/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

TÌNH YÊU CHẮP CÁNH CHO TÔI ĐI TIẾP CUỘC ĐỜI

Chỉ sống mãi với ai biết làm nên giá trị cuộc đời mà thôi. Cầu mong cho linh hồn Anh siêu thoát về miền Tây phương cực lạc!

 Thúy Ngoan

 

TÌNH YÊU CHẮP CÁNH CHO TÔI ĐI TIẾP CUỘC ĐỜI

         .

      Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo heo hút bên dòng Hóa Giang chở nặng phù sa. Con đê mướt xanh như vòng tay của mẹ ôm ấp xóm làng với bao mùa nước lũ tràn về. Rồi tôi lớn lên cùng lũ trẻ chăn trâu, đi mò cua, bắt ốc. Những đêm trăng sáng rủ nhau ra sân đình múa hát, kéo co, nhảy sạp, chơi trò bịt mắt bắt dê… Hoa gạo tháng ba đỏ rực nhuộm cả tuổi thơ tôi. Nhớ những đàn cò trắng chiều chiều bay về lũy tre làng nương bóng, chúng rì rào cãi nhau bởi con tôm cái tép ngoài đồng. Bên hàng rào nhà tôi là mấy cây ổi găng quả đang chín rục. Muôn chú chào mào rủ nhau từng đàn về ăn, chúng khá tinh ranh, chỉ dành cho mình những quả thừa mà chúng bỏ lại. Nhớ những con đường giêng hai mưa dầm trơn như đổ mỡ. Chỉ mong đến ngày thu hoạch lúa khoai được bữa cơm no.

      Cha tôi làm nghề “đưa bao người qua dòng sông trí thức”, thời ấy cả thầy và trò đều đói vàng cả  mắt. Mẹ tôi là người có duyên, lại xinh đẹp vào loại nhất nhì làng. Đôi tay bà thật khéo léo “Trồng lúa, lúa tốt, trồng khoai, khoai bùi”… lại có năng khiếu thương mại, nên cũng có đủ gạo cho gia đình tôi bữa đói bữa no. Tôi lớn lên trong thời nghèo khó, nhưng được bố mẹ quan tâm tới việc học hành. Lúc vào cấp 3, cả làng chỉ có 3 đứa. Năm 1965 - 1966 đế quốc Mỹ ném bom dữ dội ra miền Bắc. Trường cấp 3 Ngô Quyền sơ tán về xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, cách quê tôi không xa lắm. Hàng ngày tôi phải ôm sách đi bộ 3, 4 cây số mới tới được lớp học. Thời đó nghèo túng đến cái cặp, cái túi đựng sách cũng không có, giấy viết thì càng hiếm. Nếu có tờ giấy nháp thì phải nháp bằng bút chì trước, sau đó mới nháp bằng bút mực... 

     Vì điều kiện kinh tế gia đình gặp khá nhiều khó khăn, tôi đành bỏ dở học cấp 3 để vào Trường Y sỹ Hải Phòng đúng vào những ngày chiến tranh phá hoại xảy ra ác liệt nhất. Trường Y sơ tán theo Bệnh viện Kiến An, còn bọn sinh viên chúng tôi vừa học, vừa đào hầm, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng. Tôi còn nhớ lúc cấp cứu bệnh nhân bị bom nằm la liệt…mà bụng thì móp meo, nhiều lúc tôi cảm thấy bản thân mình không còn sức sống nữa. Đến bữa chỉ có bát cơm độn ngô với cái bánh bột mỳ hôi luộc và vài miếng đậu phụ kho. Nếu hôm nào có canh thì là rau muống nấu với muối, thi thoảng lắm mới được vài con cá con. Những lần hết gạo, hết than đun, phải ăn cải già luộc trừ bữa. Rồi những lúc nhớ nhà buồn đến thắt ruột chỉ biết ôm mặt mà khóc. 

     Thời gian cứ dần trôi, đến cuối tháng chúng tôi được nghỉ 3 ngày. Thời ấy xe cộ công cộng là một điều xa xỉ, chúng tôi phải cuốc bộ mấy chục cây số về nhà. Lúc trở lại trường, đứa nào cũng mang theo lọ muối trộn mắm tôm rang khô, một “ẩm thực cao cấp” của sinh viên thời ấy...

