/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

XỨ BÌNH AN - Truyện ngắn

Anh mua cho tôi vài ổ bánh mì để ăn bữa tối nay. Nếu kèm theo vài gói mì ăn liền cho sáng mai thì càng hay.

XỨ BÌNH AN - Truyện ngắn


       Bà con ở xứ Bình An này gọi Thượng là đại gia. Người nhà quê thường lấy nhà cửa để đánh giá giàu nghèo. Biệt thự nhà Thượng mô phỏng theo kiến trúc Pháp, có tới mười phòng, nằm trên khuôn viên hơn một ngàn mét vuông. Nhưng gia đình và người giúp việc nhà ở nhà ngang cất mé vườn phía trước.

Là nhà ngang nhưng tiện nghi đầy đủ và hiện đại lắm. Thành ra biệt thự chỉ ở trong dịp Tết Nguyên đán, phòng khách dùng khi tiếp khách quí, nhưng tuần nào cũng phải dành một buổi để lau dọn. Nhà mà không có hơi người, chẳng quét dọn thường xuyên là mau xuống cấp. Tòa biệt thự này được dân trong vùng ngưỡng mộ, nhiều cặp đôi tới đây chụp ảnh cưới.

Kể ra cũng oai thiệt. Người mình thích oai. Gần chục năm trước cao su trúng nhựa, được giá dôi ra gần một tỉ, Thượng vay ngân hàng bảy trăm triệu, xây xong phần thô hết nhẵn tiền lại phải vay chợ đen một tỉ, cũng tính là mủ cao su sẽ còn tăng giá nữa thì vài ba năm là thanh toán hết. Nào ngờ, thứ sản phẩm chủ lực ấy cứ hạ giá dần, tới độ không đủ chi phí cho nhân công. Rồi còn phải vay vốn để mua phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu để sản xuất hàng năm, vốn mẹ đẻ lãi con, lãi cháu dồn lại, bây giờ đang sống dở chết dở.

      Tôi nghĩ, sống dở chết dở là cách nói giỡn thôi, Thượng là người tháo vát, dám chơi khác người và anh đã thắng nhiều phen. Bình An là vùng đất mới, người bốn phương tụ về đây lập nghiệp trước đó số phận không may mắn, đến ở đất này cũng là cầu sự bình an. Sau khi có bằng đại học Nông Lâm, Thượng tới làm ở lâm trường trồng rừng ngập mặn.

 

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Ở tổ đánh ghe đi mua trái đước ở Cà Mau về trồng, tay tổ trưởng khai man số lượng và đôn giá lên để hưởng chênh lệnh, tất nhiên mọi người đều được hưởng. Thượng đã chống lại kiểu ăn bẩn ma mãnh ấy, nhưng rốt cuộc, Thượng phải khăn gói ra đi với tội làm mất đoàn kết nội bộ và chống lệnh cấp trên. Đến xứ Bình An này, Thượng bắt đầu từ công việc làm mướn, cạo mủ cao su, hái quả điều. Thời đó, đất trống ở đây còn nhiều, rẻ như cho, Thượng mua được mấy chục công đất để trồng cây công nghiệp, cao su, điều. Thời ấy cao su được giá, anh phất lên rất nhanh.

      Thượng vốn có tính khác số đông. Ngay chuyện lấy vợ, anh chọn một cô gái quê Bắc Ninh, nhà nghèo, học xong cao đẳng kinh tế, chạy vạy xin việc ở quê, với chân nhân viên kế toán, tốn tới mấy chục triệu nhưng tiền mất tật mang, phải dạt vào Bình Dương, một năm vẫn chưa có việc làm, đành nhắm mắt làm đào mat - xa.

Một bữa vào giải cúm, Thượng gặp, nghe cô gái sụt sùi tâm sự, anh nhận về làm ở công ty riêng rồi lấy làm vợ. Từ chối bao nhiêu cô gái đoan chính, học hành cao, có công việc ổn định, để rước người từng hành nghề dịch vụ thư giãn về làm vợ, coi chừng tán gia bại sản. Bạn bè nhao lên vậy, Thượng cho rằng, người con gái đã phải cám cảnh cô Kiều hẳn phải coi trọng hạnh phúc.

