/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

VĂN XUÔI HẢI PHÒNG- 5 NĂM NHÌN LẠI

Chúng ta đang kết thúc nhiệm kỳ thứ hai Hội Văn học (HVH) đổi thành Hội Nhà văn (HNV) Hải Phòng.
VĂN XUÔI HẢI PHÒNG- 5 NĂM NHÌN LẠI
CAO NĂM
 
        
        Chúng ta đang kết thúc nhiệm kỳ thứ hai Hội Văn học (HVH) đổi thành Hội Nhà văn (HNV) Hải Phòng. Tuy vẫn trực thuộc Hội liên hiệp văn học-nghệ thuật (HLHVHNT) thành phố như trước đây, nhưng xem ra cái việc thay tên đổi chữ, kiểu “bình mới, rượu cũ”, không phải không có sức hấp dẫn với không ít người, kể cả người đã là hội viên và người chưa là hội viên. Vậy xem cái sự “hấp dẫn” ấy ít, nhiều đến tác động đến đâu trong 5 năm qua trên địa hạt văn xuôi.
Trước khi nói tới văn xuôi đất Cảng 5 năm qua, cũng nên nhìn ngược thời gian với độ dài hơn chút nữa, về một nền văn xuôi của một vùng đất vốn được coi là một trong những vùng sôi động nhất cả nước trên nhiều lĩnh vực.
Lâu nay, nói đến văn học đất Cảng, nhiều người vẫn cho rằng Hải Phòng chỉ mạnh về thơ, với những tác giả “đóng đinh” vào dòng chảy thi ca đất Việt, xa một chút như Thanh Tùng, Đào Cảng, Trịnh Hoài Giang, Thi Hoàng, Phạm Ngà; gẫn như Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn... Nhưng không hẳn chỉ ở thi ca, mà theo chúng tôi, Hải Phòng còn mạnh cả về văn xuôi, với những tác giả, tác phẩm xứng đáng ở đỉnh cao của văn xuôi nước nhà, thậm chí ngoài ông ra, cho đến nay cũng chưa ai vượt được sự đồ sộ về đề tài và trang in như ông. Đấy là trường hợp cố nhà văn Nguyên Hồng, với đỉnh cao là bộ tiểu thuyết “Cửa biển” 4 tập (Sóng gầm, 1961; Cơn bão đã đến, 1963; Thời kỳ đen tối, 1973; Khi đứa con ra đời, 1976) tới hơn 2.000 trang sách về chỉ một vùng đất và con người cần lao Hải Phòng. Sau Nguyên Hồng, còn một người nữa mà theo chúng tôi, ông rất xứng đáng nằm trong tốp đầu các nhà văn hiện đại Việt Nam, đấy là Hoàng Công Khanh, một người vừa được thành phố đặt tên cho một đường phố ở phường Lãm Hà, quận Kiến An, quê ông. Có thể nói, ông là một nhà văn đa tài, sáng tác thành công trên nhiều thể loại, nhất là trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử, có thể xếp ông trong số ít nhà văn ở ta có nhiều thành công về lĩnh vực này. Chỉ kể trong vòng mười năm sau đổi mới đất nước, ông đã có tới năm cuốn tiểu thuyết lịch sử được xuất bản, viết về Trần Hưng Đạo, Dương Vân Nga, Mai Hắc Đế, Nguyễn Trãi. Đấy là chưa kể một khối lượng khá độ sộ của ông ở lĩnh vực ca kịch, kịch nói, kịch thơ, truyện ngắn, ký, thơ, và cả nhạc vũ kịch. Còn nếu nhìn xa chút nữa, những năm trước cách mạng tháng tám 1945, với nhóm văn chương nổi tiếng có tên gọi “Tự lực Văn đoàn”, thì trong số cây bút chủ lực của Nhóm có tới hai tên tuổi lớn người Hải Phòng là Khái Hưng, Trần Tiêu. Nhìn xa là vậy, còn gần, chỉ kể sau năm 1975 lại đây, Hải Phòng đã đóng góp vào nền văn học đương đại nước nhà nhiều tác giả và tác phẩm được bạn văn chương cả nước biết đến, như Nguyễn Quang Thân, Chu Văn Mười, Trần Tự, Mai Vui, Nguyễn Văn Chuông, Bùi Ngọc Tấn, Đoàn Lê, Bão Vũ, Đình Kính, Cao Năm, Lưu Văn Khuê, Phùng Văn Ong, Vũ Hoàng Lâm và những nhà văn trưởng thành từ Hải Phòng nay đã mất, hoặc đang ở nơi khác. Nhiều người đạt giải thưởng cao trong những cuộc thi văn chương, hoặc giải thưởng hàng năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn văn, nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam.
