/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

ĐỌC: “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN”(*)

Và, tôi viết  những dòng cảm nhận này, xin được coi như nén nhang, thành kính dâng lên hương hồn nhà giáo, nhà thơ Phạm Thìn  nhớ thương và đáng kính của chúng ta.

                    ĐỌC: “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN”(*)

                                                                                 KIM CHUÔNG 

 

      Tôi đón nhận và đọc khá kỹ tập thơ mang tên : THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN với ý thức, tình cảm, thật đặc biệt và riêng.

       Điều “đặc biệt và riêng” nằm ở niềm trân trọng “thơ của một thầy giáo. Thơ của một người đã sớm từ biệt cõi đời, ngày đang còn đầu xanh tuổi trẻ. Thơ đi qua đã 39 năm với bao nhiêu biến cải đời người.

      Điều “đặc biệt và riêng” nữa, nằm ở niềm “cảm phục một chữ Tình, chữ Nghĩa, chữ Đạo... Mà hôm nay, Thi sĩ Thúy Ngoan có được. Đấy là, “Tình chồng vợ.” “Nghĩa phu thê.” “Đạo Tao khang” thật nặng đầy, sâu thấm.

      Bởi, 19 tuổi, Thi sĩ Thúy Ngoan gặp nhà giáo Phạm Thìn, “có nhau” trong duyên trời run rủi. Rồi, mong manh sao, trong se chắp, lộ trình. Năm mới 26, 27 tuổi xuân, cô gái còn tơ non, yếu mềm, ngơ ngác, trước đường đời, trước cõi “vô biên độ,” Thúy Ngoan đã chịu cảnh “đứt quang, gẫy đòn gánh” giữa đường, góa bụa, nuôi con, một mình gánh vác cả “giang sơn,” cơ nghiệp.

      Thi sĩ Thúy Ngoan, nguời phụ nữ của đất Trạng Trình, của quê hương Vĩnh Bảo, đã bền lòng, vượt lên từng bước bằng đôi chân bé bỏng, vững vàng, đảm đang, thủy chung, đi qua 39 năm không ít gian lao, ghềnh thác. Để giữa phút giây này, chợt ngoảnh nhìn về “cõi vô thường, cõi “xứ xứ ba la mật,” Thúy Ngoan, người thiếu nữ trẻ đẹp năm nào, đã sắp bước vào tuổi thất thập. Tuổi xưa nay hiếm. Đã ở vị cao niên. Đã ba con gái trai phương trưởng. Đã dâu rể, con cháu đề huề. Đã ơn trời, có trên tay nâng cầm chút khiêm nhường sắc hương hạnh phúc.

.

           Và như thế, tập sách mang tên THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN, sau gần nửa thế kỷ đời người, được Thúy Ngoan lặng thầm cất giữ. Được tập hợp in ấn và ra mắt anh em, bạn bầu, công chúng (nhân 39 năm, ngày giỗ chồng mình). Không gì khác, đấy là tất cả tình yêu, là tấm lòng nhớ thương sâu đậm của Thúy Ngoan, của người vợ chung thủy, đặn đầy. Là nén nhang thiêng liêng. Là “gia tài, báu vật” mãi còn của duyên phận lứa đôi, mà Thúy Ngoan đã thắp lên nguồn sáng. 

        Bởi, hôm nay, cùng với niềm vinh quang của nghề giáo, của sự nghiệp trồng người, “người đời” và bạn bầu còn biết được nhà giáo Phạm Thìn với một mảng đóng góp nữa, thật quý, đấy là một mạch ngầm, một xa vang tiếng sóng, trong cái đa thanh, đa sắc màu của biển lớn thi ca.  

       Bởi, trước hàng trăm, hàng ngàn các nhà giáo đồng môn, đồng lứa, đồng nghiệp, đồng thời. Rồi, nhìn ra phía rộng xa hơn ở đội ngũ những người làm thầy, đứng trên bục giảng... Nhà giáo Phạm Thìn còn được Trời phú “cái hơn người,” một năng lực riêng ở địa hạt thi ca.

