/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

Trúc Thông chầm chậm tới mình

Một cuộc đời chầm chậm thầm lặng nhưng tới đích có dấu ấn, có trọng lượng.

Trúc Thông chầm chậm tới mình

Tin, ảnh: Ngân Anh 


 Sáng 9/9/2015, Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn Hóa Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm văn học: “Trúc Thông chầm chậm tới mình” nhằm ghi nhận và đánh giá đóng góp của nhà thơ Trúc Thông trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Nhà thơ Trúc Thông (ngoài cùng bên phải) tại buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có sự góp mặt đông đảo của các nhà văn,  nhà thơ, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình: Vũ Quần Phương, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh, Văn Giá, Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thanh Tâm... và sinh viên các thế hệ của khoa Viết văn – Báo chí.

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông (1940). Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Sau đó ông tham gia Ban biên tập Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là một trong những gương mặt nổi bật của nền thơ Việt Nam sau 1975 với nhiều nỗ lực làm mới thơ Việt và đã tạo được ảnh hưởng đối với một số nhà thơ lớp sau trong tiến trình đổi mới thơ ca như: Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc và nhiều nhà thơ khác...Các tác phẩm chính của Trúc Thông: Chầm chậm tới mình, Maratong, Một ngọn đèn xanh, Vừa đi vừa ở. Gần đây nhất, một tuyển thơ  mang tên “Trúc Thông thơ” (NXB Hội nhà văn, 2015) vừa ra mắt bạn đọc.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn, người đã theo dõi thơ Trúc Thông trong hơn 20 năm qua hình dung Trúc Thông như “ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ”, một thi sĩ dấn thân say mê vẻ đẹp của cái mơ hồ để mang về sự tinh khiết, trong vắt của nó. Chu Văn Sơn cho rằng Trúc Thông chỉ thực sự là Trúc Thông khi chiến tranh đã khép lại. Đó là tiếng thơ “cảm thương” thời hậu chiến đầy đổi mới, cách tân. Tư tưởng xuyên suốt thơ Trúc Thông gói gọn ở chữ “trong”, một người nghệ sĩ lọc trong của cuộc đời rất tạp. Liên tưởng đến hội họa, nhà phê bình Chu Văn Sơn nhấn mạnh khả năng tài tình của tác giả trong việc “vẽ tranh trên lớp lụa ngôn từ”.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng thơ Trúc Thông nổi bật ở 3 đặc điểm: Thứ nhất thơ ông mang tính nhạc, thứ hai thơ Trúc Thông không phải là tiếng nói tuyên truyền, cổ động mà sử dụng tư duy để nâng những thứ giản dị đời thường thành vẻ đẹp lấp lánh trí tuệ và cuối cùng là hình ảnh thơ được nói bằng biểu từ.

Đồng ý với nhà thơ Vũ Quần Phương về âm nhạc trong thơ Trúc Thông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn chỉ ra sự trau chuốt ngôn ngữ của tác giả và thẳng thắn đưa ra quan điểm về sự ảnh hưởng của thơ Hàn Mạc Tử đối với Trúc Thông nhất là hình ảnh trong bài thơ nổi tiếng Bờ sông vẫn gió.

Không đi tìm những đổi mới về thi pháp, câu chữ, nội dung, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn chia sẻ thơ Trúc Thông trong cái nhìn của ông có 3 nghịch lý: Về mặt tốc độ “chầm chậm”, hình ảnh một con người đời thường lẫn một thiền sư, đặc biệt thơ ông thấp thoáng hình ảnh Nguyên Ngọc...

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy ngắn gọn chỉ ra cách tân lớn nhất trong thơ Trúc Thông ở mặt ngôn ngữ: Tôi cho rằng động cơ và động lực của Trúc Thông trong việc cách tân ở chỗ thay đổi quan niệm ngôn ngữ thơ: Từ ý niệm ngôn ngữ công cụ, ngôn ngữ mang nghĩa tiêu dùng đến việc xác lập ngôn ngữ là bản thân thơ. Ngôn ngữ đó sáng tạo ra nghĩa mới, nghĩa ra bài thơ tạo ra”.

Hầu hết các ý kiến của cử tọa đều trân trọng, ghi nhận đóng góp quan trọng của thơ Trúc Thông trong đời sống thơ ca Việt Nam đương đại. Một con người “sống chết vì thơ”, say mê tìm kiếm hình ảnh những “phận người chìm khuất mà cao trong”, một cái tôi khao khát vươn tới đa thanh đa sắc... Một cuộc đời chầm chậm thầm lặng nhưng tới đích có dấu ấn, có trọng lượng.
Theo hoinhavanvn