Phác họa vài nét văn xuôi Hải Phòng như thế để muốn nói một điều: Hải Phòng có nền văn xuôi mạnh, chỉ đứng sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chứ không thua kém bất cứ tỉnh, thành phố nào trong cả nước. Từ đó, có thể thấy nền văn xuôi Hải Phòng hiện nay đang đứng trên cái nền vững trãi, rất đáng tự hào, và nếu cơ quan quản lý và mỗi thành viên trong tổ chức Hội nhiệt tâm, ý thức đầy đủ về trách nhiệm công dân, trách nhiệm với phong trào, chí thú chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ của thành phố, thì sẽ là một thuận lợi lớn, đánh thức tiềm năng sáng tạo của mỗi người sáng tác, đưa nền văn nghệ Hải Phòng phát triển hơn nữa.
Và đấy là niềm mong ước của chúng tôi, và có lẽ cũng là của nhiều người, trước thềm đại hội Hội LHVHNT thành phố nhiệm kỳ này. Nhưng để niềm mong ước thành hiện thật có lẽ cũng còn cả một quá trình, và từ nhiều phía. Với người sáng tác, chúng tôi nghĩ, đã đến lúc mỗi người nên nghiêm túc suy nghĩ về chỗ đứng của mình, về vị thế của Hội Nhà văn Hải Phòng nói riêng, Hội liên hiệp VHNT Hải Phòng nói chung, trong nền văn nghệ của thành phố và cả nước. Có sự nhìn nhận, so sánh mới thấy mình, thấy người, tránh cách nghĩ kiểu “Ở nhà nhất mẹ nhì con”, nhưng nếu đi mới biết “Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”, từ đó mà nổi tự ái trong người, nhất định không để người hơn mình nữa, mới được. Bởi, nếu nhìn thẳng vào tình hình sáng tác văn học nói riêng, nền văn nghệ thành phố hiện nay nói chung, thì sẽ thấy còn nhiều vấn đề rất đáng bàn thảo, và cũng không kém buồn phiền, nếu không muốn nói là thua chị kém em (tỉnh, thành bạn). Chẳng hạn như việc động viên, khen thưởng sáng tác, quanh ta các tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều có giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn địa phương; nhưng Hải Phòng ta thì chẳng những Hội nhà văn, mà đến Hội LHVHNT thành phố cả nhiệm kỳ vừa qua cũng không có nữa. Đừng nghĩ chuyện này là nhỏ, vì đây chính là môi trường, mà tạo môi trường cho người sáng tác luôn là yếu tổ khách quan có tầm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình lao động nghệ thuật.
Trở lại vấn đề văn xuôi Hải Phòng 5 năm qua. Bằng vào sự theo dõi của chúng tôi, với sự chuyển đổi tên gọi Hội Văn học thành Hội Nhà văn Hải Phòng, 5 năm qua ít nhiều đã có tác dụng tích cực, thể hiện trên một số mặt. Trước hết, về phía Hội Nhà văn, đã có sự chuyển động đáng khích lệ hướng về hội viên, động viên niềm đam mê sáng tạo của hội viên; thông qua các hoạt động của Hội Nhà văn, như cử hội viên đi trại của Hội liên hiệp, tổ chức tọa đàm xoay quanh tác phẩm của hội viên, mà vừa qua Hội đã liên tiếp mở hai cuộc tọa đàm về hai cuốn tiểu thuyết “Dòng sông chảy xiết” của Nguyễn Quốc Hùng và “Thuyền nghiêng” của Dương Thị Nhụn, ít nhiều thu hút được sự chú ý của những người nhiệt tâm với sáng tác. “Sốt dẻo” nhất là mới chiều 7/10 mới rồi, trang báo điện tử vanhaiphong.com đã khai trương, có thể coi là bước đột phá của Hội ta trong việc giới thiệu diện mạo và đội ngũ văn chương đất Cảng với bạn bè gần xa, hy vọng sẽ là một súc tác cho người sáng tạo văn chương ở Hải Phòng.
