/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

NHÀ BÁO PHẠM DOÃN THẮNG VÀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC THƠ TRONG “GIỌT NẮNG ĐỜI TA”

Tôi nâng niu cái dung dị, cái Đẹp này, được gạn lọc, chắt chiu từ bạn bầu, tri kỷ.

    NHÀ BÁO PHẠM DOÃN THẮNG VÀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC THƠ TRONG  “GIỌT NẮNG ĐỜI TA”

                                           Nhà thơ KIM CHUÔNG  

 .

        Trong số những nhà văn, nhà báo, những gương mặt “trí thức văn nghệ sĩ” của quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh bảo, Hải Phòng. Cùng với Thi Hoàng, Trung Trung Đỉnh, Tô Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Minh, Nguyễn Xuân Hải, Trương Thiếu Huyền ... Nhà báo Phạm Doãn Thắng là người tôi kết thân, quý yêu và nể trọng.   

         Với hơn tám mươi năm đi trong “cõi vô thường,” cuộc đời Phạm Doãn Thắng có khác chi tia nắng đã sáng lên. Đã tỏa rạng. Đã lưu lại trước không ít nổi chìm, không  ít quặn se, vật vã để đi tới “Năm tháng - Bến bờ” thật êm xanh, thật đáng nâng niu, trân quý.

         Sinh ra tại Làng Nả Kiên, xã Hiệp Hòa, Vĩnh bảo, Nhà báo Doãn Thắng, người con trai đất Cảng Hải Phòng, được ông trời phú cho cái dáng thư sinh. Nét “điển trai,” thông minh, mẫn tiệp ở gương mặt đầy, sáng. Ở miệng cười, giọng nói. Với nết khiêm nhường, dễ làm nên sức cuốn say, với bạn bầu, tri kỷ.

         Cụ thân sinh Doãn Thắng là ông già phúc hậu. Dáng văn quan, võ cách. Cụ có thân hình to như Hộ pháp. Trực tính. Nóng. Nhưng, trọng Nho học và tôn thờ văn chương, chữ nghĩa. Thân mẫu ông lại là một bà mẹ nhân từ, đôn hậu, sống trong chiều sâu của tâm tình, độc thoại.

          Đi trong nội lực. Với sẵn “tính trời phú.” Từ thưở nhỏ, Phạm Doãn Thắng đã thích vượt “vòng cương tỏa.” Thích chu du. Thích “tự mình tìm xem gương mặt mình” là gì? Trong khát khao, mơ ước. Bởi thế, từ khi mới hơn chục tuổi đầu, Phạm Doãn Thắng đã bỏ nhà, lang thang khắp Kiến An, Đồ Sơn, Hải Phòng rồi ngược về tận miền đất Lào Cai, nơi “rừng thiêng nước độc.”

           Chàng trai còn nhỏ yếu, chưa đủ sức vóc này, vừa lao động, vừa làm thuê kiếm tiền, đi học. Công cuộc đòi hỏi rất nhiều thử thách ở cơ bắp để có miếng cơm, manh áo, để có “sức” công phá, đào tìm lấy ánh sáng cuộc đời từ trên những trang sách là lối mở thật đáng khen cho cậu bé mang ý chí mạnh mẽ và quyết liệt trên con đường lận lội “tìm mình.”

         Năm 1959, sau khi rời trường Cấp Ba phổ thông, Phạm Doãn Thắng xung phong gia nhập quân đội. Anh trúng tuyển vào Bộ đội Công an Nhân dân Vũ trang Lào Cai. (Nay là bộ đội Biên phòng.)

         Gần chục năm trời lận lội trên khắp miền Tây bắc. Khi trèo đèo lội suối. Khi ngủ lại đêm rừng. Khi trong đội cơ động suốt ngày cưỡi trên lưng “Ngựa Mông cổ” thiện chiến. Khi chạy đứt hơi theo “Chó Đức.” Khi rong ruổi theo “Chim Bồ câu đưa thư” ... Để tiễu Phỉ hay săn tìm gián điệp, biệt kích ...
.