     Bồi hồi tôi nhớ lại, một lần về quê cùng với cô bạn thân đến trường Ngô Quyền chơi nhân ngày nhà giáo ViệtNam. Tôi diện cái áo màu xanh nước biển mà mẹ mới cho tiền mua. Nghe bạn bè ca ngợi thầy Thìn dạy văn, làm thơ có tiếng ở trường. Khi gặp lại thầy, ngay từ giây phút đầu tiên ấy, tôi nhận ra gương mặt rạng rỡ, đôi mắt to, đen láy, ánh mắt như có lửa ấy đã hút hồn tôi... Lúc chia tay thầy, tôi thấy trái tim mình xao xuyến lạ thường và đêm đó nằm không thể nào chợp được mắt.

      Hôm sau. Linh tính bảo tôi, thế nào thầy cũng đến nhà. Quả thật, thầy Thìn nhờ bạn tôi dẫn xuống nhà tôi chơi. Lúc chia tay, thầy tặng tôi bài thơ “Áo xanh”: “Buổi đầu em đến thăm anh/Áo xanh xanh cả trời xanh quanh phòng/Dù trong giây phút lạ lùng/Cầm tay em mối tơ lòng đã vương”. Đó có phải là duyên phận trời trao cho hai chúng tôi từ buổi đầu gặp gỡ.

      Yêu nhau gần hai năm. Hai người sơ tán ở hai nơi cách nhau mấy chục cây số. Ngày nghỉ, anh thường đạp xe đến trường sơ tán thăm tôi. Lúc tiễn anh trên con đường đất gập ghềnh khi trời đã nhá nhem tối. Chân bước thấp bước cao, ra khỏi đầu làng là anh nắm chặt tay tôi với ánh mắt nhìn đắm đuối, còn cái “hôn” cũng rất hãn hữu xảy ra vì tôi còn quá dại khờ trong cái tuổi mới lớn. Có lần anh đạp xe từ chỗ tôi về lúc đã tối muộn, qua hai con phà Cựu và Quý Cao tới gần sáng mới đến được trường. Rồi anh quên cả mệt nhọc, ngồi vào bàn làm thơ, viết những dòng nhật ký chan chứa yêu thương. Anh bảo tình yêu đã chắp cánh cho anh. Mỗi lần nghe anh gọi “nàng tiên của anh ơi” là hai má tôi lại ửng hồng như tràn đầy sinh lực.

      Ngoài việc giảng dạy anh còn kiêm chức Bí thư Đảng ủy nhà trường. Biết bao bài thơ, muôn lá thư anh viết cho tôi, không đơn điệu chỉ có tình yêu đôi lứa, mà trong đó còn có cả tình người, tình yêu quê hương, đất nước: Trên đất quê ta/ Đang độ mùa hoa chiến thắng/ Gặp em trời đông hửng nắng/ Hôm nay gần vì có những ngày xa”… Và tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng, rất chân thành và mơ mộng: “Nhớ ánh trăng thanh buổi đầu hò hẹn/ Quê hương ai chân bước ngỡ ngàng/ Tim nôn nao thẹn thùng thấp thỏm/ Cứ mỗi lần vướng tóc gió lùa ngang”.

      Thời gian như không thể chờ đợi được nữa. Vào ngày 25 tháng 02 năm 1969 lễ thành hôn của hai chúng tôi được tổ chức khi anh tròn 29 tuổi, còn tôi một sinh viên năm cuối của Trường Y Sỹ Hải Phòng vừa mới đủ tuổi làm đăng ký kết hôn. Đám cưới được nhà trường tổ chức cho với nghi thức đời sống mới tại sân trường sơ tán tại xã Hùng Tiến - Vĩnh Bảo, có đại diện hai họ, các đồng nghiệp, học sinh của anh và bạn bè của tôi tới dự khá đông, uống trà, ăn bánh kẹo, hút thuốc lá Trường Sơn, Tam Đảo... với các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” thật vui nhộn. Có một sự kiện mà tôi không thể nào quên: Sau đám cưới cô dâu trốn về nhà người bạn thân ngủ, chú rể đêm ấy ôm gối một mình, nhưng anh cũng chẳng phản ứng gì vì biết tôi còn con nít, nghĩ lại thật buồn cười.

      Ra trường, tôi được phân công về Ty Thủy lợi ở Kiến An và được điều động về Phòng Thủy lợi huyện Vĩnh Bảo.. với cương vị Trưởng ban Y tế công trường. Công việc vô cùng vất vả, phải theo công trường trên khắp nẻo đường, nên vợ chồng không mấy khi được gần nhau. Tháng 09 năm 1969 Trường cấp 3 Ngô Quyền chuyển về trung tâm huyện lỵ Vĩnh Bảo và đến tháng 09 năm 1970 trường về nội thành. Anh Thìn được trên điều về Trường Sư phạm Trung cấp II lúc đó đang sơ tán tại xã Thanh Lương - Vĩnh Bảo.