Đúng như Thượng tính, vợ anh chăm làm, cùng chồng chăm sóc vườn cây, ao cá, chăn nuôi gia cầm, bước về nhà cũng làm lụng không ngơi tay, công việc vặt ở mỗi gia đình tưởng như làm chẳng bao giờ hết. Họ đã có hai cô con gái xinh và ngoan. Sống trong gia đình giàu có, được chồng cưng chiều, nhưng khuôn mặt chị vẫn có những mảng tối, rất ít nói và khi nhà có khách lui vào bếp lo nấu nướng. Chị rất sợ gặp mặt khách. Thượng biết vợ vẫn chưa thoát khỏi mặc cảm, nhưng anh không can thiệp. Thượng nói với tôi:

- Xây biệt thự, sắm xe con là hậu quả của cái tính chơi trội của tôi. Bây giờ phải gánh món nợ lớn, riêng tiền lãi, mỗi tháng hơn sáu chục triệu.

Vậy là hàng ngày mở mắt ra là cõng thêm hơn hai triệu tiền lãi, lo đến rạc người cũng phải. Trong mấy ngày Thượng giữ lại chơi, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy người nông dân tuổi mới ngoài ba mươi này, có bằng đại học nông lâm hệ chính qui, làm việc không ngơi tay, năm giờ sáng đã thức dậy, lấy cỏ cho đàn bò sữa, hửng sáng tung thức ăn cho cá ở ao, sau đó mới tắm rửa, ăn sáng để làm công việc trong ngày. Công việc chính là đánh xe tải nhỏ đi mua phân bón, thức ăn gia súc, chăm sóc vườn điều tới năm công đất.

Trước đây, Thượng có trồng thanh long nhưng rồi thanh long rớt giá thê thảm, tới độ cho bò ăn thay cỏ, phải đào bỏ để trồng điều. Phải tới chớm đứng bóng mới nghỉ ăn cơm. Khi uống nước chè xanh trưa, anh tranh thủ chẻ tre nan đan rổ rá hoặc vót tăm. Ngó ông đại gia trẻ ngồi chập vàng trên sàn gạch, phòng gắn điều hòa nhiệt độ, trên tường là chiếc tivi màn hình rộng, dàn máy nghe nhạc, karaoke hiện đại, tỉ mẩn vót từng que tăm, trong khi tạp hóa đối diện cổng nhà một hộp tăm hai ngàn bạc lẻ có thể xài cả tháng, tôi không nhịn được cười. Người nông dân trẻ thời này vẫn cần cù, chịu khó không khác gì ông nông dân thời xa xưa sao? Nghe tôi thốt lên vậy, Thượng bảo, giống ở tính ham công tiếc việc, cái gì mình làm được thì làm mà dùng. Dùng thứ mình tự làm nó bền hơn, con cái thấy vậy cũng siêng làm hơn. Sợ nhất là mình biếng nhác, hoang phí rồi trời bắt tội. Thượng dừng tay, ngó tôi một lát, giọng trầm xuống:

- Với lại, ngồi không nghĩ tới cục nợ ngày một phình ra là phát điên lên.

- Sao không bán một phần đất đai để trả bớt nợ?

- Bây giờ ai mua nữa đâu, cao su rớt giá đến đáy rồi, người ta đốn bỏ không thương tiếc. Hồ tiêu cũng phập phù vì thị trường chuộng loại hạt cay này đang suy thoái về kinh tế. Chỉ còn là hạt điều xuất khẩu tăng hàng năm, khách hàng trong nước cũng ham xài thứ hạt đó. Người mình ham nhậu, uống bia, rượu lấy hạt điều bùi thơm làm mồi còn chi bằng. Vậy nên vườn điều là tôi phải giữ bằng được.

