự kiện từng được biết đến với tên Booker - McConnell hoặc The Man Booker, là giải thưởng văn chương danh giá nhất trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh. Từ năm 2014, ban tổ chức cho phép các tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh và được xuất bản ở Anh của các nhà văn nước ngoài tranh giải.

Quế Chi (theo Guardian)