/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

BÀI THƠ HAY NHẤT CỦA GIA DŨNG QUA LỜI BÌNH TÔ NGỌC THẠCH

Nhưng theo tôi đó chưa phải là bài thơ hay nhất của anh, mà bài “Hàn Mạc Tử” mới là bài thơ gợi cảm, thi vị hơn, ôm chứa tâm trạng hơn...

 

BÀI THƠ HAY NHẤT CỦA GIA DŨNG QUA LỜI BÌNH TÔ NGỌC THẠCH

.

HÀN MẠC TỬ


Có ai hiểu đêm nay ta đọc Tử

Trăng mười tư vỡ vụn ở ngang đầu

Có ai biết đêm nay ta khóc Tử

Thắp nhang rồi không biết cắm vào đâu?

Cắm vào trăng – Tử ơi trăng vỡ

Cắm vào thơ – Thơ chỉ một điệu sầu

Thì xin Tử hiểu cho người đến lỡ

Chút hương thầm ta thắp cả xưa sau

Ly rượu đắng rót tràn trăng với gió

Nâng ngang mày ta cùng Tử chung đau.
.

LỜI BÌNH:

 

       Có lẽ trên thi đàn cả nước nhiều người biết tên Gia Dũng, bởi “Bài ca Trường Sơn” được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc, một thời “cõng” anh tới khắp hang cùng ngõ hẻm của mọi miền đất nước. Nhưng theo tôi đó chưa phải là bài thơ hay nhất của anh, mà bài “Hàn Mạc Tử” mới là bài thơ gợi cảm, thi vị hơn, ôm chứa tâm trạng hơn (Ngay cả Gia Dũng khi còn sống cũng phải thừa nhận). Ai cũng biết, thi sỹ Hàn Mạc Tử là người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Cuộc đời ngắn ngủi của ông (1912 – 1940) với những áng thơ bất hủ gắn liền với chủ đề về trăng như: Uống trăng, mơ trăng, bán trăng, mua trăng, ăn với trăng, ngủ với trăng, say đắm trăng... 

        Khi nhận xét về Hàn Mạc Tử, nhà thơ Huy Cận có viết:...Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào thơ mới”. Còn thi sỹ Chế Lan Viên lại nhận xét thơ Hàn ở một góc nhìn khác: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Rồi các văn nghệ sỹ khác cũng chia sẻ với nhà thơ tài hoa bạc phận này bằng nhiều nội hàm cảm xúc khác nhau.

        Khi đọc bài “Hàn Mạc Tử ta thấy từng câu thơ cứ nghèn nghẹn trong cuống họng: Có ai hiểu đêm nay ta đọc Tử. Trăng mười tư vỡ vụn ở ngang đầu”. Bằng cách cảm, cách nghĩ, Gia Dũng đã chia sẻ với độc giả một dư vị đậm đà của một tâm hồn đa cảm, đa sầu. Có lẽ đây là kết quả tích tụ, dồn nén xúc cảm làm dư âm thơ vang hơn khi tác giả “Thẩm thấu” những tác phẩm của Hàn Mạc Tử. Bằng cách viết trải nghiệm, Gia Dũng đã tạo ra sự đột khởi ngay sau câu thơ đầu tiên. Tại sao tác giả lại không dùng trăng rằm hay trăng mười sáu mà lại dùng trăng mười tư? Ai cũng biết trăng mười tư là trăng chưa tròn, chưa có độ sáng nhất, nhưng “Trăng hơi non” ở hoàn cảnh này lại nhấn thêm nỗi đau trong lòng người viết và từ đó lan tỏa tới người đọc. Động từ “Vỡ vụn” được sử dụng khá tinh tế, càng làm tăng vẻ đẹp của thi ảnh, đẩy câu thơ cất cánh. Sang câu thơ tiếp theo: “Có ai biết đêm nay ta khóc Tử. Thắp nhang rồi không biết cắm vào đâu?. Có thể thấy góc nhìn của Gia Dũng tương đối lạ, từ những công việc đời thường như: Đọc thơ, khóc, thương, thắp hương... nhưng lại “Không biết cắm vào đâu với một cảm xúc liền mạch và xa xót. Bằng lối viết trực cảm, đằm sâu, ngôn từ vạm vỡ, tác giả tạo cho thơ hội tụ đủ tâm thi và hình thi: “Cắm vào trăng – Tử ơi trăng vỡ. Cắm vào thơ – Thơ chỉ một điệu sầu”. Với một sắc màu lạnh hướng vào nội tâm bởi những cung bậc tình cảm sẻ chia, tôn kính đồng thời có chút u buồn trầm mặc. Rồi câu thơ mang tâm trạng của người làm thơ đàn em đến muộn, đến sau và đến “Lỡ”: “Thì xin Tử hiểu cho người đến lỡ. Chút hương thầm ta thắp cả xưa sau”. Thi liệu ở đây không có gì lạ, nhưng hình ảnh, hình tượng thơ cứ xoáy siết vào lòng độc giả về một mảnh đời tài hoa bất hạnh.

        Câu kết hàm súc, tạo sự khởi hứng cho người đọc: Ly rượu đắng rót tràn trăng với gió. Nâng ngang mày ta cùng Tử chung đau”. Có lẽ câu: “Ly rượu đắng rót tràn trăng với gió là câu thơ không mới, nhưng nó có vẻ đẹp thanh thoát và vang. Bài thơ “Hàn Mạc Tử” với mười câu thơ thân phận, ấn tượng, giàu tính nhân văn, tác giả đã dẫn dắt người đọc tới một bức tranh nội tâm cuốn hút. Nếu bớt đi hoặc thay một hai chữ trong bài thì “Hàn Mạc Tử là bài thơ toàn bích. Dẫu sao, khi viết về người khác được những câu thơ trăn trở hàm súc cũng là đáng trân trọng lắm rồi. Thế nên, với nguồn cảm hứng sáng tạo, Gia Dũng đã phân thân mình sẻ chia với cuộc đời và số phận của một thi nhân đàn anh tài hoa, yểu mệnh. Cũng giống như nhà phê bình văn học Hoài Thanh khi nhận xét về thi sỹ này đã viết: “Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh... ”.

TNT