VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Những bài khác
TỌA ĐÀM “MAI VĂN PHẤN VÀ DÒNG CHẢY THƠ”
Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: Ở Mai Văn Phấn có sự “vong thân”, đó là ruồng bỏ cả cái thất bại lẫn cái thành công...TỌA ĐÀM “MAI VĂN PHẤN VÀ DÒNG CHẢY THƠ”
Nhân dịp ra mắt tập thơ “Lặng yên cho nước chảy” của nhà thơ Mai Văn Phấn, tối 5/6/2018, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội (L'Espace - 24 Tràng Tiền) đã tổ chức buổi tọa đàm “Mai Văn Phấn và dòng chảy thơ”. Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu-phê bình và công chúng văn học đã dến dự chật kín cả khán phòng. Đại sứ Thụy Điển và nhiều độc giả nước ngoài hâm mộ thơ Mai Văn Phấn cũng có mặt tham dự cuộc tọa đàm.
Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Kim Sơn - Ninh Bình, hiện sống và sáng tác tại TP.Hải Phòng. Ông đã giành được một số giải thưởng Văn học trong nước và quốc tế, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Giải Văn học Cikada của Thụy Điển năm 2017... Ông đã xuất bản 14 tập thơ, 1 tập phê bình và tiểu luận tại Việt Nam, cùng 13 tập thơ xuất bản ở nước ngoài và trên mạng phát hành sách Amazon...
Mai Văn Phấn từng làm thơ truyền thống, nhưng ông là một trong những người sớm nhận ra thơ thế giới đã viết khác, vượt thơ Việt hàng chục năm nay. Những trường phái thơ như Đa Đa, Siêu Thực, Tân Hình Thức... đã đi qua từ lâu. Vì thế, thơ Việt phải khác đi! Thơ phải như cánh đồng, các dòng chảy đi qua lắng lại phù sa... Thứ thơ Mai Văn Phấn theo đuổi tựa như đứa trẻ chạy theo mây. Đứa trẻ đuổi được một đoạn rồi ngồi mệt mơ mộng. Mây thì cứ thản nhiên bay. Thơ là vậy. Ai đuổi thì đuổi. Chẳng có ai bắt được. Nên thơ cứ hình thức này đến hình thức khác... Hiện nay ở nước ta, có thể nói thơ Mai Văn Phấn dường như đang “khiêu khích” giới làm thơ. Thơ Mai Văn Phấn cũng đang làm “điên đầu” giới phê bình thơ. Chưa ai nhận diện được Mai Văn Phấn trong dòng chảy văn học Việt. Nhưng ở nước ngoài thì thơ Mai Văn Phấn rất được đề cao, được trao nhiều giải thưởng và đã được dịch ra 24 ngôn ngữ...
Nhà thơ Mai Văn Phấn tại buổi tọa đàm
“Lặng yên cho nước chảy” tập hợp các bài thơ không quá cách tân và dị biệt, được tuyển với tiêu chí hướng đến độc giả trẻ, yêu thơ. Tập thơ mở đầu với những khúc dạo dịu dàng, trong vắt và tinh khôi. Song, với khả năng quan sát tinh tế cũng như sức liên tưởng mạnh mẽ, Mai Văn Phấn đã cho thấy sự biến hóa linh hoạt trong thơ của ông. Màn dạo đầu nhẹ nhàng khép lại, mở ra những khúc ca mang tứ lạ và độc đáo, gây bất ngờ và khó đoán định, ẩn trong mình là những lý tưởng, khát khao, những triết lý nhân sinh và những dư âm lâu dài. “Lặng yên cho nước chảy” gồm 5 phần: “Sương sớm” - những bài thơ 2 câu, 3 câu; “Thay mùa” - những bài thơ theo lối truyền thống; “Đất mở” - thơ tự do về đất đai mùa màng; “Cái miệng bất tử” - thơ cách tân với những vấn đề thế sự; “Buông tay cho trời rạng” - thơ văn xuôi và trường thi.