Nông dân thời xưa lo mất mùa, lo đói, nhưng nông dân thời nay ít nhiều đã làm chủ được đất đai, giống cây trồng, vật nuôi, biết được thời tiết nên mất mùa ít hơn, nỗi ám ảnh thường trực chính là không tiêu thụ được sản phẩm. Tới mùa thu hoạch mà không thấy bóng thương lái đến là đứng ngồi không yên. Thu hoạch xong vẫn chẳng thấy thương lái đến là phát cuồng. Thương lái như là vua của nông dân.  

Tôi theo Thượng ra rẫy, hay còn gọi là vườn, để xem điều nở hoa. Điều nở hoa rộ vào thời gian chín đến mười một giờ. Cách đây chục năm còn là rẫy, nhưng ươm cây điều xuống là vườn. Loại cây này người miền ngoài gọi là đào lộn hột, nhưng người Nam gọi điều. Tìm nguyên nhân tại sao gọi như vậy thì chẳng ai trả lời nổi, cũng như miền Bắc gọi là lợn, miền Nam gọi là heo vậy. Cuối mùa mưa, những thân cây to, cao chừng bốn, năm mét, với những cành lực lưỡng đỡ tòa lá mọc so le, xanh đen. Hiếm có cây nào có thế đứng vững chãi như điều.

Thượng đưa tôi lên chòi dựng giữa vườn để canh lửa. Khi nắng tràn lên mái cây, như có phép lạ, muôn vàn bông hoa bắt đầu xòe cánh. Nắng càng gắt hoa nở càng nhanh. Cả triền hoa tím sẫm bừng lên. Hoa điều bền bỉ giữa nắng gió nhất trong các loại hoa. Khi hoa nở trời càng nóng, càng tốt, điều là giống cây từ xứ Nam Mỹ nhập vào nước ta nên chịu được hạn. Nếu thời kỳ điều ra hoa mà gặp mưa rào là coi như thất bại mùa quả. Thượng thì thầm với tôi vậy. Hương hoa điều thơm dịu, thanh khiết trong nắng trưa thanh sạch tạo cho người ta cảm hứng bất tận về cuộc sống.

      Trái điều được hình thành khác hơn các loại trái cây khác. Điều có nhiều thứ hoa, nhưng hoa lưỡng tính cho quả nhiều nhất. Từ đài hoa ra một vòi nhị, từ đó trái lớn dần rồi từ đuôi quả nhô ra hột, hột ở ngoài quả, nên gọi là đào lộn hột. Có lẽ ít có trái cây nào hột nằm nhô ra ngoài nên ngắm trái điều cũng thấy vui mắt. Điều giá trị ở hột. Trái điều chín cũng có thể dùng chế biến rượu, nhưng ở ta, xứ có sản lượng điều lớn thứ ba trên thế giới, chưa làm nổi, chủ yếu ăn vã, chứ bán cũng ít có người  mua. Cũng như lá điều có thể dùng đun nấu, như kiểu rơm rạ, nhưng người ta không xài vì ở đây củi rừng nhiều, hơn thế, dân ở xứ miền rừng bây giờ cũng đã xài bếp ga, bếp điện rồi. Thành ra, mùa lá điều rụng là chủ vườn phải canh lửa, hết sức vất vả.

*

Khi chúng tôi đang trên con đường giữa hai lô điều thì thấy một chiếc xe hơi Rolls - Royce dừng lại. Bóng nắng rọi qua tán điều xuống chiếc xe mới như vừa ra khỏi xưởng lấp loáng trông thật đẹp. Một người đàn bà diện đồ lòe loẹt kiểu dân sân khâu cải lương xuống xe:

- Cậu Thượng còn nhớ chị không?

Thượng cất tiếng chào người đàn bà rồi giới thiệu chị ta với tôi:

- Đây là chị Tư Kim, đại gia kếch xù Biên Hòa đó.

Người đàn bà cười the thé:

- Chị chỉ có bốn tiệm vàng thì nhằm nhò gì. Mầy có cả vườn điều mênh mông như vầy tao sánh sao đặng.

