/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin Quốc tế

Các nhà văn cổ điển Nga với bản đảo Krym

Hiện nay, ngôi nhà của Voloshin ở Koktebel trở thành bảo tàng mang tên ông, còn mộ ông nằm trên dãy núi...

Các nhà văn cổ điển Nga với bản đảo Krym
 

Pushkin: Krym – xứ sở quan trọng và hoang vu

Aleksandr Pushkin đến thăm Krym năm 1820, trong thời gian ông bị lưu đày ở miền nam vì “những bài thơ ca ngợi tự do”. Ban đầu, bán đảo này không gây ấn tượng gì đối với thi sĩ, thế nhưng về sau, ông rất thích thiên nhiên của Krym. Đối với ông, thiên nhiên Krym là hiện thân của chủ nghĩa  lãng mạn, không phải lãng mạn kiểu bôhêm của Petersburg, mà là lãng mạn đích thực, chân chất: “Mặt trời vừa khuất bóng/ Sương chiều giăng biển xanh/ Đại dương cuồn cuộn sóng/ Xào xạc cơn gió lành”. Pushkin không phải là Pushkin nếu trong những bức thư gửi bạn bè và người thân, ông không thể hiện những nhận xét của mình bằng thơ. Trong thư, ông gọi Krym là “xứ sở quan trọng, nhưng hoang vu”, trong chuyến viếng thăm làng Gurzuf, ngoài thơ ra ông còn để lại những dòng ghi chép sau: “…tôi sống yên tĩnh, tắm biển và ăn nho. Cách nhà không xa, có một cây trắc bá; sáng nào tôi cũng đến đấy và gắn bó với nó bằng một tình cảm giống như tình bạn”.

Hiện nay, ở Krym có ba địa danh mang tên Pushkino, còn các thành phố Simferopol, Gurzuf, Saki, Bakhchisaray và Kerch đều có tượng đài của nhà thơ Nga. Ở Gurzuf, có bảo tàng Pushkin với 6 phòng trưng bày các hiện vật về thời kỳ ông sống ở Krym.

Griboedov: Ba tháng ở Tavrid, kết quả là số không

Nhà viết kịch Aleksandr  Griboedov đến Krym năm 1825, trên đường đi Kavkaz. Trong nhật ký của mình, tác giả vở kịch nổi tiếng “Đau khổ vì trí tuệ” đã để lại nhiều hồi ức về chuyến viếng thăm Krym. Trước hết, Griboedov thăm hang Kizil-Koba (Hang Đỏ), nơi đây vẫn lưu giữ dòng chữ: “A.S.Griboedov. 1825”. Nhà văn đã leo lên đỉnh Chatyr-Dag, xếp thứ 5 về độ cao tại bán đảo, đã đến thung lũng Sudak, các thành phố Feodorsia, Kerch. Hầu như  trong suốt chuyến hành trình, tâm trạng Griboedov không vui. Trong những bức thư gửi em trai, ông phàn nàn: “…thế là gần 3 tháng anh sống ở Tavrid, nhưng kết quả là số không. Không viết được gì… quá nhiều du khách biết anh qua báo chí”.

Trong nhật ký của nhà văn, xen lẫn những đoạn mô tả thiên nhiên là những suy tư triết học: “…phong cảnh ở mũi Forus cực nam tăm tối, những dãy núi hình răng cưa và hình tròn nổi lên trên nền ráng chiều màu hồng nhạt phía sau. Sự lười biếng và nghèo khổ của người Tácta”.

Trên mặt tiền của khách sạn cũ “Afiny” ở Simferopol, hiện vẫn lưu giữ tấm bảng lưu niệm với dòng chữ: “Nơi đây nhà viết kịch Nga vĩ đại Aleksandr Sergeevich Griboedov đã từng sống và làm việc”.

Gogol: Đã ở Krym. Tự bôi bẩn trong bùn khoáng chất

Rất lâu trước chuyến đi, nhà văn đã nghiên cứu lịch sử Krym. Chẳng hạn, trong truyện vừa “Taras Bulba”, ông mô tả đời sống và phong tục tập quán của một làng Krym thế kỷ 15. Gogol đến bán đảo Krym năm 1835 để chữa bệnh tại khu nghỉ mát Saki, nơi lúc bấy giờ có một bệnh viện tắm bùn duy nhất trên bán đảo.

Trong bức thư gửi nhà thơ Vasily Zhukovsky, Gogol viết: “Không đủ số tiền đáng nguyền rủa cho nửa chuyến đi, tôi chỉ đến được Krym. Rốt cuộc, hình như sức khỏe có khá hơn nhờ đi lại nhiều. Trên đường, tích lũy được vô khối cốt truyện và dự định, vì vậy nếu mùa hè không nắng nóng thì sẽ tốn giấy bút lắm đây…”.          

Gogol nằm viện một vài tuần, và mặc dù ông không thể đến thăm toàn bộ bán đảo, Krym đã để lại trong tâm hồn ông những dấu ấn sâu đậm. Không phải ngẫu nhiên mà 13 năm sau, khi sức khỏe trở nên suy sụp, ông lại muốn đến Krym. Tuy nhiên, nhà văn không thực hiện được dự định đó vì: “không kiếm đủ số tiền đáng nguyền rủa”.