"Lặng yên cho nước chảy" ra mắt lần này cũng là cái duyên cho nhà thơ Mai Văn Phấn có những chia sẻ về thơ sau những thành công của ông. "Lặng yên cho nước chảy" là gì? Vài người nói, đó là sự chuyển động không ngừng của nhà thơ trong sáng tạo. Riêng Mai Văn Phấn chỉ nghĩ đơn giản thế này: Đến bên dòng nước thì nên im lặng, không nên tạo ra tiếng động gì để lắng nghe tiếng động của nước chảy, chảy mãi... Tuy vậy, để đạt được điều này như ý nghĩ của ông, thì con người phải biết yêu con người và yêu thiên nhiên. Với ông, phải lặng yên mới nghe được, thấy được, cảm được mọi thứ trong từng chuyển động li ti của cuộc sống, như “Khúc cảm mùa thu” là một ví dụ: Hóa thân giọt nước mùa hè/ Một đêm trở gió bay về với thu/ Dẫu chưa trọn kiếp sương mù/ Xin tan loãng kẻo trăng lu cuối trời/ Bao lần xanh biếc rong chơi/ Mấy lần úa rụng tiếng người vọng theo/ Thôi em! Đừng vặn! Đừng khêu!/ Đáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây/ Anh vừa đọng xuống thu gầy/ Đã đông thành đá phủ đầy rêu xanh..
Theo giới phê bình văn học, thơ Mai Văn Phấn nhìn chung mạnh về hình ảnh, đặc biệt là các yếu tố tự nhiên. Ông dùng tự nhiên để chiêm nghiệm về bản thân và soi chiếu thế giới. PGS, TS, nhà phê bình Văn Giá cho rằng: "Mai Văn Phấn là một tiếng nói quan trọng để tạo ra một thế hệ thơ ca sau năm 1975. Để định danh thơ ông không phải là chuyện dễ". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: "Mai Văn Phấn đã biến đôi mắt tôi thành đôi mắt khác thường khi đọc thơ ông". Nhà thơ,nhà phê bình Chu Thị Thơm nhận xét: "Thơ Mai Văn Phấn không “đao to búa lớn” nhưng nói được nhiều điều. Thơ anh trí tuệ, tâm linh, ma mị...". Nhà văn Văn Chinh khẳng định: "Thơ Mai Văn Phấn động chứ không tĩnh và mang tính nhân loại". Nhà phê bình trẻ Hoàng Đăng Khoa khái quát: "Mai Văn Phấn chuyên nghiệp. Ông có cái tâm thế “vô vi” ngay từ cái tên tập thơ, đến từng bài thơ. Trong thơ ông bắt gặp một nhãn quan “thiên-địa-nhân” tương giao. Mai Văn Phấn sáng tác với tâm thế không chỉ của một người sáng tác, mà là mang tâm thế của một người phê bình thơ". Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: "Ở Mai Văn Phấn có sự “vong thân”, đó là ruồng bỏ cả cái thất bại lẫn cái thành công"...
(Theo VŨ GIA HÀ, LÊ QUANG VINH & vanhien.vn)
Các tin khác
-
Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đôi khi như 'khung thành bỏ trống'2
-
Nhà thơ Trịnh Công Lộc với “Ba đoạn đời mình…”
-
Thanh Thảo cùng con ngựa thơ bất kham của mình
-
Hà Nội, con thuyền, phù sa – Tiểu luận của Hồ Anh Thái
-
Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật: Đi tìm những "con mắt xanh"
-
Nguyễn Quang Sáng: Cuộc đời sự nghiệp và phong cách sáng tác văn học
-
Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận - Hữu Thỉnh với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên': 'Nhìn lên hoa ban nở…'
-
MỘT ĐỜI NGƯỜI CHỈ CÓ MỘT QUÊ...
-
Người Thái Bình - đất Thái Bình qua ca dao, tục ngữ .
-
“Bà cô bên chồng” của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến