/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Truyện ngắn: "Vực tàn hơi" - Phạm Thuận Thành

Và Tín là nhân chứng, là người ghi chép lại câu chuyện này bên bờ vực không tên nay đã có tên: Vực tàn hơi.

Truyện ngắn: "Vực tàn hơi" - Phạm Thuận Thành


 

Cánh rừng cây không cao, không um tùm tán lá nhưng lại rậm rạp toàn loại giàng giàng, bện xoắn vào nhau tầng tầng lớp lớp. Vạch được lối đi qua thật mệt. Những cánh rừng khác cũng có giàng giàng nhưng không rậm như ở đây. Nơi đó dân vẫn đến cắt về làm chất đốt. Nhất là vào mùa khô, người ta đốt lò nung gạch ngói thì đồi giàng giàng nào cũng trơ trụi hết. Duy cánh rừng này người ta không sờ đến. Chẳng phải vì nó quá hẻo lánh, cũng chả phải vì nó quá linh thiêng, mà ở dưới lớp đất yên bình kia đầy hiểm hoạ cái chết bất ngờ. Hồi tháng hai năm bảy chín cánh rừng này từng là trận địa tiền duyên của hai phía. Bên ta bố trí vật cản nổ một cách khoa học nhất. Bên kia cũng bố trí vật cản nổ một cách khoa học nhất. Tất cả nhằm mục đích ngăn chặn đối phương tiến công. Thời chiến bên ta bố trí mìn vội vã nên không có sơ đồ, hoặc nếu có thì sơ đồ ấy nằm bẹp ở một ngăn cặp đầy bụi nào đó có tìm cũng khó mà thấy nổi. Còn bên kia có sơ đồ hay không thì có trời mà biết. Từ đối diện thành đối tác là quá trình tản nhiệt dần dần, từ cháy nổ đến rất nóng rồi nóng và hơi nong nóng nên cánh rừng bố trí cái chết bất ngờ chả ai dám đặt chân đến, và bây giờ muốn tháo gỡ hai bãi vật cản nổ của hai phía trên đất ta không phải chuyện đơn giản. Kể cả có muốn tháo gỡ cũng tốn đâu ít thời gian. Vậy mà tốp cửu vạn vẫn phăm phăm rẽ cây đi qua cánh rừng thổ tả ấy. Trong màn mưa xuân trắng trời trắng đất hết ngày này sang ngày khác cây cối rũ rượi nước, đất đồi sĩnh nước, cái ẩm ướt làm ẩm cả hơi thở nặng nhọc, ẩm cả sự sống, ẩm cả cái chết rình rập, cánh cửu vạn chỉ quan tâm mau chóng về đến lán giao hàng cho thoát khỏi những quả núi trên lưng. Hàng nặng ngất ngưởng, bước đi chậm choại, đến người thứ ba lối mòn đã hình thành. Trên thế gian vốn không có đường, đường chẳng qua do người ta đi lại nhiều mà thành, Lỗ Tấn đã viết thế thì phải. Tín nghĩ thầm và bổ sung rằng đường cũng còn do các động vật đi lại nhiều tạo nên nữa. Đàn kiến bé thế mà cũng đi thành đường mòn. Còn bọn chuột cũng chuyên đi một đường mòn quen thuộc của nó. Nhưng đường mòn đời của mỗi người hình như đã được tạo hoá vạch sẵn thì phải. Ai đó muốn cưỡng lại tạo hoá cũng không biết cái đường đi bí mật ấy mà lần. Kể cả các nhà chiêm tinh học, tử vi học tài giỏi mấy cũng chịu bó tay. Nếu có hỏi thì chắc chắn sẽ được trả lời thiên cơ bất khả lậu. Có tiếng cai cửu vang lên rành rẽ:

- Cấm đi chệch ra ngoài! Cấm đặt hàng ra khỏi vệt an toàn! Chết toi mạng cả lút không ai đền đâu.

Biết rồi, nói mãi. Bước chân chậm choại thế này bố ai giữ được đúng cái vệt an toàn rất tương đối này. Cái gọi là an toàn cũng chỉ là người đi trước bước qua chưa bị đoàng, biết đâu người đi sau dẵm vào đúng bước chân người đi trước quả mìn han gỉ kia mới trơn kim và phát nổ. Nhưng vẫn phải cố đi vào vạch sinh tử, dù sao nó cũng vẫn an toàn hơn là bước chệch ra ngoài. Bỗng người đi đầu dừng lại. Cai cửu hỏi:

- Có chuyện gì thế? Tất cả bình tĩnh.

- Có hổ hả - Tiếng ai đó đùa cợt hỏi như hồi hành quân vẫn tếu táo nhau.

- Em bị trật khớp vai. Xử lí một tẹo thôi. Anh Tín giúp em một tay nào.

Sung và Tín thận trọng hạ cục hàng xuống. Cục hàng là cái đầu nổ Tàu nặng tạ rưỡi, hai anh em khiêng chung. Cục hàng to chờm ra khỏi vệt an toàn vì vậy đặt hàng xuống thật nguy hiểm. Chỉ cần nhoàng một cái là hai anh em đã làm mồi cho tử thần, và những người đi cùng đoàn cũng khó tránh khỏi thương vong. Tín bảo Sung:

- Sẵn sàng nằm nhé, nào đặt xuống, hai ba.

Không có chuyện gì xảy ra. Lúc cục hàng sắp chạm đất Tín đã thấy nhột nhột ở cuối xương cụt, tóc gáy cũng rợn rợn. An toàn là may rồi. An lành giây phút nào hay giây phút ấy. Vì đặt hàng xuống mìn không nổ, nhưng nhấc hàng lên nó mới bật chốt thì sao. Có loại mìn đè nổ, nhưng lúc đè mới chỉ làm bật chốt kim hoả, thôi đè kim hoả mới phát nổ. Hồi mới nhập ngũ Tín đã được nghe giảng về tính năng tác dụng các loại mìn của cả ta và địch. Nghe một buổi hàng chục loại mìn không nhớ nổi, nhưng dù sao trong đầu cũng biết đại khái có rất nhiều loại mìn. Lại học cả cách dò gỡ mìn và cách bố trí mìn nữa. Tín nhát chưa một lần thử gỡ hoặc bố trí mìn. Hồi xảy ra sự cố biên giới Tín đi học thông tin, chưa mãn khoá đã phải về phục vụ tiểu đoàn ở chính khu vực này, nhưng mìn thì được tránh xa. Thông tin ở phía sau. Tín qua đào tạo nên không bị tăng cường xuống trung đội hay đại đội ở phía trước. Sau sự cố biên giới Tín được đi học trường quân chính, về làm trung đội trưởng rồi ngoi lên đến trợ lí tác chiến trung đoàn. Cái thời biên giới chỉ nong nóng quân ta vẫn phải đi trinh sát. Vấn đề sơ đồ bãi mìn được hỏi đến. Nhưng lần từ dưới lên trên, lại lần từ trên xuống dưới vẫn không tìm thấy sơ đồ đâu. Nó có thực hay không cũng thế thôi. Tín dẫn một toán trinh sát là học viên trường sĩ quan của Bộ về trung đoàn thực tập đi nắm địch. Qua một dãy đồi thấp cây lúp xúp gặp một cảnh tượng bi tráng có một không hai: xương trắng như hoá thạch chồng chất khắp đồi. Một cuộc thảm sát, một trận đại dịch, hay một trận đánh sinh tử thời xưa đã xảy ra ở vùng biên viễn hẻo lánh này đến nỗi xác người không đủ sức chôn cất mà thú rừng cũng không cả gặm xương người nữa. Khí hậu, thổ nhưỡng vùng này đã làm xương mòn bóng lên. Lúc mới chạm đến bãi xương này Tín cũng có cảm giác nhồn nhột xương cụt và sởn tóc gáy như bây giờ. Tuy nhiên đột nhập qua ngả này rất an toàn. Không ai gài mìn ngăn chặn đối phương ở bãi xương ấy. Chuyến đi trinh sát đạt được yêu cầu nhiệm vụ. Khi về qua tiền duyên địch toán trinh sát yên trí thẳng lưng mà bước. Đúng lúc ấy oàng oàng hai lần liên tiếp. Khói tan đã thấy mấy cán bộ quằn quại trong máu. Từ đấy dân cũng không dám lai vãng khu vực có mìn ngày trước nữa. Giàng giàng mọc trên mìn, làm chủ toàn bộ khu vực tiền duyên này. Vậy mà Tín lại phải vượt qua bãi mìn lần nữa chỉ vì miếng cơm manh áo. Anh hiểu rõ hơn ai hết trong toán cửu vạn sự nguy hiểm rình rập sau mỗi bước chân. Do Sung bị trật khớp vai nên cả toán phải hạ hàng tạm giải lao. Những cục hàng dài gần hai mét, rộng gần một mét khi hạ xuống đều chờm rất nhiều ra khỏi vệt mòn. Vậy mà an toàn cả. Cái liều thắng cả cái chết, cái rủi ro.

Sung dáng thấp đậm, khoẻ như vâm, hồi nhỏ ngã bị trật khớp vai. Nào thầy lang, nào bác sĩ bó đi buộc lại cái khớp vai vẫn chưa chịu ở yên trong hốc xương thiên tạo. Những lần sau này bị trật, Sung nhờ người lớn ôm xốc lên dồn cho khớp vào đúng chỗ. Cũng chỉ hơi đau một chút, vung tay vài cái lại bình thường. Từ đó Sung không khiến thầy lang hay bác sĩ nữa. Hôm nay Sung đổi vai, chân bị trượt nên vô ý lại để trật khớp. Tín làm theo hướng dẫn của Sung dồn cho khớp vào đúng chỗ. Nghe ục một tiếng âm âm Sung bảo được rồi. Sung vung vẩy tay vài cái là có thể sẵn sàng lên đường. Tín hỏi:

- Liệu có khiêng nổi hàng tiếp không?

- Bình thường, anh khỏi lo đi.

Toán cửu vạn lại lên hàng đi tiếp. Qua khỏi đồi cây giàng giàng rậm rạp thì tới con đường mòn khá rộng. Nhưng từ đồi xuống đến đường phải qua vách đá cao chừng ba mét khá dựng đứng. Vách đá không có rêu nhưng vẫn trơn trượt do đá ướt nước mưa. Đi người không vượt qua vách đá này còn khó, thế mà toán cửu vạn lại phải mang hàng vừa cồng kềnh vừa rất nặng. Bên kia đường mòn là vực sâu chóng mặt. Bị trượt chân xuống đường rất dễ bị lăn quá đà xuống vực ấy. Mấy người đi trước vác hàng khéo léo để một mép bao hàng quệt vào vách đá tạo lực cản rồi từ từ trượt xuống đường mòn an toàn. Cũng không thể không nhắc đến giá trị của đôi dép nhựa Tiền Phong trắng dẻo mềm. Nó không bị tuột quai, lại miết vào vách đá khá bám tạo thêm lực cản. Không biết anh cửu nào đã phát hiện ra cái thứ dép lạc mốt này bây giờ lại đắc dụng thế. Có người trung thành với đôi dép lốp vượt Trường Sơn nhưng nó bị tuột quai liên tục, sau một chuyến đi hàng phải chịu cảnh khốn đốn với nó nên đành phải chia tay. Nó hết thời rồi có luyến cũng không được.

Đến lượt Tín và Sung qua vách đá. Cục hàng bằng sắt của hai anh em không thể làm như hàng mềm của mấy người khác. Sung đi trước phải gồng người chịu sức đè tạ rưỡi của cái đầu nổ. Tín cũng ráng sức ghì cục hàng lại giúp làm giảm sức nặng cho Sung. Sung lẳng lặng căng gân cốt đỡ như vận động viên cử tạ. Chỉ ở những tình huống đặc biệt con người ta tập trung tinh thần sẽ có sức mạnh bộc phát không tưởng tượng nổi mà lúc bình thường chính người đó cũng không biết hết khả năng của mình.

*

Sung quê ở vùng chiêm trũng ven sông Lai Hạ. Một nhánh sông này đã bị bồi đắp mất dòng tạo thành những dãy ao hồ lớn liên tiếp nhau. Phần nổi là nhà. Thời xưa dân nghèo vô gia cư đến đây lập nghiệp. Ban đầu họ dựng lều làm nghề chài cá cua ốc. Rồi trồng sậy lấn sông, đấu đất tôn nền làm được nhà. Nhiều nhà thành ấp rồi thành làng. Con sông bị dân ăn hết. Bãi bồi, ruộng trũng dần cấy được lúa. Có thuyết cho rằng họ là một toán quân thuỷ nhà Mạc thua trận dạt về con sông Lai Hạ này. Viên tướng ra lệnh chôn cất vũ khí, trụ lại đây chờ thời. Chờ mãi phải lấy vợ sinh con đẻ cái. Khi đã thành ấp họ gọi con sông cưu mang mình là sông Lai Hạ, và ông tướng được tôn làm thành hoàng. Ông tướng không có con nối dõi nên sau này Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thần phả đã tha hồ ca tụng vị thành hoàng theo hướng thiêng hoá. Sung là hậu duệ thứ thiệt của các chiến binh bại trận nên có đặc điểm chung là ít học và luôn thất bại trong các cuộc mưu sinh. Sau khi ra quân Sung về nhà lấy vợ quê, năm sau đẻ con. Hai con trâu đất nuôi một đứa con mà vẫn thấy khó. Cũng là do thời thế. Cả nước đói chứ riêng ai. Sung bảo vợ nhịn ăn nhịn tiêu bán thóc đi biên buôn hàng tâm lí. Hồi trước còn tại ngũ đôi lần về tranh thủ mang vụng được vài thứ đồ về để dùng trót lọt, tính ra lãi kha khá. Bây giờ Sung tính đi buôn lấy lãi, vài chuyến trót thì sẽ gầy được vốn. Sung đóng vai bộ đội tranh thủ như trước. Nhưng kiểm soát liên ngành cáo hơn nhiều, ngay chuyến đầu Sung đã bị tịch thu trắng cả vốn lẫn lãi. Cụt vốn tức là cụt đường làm ăn, Sung quay lại cửa khẩu nhập vào đội quân cửu đi vác hàng thuê cho đầu nậu. Chủ hàng đã làm luật với cơ quan chức năng địa phương. Nhưng đề phòng có trên về kiểm tra đột xuất nên cửu vẫn phải đi đường tắt. Có khi chủ hàng trốn cả làm luật, hoặc chuyến hàng khó làm luật. Sung khoẻ mạnh nên vác hàng thường gấp rưỡi người khác, công tất nhiên cũng cao gấp rưỡi. Sung về quê bảo vợ cai sữa non gửi con cho ông bà trông hộ rồi cùng lên cửa khẩu làm cửu. Cô vợ trâu đất vác cũng khoẻ. Được chồng hỗ trợ thì hai người vác được hai bó hàng như mọi người khác. Duyên trông mảnh mai thế mà đi đêm về hôm cấm thấy kêu ca bao giờ. Đêm vẫn chiều chồng mãnh liệt, đánh thức hết tâm trạng đàn ông của cánh cửu vạn cùng trọ một lán. Rồi có người lẳng lặng về đón vợ lên cùng làm. Thêm mấy cái phòng riêng nữa. Một số người thì tìm đàn bà lỡ làng chắp vá thành ra thứ tình cửu cho đỡ buồn. Họ cũng kiếm cót ngăn phòng. Cũng cùng làm cùng ăn cùng ngủ. Sẵn sàng chia tay bất kì lúc nào. Có người tán tỉnh Duyên. Trong số này có Phần, một cửu người địa phương biết tiếng Hoa. Phần cũng to khoẻ lực lưỡng như Sung, nhưng có cái đầu to, tóc rễ tre dựng đứng, lông mày rậm, mắt trố, chân đi chữ bát, nói chung là xấu giai, muộn vợ. Có lần Phần thách Sung mang một nửa cục hàng của Duyên, nếu mang được thì Phần sẽ mang giúp nốt nửa kia. Sung vác được. Phần cũng vác được. Hôm đó Duyên đi không. Về đến lán nhân lúc Sung đi rửa tay, Phần ỡm ờ:

- Của Duyên dù nặng mấy tôi cũng mang được, chứ của chủ hàng thì tôi kiếu.

Cùng với câu nói là cái nhìn như ngoạm đứt bộ ngực nở nang của Duyên, bản năng đàn bà Duyên hiểu ngay nỗi thèm khát của Phần, cô không đáp lời mà giả bộ theo Sung đi rửa tay. Phần không nói gì thêm, chỉ gửi theo cái nhìn cháy bỏng mà Duyên vẫn cảm nhận được. Đêm ấy Duyên bảo Sung lần sau đi riêng không theo toán cửu có Phần nữa. Sung nghĩ vợ chồng ở bên nhau thế này thì có gì phải ngại, chẳng cho lời Duyên vào đâu.

