/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Tinh thần Giáp Văn Cương

Trong những ngày biển động này,nhắc tới “tinh thần Giáp Văn Cương” như để tưởng nhớ tới Ông, học tập lòng yêu Biển Mẹ

Tinh thần Giáp Văn Cương

Đỗ Thái Bình
 

   Nhận thức đúng đắn về Biển Cả là một khó khăn với dân tộc ta.Có thể thấy ngay điều đó khi ta biết rằng dấu vết của các con tàu cổ Đan Mạch,Hà Lan chìm trong vùng biển của ta chứng tỏ những đại diện của dân tộc nhỏ bé này của châu Âu đã đến với ta từ vài thế kỷ xa xưa và ngày nay họ vẫn đang là người hỗ trợ ta đóng các con tàu giữ biển tốt nhất như tàu CSB-8001 đang chiến đấu chống lại sự có mặt khốn kiếp của cái giàn khoan 981.
  Trong khi đó ,tới tận những năm 70 ,tức là mới chỉ ba chục,bốn chục năm gần đây ,chúng ta mới thực sự bắt đầu có một cái nhìn khát khao về Biển bằng sự kiện Giáp Văn Cương từ một vị tướng chỉ chuyên trận mạc trên đất liền lại xuất hiện trên biển lúc đã ở tuổi 56 ,một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với Ông, để làm việc với những con người được coi là “lính biển” chuyên nghiệp vì ngay từ năm 1950 ,một đoàn thủy binh 100 người đã vượt biên giới đi học tại Trạm Giang Trung Quốc ,rồi biết bao các đoàn được tu nghiệp tại Thượng Hải,Cáp Nhĩ Tân,những học viện hải quân Liên Xô đáng gờm trong con mắt bình luận của phương Tây như viện mang tên nguyên soái Voroshilov,đô đốc Gorshkov (nay là Kuznetsov, viện đi đầu trong cuộc diễu binh khoe cơ bắp nước Nga ngày 09/5/2014 vừa rồi)…Một “tay ngang” nói như người Anh là một tay “landlubber"lại đòi sánh với các con sói biển ?Nhưng ,như tất cả các hồi ức của những người cùng làm việc với Giáp Văn Cương đều nhận định : Ông đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức về Biển của hải quân và cho cả giới lãnh đạo,”thay da đổi thịt “ cho hải quân (chữ của chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm) ,có những quyết sách “có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn,cả trước mắt lẫn lâu dài,trên mọi phương diện trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền “ (báo cáo thành tích để đề nghị phong anh hùng của hải quân năm 2009),nếu không có Ông ,chúng ta không chỉ mất Gạc Ma mà số mất mát còn lớn hơn nhiều …Ông chỉ có mặt với hải quân từ năm 1977 tới 1980 và từ 1984 tới 1990 ,tổng cộng có 9 năm trời ,nhưng ,hình như có một nhận định thống nhất  là nếu không có Giáp Văn Cương,chúng ta không có diện mạo biển ngày hôm nay với hệ thống giàn DK 1 trên thềm lục địa và hàng chục điểm đóng quân đồn trú kiên cố trên quần đảo Trường Sa ,với những Trường Sa Lớn,Song Tử Tây,với không quân –hải quân,với biên đội tàu ngầm…những việc mà Ông đã vạch ra ngay khi về hải quân mà chính một số sĩ quan biển “có học” cho là điên rồ,không phù hợp với điều kiện đất nước…
Trong khi đó , người chỉ huy có tầm nhìn của biển lại gặp phải muôn vàn đố kỵ,xầm xì.Từ một chàng thanh niên quê Bắc Giang “đẹp trai,học giỏi.con nhà giàu” ,một cựu học sinh trường Bưởi,có vợ là con gái Hà Nội ,dù đã “vô sản hóa”,đã lên đường ngay những ngày đầu của Cách Mạng Mùa Thu , đã lập công xuất sắc ngay từ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn  Ba Tơ lừng danh với trận đánh đèo Hải Vân vào ngày 25/05/1947,có lẽ Ông cũng không thoát khỏi những xăm xoi của “chủ nghĩa lý lịch” khi “có tài là có tật” ,khi người ta cố soi mói vào những góc khuất tất phải có của mỗi con người,khi đấu tranh giữa cái cũ và cái mới nhằm “đổi mới” là vô cùng khốc liệt,nhất là khi nó được ngụy trang bằng vô vàn mỹ từ,học thuyết…Bằng hành động cụ thể,Ông đi tìm hiểu  biển đảo ngay ngày đầu về quân chủng,một ông tướng bộ binh đi biển không hề say sóng dù cấp gió gần tới bão tố ,trong khi nhiều sĩ quan “có học về biển” nôn thốc tháo ,ông cùng các kỹ sư thảo luận về đưa pháo trên bờ đặt lên tàu khi ta còn thiếu thốn,một việc trái với “lý thuyết” vì pháo tàu phải là pháo chuyên dùng với cái tên là “pháo hạm”…Khi nói về phẩm chất quả cảm ,quyết chiến,tấn công ,quyết đổi mới hạm đội,thế giới thường nhắc tới đô đốc Nelson người Anh và những người có phẩm chất đó được coi là có “tinh thần Nelson “.Với chúng ta ,thực sự đã có một tấm gương sáng về phẩm chất  con người của  Biển,một “tinh thần Giáp Văn Cương”
