/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin Quốc tế

Chuyện hai nước tranh giành một Nhà thơ

Ngày nay, các nhà Pu-skin học cũng như những người yêu thơ Pu-skin cho rằng, hai quốc gia Đông Phi này tranh giành nhau nhà thơ, dựng tượng đài tôn vinh nhà thơ là một điều tốt.

Chuyện 2 nước tranh giành một Nhà thơ

 
 
  
 

Chuyện cách nay 300 năm

Tại một vùng quê La-gon ở phía Bắc nước Ê-ti-ô-pi-a, trong gia đình một lãnh chúa địa phương, năm 1697 cậu bé A-bram Han-ni-ban chào đời. Khi vừa lên sáu, A-bram bị đội quân chinh chiến Thổ Nhĩ Kỳ hành quân qua đây bắt cóc rồi đưa về nước. Tại một phiên chợ buôn bán nô lệ ở thành phố I-xtam-bun, Xa-va Ra-gu-xn-xki – đại sứ nước Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã mua cậu rồi đem về nước dâng tặng Nga hoàng Pi-ốt Đại đế. Thấy chú bé khỏe mạnh, lanh lợi và thông minh, nhà vua Nga rất quý, đặt cho tên có phụ danh theo nhà vua, còn họ thì của dòng tộc chú bé: A-bram Pê-trô-vích Han-ni-ban. Chú được ở trong hoàng cung, làm hầu phòng cho vua, rồi về sau thành thư ký riêng của vua. Mọi công việc hằng ngày được vua giao, cậu hoàn thành tốt đẹp, được vua tín nhiệm. Cậu còn được học hành đến nơi đến chốn, ngày càng tỏ ra sáng dạ, thông minh, nhanh nhạy.
Để phát triển ngành xây dựng công trình quân sự, tới tuổi trưởng thành, Pi-ốt I đã cử A-bram Han-ni-ban sang Pháp học. Khi đã học xong chương trình theo yêu cầu, vị công trình sư Han-ni-ban trở về nước, chủ trì xây dựng các công trình quân sự phía Bắc nước Nga: Ở bán đảo Cron-stát, Rô-ge-rơ-víc, kênh hồ La-đô-ga và các pháo đài tại Xê-lê-gin-xki. Ông còn xây dựng trường học cho con em công nhân và binh lính ở Cron-stát. Đặc biệt, sau những năm xây dựng các công trình quân sự, ông đã đúc kết lại trong tác phẩm của mình “Về nghệ thuật xây dựng công trình quân sự” khi vừa sang tuổi 30 (1726) (tác phẩm này ông còn viết bằng tiếng Pháp, nhưng không dùng). Nga hoàng Pi-ốt I rất hài lòng với chàng trai gốc A-rập – châu Phi này. Năm 1759, ông được phong hàm cao nhất ngành công binh Nga: Tướng – tổng công trình sư quân sự nước Nga.

Trong hai lần cưới vợ, A-bram Han-ni-ban đã cho ra đời 11 đứa con, nhưng chỉ sống được 7. Người con trai cả là I-van A-bra-mô-vích đã phát huy được sự nghiệp của cha, có công lớn trong các chiến dịch trên biển vào thời Nữ hoàng Ê-ca-tê-ri-na II. Ông được giao xây dựng thành phố cảng Héc-xôn (1779) và cũng được phong tướng – tổng công trình sư quân sự (1776). Người con trai thứ ba là Ô-xíp A-bra-mô-vích sinh ra bà Na-đe-giơ-đa Ô-xíp-ô-vna, là mẹ đẻ của nhà thơ Pu-skin. Và nhà thơ đã có truyện “Người A-rập của Pi-ốt Đại đế” nói về ông cụ ngoại A-bram Han-ni-ban của mình.

Cuộc tranh cãi không hồi kết

Gi-o-gít Đê-brê, cán bộ của Bảo tàng Quốc gia Ê-ti-ô-pi-a kể lại: “Đã một thời gian dài Pu-skin là chủ đề chính của sự tranh cãi chính trị giữa hai quốc gia Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-trê-a (nước mới thành lập, tách ra khỏi Ê-ti-ô-pi-a từ năm 1993 -TG). Bởi chính mảnh đất La-gon và con sông Ma-reb là nơi cụ Han-ni-ban sinh ra, nay là miền biên giới giữa hai nước. Các cán bộ hoạt động văn hóa của Ê-ri-trê-a tuyên bố rằng, Pu-skin là người đồng bào của họ. Trong cuốn sách “Những nguồn gốc E-ri-trê-a của Pu-skin”, các cán bộ này đã đưa ra những chứng cứ nhằm khẳng định nhà thơ Nga này là người Ê-ri-trê-a chứ không phải người Ê-ti-ô-pi-a. Quan hệ giữa hai nước căng thẳng lên tới cực điểm khi vị bộ trưởng văn hóa nước này tuyên bố: “Chúng tôi không cho phép ai thay đổi quê hương bản địa của Pu-skin!”. Kết quả là năm 1998 đã xảy ra cuộc chiến tranh giữa Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-trê-a mà những người hài hước gọi là “cuộc cãi vã bằng cuộc chiến Pu-skin”. Nhưng thật ra thì lý do xảy ra cuộc chiến đó là hoàn toàn khác. Nhưng đây có là chuyện thật hay “đùa” thì gần đây tại thủ đô A-sma-ra của Ê-ri-trê-a bức tượng toàn thân của nhà thơ Nga đã được dựng lên. Sự việc này đã khiến người dân Ê-ti-ô-pi-a phẫn nộ: “Vậy là họ đã tước đoạt mất quyền của chúng tôi là người đồng hương của Pu-skin!”.
Vào những năm 1977-1991, thời cao trào xây dựng xã hội theo kiểu Liên Xô của Ê-ti-ô-pi-a, các chuyên viên văn hóa, các nhà Pu-skin học Xô-viết đã tới đất nước này giảng dạy văn học Nga và đặc biệt chủ yếu là thơ-văn Pu-skin. Học sinh và sinh viên nơi đây thích thú học thơ ca văn học Nga/Pu-skin, còn nhà nước Xô-viết thì không tiếc tiền chi phí cho lĩnh vực này. Các tác phẩm “Tuyển thơ Pu-skin”, “Người con gái viên đại úy”, “Ru-xlan và Luýt-min-la”, “Kỵ sĩ đồng”… của Pu-skin và cả những tác phẩm của Tôn-xtôi, Ô-strốp-xki, Trê-khốp, Sô-lô-khốp… được dịch ra tiếng Am-ha-ra với sự tài trợ từ A đến Z của Liên Xô. Thế nhưng, từ sau khi Liên Xô tan rã thì phong trào này dần dần lắng xuống. Nhưng dù sao thì cuộc chiến giành giật Pu-skin giữa hai quốc gia này cũng đã góp phần “hâm nóng” lại sự ảnh hưởng của văn hóa-văn học Nga từng một thời khá thịnh hành nơi đây.