Thượng hỏi, cùng dân có máu mặt nên họ nói năng suồng sã:

- Bà chủ kim cương, vàng bạc hạ cố lên đây chắc có chuyện gì?

- Có chớ. Tôi vượt cả trăm cây số lên đây lẽ dĩ nhiên là có việc. Chà, vườn điều nhà cậu ngon mắt dữ.

- Nhưng món nợ ngập đầu, bà chị à.

- Tiền đang phơi ra trước mắt mà cậu không biết lượm sao?

- Ý chị là bán vườn điều.

- Không, chỉ bán lá điều khô thôi.

Thượng không nhịn được cười:

- Lá điều khô đang là nỗi lo vì sợ lửa của chủ vườn đấy bà chị à.

- Vậy mà có người mua, mua nhiều đấy - Quay sang tôi, chị ta nói - Tánh tôi là vậy, cứ muốn giảm nghèo, thoát nợ, làm giàu cho thiên hạ cho nên hai đứa con đi học nước ngoài rồi định cư ở bển luôn, đến lão chồng đeo kính lão cũng bỏ tôi để chạy theo con đàn bà bán bún bò ở chợ xép Hố Nai. Vầy nên tôi phải giúp người cho khuây khỏa, để kiếp sau khỏi cảnh sống cô đơn trên vàng bạc.

Trồng điều mà bán được lá lợi vô cùng. Thông thường, gần cuối mùa mưa là phải xử lý rụng lá điều để dứt mưa là mùa điều bắt đầu nở hoa. Xử lý rụng lá điều phải dùng thuốc siêu rụng lá điều, là để cây ra nhiều hoa và đậu trái nhiều. Sau khi phun thuốc đều tán chừng vài ngày là lá rụng đồng loạt. Khi rụng xuống lá còn xanh, nhưng chỉ mấy ngày là khô bong. Để tránh xảy ra hỏa hoạn, chủ vườn phải gom lại từng đống nhỏ đốt cũng là để xua loại sâu bọ hại cây. Nhưng đốt sao cho hết, đành phải mướn người gom vào bao rồi thuê xe tải chở đi đổ. Đây là giai đoạn cực nhất, tốn kém nhất trong khi chăm sóc điều. Tôi biết, giờ đây có người tới mua đi cho, Thượng mừng kể sao cho xiết.

       Bà ta hẹn với Thượng thứ hai tuần tới sẽ dẫn khách đến, Thượng nên cho người gom lại, cho vào bao bố chất thành đống. Rồi hai người tách ra đi dọc theo con lộ, biết ý tôi đi ngược lại. Việc làm ăn phải để họ giữ bí mật chứ.

Một hồi sau, bà đến gần tôi:

- Chừng nào anh cần vốn làm ăn thì tới gặp tôi, thế chấp cũng được mà tín chấp cũng xong. Cần tiền tỉ hãy đến, còn lẻ tẻ dăm ba trăm triệu đừng bắt tôi mở két sắt.

Thời này người có nhiều người có ít của nả thường nói năng bộp chộp, suồng sã, chẳng coi thiên hạ ra gì như vậy. Gặp bọn họ ta nên im lặng là cách ứng xử tốt nhất.

Mụ ta ghé tai Thượng bỏ nhỏ điều gì, cười khe khé rồi chui vào xe. Cái cách vào và đóng cửa cũng đủ biết bà này thuộc dạng trọc phú. Mắt Thượng mờ đi như cá đóng đèn, chắc hợp đồng miệng lớn quá. Đồng tiền dễ làm người ta mụ người. Tôi nhắc khéo cho Thượng là đã có nhiều vụ thương lái phương Bắc sang mua rễ hồi, ốc bươu vàng, trái cau non, cây thốt nốt, đỉa …chủ yếu là phá hoại kinh tế. Nhưng Thượng lắc đầu:

- Tôi cũng có đọc thông tin ấy. Nhưng thật ra, phải có mục đích sử dụng họ mới mua chớ, không dưng ai bỏ ra bạc tỉ đi mua đồ rồi đem về bỏ. Mấy ông nhà báo cứ thổi phồng sự việc lên để câu khách vậy thôi.