        Có lần, cả đơn vị với hơn hai trăm chiến sĩ, chỉ có Phạm Doãn Thắng với một Thượng sĩ khác dám xung phong đóng “giả biệt kích” để luyện tập trong chiến thuật đánh nhau với Chó. Thắng phải đánh “Chó Đức,” nặng sáu bảy mươi cân. Một mình Thắng thấp bé phải chống đỡ quyết liệt. Vậy mà anh đã chiến đấu dai dẳng tới nửa tiếng đồng hồ. Khi thấy nguy kịch, chỉ huy và “Cảnh khuyển” phải ra lệnh dừng lại, Thắng mới chịu “đầu hàng.” 

         Nhiều công việc gian nguy, vất vả là vậy. Nhưng, với Phạm Doãn Thắng, người lính mang trên vồng ngực mình con tim  mộng mơ, đã đốt lên trong anh sức lửa. Một tiếng chim kêu. Một tiếng suối rừng. Một dáng em người Thái, người Mông ... đi dưới vạt đồi chiều nắng ... Tất cả đã quyện hòa trong cái cảm, cái rung, cái nghĩ, để cuối cùng “thi tứ” cứ vang lên, cất cánh. Cứ bay bổng trong câu chữ gọi về. Và, Phạm Doãn Thắng đã viết. Anh viết báo. Viết Văn. Viết thơ để giải thoát, để lấp đầy cái “khoảng trống hồn mình” trước bao la vọng vang nơi ngoại giới ... Viết để tự mình cất dấu trong “ngăn kéo riêng mình” bao nhiêu tâm tình thầm kín.

        Từ 1965, Phạm Doãn Thắng đã là Cộng tác viên chính thức và xuất sắc của Báo Công An vũ trang nhân dân.

       Năm 1970, anh trở về Báo Lai Châu, một Tờ Báo của Cơ quan ngôn luận tỉnh Đảng bộ, với vai trò là một Phóng viên, một Biên tập viên. Anh là tác giả của những bài viết gây được nhiều ấn tượng với sự quan tâm của đông đảo công chúng bạn đọc.

      Cuối năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Phạm Doãn Thắng trở về đất Mẹ - Hải Phòng. Anh công tác ở Sở Thể dục Thể thao. Ở Ban Kinh tế mới. Ở Văn phòng thường trực – Đại diện Báo Nhân đạo và Đời sống, phía Bắc duyên hải - Hải Phòng, suốt năm tháng đã ở tuổi nghỉ hưu...

      Phải nói, “Nghiệp Báo” luôn song hành cùng Phạm Doãn Thắng. Tên tuổi Phạm Doãn Thắng vẫn in đậm dưới nhiều bài viết, khẳng định một cây bút xông xáo, tung hoành trên nhiều mặt của đời sống xã hội, với những phát hiện, kiến giải khá sắc bén, mang chiều sâu và tầm vóc của một “nhà báo dày dạn, có nghề.”  

        Rõ ràng, Phạm Doãn Thắng gắn đời mình với báo chí nhiều hơn. Anh yêu thơ, sáng tác thơ. Nhưng, Nhà báo này luôn khiêm nhường, không dám nhận mình là “Thi sĩ”. Là “Hạt mầm” nhỏ nho đứng nơi “bìa rừng” của “Quả núi Thi ca” đất nước.

       Tuy vậy, tình yêu văn chương nồng nàn và say đắm, dễ mấy ai sánh kịp “Người thơ” luôn hồn nhiên, tươi trẻ, nơi quê hương đất Trạng ?  Bởi, Phạm Doãn Thắng luôn ý thức rằng. “Thơ là hình ảnh thứ hai của thế giới thứ nhất. Thơ - Là chân trời một người mở ra chân trời tất cả. Thơ là sự cao vời của cái Đẹp. Cái Tâm hồn – Trí tuệ, luôn thăng hoa, phát lộ, hướng con người vươn tới cái giàu có hơn, cao Đẹp hơn, trong ý nghĩa nhân sinh  ...”

       Chả thế, từ những năm 1969, khi đang chiến tranh, bom đạn ngút trời, Phạm Doãn Thắng vẫn bỏ ra ba ngày tìm về quê hương “Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa” để biết và viết về “thần đồng thơ” ấy.

       Rồi, năm 1972, anh xin theo học lớp Viết Văn  tại Quảng Bá mà nhà thơ Tế Hanh làm Hiệu trưởng. Trước đó nữa, năm 1971, Phạm Doãn Thắng cũng đã “lều chõng,” theo nhà văn Mạc Phi về trại viết văn, mở ở Lai Châu với hàng tháng trời “chiến đấu” trước Cây đèn – Ngọn bút – Và, Trang sách.

