/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

ÂN HẬN (Bình thơ)

Đâu đến mức ân hận, day dứt như câu cuối bài thơ “Nàng đã đi không quay lại nữa rồi!” . Để vô tình ai đó đã thấm nước mắt cảm thương ./.

ÂN HẬN

Nguyễn Lâm Cẩn


Tôi biết chắc bên kia con đường cái

Có cô nàng đang đứng đợi tôi
Tôi chặc lưỡi tự bảo mình: Không phải
Đấy chỉ là một bụi gai thôi!

Tôi biết chắc trên chiếc giường hôm ấy
Có cô nàng đang nằm đấy đợi tôi
Nhắm mắt lại nói với mình: Không phải
Đấy là nơi chồng cô ấy đang ngồi!

Tôi biết chắc trong bài thơ ấy
Trái tim nàng đang đập cùng tôi
Tôi tự nói: Đấy chỉ là tờ giấy
Chữ đã mờ và đang bạc như vôi!

Đêm lại đêm sống trong đơn côi
Mới xa xót những khi mình giả dối
Sực tỉnh lại, tìm nàng trong mỗi tối
Nàng đã đi không quay lại nữa rồi!

                             Hà Nội, 10-9-2011


 LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THANH TUYÊN:
                       NỖI ÂN HẬN CỦA MỘT NGƯỜI THƠ

      
       Giữa thanh thiên bạch nhật, không phải ngõ hẻm, đường mòn, mà là đường cái quan… một địa điểm nhiều người qua lại, nơi không ít kẻ để mắt tò mò … tác giả Nguyễn Lâm Cẩn kể lại có một cô nàng đã đứng đợi ông. Sự chờ đợi ấy tin là chuyện thật trong đời, qua lời khẳng định “Tôi biết chắc”  mà ông đã mấy lần nhắc lại trong thơ.

      Phải mê ông lắm thì nhân vật trữ tìnhtrong thơ mới kiên tâm đứng đợi. Bởi có bao giờ “ Cọc lại đi tìm trâu ”. Cô nàng chờ đợi ông chừng nào? Bao lâu ?  Thời gian không hề xác định. Nhưng rõ ràng không phải là chốc lát.

       Tại thời điểm chưa hề cởi mở ấy, ông ngại ngần lộ diện trước bàn dân thiên hạ nên mới chặc lưỡi, phủ định “ Đấy  là một bụi gai ”.

Tôi biết chắc bên kia con đường cái
Có cô nàng đang đứng đợi tôi
Tôi chặc lưỡi tự bảo mình: Không phải
Đấy chỉ là một bụi gai thôi!

 Sao ông không nói đấy là một bụi hoa mà lại là một bụi gai ? Phải chăng, gai góc mã hóa cho sự khó khăn trở ngại. Đụng chạm đến nó có thể sứt da, chẩy máu, mà còn tiềm ẩn sau đó bao nguy hiểm khôn lường. Nên Nguyễn Lâm Cẩn biết dù có thích, có yêu cũng nhận thấy khó có thể vượt qua cái vòng kim-cô cố hữu.

Lời thơ vẫn tuận tiến theo sự phát triển của tình cảm giữa hai người. Ở khổ thơ thứ nhất  là cô ấy “ đứng đợi ”, còn sang khổ 2 đã phát triển đến mức cố ấy đã “ nằm đấy đợi tôi ”. Mà cô ấy  nằm ở đâu ? Trên giường đàng hoàng, ở chính nhà mình, chứ không phải lén lút ngửa mặt nhìn trời ở nơi khuất nẻo bờ bãi,vệ đường . Còn Tác giả nguyên là một anh giáo, làm thơ . Týp “ hàn sĩ ” thôi. Vậy ưu thế gì đã làm cho thiếu phụ kia sẵn sàng dâng hiến, vượt rào ?

Tôi biết chắc trên chiếc giường hôm ấy
Có cô nàng đang nằm đấy đợi tôi

Tình cảm của nàng với tác giả ta thấy  đã đạt đến đỉnh điểm. Chỉ nháy mắt họ có thể sở hữu được nhau . Nhưng có phải Thi sĩ đã bị “ thần hồn lát thần tính ” :

Nhắm mắt lại nói với mình: Không phải
Đấy là nơi chồng cô ấy đang ngồi!