“Đó là một người Nga linh thiêng”

Via-trê-xláp Kon-nik – Giám đốc Trung tâm khoa học-văn hóa Nga ở thủ đô Át-đi A-bê-ba nói: “Tên tuổi Pu-skin nay ít được nhắc tới với thế hệ mới ở Ê-ti-ô-pi-a. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục tình trạng này. Tại trung tâm chúng tôi có những lớp học tiếng Nga cho học sinh-sinh viên ở đây. Mặc dù hiện nay học viên chưa nhiều nhưng họ cũng thật sự thích thú đọc thơ Pu-skin. Nhà thơ vĩ đại đã kết nối tình bạn giữa các dân tộc. Điều chủ yếu là không được để mất “sợi chỉ vàng” này. Nhưng thật tiếc là ảnh hưởng của chúng ta ở đây đã bị giảm dần. Nếu đến năm 1990 có 20 trung tâm khoa học-văn hóa ở châu Phi thì nay chỉ còn 4. Chúng ta muốn được đầu tư tài chính tốt hơn cho công việc này. Mỗi lần được nghe các học viên ngâm nga thơ Pu-skin thì tôi hiểu được rằng, việc chúng tôi làm không phải vô ích…”.

Tiến sĩ Am-ba-rêu, người đã dịch các tác phẩm của Pu-skin từ thời Quốc vương Hay-đa Xê-la-xic của Ê-ti-ô-pi-a thì nói: “Đã có những người bình dân, thậm chí là có học ở Át-đi A-bê-ba nói với tôi rằng, Pu-skin đã sinh ra ở đây, làm việc ở đây rồi sau đó mới tới sống ở Mát-xcơ-va! Tranh cãi với Ê-ri-trê-a về đặt tên quảng trường và lắp tượng đài để vinh danh nhà thơ là chưa đủ. Mà cái chính là cần “phát triển”, “chuyển tải” thơ của Người tới học sinh, sinh viên. Thật tiếc là không chỉ ở Ê-ti-ô-pi-a mà ngay cả ở nước Nga cũng ngày càng ít bạn trẻ “chiến đấu” nhằm chinh phục trái tim người con gái bằng những vần thơ trữ tình Pu-skin!”.

Tuy nhiên, một số đại diện của giới trẻ lại không đồng ý với vị tiến sĩ này. Để minh chứng điều đó, cậu sinh viên 19 tuổi I-ô-ha-nức Đi-tu ở Át-đi A-bê-ba đã nói rất diễn cảm những câu từ “vĩ đại và mạnh mẽ” khi đã được học hai năm liền về nhà thơ. Đặt một bó hoa lên bệ tượng đài Pu-skin, anh ta nói: “Người dân Ê-ti-ô-pi-a công nhận rằng Pu-skin không chỉ là một nhà thơ lớn. Bà nội tôi cho rằng “đó là một người Nga linh thiêng”. Nhưng cái chính là chúng tôi không thể trả Pu-skin cho người Ê-ri-trê-a”. Rồi anh bạn ấy nghiêng người và đọc rất diễn cảm mấy câu thơ của Pu-skin mà anh tâm đắc, đã thuộc lòng: “Tôi sẽ mãi là người con yêu của nhân dân/ Những tình cảm tốt đẹp tôi gợi lên bằng tiếng nhạc/ Tôi ngợi ca tự do trong thời khắc nghiệt của mình/ Và kêu gọi lòng nhân từ với những kẻ lỗi lầm…”.

Ngày nay, các nhà Pu-skin học cũng như những người yêu thơ Pu-skin cho rằng, hai quốc gia Đông Phi này tranh giành nhau nhà thơ, dựng tượng đài tôn vinh nhà thơ là một điều tốt. Nhưng vẫn còn nhiều người trẻ thuộc thơ Pu-skin, ngâm vịnh thơ ông là điều còn tốt hơn.

NGUYỄN HỮU DY
Theo new thơidai