/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

MỘT LỐI KỂ CHUYỆN DUNG DỊ, THOÁNG ĐÃNG

Dẫu còn đôi “hạt sạn”, thì “Cúc muộn” vẫn là tập truyện ngắn đánh dấu bước tiến của nhà văn Vũ Thảo Ngọc...

MỘT LỐI KỂ CHUYỆN DUNG DỊ, THOÁNG ĐÃNG

(Đọc tập truyện ngắn “Cúc muộn” của Vũ Thảo Ngọc-nxb Hội nhà văn, 2014)

 CAO NĂM



     18 truyện ngắn với gần 300 trang in, khổ 13 x 20,5 Cm, “Cúc muộn”, tập truyện ngắn của nhà văn Vũ Thảo Ngọc, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014 như những mảnh đời thường gặp tưởng chỉ thoáng qua, nhưng lại để lại nỗi ám ảnh, day dứt không dễ nguôi trong lòng người đọc. Bởi đó là những gì thời gian không dễ xoa dịu, vì nó đã nằm sâu đâu đó trong con người và trường tồn cùng năm tháng, nhưng bình thường khó có thể nhận ra, chỉ đến lúc gặp sự bất trắc, điều trớ trêu hay cần một nghị lực “vượt lên chính mình”, thì mới sực nhớ tới, âm ỉ và dữ dội khuấy động tâm can, để từ đó như một sự thức tỉnh lương tâm.

     Truyện ngắn của Vũ Thảo Ngọc không nói điều gì to tát, không đưa ra một triết luận hay đúc kết một kinh nghiệm từ cuộc sống, như hay gặp trong tác phẩm của một số người, mà chị chỉ tưng tẩy kể câu chuyện đời thường về một quãng đời, có khi là một mẩu đời, với những số phận mới đọc cũng không có gì “khúc khủy”, đôi khi còn tưởng “thông đồng bén giọt” là khác; nhưng càng đọc, càng nghĩ mới thấy đời người quả lắm truân chuyên, và vượt lên được nỗi truân chuyên ấy để sống cho thật là mình mới là điều mà tự trong đáy lòng mỗi người phải giành giật, bứt phá. “Đêm nhớ” là một dạng như thế. Chỉ khoảng bốn nghìn chữ, truyện ngắn như một cuốn phim lúc cận cảnh đặc tả chân dung, lúc lại lia ống kính ra thật xa, đến cả hàng chục năm, để ngoắt một cái lại đưa người đọc trở về thực tại, nhưng mạch truyện vẫn rủ rỉ, dung dị, không buồn nhớ tiếc thương đến nẫu lòng, cũng không nặng lời nhiếc móc nhau ầm ĩ, dẫu trong hoàn cảnh bà Hương mãi cuối đời mới biết ông chồng “phụ tình”, lại có con riêng, thì cũng rất dễ “còn anh không còn tôi”, mà vẫn cồn cào, day dứt trong lòng, nhưng lại nhân ái, bao dung như một sự tất nhiên ở đời không hành xử thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng, con cái. Truyện viết nhiều tầng, nhiều lớp đan cài với những chi tiết, tình huống thoáng đọc tưởng vô lý, nhưng đọc tới phần sau lại bỗng nhận ra sự tài hoa của nhà văn  khi “ém nhẹm” chi tiết như đặt “mìn hẹn giờ” chờ thời gian phát nổ, tạo bất ngờ cho người đọc, nhất là ở phần cuối với một cái kết mở khá hay. Vì thế, “Đêm nhớ” tuy hơi dài vẫn có sức cuốn hút người đọc.