Tôi vẫn đặt câu hỏi:

- Họ mua lá điều làm gì?

- Nghe bảo để chế biến thành loại than hay thuốc đặc biệt gì đó. Mình chỉ quan tâm bán được lá điều để có tiền, còn sử dụng ra sao kệ thây khách hàng. Làm ăn là phải biết chớp thời cơ. Đây chính là thời cơ lớn.

Thượng cho tôi biết thêm, bà Tư Kim hồi nãy là đại gia có khối lượng tài sản không thể tính xiết. Tỉ phú đô la đấy. Tôi hỏi vặn lại:

- Một tỉ phú đô la mà đi cò mồi cho tư thương Trung Quốc?

- Chắc họ trả tiền nhiều lắm bà này mới xuống nước đi làm việc này. Anh đã biết chiếc Rolls-Royce mụ ta xài hồi nãy chưa? Gần hai chục tỉ đó.

Thượng có vẻ phục người đàn bà ấy lắm. Khi đã phục là tin tuyệt đối. Hơn thế món tiền thu nhập từ lá điều khô để thanh toán nợ đã gỡ bí cho anh khiến anh không biết trời trăng gì nữa.

*

Trở về thành phố Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn phập phồng lo cho Thượng. Một lần, tôi gọi điện hỏi thăm phi vụ bán lá điều khô thế nào? Thượng cho biết tiến triển rất tốt, anh đã trở thành đại lý lớn thu gom lá và cả rễ điều cho toàn vùng rồi. Đào cả rễ điều lên để bán? Nghe tôi thốt lên vậy, Thượng cười ngạo trong máy:

- Hai ký rễ giá cao gấp đôi mùa quả một cây thì chỉ có người mang đầu óc Tự Đức như anh mới không đào lên mà bán thôi.

Tự Đức là ám chỉ tính bảo thủ. Tôi tính cảnh báo tai họa cho Thượng, nhưng anh gạt đi:

- Anh hãy để cho tụi tui làm ăn.

Từ đó, mấy lần tôi gọi điện, tín hiệu đáp lại chặn cuộc gọi. Vậy là Thượng đã cắt đứt liên lạc với tôi, chắc cậu sợ tôi quấy nhiễu chăng.

*

Cho tới lửng chiều hôm ấy, người trực văn phòng ở tầng trệt tòa nhà làm việc gọi lên báo cho tôi biết có khách. Tôi nhờ anh hướng dẫn lên lầu 9, nơi có phòng làm việc của tôi, nhưng anh nói nhỏ:

- Trông bộ dạng vị khách này mình không thể cho lên trên đó được.

Tôi liền bấm thang máy hạ 9 lầu để xuống tầng trệt. Vừa ra khỏi thang máy, tôi đã thấy một người, ngồi gục mặt ở xó phòng, trông như đống quần áo lấm lem đất đỏ. Linh tính cho tôi biết vị khách đặc biệt này là ai rồi.

Vâng, đó chính là anh chàng Thượng, mới cách đây chưa lâu là đại gia ở một vùng trù phú cây công nghiệp miền Đông Nam Bộ. Khuôn mặt khá điển trai giờ đây trơ gò má, đôi mắt đờ đẫn:

- Mất, mất trắng rồi.

Dù đã đoán được hậu quả, nhưng tôi vẫn không khỏi nhói lòng:

- Chỉ mất lá điều là cùng chứ gì?

- Trắng tay thật rồi, biệt thự cũng bị kê biên mà còn nợ gần chục tỉ.

Mấy năm trước còn mang danh đại gia, biệt thự xe cộ sang trọng, giờ đây như kẻ ăn mày. Thời này là thời gì của mấy người làm kinh tế?