Do lợi thế thông thuộc đường ngang lối tắt lại thạo tiếng Hoa, Phần giúp các chủ hàng giao dịch mua bán, dần được các chủ hàng tín nhiệm giao cho luôn chân cai cửu, tức là nhận và chia việc cho các cửu cả hàng đi lẫn hàng về. Phần thường chọn việc nhẹ cho Duyên. Khác việc thì cũng khác đường đi. Những chuyến hai vợ chồng Sung cùng đi với nhau ít dần. Sung vẫn không thấy sự khác biệt trong công việc thường ngày ấy. Tuy vậy có lần Duyên hỏi:

- Mình là cửu sớm ở đây sao không đứng ra làm cai cửu cho nhàn thân, như anh Phần ấy?

Sung gạt đi:

- Nó là dân bản xứ biết tiếng Hoa chủ nó cần, chứ như mình thì làm cai sao được.

Một bữa, Sung mang tiền về quê tình cờ gặp Tín đi thồ gạch mướn mới rủ lên cửa khẩu cùng làm. Tín là trung đội trưởng cũ của Sung. Tín lại biết tiếng Trung, lên làm ít bữa rồi tìm chủ hàng cần phiên dịch thì đi giúp. Hai anh em kết hợp sẽ thành cai cửu to. Tín mang cả xe thồ đi nhưng chưa qua chuyến đầu Tín đã muốn bỏ việc. Sung bảo có khó người ta mới cần cửu. Cửu là gì? Là lực điền vác đá được mô tả trong bộ bài tổ tôm, tức là cây cửu vạn. Cửu vạn là đồ ăn no vác nặng, cửu chỉ là gọi tắt thôi. Nhưng cửu vạn lại là cây bài đỏ. Chơi rút bất được cửu vạn là ăn đủ. Có câu Tứ lục là lúc trời cho/ Cửu cò ông cụ còn lo nỗi gì. Cửu cò ông cụ được vơ cả làng. Cửu vạn ở biên lấy tiền của tất cả các chủ hàng đúng là vơ cả làng còn gì. Thế là Tín lại cố ở đi vác một chuyến xem có nổi không. Hàng thồ toàn ba ba đóng hòm vừa nặng vừa thấp công. Vác hàng nhẹ hơn mà công cũng cao hơn.

Lần này Sung được chủ hàng tin cậy nhờ mang cái đầu nổ. Hai người khiêng nhưng công cao bằng bốn người khác. Sung tự kiếm đòn, tự chằng buộc chắc chắn, lên dốc xuống dốc không xê xích ít nào. Đúng là cửu cụ có khác. Nhưng không ngờ vượt cái vách đá này khó thế. Sung vẫn gồng người hãm cục hàng không cho xô xuống. Lực hãm của Tín hầu như chẳng ăn nhằm gì. Tín bảo:

- Hay dừng lại để tớ kiếm dây buộc hàng vào gốc cây cho nó tuột dần xuống an toàn hơn Sung à.

- Anh đừng buông tay, bây giờ muốn dừng lại cũng không được đâu. Đá trơn lắm.

- Thì bảo cánh vác hàng giúp một tay.

- Ôi dào, có cục hàng mà phải nhờ nhọt nó yếu người đi. Cố lên anh à.

Hai anh em thận trọng nhích từng tí một. Bỗng Sung trượt chân ngã chúi về phía trước. Cục hàng va vào vách đá bật tung lên xô Sung cùng trượt băng băng xuống đường. Tín tuột tay khỏi đòn nhưng cũng bị lực kéo của cục hàng lôi vù vù theo. Cục hàng xô Sung vượt qua mép đường mòn rồi cả người và hàng bay tự do xuống vực. Tín ngã xấp mặt xuống đường lăn thêm mấy vòng nữa thì dừng lại được. Hồi lâu nghe âm âm tiếng đập nặng nề dưới đáy vực sâu. Cai cửu thản nhiên bảo:

- Ông Sung và ông Tín làm mất hàng phải đền. Ông Tín bị trừ tiền công dần. Còn ông Sung thì vợ phải chịu. Ông Tín ở lại giải quyết chiến trường, còn mọi người tiếp tục đi  kẻo về trễ chủ hàng lại bớt tiền công đấy.