     Năm 1970 tôi sinh con trai đầu lòng, anh viết những bài thơ với niềm vui vô bờ bến: Có nỗi nôn nao nào bằng nỗi chờ làm bố/ Có niềm vui nào cho ta bằng tiếng khóc chào đời/ Có nụ cười từ lúc con rung môi/ Khóc là hạnh phúc - đợi chờ từ lâu đó Hay: “Trăng thương đậu xuống lòng người/ Ba năm kết hoa đời tặng cha”. Như vậy khi tròn 30 tuổi anh mới có con đầu lòng, thời ấy như vậy là đã thuộc vào diện muộn mằn.

      Cứ thế tình yêu nhân dần theo năm tháng. Càng xa, càng nhung nhớ nhiều hơn. Khi sinh con tôi được nghỉ theo chế độ chỉ có 2 tháng cộng với 10 ngày phép, rồi phải bế con theo công trường để làm việc. Thấy tôi vất vả quá, khi con được 6 tháng, anh bảo để con ở nhà anh nuôi cho. Đêm về, vừa soạn bài, viết thư, làm thơ cho vợ, vừa nấu cháo lọc lấy nước hãm vào phích để nuôi con. Đêm nào cũng chỉ chợp mắt được một hai tiếng, rồi những lúc trái gió trở trời, lúc con ốm đau... bao vất vả cơ hàn không thể tả xiết.

     Tiếp tục cháu thứ 2 ra đời, khi được 8 tháng tôi lại để con ở trường cho anh nuôi bộ tiếp. Lúc này cảnh “Gà trống nuôi con” không chỉ một đứa mà là hai. Bài thơ anh viết ngày ấy bây giờ đọc lại không cầm được nước mắt: “…12 giờ đêm rồi chưa ngủ/ Điều gì khiến con trở mình xuôi ngược không yên/… Mỗi biến động ở con dù rất nhỏ/ Cũng làm day dứt lòng bố đây/ Con không ngủ, bố làm sao ngủ được/ Thương con, bố thương cả bố/ Gian khổ một mình, tất tả ngược xuôi/ Cho tháng năm tròn đâu có lúc nào nguôi…”.

     Ba bố con anh trong ngôi nhà tập thể ụp xụp của trường. Không thể có ngòi bút nào tả hết nỗi cực nhọc gian chuân… Bây giờ ngồi nghĩ lại, không thể hình dung ra được, giống như câu chuyện hoang đường?

      Rồi, năm 1975 tôi sinh thêm cháu gái thứ ba. Khi cháu 5 tháng tuổi thì trên cho tôi về công tác tại Bệnh viện huyện Vĩnh Bảo. Mừng không tả xiết. Từ đó gia đình được đoàn tụ. Nhưng: “Ngày vui ngắn chẳng tầy gang”. Lấy nhau được 9 năm, gần nhau hơn hai năm. Anh lại bị K phổi và vĩnh viễn ra đi ngày 05/05/1978 tức 29/3 Mậu Tuất, để lại cho tôi ba giọt máu của anh: Đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa thứ hai 5 tuổi, đứa thứ ba mới 3 tuổi. Tôi ngơ ngác, bàng hoàng như chim mất tổ. Khi nhìn thấy gia cảnh tôi thế này bạn bè xa gần ai cũng ái ngại. Biết làm gì để nuôi 4 miệng ăn?  Rồi những năm tháng tôi liêu xiêu dắt con đi trong giông bão cuộc đời…

    Đã 39 năm anh vĩnh viễn ra đi… Hình ảnh anh luôn trong trái tim tôi. Là người chồng nhất mực yêu vợ, thương con. Có thể gọi anh là người đàn ông “lý tưởng” mà trời ban cho tôi. Anh vừa là chồng, là “cha”, là người yêu, vừa là người bạn thủy chung...