      Và, như thế, hai mảng, hai cánh bay : Một, thành tựu ở sứ mệnh làm thầy. Một, tiếng nhỏ ngân vang ở mạch nguồn thi hứng...Nhà giáo Phạm Thìn thêm một lần sống dậy, thêm một lần tươi xanh ... Và mãi còn, qua tập thơ, qua VĂN BIA mà thi sĩ Thúy Ngoan, người vợ yêu thương, cùng các học trò của thầy, là Văn sĩ, Thi sĩ có tên trên đất nước đã làm nên ý nghĩa  ấy, vào giữa sớm Xuân này. 

     Thật hiếm, ở một ngôi trường làng nhỏ bé, Phạm Thìn, một thầy giáo làng, thưở hàn vi của quê hương Vĩnh Bảo ngày xa, ba môn sinh: Trung Trung Đỉnh, Tô Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Minh và Thúy Ngoan, hiền thê yêu dấu của thầy, (là Bốn)...Người  sau buổi giã biệt mái trường, người sau buổi dắt nhau vào “quán nghinh hương”, vào loan phòng dạt dào hạnh phúc, bây giờ họ đều trở thành “văn-thi-sĩ” với nhiều tác phẩm, với gương mặt, tuổi tên đáng yêu và sáng giá của nền văn học đương đại nước nhà. 

       Như vậy, phần thưởng hay “phúc phần” trong “gia tài” đáng tự hào của nhà giáo Phạm Thìn có với hôm nay, là vợ, là cháu  con trước hạnh phúc hiên nhà. Là những lứa học trò đã ra đi, lớn lên cùng quê hương đất nước. Là tất cả tâm tình, nghĩ suy và bóng dáng của thầy còn lung linh, còn mới mẻ, tươi xanh nơi trang viết qua tập sách vừa ấn hành, mang tên “Thơ Nhà giáo Phạm Thìn.”

       Nhìn vào kết cấu tập sách “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN” với các mảng : Sáng tác thơ của Thầy. Những ký ức, kỷ niệm của người vợ, cùng các trang học trò viết về thầy ... đã tạo nên sự phong phú, đa dạng và sinh động, trong cái nhìn, trong sự nhận diện tổng thể, trong nét đậm mang khoảng sáng cốt lõi của vấn đề mà tập sách tập trung phản ánh, đã nói lên điều ấy.

      Là người làm nghề, khi đọc bất cứ một tập thơ nào, tôi thường không lấy việc “khen hay chê” làm trọng. Và, khi đọc một tập, cũng không giống như khi đọc một bài, ai đó thường xem bài ấy có câu nào hay. Cảm xúc là gì? Kết cấu thế nào? Hình ảnh, hình tượng thơ ra sao...

      Với cả một tập sách được tập hợp xuất bản, điều tôi thường “soi” là, sau những trang viết kia khép lại, người viết ấy có gương mặt không? Chân dung, dáng vẻ họ là gì? Điều quan tâm của họ là gì, ý thức của người nghệ sĩ sáng tạo ấy là gì ? Khi đi giữa cõi Người? Đi giữa cõi Thiên Địa Nhân rộng lớn ?

      Với “Thơ của nhà giáo Phạm Thìn,” có lẽ, thưở ấy, thầy Thìn không ý thức, không nghĩ, mình là một nhà thơ. Ông viết cho ông. Viết cho người yêu, viết cho vợ con, bầu bạn. Thơ ông là những mảnh rời, những ngẫu hứng nhỏ, bất chợt.  Những nỗi niềm, tri kỷ phát lộ, đang lấp lánh, đang cần được hát lên, cần được lấp đầy khoảng trống, cần được sẻ chia trước nhu cầu : “cần được giải thoát” nào đó.

     Điều dễ nhận là, nhà giáo Phạm Thìn với tâm hồn thật dễ ngân rung, sóng sánh. Dễ ảnh hưởng, dễ cuốn theo, dễ nhập vào dòng chảy của dòng “thơ THỜI” buổi ấy. Với cảm hứng công dân. Cảm hứng thuộc về hiện thực cầm nắm, cái gọi là “khách thể.” Là “thế giới thứ nhất.” Là “phía ngoài ta”. Là “hướng ngoại.” Là ôm trùm lấy cái ngổn ngang của “đại giác” mà tìm ra, “mà khơi dậy, mà nhằm đem về chút gì đó là “đại mộng hồn mình.”  