Một mình Tín lần đường đi xuống. Không có đường mòn để đi. Càng xuống sâu cây càng rậm rịt. Lại nhiều vắt nữa. Vắt đói bay lá xô lại. Mặc, Tín cứ ra sức rẽ cây mà đi. Lại nhớ hôm nay Sung có rất nhiều điềm gở. Lúc đi liên tục dặn dò nếu ai có mệnh hệ gì thì người kia phải giúp, phải trông nom cả vợ con cho nhau. Tín nghe đến lần thứ ba thì gắt, bảo việc đó là tất nhiên cần gì phải dặn. Sung ưu tư phân trần: Thì em cứ phòng xa thế. Hay vợ chồng mày có vấn đề gì à? Không, bình thường. Nếu sợ mất vợ thì cho nó về trông con trông ruộng. Mất làm sao được. Em đố thằng nào dám động đến chân lông vợ em đấy. Lâu lâu sau Sung bảo: Hồi vợ em mới lên lớ ngớ, có thằng dặt dẹo ra vẻ đầu gấu định sàm sỡ giữa thanh thiên bạch nhật, em không thèm nói nửa câu, cứ lẳng lặng lấy đòn phang cho một trận thừa sống thiếu chết. Từ đó, bọn đàn em nó không còn dám ho he. Bây giờ Tín nghĩ, dạo này Duyên thường đi hàng riêng, chỉ tối mới về lán ngủ. Cũng có hôm phải đi hàng đêm. Có khi Sung cũng đi. Có hôm chỉ Duyên đi với toán ấy. Nghe đâu thằng Phần cai cửu đang âm thầm theo đuổi Duyên thì phải. Có lần Duyên đã cảnh báo nhưng Sung không thèm nghe, coi như đó chỉ là sự thử thách lòng chung thuỷ của Duyên mà thôi. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, ai mà biết trước được chuyện gì. Với đàn bà chỉ khó lần đầu. Đã có một lần thì muốn thêm bao nhiêu số không sau lần một ấy chẳng được. Lần một ấy nó đến nhiều kiểu lắm. Không thuận thì ép. Ép cũng là lần một. Chuyện ấy lại là chuyện sống để dạ, chết mang đi, vợ chồng yêu nhau đến mấy cũng không dám thổ lộ. Hay Sung đã biết, hoặc đã cảm thấy Duyên có chuyện gì rồi. Chuyến đi này Sung muốn thanh toán nợ nần với Phần chăng mà dặn dò Tín kĩ vậy. Lại còn tranh mang bằng được cục hàng khó này. Lại còn dẫn đường qua bãi mìn nữa chứ. Thằng này quyết chết chứ đâu phải liều mạng kiếm ăn.

Dưới đáy vực thân thể Sung nát nhừ nhưng hai tay vẫn bấu chặt cục hàng. Nếu là cục hàng mềm thì có lẽ Sung sẽ an toàn. Thời xưa quân Đặng Ngải chẳng ôm giáo lăn xuống núi vẫn thoát chết khối người đấy ư. Nhưng cục hàng to nặng toàn sắt thép thế này an toàn sao được.

Lúc Tín mang được Sung lên đến đường thì Duyên cũng vừa đến. Duyên đổ sập người xuống thi thể chồng. Tín chỉ thấy vai Duyên hơi rung rung. Anh ngồi bệt xuống đường thở, mặc Duyên dãi bày tình cảm với Sung. Nghỉ hết mệt vẫn thấy Duyên nằm ở tư thế phủ phục như lúc ban đầu. Anh đành nhắc:

- Đau xót lắm lắm. Nhưng phải đưa chú ấy về thôi.

Duyên vẫn không nhúc nhích. Tín đến bên vỗ vai kéo Duyên dậy. Duyên cứ ôm chặt Sung không rời. Hoá ra Duyên bất tỉnh từ lâu. Tín vội vàng xoa bóp rồi hô hấp nhân tạo cho Duyên. Nhưng đã quá muộn. Duyên không thể hồi được nữa. Mọi chuyện thế là hết. Không lo toan. Không nghi ngờ dằn vặt. Chỉ còn lại tình yêu như cổ tích của đôi vợ chồng cửu vạn vùng biên. Và Tín là nhân chứng, là người ghi chép lại câu chuyện này bên bờ vực không tên nay đã có tên: Vực tàn hơi.
PTT