     Nhớ lại! Mỗi đêm ru con ngủ xong rồi, anh đọc cho tôi nghe những trang tiểu thuyết như: “Chiến tranh và hòa bình; Sông Đông êm đềm; Anh Trỗi; Yêu như là sống; Nhãn đầu mùa; Bỉ vỏ; Thời thơ ấu; Thiên đường mù; Tiếng chim hót trong bụi mận gai…” và đọc thơ, đọc Kiều, phân tích nhân vật say mê như thầy giáo đang trên bục giảng. Nhiều đêm nói chuyện với nhau đến gần sáng, khi nghe tiếng gà gáy mới giật mình. Uớc gì đêm dài hơn em nhỉ. Hồi đó tôi chưa thích văn chương, chỉ muốn ngủ và chiều theo ý anh mà thôi. Rồi dần dần tôi nghiện sách từ bao giờ không biết.

     Hồi đó chỉ có ngọn đèn dầu là ánh sáng duy nhất để để anh sáng tác thơ, viết nhật ký. Lúc con ngủ, ôm tôi vào lòng, anh bảo hôm nay em có quà. Tôi hí hửng tưởng có quà gì, hoá ra là bài thơ anh viết nhân hai năm ngày cưới của chúng tôi: “…Hai chúng mình thương nhau/ Thời gian như chạy gấp/ Giữa hai màu xuân tấp nập /Một năm rồi mà vẫn tưởng buổi đầu/ Ta yêu nhau có tình quê tha thiết/ Sóng xôn sao hồi hộp ân tình/ Có trăng thương đậu xuống lòng anh/ Và non nước cỏ cây khắc tình ta thơ mộng…”. Có ai tả bà xã “Ba con cổ ngẳng răng vàng” (Ca dao) còn đẹp thế này không: “Em về giữa buổi trưa hè/ Đón em, se hót trắt tre rộn ràng /Chuối vườn xanh đứng nghiêm hàng/ Má em hồng giải nắng vàng quàng vai”.  Anh để cả tập giấy, bất kể lúc nào rảnh là viết, nhất là những năm xa nhau, một ngày có đến mấy lần: “Em yêu thương! Hôm nay…”. Những bức thư, những bài thơ đó tôi cất kỹ trong hòm, chỉ có màu mực, màu trắng của giấy là phai cùng năm tháng mà thôi. 

     Không ngờ! Tất cả đó là hành trang, là vốn liếng anh tích lũy dành cho tôi và dẫn tôi đi vào con đường văn chương. Những năm tháng buồn vui gian khổ ấy đã dồn nén trong tâm hồn tôi, nước mắt và nỗi đau cay đắng đã cho tôi những vần thơ chia sẻ với bạn đọc, với cuộc đời.

     Anh vĩnh viễn ra đi khi tôi mới 28 tuổi đời. Trở  thành góa phụ, như con thuyền gẫy lái giữa phong ba, không biết giờ mình nương tựa vào đâu? Anh ra đi, để lại bốn mẹ con tôi lay lắt ở Khu tập thể Bệnh viện huyện Vĩnh Bảo bên dòng sông Chanh Dương ngàu đục phù sa. Đúng vào thời kỳ xóa bỏ bao cấp: Gạo hôi, mỳ mạch cũng không đủ no, áo không đủ ấm chứ đừng nói các thứ khác, gian khổ biết nhường nào. Cả hai bên nội, ngoại không có ai giúp được gì. Hồi đó bố tôi đã trở thành người thiên cổ được mấy năm, may sao mẹ tôi vẫn còn khỏe mạnh, nên mỗi khi đi chợ thì cụ lại sắm cho 4 mẹ con tôi từ mớ rau, con tép đến đôi đũa, chiếc niêu đất. Rồi sau này sức khỏe của mẹ yếu dần và bà về ở hẳn với tôi, thế là con dại mẹ già, gánh nặng liêu xiêu… bữa no, bữa đói. Buổi trưa làm về có hôm không nấu được cơm vì không có củi, thổi mãi cái bếp than không cháy được, lại nghe thấy tiếng kẻng đi làm, con đói quá nằm thiếp đi. Bài thơ tôi viết cứ đọng mãi đến bây giờ: “…Sông Chanh dẫy nhà tập thể/ Từng ô như trại chăn nuôi/ Chiều về bếp than bếp củi /Khói như hun chuột lên giờì/ Nhớ ngày cái Nam nó chết/ Cơm lồng cũng phải xới vơi…”. Đất nước trong thời kỳ bao cấp. Cũng là thời kỳ toàn dân thắt lưng buộc bụng. Hàng hóa cái gì cũng phải phân phối... Đồng lương “Mỏng như lá lúa” chỉ đủ rau mắm cho các con được nửa đầu tháng, còn nửa tháng sau thì “vay chỗ nọ, vá chỗ kia”. Tôi phải làm đủ nghề để mưu sinh như trồng rau, nuôi lợn... Các con thì hay ốm yếu, nay đứa này, mai sang đứa khác. Nhiều đêm tôi thức trắng ôm con với nước mắt lưng tròng bởi cái giá lạnh mùa đông cũng như cái tê cóng của cuộc đời. Căn phòng tập thể ụp xụp, tường đất, mưa thì dột, nắng thì xuyên vào nhà. Mỗi khi nghe tin gió bão là tôi lại “lo hơn bố chết” . Chỉ biết ôm con khóc, những câu thơ đẫm nước mắt từ nơi đây được ra đời: “Con gầy như dẻ mạ non/ Mẹ ru gió bấc vo tròn khổ đau...”. Có ai ru được gió bấc đâu, chỉ có người đàn bà góa bụa như tôi mới ru được gió mà thôi.