      Năm 2013, khi đã ở tuổi 75, Phạm Doãn Thắng vẫn tham dự Khóa 7, lớp bồi dưỡng Viết Văn, của Trung tâm Bồi dưỡng Viết Văn Nguyễn Du, Hội Nhà văn Việt Nam.

       Tôi quý yêu Phạm Doãn Thắng từ những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước. Buổi ấy, từ Hải Phòng, ông tìm đến thăm tôi trong căn nhà tập thể của Hội văn học Nghệ thuật Thái Bình. Tôi đã cùng Phạm Doãn Thắng, Nhà báo Hồng Hải, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Lập, Nhà báo, Luật gia Nguyễn Mạnh ... có chuyến đi thực tế về thăm Khu Công nghiệp Việt Trì, Phú Thọ. Mấy anh em chân lấm bụi đường, bầu rượu túi thơ. Giao lưu. Làm việc. Ở ăn ... hợp người hợp nết.

        Chuyến đi nhớ đời với bao nhiêu kỷ niệm đẹp nữa. Khi Tôi. Phạm Doãn Thắng cùng Nhà báo, nghệ sĩ Quay phim Hồng Hải thăm Khách sạn Mường Thanh, Bệnh viện Điện Biên, Nhà máy Xi măng Điện Biên. Những đêm nghỉ gần khu làng mới, huyện Mường Lay xa lắc, nơi vừa mới di dân, chứng kiến một vùng núi rừng sôi động.  

         Tôi đọc thơ Phạm Doãn Thắng và động viên Nhà báo này ghi lại những “khoảnh khắc đời người” đã có.

         Vâng. Thơ Phạm Doãn Thắng, quả thực, là những “vần thơ kỷ niệm.” Thơ viết cho mình. Tác giả chưa hình thành ý thức của người cầm bút từ cảm thức, tự thức. Thơ ông là khoảnh khắc vụt hiện. Là những mảnh lấp lánh. Là hạt nhỏ phù sa lặng thầm từ đâu đó bỗng gọi về, bỗng ánh lên hương sắc.

                Khẳng định đầu tiên ở Phạm Doãn Thắng là, người viết này mang trong mình trái tim thi sĩ. Bởi, sự mê say, run rẩy trước những gì là “Ái, ố, dục...” đều tạo nên va đập, đều vang lên trong ông niềm tri kỷ. Ví như, Khi lên Đồi A1. Khi đến Mường Lay, Mường Trà. Khi thăm Đền Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi đi Hội chùa Keo .v.v...

         Giống như nhiều người làm thơ khác, Phạm Doãn Thắng luôn cậy nhờ vào trực giác. Trực giác để ngắm nghía. Trực giác để cảm, để nghĩ. Để lấy trực giác ấy mà vịn vào cảnh và sự, mà tìm lấy cái “Tình.”

         Cái hay ở thơ Phạm Doãn Thắng là “cái thật.” Cái thật của hiện thực đời sống. Cái thật của cách nghĩ, cách nói. Cái thật của tình người.

        Những bài viết về bố, về mẹ, về con là những chấm phá, đơn sơ mà xúc động. Câu thơ : “Lấy chồng từ thưở mười ba/   Mặt chồng chưa rõ, mẹ cha đặt bày/   Đồng xa lận lội tối ngày/   Chồn chân giã gạo, mỏi tay băm bèo ...”  Hoặc :  “Mẹ đi xa đã muời năm/  Con như thấy mẹ đang nằm nghỉ ngơi/    Gối chăn còn ấm hơi người/   Cối trầu, vôi thuốc vẫn nơi bên giường/   Nhưng mà, mơ đấy mà thương/   Mẹ tôi về với khói sương thưở nào.” 

              Hoặc : “Hôm nay hai tám Tết rồi, Mẹ đi lặng lẽ không lời trối trăng/  Hai chín tiễn mẹ ra đồng/   Con ôm mộ khóc, nghe lòng bão giông” ...

         Rõ ràng, hình ảnh đời sống bước vào hình ảnh thi ca còn nguyên nét chân mộc, nó chưa được “ảo hóa,” “hình tượng hóa” qua ví von, liên tưởng. Nhưng, cái thật vẫn làm nên sức mạnh, tạo hiệu quả, hiệu ứng với người đọc, thế này : “Năm nay bố chín mốt rồi/    Bố đi không để lại lời trối trăng/   Con thì tóc bạc, răng long/   Đường xa một bóng long đong kiếp người”...