Về phía hội viên văn xuôi, theo chúng tôi, rất nhiều anh chị vẫn duy trì được niềm đam mê sáng tạo, thể hiện bằng việc thường xuyên có truyện ngắn, bút ký đăng trên báo chí, và một hai năm lại có cuốn sách ra mắt bạn đọc. Nhìn vào lực lượng, văn xuôi đất Cảng hiện nay phần nhiều là hội viên đã đứng tuổi, trẻ như Dương Thị Nhụn, Nguyễn Hoàng Lược, Nguyễn Văn Điều, Phạm Thùy Linh cũng ở tuổi trên dưới 40; còn độ tuổi từ 55-60 trở lên đang chiếm phần đông, và cũng là những người hiện nay viết đều, có người viết tương đối khỏe, thường xuyên xuất hiện trên văn đàn. Chỉ cần nhìn vào danh mục sách xuất bản hàng năm của những hội viên này cũng đủ thấy, những người cao tuổi, 60-70 trở lên, như Phùng Văn Ong, Hoài Minh, Vũ Hoàng Lâm, Nguyễn Hồng Quang, Cao Năm, Đoàn Lê, Đình Kính, Lưu Văn Khuê mỗi người đều có 1 hoặc 2, thậm chí từ 3 đến 5 đầu sách xuất bản trong 5 năm qua. Cùng với họ là những người ít tuổi hơn một chút, 40 đến 60, đang ngày càng khẳng định mình và có xu hướng giữ vị thế nòng cốt trong văn xuôi đất Cảng, như Nguyễn Quốc Hùng, Phạm Xuân Hiếu, Dương Thị Nhụn, Đỗ Hồng Vân, Nguyễn Hoàng Lược, và gần đây xuất hiện Cù Thị Thương ở Đồ Sơn. Nói về lực lượng, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề hội viên. Gần đây có ý kiến cho rằng Hội đang “già hóa”, từ đó, ít nhiều nảy sinh tư tưởng nôn nóng muốn kết nạp thêm hội viên. Theo chúng tôi, với người sáng tác, nói tới già hay trẻ chỉ là khái niệm mù mờ, bởi như mọi người đều biết, viết văn (cả làm thơ) đòi hỏi sự từng trải và vốn sống ghê gớm lắm, chẳng thế có người đã nói, biết mười viết một, chứ không thể hời hợt, nông choèn vốn sống và kiến thức mà có thể trường kỳ viết được. Thực tế trong Hội nhà văn Hải Phòng thời gian qua đã để lại cho những ai quan tâm đến lực lượng sáng tác những suy nghĩ về sự nóng vội trong xem xét kết nạp hội viên, dẫn tới, sau khi vào Hội thì gần như thỏa mãn với cái danh “nhà văn”, hầu như không viết gì được nữa, dù Hội vẫn quan tâm gọi đi trại. Vì thế mà nhìn vào danh sách Hội hiện nay rất đông, tới gần 130 hội viên, nhưng không mạnh, vì thực chất, số người còn sáng tác (văn xuôi), qua theo dõi của chúng tôi, chỉ quanh đi quẩn lại khoảng trên dưới hai mươi người. Thế nên, theo chúng tôi, tổ chức Hội nên có sự kết nối, cổ vũ hội viên hơn nữa trong hai lĩnh vực tiếp cận thực tế và sáng tác, hay nói cách khác là lãnh đạo Hội nhà văn khóa này nên hướng mạnh vào hội viên, tạo môi trường sáng tác cho hội viên, thông qua các hoạt động thực tế và trao đổi nghiệp vụ, tạo không khí chân tình, thẳng thắn, cởi mở trong hội viên để nhằm cái đích cuối cùng là tác phẩm. Động viên, tập hợp, kết nối đội ngũ những người viết văn xuôi (và thơ) phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của hoạt động Hội nhà văn Hải Phòng nhiệm kỳ này.