      Một thời người ta luận rằng, cả dân tộc đi trong chiến tranh, cùng có chung một “tâm hồn, gương mặt.” Một tình cảm, một ý chí là đánh giặc, cứu nước. Là xã hội chủ nghĩa không thừa nhận có bi kịch. Là mọi cái TÔI (cá thể), mọi tư riêng, muộn sầu, thương cảm, yếu mềm đều phải lặn mờ, phải chìm khuất, dấu đi. Là chỉ, “mây bay một chiều/ chim ca một giọng.” Là chỉ : “Dạt dào một âm hưởng lớn của bản anh hùng ca Đất nước – Con người.” Bởi vậy, cũng như trang viết của rất nhiều người cầm bút thời ấy, thơ nhà giáo Phạm Thìn nghiêng về tầng nổi, nghiêng về đối thọai. Nghiêng về sự kiện với những giá trị phản ánh bề mặt. Nét trội của thơ là kể việc. Là mô tả cảnh vật. Là tạo dựng những những bức tranh thiên nhiên sống động quanh mình. 

        Qua 50 bài thơ được chọn lựa, tập hợp. Qua những va đập, những diện kiến, thật không nghi ngờ gì nữa, thơ của nhà giáo Phạm Thìn thực sự cất lên từ tâm hồn dễ ngọt ngào, da diết.  Một tâm hồn thơ thật trong lành và đẹp.

      Thử đọc :

                      Trăng thanh đứng đợi bên thềm

                       Bài đang chấm dở, chẳng yên đi cùng

                       Miệt mài gần sáng mới xong

                       Ra ngoài trăng lặn, thềm không một mình

       Đấy là thi sĩ Phạm Thìn trong trạng thái ngơ ngác, đáng yêu. Là nỗi khát “ngắm vầng trăng,” trong lúc bộn bề công việc. Là phút thanh nhàn, hay có khi trước nhọc nhằn, gian lao đời thực, thiên nhiên ấy, vẫn đồng hành, vẫn đồng hiện cùng người thơ ấy, trong giao cảm, mộng mơ. Ở đây, người viết luôn nhìn vạn vật trong màu hồng, trong cái gọi là “thi vị hóa” :

           Trăng thương, trăng sáng, trăng tròn

            Non xanh, nước biếc, việc dồn vẫn trông

            Khi đi trăng ngủ bên lòng

            Khi về bát ngát một vùng trăng thanh

            Bốn câu thơ trên, khẳng định nhà giáo Phạm Thìn với “một Phạm Thìn thi sĩ.” Một Phạm Thìn tươi tắn, mơ mộng trong ngắm nghía, trong “đối cảnh sinh tình.” Còn, trước thế sự, trước nhân tình thế thái, nhà giáo Phạm Thìn hay bất cứ ai buổi ấy cũng không thể là “người ngoài cuộc.” Thơ ông nguyện đứng trong chiến tuyến, nguyện góp vào trang viết mà ai đó gọi là “một thời văn học minh họa” thế này :

           Ngủ hay thức mà hàng cây im phắc

           Đêm hè nồng hóng gió nồm Nam

           Có phải, cũng như ta miền Bắc

           Nghĩ về Nam trong nắng xối mưa tràn ..

           Hoặc :

             Biết bao đêm như đêm nay không ngủ

             Phần miền Nam cặm cụi hoàn thành

             Đơn tình nguyện đi B nắn từng nét chữ

             Mong đêm dồn qua cửa nhanh nhanh 

                                                    (Miền Nam ơi)

           Dạng cảm xúc : “thơ tựa vào cảnh.” “Thơ tựa vào sự”, để “cảnh và sự” sẽ đẻ ra tình, đẻ ra nhiều mối liên hệ khác. Bài “Tám Đ ơi” của nhà giáo Phạm Thìn là bài thơ hay. Bài thơ thật sự xúc động, Thơ chinh phục người đọc ở cái thật, cái riêng của chi tiết, của thi ảnh, thi liệu. Thơ làm sáng dậy “chính chân dung người viết.” Đấy là, hình ảnh một người thầy, một tấm lòng cao đẹp luôn trở trăn, đau đáu về những lứa học trò. Một tình yêu thật sự là máu thịt trong trái tim người thầy một thưở.