Hiện nay, ở Saki, tác giả “Taras Bulba” được dựng tượng bán thân, ngoài ra hầu như thành phố lớn nào ở Krym cũng có đường phố mang tên Gogol.

Tolstoy: Hai năm sống và chiến đấu ở Krym

Lev Tolstoy đến Krym ba lần, tổng cộng nhà văn sống ở bán đảo này hai năm. Lần đầu tiên, nhà văn 26 tuổi đến thành phố Sevastopol trong chiến dịch phòng thủ thứ nhất, trong vài lần tham dự chiến đấu, ông tỏ ra rất dũng cảm. Cuối  thu năm 1854, theo nguyện vọng, Lev Tolstoy được chuyển về đơn vị tác chiến chống quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 11 năm ấy, ông tham gia đồn trú tại Sevastopol. Tại đó ông đã chứng kiến những trận đánh có tầm quan trọng lớn nhất thế kỷ. Sau đó một thời gian, ông ở hậu phương, còn từ cuối tháng 3 đến tháng 5 năm 1855, ông tham gia bảo vệ Pháo đài số Bốn nổi tiếng.

Ở Sevastopol, Tolstoy viết tác phẩm “Những câu chuyện Sevastopol”, trở thành sự kiện văn học mới thời bấy giờ. Trong đó chiến tranh được mô tả như nó vốn có, không phô trương chủ nghĩa anh hùng. Bá tước Tolstoy là một nhà chỉ huy tài giỏi, nhưng nghiêm khắc: ông cấm quân lính nói tục. Tuy nhiên, tính ngang ngạnh của ông tác động xấu tới con đường binh nghiệp: sau trận Sông Chernaya quân Nga bị thất bại, Tolstoy đã chế nhạo sự chỉ huy yếu kém trong một bài hát vui được cả tập đoàn quân Nga hát.

Chính trò tếu táo này của vị bá tước trẻ đã trở thành nguyên nhân khiến ông bị tước quân tịch, và chỉ có danh tiếng văn học mới cứu ông thoát khỏi những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Chuyến đi dài ngày lần thứ hai của Tolstoy đến Krym diễn ra vào lúc ông đã rất già. Năm 1901, nhà văn đến nghỉ ở Krym tại cung điện của nữ bá tước Panina “Gaspra”. Trong một cuộc dạo chơi, ông bị cảm lạnh, lúc đầu bệnh tưởng không nặng lắm, chẳng bao lâu nó trở nên trầm trọng đến mức các bác sĩ khuyên người thân của nhà văn chuẩn bị đón nhận tình huống xấu. Mặc dù vậy, mấy tháng liền, Tolstoy chiến đấu với bệnh tật và đã chiến thắng. Thời kỳ này, Krym trở  thành trung tâm văn hóa của nước Nga: các nhà văn lớn như Chekhov, Gorky… đã đến đây. Ngoài nhật ký, ở Gaspra, Tolstoy còn viết truyện vừa nổi tiếng “Khadzhi-Murat” và bài báo “Tôn giáo là gì và đâu là bản chất của nó”, trong đó có những dòng như: “Quy luật cuộc sống nhân loại chỉ ra rằng sự cải tạo cuộc sống của một con người riêng lẻ, cũng như cả một nhóm người chỉ có thể được thực hiện thông qua sự hoàn thiện đạo đức, nội tâm. Tuy vậy, tất cả những cố gắng của con người nhằm cải tạo cuộc sống của mình bằng những tác động của bạo lực bên ngoài là sự cổ xúy có hiệu lực nhất và là tấm gương của cái ác, và vì vậy, chúng không những không cải tạo cuộc sống mà, ngược lại, còn gia tăng cái ác - như một nắm tuyết ngày càng lớn lên, và ngày càng đẩy con người xa ra khỏi khả năng cải tạo cuộc sống duy nhất của họ”.

Tại cung điện “Gaspra”, hiện nay vẫn còn lưu giữ căn phòng lưu niệm của Tolstoy mà nhà văn đã thuê trong thời gian viếng thăm Krym.

Chekhov: Yalta là Sibir!

Nhiều người biết rằng Chekhov đã sống mấy năm ở Yalta, nhưng không phải ai cũng biết, thực ra, ông đến Krym để... chết. Sau khi phát hiện ra những triệu chứng đầu tiên của bệnh lao, vốn là một bác sĩ giàu kinh nghiệm, Chekhov hiểu ra rằng ông đang đối mặt với tử thần, và chẳng bao lâu đã quyết định đến Krym. Tại thị trấn Yalta vô danh lúc bấy giờ, nhà văn đã mua một mảnh đất nhỏ và năm 1889, ông đã xây một ngôi nhà nhỏ có biệt danh là “Biệt thự trắng”.