          Phạm Doãn Thắng có hai cô gái xinh đẹp và thành đạt. Cô gái đầu lòng, Phạm Thúy Hải là Thạc sĩ Luật. Phạm Hải Châu, cô gái thứ hai là Tiến sĩ Triết học. Người đàn ông đa đoan duyên phận này, từng gánh trên đôi vai nỗi nhọc nhằn của tháng năm tuổi trẻ,  nuôi con ăn học, thành người. Ông là người cha hiền lành, đức độ. Giàu nhân ái, yêu thương. Bài thơ ông viết tặng Doãn Châu, cô con gái thứ hai. Những vần thơ chân thành mà cũng dễ làm ta cay cay nơi khóe mắt : “Nhớ con không phút nào nguôi/   Thương con, bố chịu một đời khổ đau/   Chẳng ai hiểu được bố đâu/   Bố tin Hải, với tin Châu mai ngày/    Con là quả chín cầm tay/   Bố như nắng đổ, mưa rây ... lặn chìm” ...

         Rồi, đây là bài thơ tặng Hải, cô con “gái riệu,”đầu lòng :  “ Hôm nay, hai ba, tháng Năm/   Thoắt thôi, Hải đã hai nhăm tuổi rồi/   Chẳng còn bé bỏng trong nôi/ Chẳng còn dại dột như thời ngây thơ/   Bố mong từng phút từng giờ/   Con thuyền xanh, câp bến bờ xa xanh ...”

          Trong tập thơ được tập hợp, chọn lựa, cùng với những bài ghi lại dấu ấn tháng năm đi qua khi là lính, khi ở rừng, khi làm nhiệm vụ chiến đấu... Phạm Doãn Thắng giành nhiều trang viết cho bạn bè, anh em, hay những thú chơi, những sinh hoạt thường nhật của “cảnh và người” trong năm tháng “điền viên, ẩn sĩ”.       

        Lẽ ra, từ những thi liệu giàu có ấy, cái gốc của “Tâm thi,” của người viết phải sáng dậy những hình hài. Phải được “cá thể hóa” ở hình ảnh, hình tượng qua cái cảm, cái gợi. Nhưng, Phạm Doãn Thắng đã tự sự, đã trực tả, đã kể. Nhiều câu thơ tĩnh, cứng làm thiếu đi cái “động,” cái loang thấm, chảy dài. Tuy vậy, trước cái tuổi giàu trải nghiêm, Phạm Doãn Thắng cũng có được “câu thơ hay” ở chiều sâu, suy ngẫm : Ví như :

         Quê hương lắm bậc hiền tài

         Lắm em môi thắm, lắm trai lực điền

          Còn tôi mơ mộng, hão huyền

          Về quê, không bạc, không tiền... Bơ vơ.

Hoặc :

      Tôi về Tiền Giang, Hậu Giang

       Tìm em. Em đã vội sang với đò

        Mộng mơ theo giọng ca hò

         Tôi như tăm cá đi dò sông sâu

Hoặc :

    Ở bên nhà sách thi nhân

    Ta như sở hữu ngàn cân vàng mười

    Vẫn chưa sánh được nụ cười

     Và đôi mắt ấy của người ta thương

Và :

     Đời ta như thể con thuyền

     Lênh đênh không bến khắp miền sông xa

     Một mình chèo chống phong ba

     Chỉ mình ta

     Với riêng ta

      Một thuyền ...      

                                (Vân vân và vân vân...)

 

     Thưa bạn đọc. Thưa Phạm Doãn Thắng, tiên sinh.

    Tôi muốn trở lại những gì đã nói ban đầu khi khép lại trang viết này, kính dâng lên Nhà báo, “Thi nhân” : Phạm Doãn Thắng.

     Cùng bạn bầu trên cuộc đời “tôi có,” ông là người tôi đem lòng kính yêu, nể trọng : Một tâm hồn – Một Con người – Một khoảnh khắc của những gì từ tâm tình chân thành, chân mộc, ông đã gửi vào thơ.

     Tôi nâng niu cái dung dị, cái Đẹp này, được gạn lọc, chắt chiu từ bạn bầu, tri kỷ.

                                               Quê Trạng Trình - Vĩnh Bảo, một ngày Thu, 2018

                                                                                      K.C