Tôi dìu Thượng vào phòng khách. Thượng níu lấy tôi bước xiêu vẹo. Một thanh niên giàu có bước đi dũng mãnh, mặt vác lên trời giờ đây bạt vía thế này sao? Tôi đặt chén trà nóng lên bàn, Thượng nhấp ngụm nhỏ rồi nói:

- Chúng nó lừa đào cắt rễ, đã làm cho vườn điều của tôi mất hết khả năng ra hoa, rất nhiều cây chết khô, còn chủ nhân thì chết đứng.

Thì ra sau khi bán được mấy xe tải lá điều khô, thu được khoản tiền trả lãi, Thượng trở thành đại lý đầu mối thu mua lá, rễ điều cho cả vùng, nhiều người xin anh mở đại lý chân rết. Dĩ nhiên, để làm được đại lý thì phải nộp tiền lên tổng đại lý, gọi là tiền thế chấp. Đây là việc hết sức vô lý, nhưng nghĩ tới khoản lời lớn sẽ thu, họ không còn đủ lý trí sáng suốt để phân tích. Thượng đã thuê mặt bằng dựng những khu kho để chất lá và rễ điều chờ thương lái tới trả tiền chở đi. Thời gian đầu có mấy xe đến lấy. Nhưng khi các kho đã chật cứng, chẳng thấy bóng dáng tư thương đâu, họ mới biết bị lừa.

Tôi hỏi:

- Tổng đại lý là bà chủ tiệm vàng ấy chứ gì?

- Đúng, rồi bà ấy lại nộp cho thương lái Trung Quốc.

- Nhưng các anh phải gặp bà ấy truy cho ra nhẽ để đòi lại tiền chứ?

- Bà ấy bại sản vì thế chấp cả cơ ngơi vay tiền ngân hàng mấy chục tỉ để nộp cho bọn kia. Bị khởi tố tạm giam rồi. Còn mấy thằng thương lái Trung Quốc ôm tiền chuồn biệt tăm rồi.

Tôi không còn biết nói gì thêm, mời Thượng về nhà mình nghỉ ngơi nhưng Thượng nói:

- Tôi phải về dưới đó để ngày mai trình diện cơ quan pháp luật.

Tôi lên phòng làm việc lấy một số tiền cho vào phong bì biếu Thượng. Thượng run run cầm lấy bao thư rồi bật khóc:

- Với tôi bây giờ ai cho một ngàn cũng quí.

Khi nghe tôi hỏi tình hình về vợ con, Thượng bật khóc:

- Cô ấy phải đưa hai đứa con dạt về quê mẹ đẻ lánh nạn. Gia đình tôi như bị thủy thần tan nát hết rồi.

Từ phi vụ mua bán lá điều khô, chuyển sang rễ điều đã khiến rất nhiều gia đình tán gia, bại sản, có thể còn vào vòng lao lý. Chuyện mua bán kiểu này nghe đã nhàm tai, nhưng vẫn diễn ra. Xứ Bình An ấy đã tan hoang trong trận cuồng vỡ nợ rồi.

Thượng đứng dậy, dáng liêu xiêu:

- Từ sáng tới giờ tôi chưa được ăn uống gì cả.

Tôi mời Thượng sang quán phở bên mé tòa nhà cơ quan. Như người ốm dậy ăn trả bữa, Thượng dùng hết hai tô phở gà. Tôi nhẹ nhàng khuyên Thượng đừng có liều làm việc gì ảnh hưởng đến tính mạng, danh dự. Người ta cần biết vượt qua những lúc tai ương như thế này. Cần giúp đỡ hãy cho tôi biết. Nếu cần lên đây ở nhà tôi rồi làm việc gì đó để bắt đầu gây dựng lại cơ nghiệp.

Thượng đưa hai tay nắm chặt cánh tay tôi như người đuối nước bíu cái phao: "Dạ, tôi phải nhờ tới anh". Trên đường đến bến xe buýt, đại gia một thời ở xứ Bình An của chúng ta nói nhỏ với tôi:

- Anh mua cho tôi vài ổ bánh mì để ăn bữa tối nay. Nếu kèm theo vài gói mì ăn liền cho sáng mai thì càng hay.

Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung
Theo CAND