     Một ký ức thời chiến nhưng lại được triển khai trong không khí hiện tại, truyện ngắn “Cúc muộn” được xây dựng theo lối đa tầng, từ thực đến ảo, lại từ ảo trở về thực, như một lời nhắc nhở người ta có cuộc sống nhà cao cửa rộng, phố xá tấp nấp hôm nay cũng nên dành phút nghĩ suy về chính cái nhà mình đang ở, cái chỗ mình đang đứng, để từ đó biết giữ gìn, tôn trọng những kỷ niệm, những ý thích, dù là rất nhỏ, một thời đam mê, theo đuổi. Vận dụng tối đa ưu thế của cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (tôi), “Cúc muộn” dựng nên một khung cảnh đô thị mới với san sát nhà tầng và những căn nhà như “biệt thự” liền kề; thế nhưng hàng xóm liền nhà nhau mà không mấy khi gặp mặt nhau, thậm chí có lúc muốn nói chuyện với nhau cũng phải “qua khe song sắt cửa bảo hiểm”. Con người thời hiện đại với nhà tầng, tiện nghị đầy đủ, nhưng nhiều lúc lại thấy mình như bị “cách ly” với thế giới bên ngoài. Đến nỗi “tôi” (nhân vật chính) nhiều khi thèm nhìn về cái làng êm đềm bên sông Tô và đi giữa cánh đồng làng chân lúa chen dầy, thơm mùi no ấm, nhưng đâu có được. Ngay một sở thích nhỏ là được thấy màu hoa cúc dìu dịu mùi thơm mà xưa kia, khi còn ở làng vẫn ra đồng hoa chăm chút, ngắt hái, mang đi bán ai cũng thích mua hoa làng Mễ, thì giờ làng thành đô thị, chứ đâu còn tên làng Mễ như xưa. Nỗi nhớ làng, nhớ mùi hoa thơm dịu khiến “tôi” rời nhà cao tầng đi bộ xuống khu ruộng phía xa mà từ căn nhà bảy mươi mét vuông đã một vài lần nhìn thấy hình như dưới ấy có loài hoa cũng vàng vàng như hoa cúc. Bởi, từ mấy mươi năm nay hình ảnh màu hoa cúc vàng đã nằm sâu trong ký ức của “tôi”, một người sinh ra từ làng hoa, rồi khi bộ đội, bị thương nằm trạm xá dã chiến, đang đêm bỗng như thấy có mùi hoa, liền dậy theo hướng mùi hoa để được đến tận nơi hít hà thứ hoa dịu êm, quý phái từng gắn bó với những ngày ở quê hương. Nhưng vừa rời trạm xá vài bước đã bị cô ý tá phát hiện và bắt quay lại ngay. “Tôi” đành hậm hực quay vào, trong lòng giận cô y tá vô cùng. Nhưng thực ra khi ấy cô đang cảnh giới địch, thấy người ra là quát quay lại; còn “tôi” nếu không có cô ý tá bắt quay lại, biết đâu tự mình dấn thân đến chỗ chết. Từ đấy, trong ký ức “tôi” những năm ở chiến trường có thêm một kỷ niệm đang đêm thấy mùi hoa cúc và một cô gái có tên Loan luôn ám ảnh trong lòng. Thế nên khi đứng giữa vùng xanh rau màu lại có cả màu vàng của hoa cúc, và may sao lại gặp người trồng hoa là một cô gái vui chuyện đã kể cho nghe về khu đô thị này, xưa là trận địa phòng không của “chúng em” từng bắn rơi “thần sấm, con ma” Mỹ đấy. Và thật bất ngờ khi chính nơi mình đang sống lại ẩn chứa bao điều kỳ diệu mà chỉ cần chạm đến, dù một thứ rất nhỏ, cũng làm bật dậy ký ức một thời, nhất là khi hỏi ra, cô gái đang kể chuyện đồng hoa, lại chính là em cô y tá Loan năm xưa. “Cúc muộn” là một truyện ngắn hay, đáng để đặt tên cho tập sách.