     Năm tháng cứ thế! Dằng dặc nỗi cô đơn, dằng dặc nỗi buồn bốn mùa mưa nắng… Bên dòng Chanh Dương gặp những ngày lũ, nhiều hôm nước tới nền nhà,… Cả dãy tập thể chìm trong xa vắng… Chỉ còn mình tôi với mẹ già và 3 đứa trẻ bơ vơ...

     Phía trước là con đường gập ghềnh đầy gian nan vất vả, không biết mình có vượt được qua? Bao nhiêu câu hỏi luôn trăn trở trong tôi? Rồi, ông trời đã có mắt: Tôi xin được 100m2 đất mặt đường, mượn tiền ngân hàng làm nhà. Sau đó, ngôi nhà ấy bán được hơn hai cây vàng vào năm 1987. Có số vàng ấy tôi xin chuyển công tác ra thành phố, đủ mua căn nhà cấp bốn cho 4 mẹ con tôi và bà ngoại ở. Một bước ngoặt lịch sử trong đời. Vào thời điểm đó xin chuyển từ Vĩnh Bảo ra nội thành là một việc không phải ai cũng làm được. Bạn bè ở Vĩnh Bảo đã phong cho tôi là “Nữ tướng” và đó thật là điều huyền diệu. 

    Tôi ngẫm sâu sắc câu ngạn ngữ: “Khi cuộc sống sung túc, phẩm hạnh lớn nhất là sự điều độ. Khi gặp vận hạn. Phẩm hạnh lớn nhất là sự kiên cường”. Đúng vậy. Phải kiên cường. Kiên cường mới bước tiếp được.

     Năm tháng qua đi, các con đã khôn lớn trưởng thành. Chỉ buồn là một mình không thể nuôi được các con ăn học bằng những gia đình khá giả khác... Bây giờ các con đã có cuộc sống riêng. Tôi đã có 2 cháu nội, 5 cháu ngoại, sắp có chắt rồi. Cháu nội, ngoại đã vào đại học, đó là niềm vui hạnh phúc vô bờ bến. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, nỗi buồn không ai chia sẻ được. Thương con trai, con gái út còn vất vả. Những “cơn sóng bạc đầu” vẫn rình rập trước gia đình tôi. Tôi luôn dạy các con hãy bình tâm, hãy sống thật tốt, sống làm người tử tế, sống biết lễ nghĩa rồi sẽ vượt qua tất cả. Bài thơ viết cho con gái ngày lên xe hoa: “…Làm dâu phải biết lo toan/ Dù ai nói dọc nói ngang cũng nhường/ Trái tim giàu có yêu thương/ Thì con vượt được con đường chông gai…”. 

     Bây giờ “trời đã yên, biển đã lặng”. Con thuyền tôi đang cập bến bình yên. Sáng nào tôi cũng thắp hương lễ Phật, cầu xin cho con cháu được an lành. Dạy cho con cháu biết tu tâm tích đức để có cuộc đời đẹp hơn. Cảm ơn Anh đã cho em ba đứa con. Các con là tình yêu của Anh. Là linh hồn Anh. Hình ảnh Anh mãi ngự trị trong trái tim em. Tình yêu đã chắp cánh cho em vượt qua suốt chặng đường gian khổ để có hôm nay, con cháu chúng ta đã trưởng thành. Em luôn tự hào mình đã làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ thủy chung...

     Chết là hết. Chỉ sống mãi với ai biết làm nên giá trị cuộc đời mà thôi. Cầu mong cho linh hồn Anh siêu thoát về miền Tây phương cực lạc!

 

                                                               Cuối đông, ngày 31/12/2016 
NTTN