Đó là người của Biển không nô lệ vào những khuôn mẫu xơ cứng,luôn lấy thực tiễn làm chỉ tiêu kiểm tra hành động.Chuyến đi nghiên cứu ,kiểm tra biển đảo hơn một tháng trời do Ông dẫn đầu cùng với hơn một trăm cán bộ của đủ các cơ quan trong binh chủng được thực hiện ngay khi Ông từ bờ xuống biển .Ông đã điều toàn bộ cơ quan tham mưu chỉ huy từ Hải Phòng vào Cam Ranh để chỉ đạo cuộc chiến giữ Biển năm 1988.
Đó là tinh thần học hỏi không ngừng,không dấu dốt, chuyến đi dài ngày đó cũng chính là dịp để Ông học hỏi để chỉ huy chiến đấu trong môi trường biển,một môi trường xa lạ,với tàu thuyền,vũ khí ,các phương tiện bảo đảm hàng hải mà loài người có được từ hàng  thế kỷ xa xưa .Một ví dụ nhỏ,trong các chuyến đi đó,đại tá Trần Phong phải chỉ cho ông bắt đầu đọc hải đồ ,một việc a bê xê của người đi biển nhưng với bẩm tính thông minh ,có tư duy sắc bén,Ông đã tiếp thu rất nhanh .Trong chiến dịch bảo vệ Trường Sa CQ-88 ,ông đã chỉ đạo rất sâu sát,cụ thể với nhiều câu chuyện anh em truyền miệng ca ngợi  Ông đã thực thi như một tướng lĩnh hải quân được đào tạo chuyên nghiệp !
Đó là tấm lòng bao dung rộng mở của người đi biển.Cực kỳ nghiêm khắc khi thi hành quân lệnh nhưng ưu ái ,thương yêu lính từ tận đáy lòng.Không phải ngẫu nhiên mà lính đảo gọi “Bố Cương” đầy yêu mến khi người chỉ huy cao nhất của quân chủng cùng sống ,cùng chia xẻ ngọt bùi với lính.Và với các sĩ quan ,Ông lắng nghe các ý kiến phản bác ,thích nghe ngườ ita “cãi” lại. 
Đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng ,kiên quyết trước kẻ thù bành trướng từ phương Bắc , nhưng hết sức khôn khéo ,lấy yếu thắng mạnh .Phương pháp “ủi bãi “ –một chiến thuật  hải quân đã được dùng trong nhiều xung đột trên thế giới –đã được Ông chỉ đạo sáng tạo  để cắm cọc giữ vững chủ quyền với chiếc pông tông 1000 tấn Đ2 neo chết  tại Đá Lát với tàu 505 ủi bãi giữ Cô Lin…
Ông mất đã 25 năm  nên không có dịp được nhìn thấy hạm đội ngày càng lớn mạnh,với các tàu pháo ,tàu tuần tra tự đóng trong nước,những buổi lễ thượng cờ hoành tráng với đội ngũ hải quân đẹp đẽ trong đồng phục trắng loát,những chiến sĩ và sĩ quan trẻ trung được đào tạo cơ bản …theo những kế hoạch mà Ông đã vạch ra.Ý định lấy một hòn đảo tại Trường Sa mang tên Ông chưa được thực hiện nhưng điều đáng suy nghĩ là “tinh thần Giáp Văn Cương” đã được phát huy ra sao .Là người đã nhìn thấy tầm quan trọng của kinh tế biển,mối liên hệ hữu cơ giữa sức mạnh kinh tế ,văn hóa biển và sức mạnh hải quân mới tạo nên “Sức Mạnh Biển “của dân tộc ,Ông đã vạch ra nhiều chương trình ,là người quyết định cụm Dịch vụ Khoa học Kinh tế kỹ thuật ,gọi tắt là nhà giàn DK 1.Có vẻ như “Sức Mạnh Biển” trong 25 năm qua chưa được xây dựng đúng với yêu cầu cần có ,mặc dù “Chiến Lược Biển” được vạch ra nhưng những đổ vỡ của Vinashin và Vinalines ,hai quả đấm thép với ước vọng xây dựng một công nghiệp đóng tàu và một đội tàu biển mang thương hiệu quốc gia đã hoàn toàn tan ra mây khói chứng tỏ “Chiến Lược “ đó có vấn đề cả về lý luận lẫn thực tiễn !
Trong những ngày biển động này,nhắc tới “tinh thần Giáp Văn Cương” như để tưởng nhớ tới Ông, học tập lòng yêu Biển Mẹ từ nơi  Ông  ,vị đô đốc dũng mãnh đầu tiên của Hải quân Nhân Dân Việt Nam ,người làm cho kẻ thù bành trướng phương Bắc phải khiếp sợ và căm ghét
GHI CHÚ ẢNH :
Đô đốc Giáp Văn Cương 
Theo trannhuong.com