       Đọc các bài “Phấn trắng, Miền Nam ơi, Thuế nông, Đoàn tàu, Hàng cây chống Mỹ”... Không ít bài, thơ nhà giáo Phạm Thìn đã tạo được cái hài hòa, nhuần nhuyễn ở hai chiều từ đối thoại được nối vào độc thoại. Từ cái kể đã tạo được sức gợi. Song, bên cạnh cái bộn bề, sinh động của “thi nhãn,” khi nghiêng về tầng nổi, nghiêng về tả thực, người viết đã không tránh khỏi cái khô cứng, chung chung. Ví như :

    “Tu hú...Tu hú...ú/  Mùa rộn rã tràn về khắp ngả /

     .... Ngày/ Ngày/  Tu hú/   Gọi mùa hay tiếng gọi non sông/  Mùa về sớm tham gia chống Mỹ....” Hay :  “Đâu chỉ tầm cao gió lộng/  Cây non nẩy lộc ru mình/   Những cành lá ngụy trang lên đường đánh Mỹ...”

      Nếu cần bàn ở những bài thơ của thầy Thìn như trên, hay không ít người viết đã dừng lại, đã hiện diện như kiểu thơ trực tả. Thì, điều cần nói ở đây là, “Thơ với hình ảnh của đời sống, khi bước vào hình ảnh thi ca, thơ còn cần sức đẩy, sức liên tưởng, sức văng xa hơn nữa. Thơ từ cái “cụ thể hóa” cần được “trừu tuợng hóa,” “khái quát hóa,” và cuối cùng lại phải được đẩy về cái thật “cá thể hóa” hơn kia.

     Ở tập THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN, có một mảng khá đậm,  nhà thơ dành những bài viết tặng vợ, tặng con. Từ kỷ niệm buổi đầu gặp người yêu, Nghe tin vợ có bầu, Mừng con trai đầu lòng, viết tặng : “Con gái Hồng Nga”... Đến các bài thuộc về tầng chìm của suy tư, ngẫm ngợi, như : “Chờ, Nỗi niềm, Sa chân, Suýt ngã...” Hướng khai thác này, thơ của nhà giáo Phạm Thìn dẫu còn hiếm những câu thơ thật riêng, thật ám ảnh để dẫn trích, để đọc lên là nhớ. Những câu thơ thật sự là “thần cú, thần tự.” Thơ neo đậu, găm sâu nơi con tim người đọc, nhưng nhìn chung, thơ quay về khai thác cái riêng, cái nội lực sẵn chứa trong mình, thơ dễ vào lòng người hơn, dễ hay hơn vì “những câu thơ thực sự là gan ruột người viết. Thơ thực sự dính đến máu thịt của mình”. Và, như thế, từ “cái Tĩnh” thơ sẽ làm nên “sức động,” làm nên vệt loang, thấm, chảy dài. Thơ còn ngân vang trong ta tiếng tâm tình, đồng vọng ....

        Phải nói, một hiện thực rờn xanh, đấy là, “Có một thời xa. Có một làng quê nhỏ hàn vi, thân thương ngày ấy. Có một Phạm Thìn, người thầy giàu yêu thương, tận tụy. Nhưng, phải qua những trang : “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN,”  người đọc hôm nay mới có thêm chìa khóa, thêm cửa mở để cảm nhận được đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn, ở một người thầy, người cầm bút Phạm Thìn, một tâm hồn thơ dễ cảm rung, thi vị. Một tấm lòng giàu yêu thương, nồng đượm. Một khoảng trong xanh với cái Đẹp của một thời – Một con người với tất cả Tâm tình – nghĩ suy còn tươi xanh, còn sáng lên, trên 150 trang VĂN BIA : “THƠ NHÀ GIÁO PHẠM THÌN”.

        Và, tôi viết  những dòng cảm nhận này, xin được coi như nén nhang, thành kính dâng lên hương hồn nhà giáo, nhà thơ Phạm Thìn  nhớ thương và đáng kính của chúng ta.

       

                                Hải Phòng, tháng Tư/2017  -

                                                    K/C

 

(*)“Thơ Nhà giáo Phạm Thìn – NXB Hội Nhà văn, Quý I/2017)