Để làm tốt nhiệm vụ đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất với đại hội và ban chấp hành nhiệm kỳ này một số giải pháp:
-Thứ nhất, trong nhiệm kỳ này, Hội nhà văn Hải Phòng nên mở bước “đột phá” bằng việc xét trao giải thưởng văn chương Hải Phòng hàng năm. Tiêu chí thế nào là điều sau này ban chấp hành căn cứ vào thực tế sẽ đưa ra. Nhưng theo chúng tôi, việc xét trao giải thưởng hàng năm là cần thiết, để mỗi năm lại có dịp nhìn lại hoạt động sáng tạo của mình; kịp thời động viên phong trào sáng tác mỗi ngày một chất lượng hơn; qua đó, phát hiện những tài năng mới để bồi dưỡng, bổ sung vào đội ngũ sáng tác. Cần nói rằng, giải thường chủ yếu là động viên, trọng tiếng hơn trọng miếng, bởi chúng tôi quan niệm, cha ông ta có câu “một miếng giữa làng bằng một sàng góc bếp”, nên giải không cần to mà cần thực chất.
-Thứ hai, Hội nhà văn khóa này nên khôi phục lại hội đồng hay ban nghệ thuật, mà khóa trước nữa đã có, và gọi là ban tư vấn văn, ban tư vấn thơ. Gọi thế theo chúng tôi không hợp, vì thực chất ban đó không làm chức năng tư vấn mà nên gọi là ban nghệ thuật, hoặc hội đồng nghệ thuật, bao gồm cả văn và thơ, là một bộ phận độc lập do ban chấp hành chỉ đạo. Ban này vừa làm nhiệm vụ đánh giá tác phẩm, vừa kiến nghị các mức giải và giới thiệu cấp trên quyết định giải hàng năm.
-Thứ ba, trong nhiệm kỳ này Hội nên mạnh dạn tổ chức ban lý luận phê bình để làm nhiệm vụ theo dõi tác phẩm của hội viên, đề xuất với BCH, hoặc tự ban tiến hành những cuộc trao đổi, bàn thảo hoàn toàn chuyên môn về một vấn đề nào đó trong sáng tác hoặc tác phẩm mới xuất bản. Kiểu như vừa qua đã làm với một số tập thơ và tiểu thuyết, nhưng nếu có một ban chuyên môn thì chất lượng hẳn sẽ khá hơn, vấn đề bàn thảo sẽ sâu hơn.
-Thứ tư, trong nhiệm kỳ này, BCH nên xây dựng kế hoạch dài hạn (5 năm) và ngắn hạn (1 năm) tổ chức hội viên đi thực tế sáng tác theo chủ đề hoặc địa phương, không nên để hội viên “mạnh ai nấy làm” như những khóa trước nữa, bởi mỗi ngày hoạt động của Hội và sáng tác của hội viên càng đi dần vào chuyên nghiệp, thì tất Hội phải có trách nhiệm kết nối, tập hợp lực lượng sáng tác vào một mối.
-Để tạo thuận lợi cho Hội nhà văn hoạt động theo hướng đi dần vào chuyên nghiệp, chúng tôi một lần nữa kiến nghị Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố trao quyền tự chủ cho các hội chuyên ngành; có như vậy, Hội nhà văn mới có thể tự mình điều hành giải thưởng hàng năm, huy động nguồn vốn, tổ chức các hoạt động liên kết. Muốn vậy, đã đến lúc Hội liên hiệp không nên giữ mãi thể chế quản lý cũ, mà cần thay đổi theo hướng dành quyền chủ động cho hội chuyên ngành. Vì vậy, Hội liên hiệp hiện nay nên đổi thành Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã làm. Mặt khác, ngay ở thành phố ta có hai tổ chức liên hiệp thì không có lý gì bên văn nghệ thì gọi là Hội liên hiệp, còn bên khoa học lại gọi là Liên hiệp các hội koa hoc, kỹ thuật thành phố Hải Phòng.
Hy vọng những kiến nghị trên đây của chúng tôi được Hội nhà văn và Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng chấp thuận và áp dụng ngay sau đại hội này./