     Tôi cũng muốn nói tới những truyện khác trong tập “Cúc muộn” mà đọc xong cứ ám ảnh mãi, chẳng hạn như “Bay trong bấn loạn”, “Gã thầu khoán nghiệp dư”, “Biển đêm”, “Nàng dâu thời @”…  Nhưng để bạn đọc hiểu kỹ hơn về một lối kể chuyện dung dị, có duyên và thoáng đãng của Vũ Thảo Ngọc, tôi muốn dừng lại ở truyện “Trong ngõ ngoài làng” viết về vấn đề “nóng” trong nông thôn, đó là việc người đi lao động nước ngoài. Qua truyện ngắn này, một lần nữa thấy rõ trách nhiệm công dân trong nhà văn. Bởi chị dám đi vào vấn đề mang tính thời sự gắn chặt với số phận mỗi người, mỗi gia đình nông dân, để từ đó giúp người đọc, và cả các cấp lãnh đạo, tìm ra giải pháp làm sao vừa đưa được nhiều nông dân, nhất là ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, đi lao động nước ngoài, vừa bảo đảm hài hòa cuộc sống và hạnh phúc những gia đình có người đi lao động xa. Truyện mở ra không khí làng quê náo nức góp công, góp của làm lại đường làng, ngõ xóm cho khang trang, sạch đẹp hơn. Bởi làng Mễ xưa nghèo nên đường mới nhỏ hẹp, lầy thụt khó đi, chứ làng Mễ bây giờ đã có tới hàng trăm người đi lao động nước ngoài tháng tháng gửi về bằng tiền đô-la, thì sao phải để đường xá lầy lội như trước nữa. Một cuộc quyên góp tiền làm đường diễn ra sôi nổi, và cũng từ đây, người đọc có thể thấy rõ cái bộn bề, phức tạp ở nông thôn thời hội nhập. Mà rõ nhất là ở hai đôi vợ chồng anh Ngọt có vợ đi Tây và chị Thục có chồng đi Tây. Chuyện riêng hai nhà, nhưng không còn là của hai nhà, mà thành chuyện của cả làng Mễ, và của bao làng quê ta nữa, một khi, người đi thì mau chóng “ăn nhập” lối sống bên Tây, nên dù chồng con ở nhà vẫn chỉ vài ba tháng gửi về mấy trăm “đô” và “a lô” thăm hởi một, hai lần, chứ nói đến về quê hương bản quán thì chỉ ư hừ cho qua. Còn người ở nhà, thì đúng là có tiền người đi Tây gửi về cũng làm đổi thay cuộc sống, nhưng đồng thời cũng nảy sinh biết bao tiêu cực từ cờ bạc, tướng số, nhẩy nhót, ma túy, trộm cướp và cả quan hệ tình ái lăng nhăng như trường hợp anh Ngọt và chị Thục làm tan nát gia đình. Truyện như hồi chuộng cảnh tỉnh những người ôm giấc mộng làm giàu mà quên tập quán, lối sống chan chứa nghĩa tình làng xóm.

    Sau 5 năm, kể từ khi tập truyện ngắn “Búp bê gỗ gỗ” (2009) ra đời, lần này nhà văn Vũ Thảo Ngọc lại cho ra tập “Cúc muộn”, so với tập trước, ở tập truyện này chị có bước tiến khá rõ trong cách dựng truyện, dẫn truyện, bớt đi sự dông dài, lan man mà tập trung vào mạch chính, nhân vật chính, với những tình huống, chi tiết sống động, tạo được bất ngờ, gây sự chú ý cho người đọc. Với một lối kể chuyện dung dị, có duyên và thoáng hoạt, Vũ Thảo Ngọc tạo được phong cách truyện ngắn riêng cho mình, đọc truyện của chị như luôn tìm thấy sự mới mẻ trong ý tứ và không khí truyện, cách dẫn truyện lại đa tầng, nhiều lớp và giàu chi tiết sống động. Nhưng chị cũng nên chú trọng hơn trong việc xây dựng nhân vật sao cho có hình hài, tính cách, số phận rõ nét và một cách ứng xử phù hợp hơn với đời sống nhân vật. Trong một vài truyện chị cũng nên bớt đi sự dẫn dụ đôi khi không cần thiết với đời sống nhân vật, làm cho truyện dẫu nhiều chi tiết mà vẫn gọn và đậm đặc, lắng sâu thì độ đồng đều giữa các truyện trong một tập sách sẽ bớt sự trênh lệch về khoảng cách. Dẫu còn đôi “hạt sạn”, thì “Cúc muộn” vẫn là tập truyện ngắn đánh dấu bước tiến của nhà văn Vũ Thảo Ngọc trên con đường văn chương/.

 CN