“ Tôi biết chắc ” vừa mới nói thế, sao tác giả vội khẳng định ngay tức khắc “ đấy là nơi chồng cô ấy đang ngồi ”? Có vô lý chút nào không? Không! Nhà thơ đang rất tỉnh . Ông đã vội “ Nhắm mắt lại” để phủ định, để “lừa gạt”chính mình. Nhắm mắt lại ! Đau khổ biết bao khi ông không dám nhìn thẳng, đã trốn tránh sự thật . Hiển hiện tại bề nổi, nhà thơ thật thiếu nghị lực. Còn trong thâm tâm ông với nàng tuy không đầu gối tay ấp nhưng vẫn âm ỉ đắm say nhau giữa cõi tinh thần :

Tôi biết chắc trong bài thơ ấy
Trái tim nàng đang đập cùng tôi

Tình yêu ấy không chết . Tần số rung động của hai trái tim đêm ngày hồi hộp, thổn thức cùng nhau. Đường biểu đồ giao động của dòng điện con tim dường như vẫn song hành và trùng khít lên nhau. Có lẽ nhờ nó mà sự sống, tên tuổi của tác giả đến nay mới không mấy lạ lẫm ở cõi đời.

 Những điều tâm tình thầm kín, những lời lẽ tâm sự gan ruột có khi chỉ mình mình viết, chỉ mình mình xem. Thời gian phũ phàng đã xóa nhòa trên trang giấy. Có khi còn bị mờ đi trong bộ nhớ bởi những khó khăn cơm áo ngày thường :

Tôi tự nói: Đấy chỉ là tờ giấy
Chữ đã mờ và đang bạc như vôi!

Nhiều điều xuất hiện mà ai đó xưa kia đã được đọc qua những trang in, thì đây là lời tự thú :

Đêm lại đêm sống trong đơn côi
Mới xa xót những khi mình giả dối

Xa xót lắm bởi giấy trắng mực đen kia nhiều chữ dốilòng. Chỉ là trang kim không đích thực vàng ròng. Là son phấn che đậy đi nét rám, tàn nhang cũ kỹ. Là tung hô, tụng ca. Là ngân nga một giọng trong một quần thể đồng ca tuân theo một cái que chỉ huy dàn nhạc. Ít người dám đơn ca, lĩnh xướng.  Bởi người ta dễ dàng chê cá tính và vô phúc chụp lên đầu ai một cái mũ thiếu lập trường.

Lúc hiểu ra, lúc được cởi trói, cũng như Nguyễn lâm Cẩn nhiều người đã xót xa nhận ra mảnh đời ta đã mất :

Sực tỉnh lại, tìm nàng trong mỗi tối
Nàng đã đi không quay lại nữa rồi!

Vâng nàng đã bỏ đi ! Ta còn sống, ta không thành thân thì cũng chỉ là một sự thừa phí ở trên đời…

Rất may những từ như “ Đơn côi ” “ mỗi tối ” … trong thơ Nguyễn Lâm Cẩn giúp tôi nhận ra “ Cô nàng ” là ai ? Ngay từ đầu tôi không nghĩ hề đến sự thánh thiện của nhà thơ, luôn giữ phép mô phạm, tự trọng và khước từ  ái ân với cô nàng nào đó nói trên. Bởi Nguyễn Lâm Cẩn  nếu có chuyện ấy chắc chắn ông sẽ có thi phẩm cỡ “ Màu tím hoa sim “ hay “ Lá diêu bông ”chứ không chơi. Hoặc cũng có thể tác phẩm đã có mà ông chưa công bố thì ta nên chờ đợi. Còn ở đây chắc không phải là một chuyện tình.

Tin rằng, đọc đến đoạn này chắc Nguyễn Lâm Cẩn sẽ cười. Điệu cười khoái trá, tự nhiên như ông vẫn thường cởi mở trước mọi người. Đó là một cách ứng xử thay cho phản biện đúng - sai. Bởi thơ là “ Cây đàn muôn điệu ”. Không bảo thủ nhưng đến đoạn kết này tôi vẫn thấy tôi có lý. Bởi tôi nhận ra Nguyễn Lâm Cẩn những năm gần đây đã thay đổi hình thức viết, đổi mới tích cực trên nền truyền thống. Đặc biệt sự quan sát của ông luôn lặn lội vào vùng sâu vùng xa… thân phận. Những vùng đất mà chân lấm tay bùn, vất vả ngụ cư . Họ chỉ gặp nhau khi tinh sương hay đã nhọ mặt người. Thơ ông tập trung vào bãi lở, vào chỗ khuyết cần đắp bồi . Ngòi bút của ông sắc sảo, tích cực. Ông dựa vào cái bi để gợi mở lương tâm và thắp sáng lương tâm.

Tin rằng với cách sống nhân ái và quan điểm cầm bút như thế NàngThơ sẽ gắn bó với ông đến hơi thở cuối cùng. Đâu đến mức ân hận, day dứt như câu cuối bài thơ “Nàng đã đi không quay lại nữa rồi!” . Để vô tình ai đó đã thấm nước mắt cảm thương ./.

NTT