Nếu như ở châu Âu, Cote d’Azur (duyên hải phía đông nước Pháp) được Guy de Maupassant đặt tên là “Nghĩa địa nở hoa”, thì ở nước Nga, chính Krym đã trở thành “cọng rơm cuối cùng” đối với những người bị bệnh lao. Khí hậu ấm áp có thể kéo dài thêm một kết cục tất yếu, nhưng không ngăn chặn được nó. Hiểu rõ điều đó, Chekhov chuẩn bị làm công việc tổng kết và xuất bản tuyển tập tác phẩm của mình. Toàn bộ giới văn học Nga cũng hiểu rõ điều đó, nhiều người đã đến Krym thăm và tìm cách giúp đỡ ông.

Em gái Chekhov, Maria, cũng sống ở “Biệt thự trắng” và giúp đỡ nhà văn. Còn vợ ông, nữ diễn viên Olga Knipper (họ cưới nhau năm 1901) chỉ xuất hiện ở Krym vào mùa hè, khi kết thúc mùa biểu diễn sân khấu. Các nhà văn: Bunin, Gorky, Kuprin, Korolenko, các nghệ sĩ: Shalyapin, Rakhmaninov và các nhà hoạt động văn hóa lớn khác cũng đã đến thăm Chekhov ở Yalta. Mặc dù vậy, nhiều tháng trời lúc giao mùa, nhà văn sống trong cô độc, ông đi dạo một mình trên những bãi biển hoang vắng và những con phố của khu nghỉ mát. Nhưng tính hài hước vẫn không rời bỏ ông.

Trong những bức thư gửi người thân, Chekhov phàn nàn rằng ở Yalta báo chí đến muộn, mà “thiếu báo chí bạn có thể rơi vào trạng thái u sầu và thậm chí muốn lấy vợ”. Trong một bức thư khác, ông viết rằng “Yalta  là Sibir!”, ông mỉa mai cuộc sống ẩn dật và thanh bạch của mình ở Krym, và ký tên dưới những bức thư là “Antony,  giáo chủ  Melikhovsky, Autkinsky và Kuchuk-Koysky”. Ở Krym, nhà văn viết hai vở kịch nổi tiếng “Ba chị em” và “Vườn anh đào”, nhiều truyện dài và truyện ngắn.

Chekhov là người am hiểu cuộc sống thành phố nghỉ mát, nhiều năm liền, ông học được cách nhìn nhận mặt trái của sự vô công rồi nghề. Trong truyện ngắn “Người đàn bà và con chó nhỏ”, ông viết: “Vì biển động, tàu thủy đến muộn, khi mặt trời khuất bóng, con tàu lượn vòng rất lâu rồi mới cập bến. Anna Sergeevna giơ cặp kính nhòm nhìn lên tàu, lên những hành khách như thể kiếm tìm một người quen và khi nàng quay lại phía anh, đôi mắt nàng sáng lên. Nàng nói nhiều, những câu hỏi nàng đặt ra vội vàng, hấp tấp, nói xong lại quên ngay những điều mới hỏi, sau đó, đánh rơi mất cặp kính giữa đám đông người”.

Hiện nay ở Yalta, có một tượng đài Chekhov, còn “Biệt thự trắng” trở thành nhà lưu niệm của ông.

Voloshin: Krym giống như con cá bị ném lên bờ

Maksimilian Voloshin trở thành nhà thơ nổi tiếng của bán đảo Krym. Chào đời ở Kiev, từ nhỏ ông đã sống trên bán đảo, sau đó đi nước ngoài du học, rồi sống và làm việc ở Moskva, Petersburg, còn sau Cách mạng, ông “định cư” hẳn ở Koktebel. Trong thời gian Cách mạng và Chiến tranh Vệ quốc, ông không đứng về phe nào, ban đầu ông giúp đỡ hồng quân, còn sau đó thì quân bạch vệ. Ông đi khắp vùng Feodosia với dự định bảo vệ văn hóa Krym, còn sau đó tại điền trang của mình ở Koktebel, ông thành lập “Nhà thơ ca” nổi tiếng, cánh cửa của nó “mở rộng cho tất cả mọi người , thậm chí cả kẻ đến từ đường phố”. Trong những thời điểm khác nhau, các nhà thơ, nhà văn Nga như Mandelshtam, Belyi, Gorky, Bryusov, Bulgakov, Tsvetaeva,  Gumilyov, Zoshchenko, Chukovsky, Neygauz và nhiều văn sĩ khác đã đến đây.

Voloshin coi mình là người Krym gốc và luôn luôn bảo vệ bán đảo này trong các bài báo, tuy nhiên không phải bao giờ ông cũng đứng về phía nước Nga. Trong một bài báo ông viết: “Đã hai thế kỷ, Krym ngạt thở như con cá bị ném lên bờ”.

Hiện nay, ngôi nhà của Voloshin ở Koktebel  trở thành bảo tàng mang tên ông, còn mộ ông nằm trên dãy núi cách đó không xa, là địa điểm hành hương của những người hâm mộ thơ ca.

 

Trần Hậu (Theo aif.ru)

(Nguồn: Văn nghệ số 14/2014)